Tinh thần, nhân cách Trần Xuân Giá- Lê Vũ Khánh
Anh Doãn Mạnh Dũng trình bày về tiềm năng tuyến nước sâu của Việt Nam, coi đây là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, trước hết và trực tiếp là kinh tế biển, trong đó dự án cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong được coi là bước đột phá.
Cá nhân tôi, nguyên là cán bộ dưới quyền của ông Trần Xuân Giá, thời ông làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nên đã có dịp được phục vụ, cộng tác dưới sự chỉ đạo của ông nên phần nào hiểu được tinh thần, cốt cách của ông, một vị Giáo sư, Tiến sỹ ở cương vị Bộ trưởng. Tôi cũng đã có điều kiện được gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với nhiều thành viên trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ lúc đó, nên trong chuyến đi thăm vịnh Vân Phong và quá trình hội thảo tại Nha Trang, đã tranh thủ cung cấp thêm thông tin về dự án này cho ông Trần Xuân Giá và các thành viên khác. Sau bài trình bày của anh Dũng, cả hội thảo đã trao đổi, bàn luận thêm về chủ đề này, tuy nhiên chưa có kết luận rõ ràng.
Sau hội thảo, chúng tôi rất mong mỏi, chờ đợi ý kiến của Ban tổ chức hội thảo về trình bày, đề xuất, kiến nghị của chúng tôi về vấn đề “Tiềm năng tuyến nước sâu” và cụ thể là dự án cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong. Chúng tôi càng đặc biệt lo lắng hơn khi được biết rằng chỉ vài ngày sau hội thảo Nha Trang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, lúc đó đã nghỉ, nhưng vẫn có uy tín và ảnh hưởng rất lớn, đã có kiến nghị về việc dành khu vực vịnh Vân Phong cho riêng mục đích du lịch. Chúng tôi cũng được biết rằng ngay từ năm 1991, đương kim Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc đó đã đi khảo sát khu vực vịnh Vân Phong, trên cơ sở ý tưởng và đề xuất của phía Singapore về việc phát triển khu vực này thành một khu du lịch sinh thái. Trong chuyến trực thăng bay khảo sát năm đó có ông Trần Xuân Giá cùng với một vài vị khác mà vào thời điểm của cuộc hội thảo tại Nha trang này, đều là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng hoặc là đại biểu tham dự hội thảo, cùng tham gia. Việc có ý kiến khác với ý kiến chủ đạo của cấp trên mình, đặc biệt là của người từng là cấp trên trực tiếp (khi ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ thì ông Trần Xuân Giá làm Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trước khi ông chuyển về Bộ Kế hoạch Đầu tư, rồi sau này làm Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ), là việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên ông Trần Xuân Giá đã lựa chọn cái cách khó khăn đó. Ông cũng chẳng nói gì với tôi về việc ông và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ lúc đó mà ông làm Trưởng Ban đã đi đến việc ra một văn bản, ủng hộ cho ý tưởng xây dựng cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong, phát triển kinh tế biển như thế nào. Gần 2 tuần sau hội thảo, tôi nhận được điện thoại của ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, cũng là một thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ông Lưu Bích Hồ cho biết rằng trên cơ sở tổng hợp những ý kiến trình bày, trao đổi tại Hội thảo Nha Trang, thông tin từ những nguồn khác, Ban Nghiên cứu đã họp bàn và quyết định ra một văn bản, do ông Trần Xuân Giá ký, gửi Thủ tướng Phan Văn Khải và Chính phủ, ủng hộ ý tưởng khai thác tiềm năng tuyến nước sâu, phát triển cảng Trung chuyển quốc tế ở Vân phong. Tôi hiểu rằng, để có được sự nhất trí của các thành viên Ban Nghiên cứu, gồm toàn những bộ óc sắc sảo, hàng đầu về tư tưởng, chiến lược kinh tế của Việt Nam qua nhiều thời kỳ mà cá nhân tôi luôn dành cho các vị sự tôn trọng, kính nể cao nhất, hẳn cũng chẳng phải là việc dễ ràng. Chính vì thế, việc ra được văn bản này mà anh Doãn Mạnh Dũng trích dẫn trong bài viết của anh, đã thể hiện trí tuệ, tinh thần, ý chí của ông Trần Xuân Giá, khi xét thấy vấn đề đúng thì dù khó khăn thế nào cũng ủng hộ và quyết tâm bảo vệ ý tưởng đó. Chính quyết tâm của ông ủng hộ ý tưởng về cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong càng khẳng định thêm tính đúng đắn của ý tưởng phát triển cảng này. Chúng tôi cũng luôn phấn đấu theo tư tưởng đó mà kiên trì ủng hộ cho ý tưởng phát triển một cảng Trung chuyển quốc tế tại Vân Phong, dù rằng trong suốt thời gian qua, dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, cả chủ quan và khách quan.
