AI LÀ CHỦ CỦA KHU KINH TẾ GANG THÉP VŨNG ÁNG ? – Hồ Minh Châu

Ở đây, chúng ta hãy thử tìm hiểu về Formosa Hatinh Steel và các công ty nước ngoài có liên quan đến dự án này.

Theo Vietnam Investment Review, dự án gang thép Vũng Áng của Formosa Hatinh Steel có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10 tỷ USD, với công suất sản xuất hàng năm là 7,5 triệu tấn thép, do Formosa nắm giữ cổ phần 95%, và China Steel – công ty sản xuất thép lớn nhất Đài Loan – có 5%. [2]

Tuy nhiên, theo báo Taipei Times ngày 28/9/2013 thì tập đoàn Đài Loan Formosa Plastics Group (FPG) chỉ còn làm chủ 59% của Formosa Hatinh Steel qua 4 công ty con là Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp, và Formosa Petrochemical Corp, vì mỗi công ty con này đã giảm sở hữu cổ phần từ 21.25% xuống 14.75%. Trước đó, công ty con Formosa Petrochemical Corp (FPC), đã công bố trong một bài viết ngày 26/9/2013 trên một trang thông tin mạng của Thị trường Chứng khoán Đài Loan, theo đó việc giảm cổ phần của Formosa Petrochemical Corp dẫn đến cắt giảm đầu tư vào các dự án Formosa Hatinh Steel từ 744 triệu USD xuống còn 516 triệu USD. [3]

Do đó, chưa vội tìm hiểu thêm các cổ đông của tập đoàn Formosa Plastic Group và 4 công ty con là những ai, mà chỉ dựa vào sự kiện ban đầu là Formosa Hatinh Steel (giả sử) thông báo cho Chính phủ Việt Nam là Formosa Plastic Group sở hữu 95% của Formosa Hatinh Steel qua 4 công ty con Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp, và Formosa Petrochemical Corp – có nghĩa là mỗi công ty con làm chủ 23.75% – vậy thì:

(1) khi nào mỗi công ty con từ sở hữu 23.75% giảm xuống 21.25%, trước khi giảm tiếp sở hữu từ 21.25% giảm xuống 14.75%?

(2) ai, hay những ai, là chủ sở hữu mới 36% của Formosa Hatinh Steel (từ tổng sở hữu của tập đoàn Formosa Plastic Group là 95% giảm xuống 59% sau ngày 26/9/2013) – là Đài Loan hay là Trung Quốc, hay là nước khác? Việc bán cổ phần như vậy có hợp luật đầu tư không, và Chính phủ Việt Nam có được thông báo không, v.v. ?

(3) Formosa Petrochemical Corp giảm cổ phần từ 21.25% xuống 14.75% dẫn đến cắt giảm đầu tư vào dự án Formosa Hatinh Steel từ 744 triệu USD xuống còn 516 triệu USD, vậy 3 công ty con Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, và Formosa Chemicals & Fibre Corp thì sao? Và chủ sở hữu mới 36% có sẽ bù đắp cho các khoản cắt giảm đầu tư này không?

B. VẤN ĐỀ NHÂN DỤNG VÀ CƯ TRÚ CỦA NHÂN CÔNG

Như báo Hải quan đã đưa tin ngày 24/6/2014 là “Formosa muốn thiết lập đặc khu gang thép Vũng Áng”, và “Theo FHS, dự án Formosa giai đoạn 1 dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 5.000 nhân viên, đồng thời quy hoạch phát triển tầm cỡ lâu dài trở thành nhà máy gang thép tầm cỡ quốc tế. Dự kiến số lượng nhân viên cao nhất đạt 15.000 người. Nếu tính cả nhân viên và gia quyến sẽ lên đến 60.000 người. Căn cứ vào quy mô này sẽ hình thành nên một thị trấn gần khu vực xưởng”. [4]

Với số lượng nhân công nhiều đến 15.000 người, nếu “tính cả thân nhân của họ là khoảng 60.000 người”, thì phần lớn trong số 15,000 người là người Việt trong nước, hay là người Hoa ở đâu đến? Nếu trong số 15.000 nhân công này mà đa số là nhân công Việt ở địa phương sáng đi tối về với thân nhân – ngoại trừ số luợng kỹ sư hoặc chuyên viên nước ngoài cần có cho dự án – thì không cần phải cấp tiếp visa nhập cảnh vào Việt Nam cho vài chục ngàn người người khác ở “nước ngoài” cũng được “ăn có” theo diện “đoàn tụ” với thân nhân đã được nhập cảnh trước đó để làm việc ở Việt Nam.

Điều đáng chú ý là ông Lee Chih-Tsuen, chủ tịch công ty con Formosa Plastics Corp của Formosa Plastic Group FPG, mới đây nói với báo giới Đài Loan rằng chính phủ Việt Nam phải đảm bảo sự an toàn của công nhân Trung Quốc để họ trở lại làm việc (ý nói 3.000 công nhân Trung Quốc đã được Bắc Kinh di tản khỏi Hà Tĩnh bằng tàu hồi tháng trước?), và rằng nếu những người lao động này không thể tiếp tục công việc trong vòng hai tháng tới đây, lò đầu tiên của nhà máy có thể không được hoạt động vào cuối năm tới (giai đoạn 1). [5]

Với số lượng nhân công nhiều đến 15.000 người, cộng với 45.000 thân nhân, khu kinh tế Vũng Áng sẽ biến thành một “thị trấn giam kín” và là đặc điểm của loại dự án sử dụng công nghiệp thấp để chế biến gang thép. Ở đây, cần trích thêm là ông Lee Chih-Tsuen còn nói thêm với báo giới Đài Loan rằng là Formosa đã chọn xây dựng nhà máy gang thép tại Việt Nam bởi vì Việt Nam có rất ít các nhà máy trong nước, và vì vậy Việt Nam không cần phải lo lắng về số lượng carbon dioxide sẽ thải ra từ nhà máy gang thép này. [6]

Theo một tờ báo mạng chuyên về đề tài kim loại, dự kiến Formosa Hatinh Steel vận hành giai đoạn 2 vào năm 2020 với tổng công suất khoảng 22 triệu tấn thép/năm. [7] Thật ra, nghành làm thép không phải là nghành cốt lõi của tập đoàn Formosa Plastic Group và 4 công ty con Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp, Formosa Petrochemical Corp, mà họ nhảy vào ngành làm thép nhờ liên doanh với China Steel biết công nghệ làm thép. Nhưng ngay chính China Steel cũng chỉ đứng hạng thấp trong danh sách ngành làm thép trên thế giới. [8]

Hồ Minh Châu

[1] http://www.vir.com.vn/news/en/investing/government-offers-cost-saving-solutions-to-formosa-steel-project.html

[2] nguồn đã dẫn ở [1]

[3] http://www.steelfirst.com/Article/3263072/Taiwans-Formosa-Plastics-Group-cuts-stake-in-Vietnam-mill.html

[4] http://www.baohaiquan.vn/pages/formosa-muon-thiet-lap-dac-khu-gang-thep-vung-ang.aspx

[5] http://www.taipeitimes.com/News/biz/archives/2014/06/14/2003592689

[6] nguồn đã dẫn ở [5]

[7] nguồn đã dẫn ở [3]

[8] http://www.worldsteel.org/statistics/top-producers.html