Nên có nhận thức đúng về giá gạo xuất khẩu của Việt nam ?

Nên có nhận thức đúng về giá gạo xuất khẩu của Việt nam ?
Trước hết , tôi muốn nói giá gạo xuất khẩu thực của Việt Nam không thấp như ông Trần Đình Bích nói. Có thể ông không có điều kiện để biết được giá thực tế xuất gạo của Việt Nam.
-Trang webside tỉnh Kiên Giang ngày 4/6/2010 đưa tin :
Bắt đầu trích :
“Ngày 3-6, tại TP. Long Xuyên ( An Giang), Hiệp hội lương thực Việt Nam đã họp Hội đồng quản trị mở rộng… Ông Huỳnh Minh Huệ – Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: trong tháng 5-2010, các doanh nghiệp đã xuất khẩu thêm 712.007 tấn gạo, giá gạo xuất khẩu bình quân 417,74 USD/tấn, đạt giá trị FOB trên 297,4 triệu USD (giá trị CIF 321,692 triệu USD), nâng tổng sản lượng xuất khẩu gạo trong 5 tháng qua là 2 , 689 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 454,03 USD/tấn, tăng 42,54 USD/tấn so với năm 2009 “
Hết trích
– Trang webside của Viện Khoa hoc Kỹ thuật Miền nam với đường link như sau :
(http://www.iasvn.org/content/detail.php?catid=108&subcatid=327&contentid=2367&langid=0 )
(Trang này đã xóa)
Đưa tin : GIÁ GẠO XUẤT KHẨU THÁNG 5-2010
 
Bắt đầu trích : 
” Giá gạo Việt xuất khẩu trung bình từ tháng 1 đến tháng 5, năm 2010 theo FAO Rice Price Update – June 2010: 
Gạo Viet 5% là 401 USD / tấn so với cùng kỳ năm 2009 là 426 USD/tấn (giảm 8,1%) 
Gạo Viet 25% là 375 USD / tấn so với cùng kỳ năm 2009 là 386 USD/tấn (giảm 2,9%) 
Gạo Thái 5% là 505 USD / tấn so với cùng kỳ năm 2009 là 575 USD/tấn (giảm 12,2%) 
Gạo Thái 25% là 448 USD / tấn so với cùng kỳ năm 2009 là 471 USD/tấn (giảm 4,9%) “
Hết trích. 
 
Như vậy báo cáo thị trường của IASVN và Vinafood là khớp.
Thực tế giá bán gạo là bao nhiêu ?
Một tàu mang cờ Việt Nam chở 4700 tấn gạo đến Philippine vào tháng 5/2010. Vì tàu trên mang đăng kiểm Việt Nam nên chủ tàu phải trả khoãn phí do mang đăng kiểm Việt Nam cho người mua hàng.Để có thể thu được khoãn tiền trên, Công ty mua gạo ở Philippine phải có văn bản gửi chính quyền Philippine yêu cầu xác thực giá mua bán gạo và văn bản trên chuyển đến cho chủ tàu Việt Nam.
 
Văn bản khai của Nhà nhập khẩu gao Philippine có xác nhận của chính  quyền để thu tiền tàu Việt Nam mang đăng kiểm Việt Nam. 
 
Tác giả viết bài báo này đã xóa tên nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và tên con tàu chở hàng vì mong muốn đây chỉ là một “sự việc” cần nghiên cứu vì lợi ích chung. 
Nghiên cứu tài liệu trên, ta thấy giá xuất CIF với gạo bao 25% tấm USD 664.9/ MT.
Như vậy so với giá gạo 25% tấm của IASVN và Vinafood là 375 USD/MT thì giá thực bán như trên tài liệu của Philippine là quá cao !
Nghiên cứu giá vận tải trong hợp đồng là 25 USD/MT nhưng chủ tàu chỉ ký được với nhà xuất khẩu gạo Việt Nam với giá 21,5 USD/MT và chủ tàu phải trích 6.250 USD trong tiền cước để trả cho người mua hàng Philippine vì tàu có đăng kiểm Việt Nam.Với một nước nghèo như Philippine, việc họ  yêu cầu cấp đăng kiểm Nhật, Pháp… để tăng giá mua gạo thực ra là thủ thuật để “lột” lại tiền của chủ tàu Việt Nam. Đây là cái kém của nhà xuất gạo Việt Nam khi đàm phán. Họ chuyển sự tổn thất cho chủ tàu Việt Nam, đó là chưa kể họ ký hợp đồng vận tải biển với các điều kiện tổn thất thời gian xếp dở hàng đều do chủ tàu Việt nam phải gánh chịu. Có trường hợp một tàu Việt Nam phải dỡ 4700 tấn hàng tại cảng Bintulu – Malaysia gần 50 ngày.
Chúng ta cùng tính toán chi tiết khoản thu của các bên như sau : 
Như vậy tổng giá cước : 25 USD x 4700 MT = 117.500 USD
Nhà xuất khẩu gạo Việt Nam hưởng : 3.5 USD x 4700 MT = 16.450 USD chiếm 14 % tổng cước vận tải.
Nhà nhập khẩu Philippine hưởng : 6.250 USD chiếm 5,32 % 
Chủ tàu thực sự chỉ thu 80 % giá cước.  
Trong tập quán vận tải biển thế giới, người chủ hàng được hưởng không quá 2,5% cước vận tải biển.
Với những số liệu biết nói trên chúng ta thấy giá gạo xuất FOB là 664,9- 25 = 639.9 USD/MT 
Như vậy giá xuất thực so với giá trên thị trường ( chưa tính phí bảo hiểm ) là 1,71 lần.
Như vậy giá gạo Việt Nam bán trên thế giới không thấp như mọi người tưởng ! 
Với chủ tàu , mỗi chuyến chở hàng gạo phải trả tiền do mất hàng. Dù có mua bảo hiểm, nhưng chủ tàu cũng phải trả khoãn tiền tối thiểu cũng mất khoãn 3.000 USD.
Việc nhà xuất khẩu gạo Việt Nam hưởng đến 14 % cước vận tải biển và nhà nhập khẩu gạo Philippine ăn theo 5,32 % cước vận tải biển và bồi thường do mất hàng cùng chi phí ngày tàu chờ đợi đã chỉ ra một trong các nguyên nhân đội tàu biển Việt Nam đang bị chặt chân trên trường đua cạnh tranh vận tải biển trong khu vực. 
Vậy khoản lợi lớn của nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đi đâu ?
Phải chăng các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam phải đổ tiền cho chi phí tồn trữ,chi phí tổn thất khi tồn trữ, chi phí chuyển tải hàng từ Nhà máy xay xát đến con tàu biển là quá lớn , chi phí mất hàng , chi phí giảm chất lượng hàng, chi phí đi lại giải quyết hậu quả do mất hàng và giảm chất lượng hàng ?
 