Cũng có thể hiểu được ý tưởng về việc chỉ phát triển du lịch tại khu vực vịnh Vân Phong như ý của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại thời điểm 1990 – 1991, chúng ta vẫn chưa hình thành được chiến lược kinh tế biển. Ngành hàng hải với hệ thống cảng suốt dọc chiều dài bờ biển với 3 cụm cảng cửa ngõ ở Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh kết nối với thế giới, chỉ cần mở rộng thêm đã được coi là đủ. Chỉ đến khi kinh tế thế giới phát triển mạnh, ngành hàng hải bùng nổ, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, người ta đóng thêm những con tàu mới có kích cỡ ngày càng lớn để tận dụng tính kinh tế theo quy mô thì vấn đề cảng Trung chuyển quốc tế mới càng trở nên bức xúc. Tại thời điểm 2001, khi mà nhu cầu vận tải biển tăng nhanh, công suất cảng không đủ đáp ứng, chỉ riêng miền Nam Trung Quốc hàng năm đã thiếu hụt công suất cảng tới 20 triệu TEU để xuất, nhập hàng đi Châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi cảng container Thượng Hải của họ chưa hình thành, còn các cảng Singapore và Hongkong đều đã tới ngưỡng, giá mà Việt Nam có được một cảng trung chuyển Quốc tế, trước mắt thu hút một phần nguồn hàng trên, đồng thời phục vụ cho nhu cầu trung chuyển của chính Việt Nam sẽ là một lợi thế lớn. Đất nước Singapore, kinh tế Singapore bắt đầu đi lên từ cảng biển và trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế. Họ hiểu quá rõ kinh tế biển nên càng không muốn có ai cạnh tranh với họ và vì vậy khuyên ta nên phát triển du lịch sinh thái. Do nhiều nguyên nhân mà đến nay, dự án cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong vẫn chỉ là những chiếc cọc đóng dở, trong khi các điều kiện thuận lợi tại thời điểm xưa đó đã thay đổi.
Tôi đã đi hơi quá xa từ chủ đích ban đầu là cảm xúc cá nhân của tôi về ông Trần Xuân Giá. Hôm nay, ông đang phải chuẩn bị đối mặt với những điều khắc nghiệt, trớ trêu nhất trong cuộc đời, sự nghiệp của mình. Ông sẵn sàng đối mặt và chấp nhận nó như hệ qủa của một bước xảy chân của một con người dám quyết, dám làm, dám chịu. Ít phút trao đổi qua điện thoại với tôi, giọng ông vẫn sang sảng, vẫn cuốn hút như xưa. Ông không nói nhiều về cá nhân mình, về căn bệnh mà ông đang mang, về phiên tòa sắp tới cùng với những phán quyết có thể, mà vẫn đau đáu một nỗi niềm làm sao để cho doanh nghiệp, người dân có thể phát triển được chính mình để đóng góp cho nền kinh tế, xã hội của cả đất nước này cùng phát triển. Dù rằng ngày mai, phán quyết của tòa là thế nào, tôi vẫn tin vào một tinh thần, một nhân cách Trần Xuân Giá.
18/03/2014
Lê Vũ Khánh