Có người cho rằng thị trường Philippine là thị trường đặc biệt. Song dù thị trường Chính phủ hay thị trường mở cho các Doanh nghiệp với các thành phần kinh tế khác nhau, khi chưa có yếu tố nâng cấp giống lúa, các yếu tố sau đây quyết định giá gạo Việt Nam : Phải đủ số lượng hàng và giao đúng thời gian theo hợp đồng; chất lượng hàng khi xếp xuống tàu phải như mẩu chào hàng; tốc độ xếp và dở hàng phải cao như thông lệ quốc tế; chất lượng hàng phải duy trì trong quá trình vận tải biển; số lượng hàng hóa giao tại cảng đến phải đúng như khi nhận hàng ở cảng xếp.  
Chúng ta biết Việt Nam đã xuất khẩu gạo cuối thập niên 1980, nhưng đến nay vẩn chưa có một cảng chuyên dùng xuất khẩu gạo. Satake là nhà máy xay xát hiện đại đầu tiên của Việt Nam lại được đặt tại Chợ Đệm nơi có mớn nước dành cho xà lan chỉ 500 tấn. Công đoạn chuyển tải gạo từ Nhà máy ra phao neo chuyển sang tàu lớn là không thể quản lý về chất lượng và số lượng. Chính vì vậy, người mua gạo Việt Nam dù có mua giá cao nhưng bị mất hàng và chất lượng thấp nên thực ra họ vẩn bị thiệt thòi và mất nhiều thời gian để giải quyết hậu quả.
Nếu người Việt Nam không thấy những khiếm khuyết của mình mà cứ trách thế giới thì còn làm 
ăn với ai ! 
Để giải quyết bài toán luồng và cảng cho ĐBSCL, tôi đã tìm ra lý thuyết mới về sự hình thành đê biển bằng cát ở Việt Nam và ứng dụng nó để định vị cảng cho ĐBSCL. 
Từ năm 1996 tôi đã đề xuất cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo tại xã Bình Khánh huyện Cần Giờ, TP. HCM. Đến năm 2012 tôi đề xuất thêm cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo tại Trần Đề tỉnh Sóc Trăng. Cả hai cảng trên đều tiếp nhận tàu biển 30.000 tấn đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cảng cho ĐBSCL. Hai cảng chuyên dụng trên đã được đăng ký bản quyền phát minh và đang cùng Công ty tư vấn nước ngoài nghiên cứu và phát triển. Tôi mong muốn được hợp tác với các Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến các mục tiêu trên. 
Để liên kết “các Nhà”, từ năm 1993 một nhóm chuyên gia của Phân hiệu Đại học hàng hải phía Nam nay là Đại học GTVT TP HCM gồm ông Hiệu trưởng Phạm Hồng Sơn, TS Phan Nhiệm,Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trọng và KS Doãn Mạnh Dũng do KS Doãn Mạnh Dũng làm nhóm trưởng đề xuất “Ngân hàng thóc”. 
Những nghiên cứu trên đến hôm nay vẩn hoàn toàn đúng. 
Tại sao chúng ta không đối thoại với nhau mà để sự việc tồn tại trên 20 năm và ngày càng gay gắt hết năm này sang năm khác!
Tôi mong rằng bài viết này sẽ đến Chính phủ và các Bộ có liên quan.Tôi hoàn toàn tự tin sẽ giúp Chính phủ đưa ra các giải pháp cụ thể để xây dựng cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo kết hợp với hệ thống lưu trữ thóc và xuất nhập các hàng hóa khác cho ĐBSCL.
Tôi hoàn toàn tin rằng, người Việt Nam chúng ta thừa trí tuệ để vượt qua những khó khăn hôm nay !
KS Doãn Mạnh Dũng