Bài học mất Hoàng Sa

Gặp anh Lữ Công Bảy mới biết anh và tôi cùng tuổi, cùng có tuổi thơ ở đất Sài Gòn.Tôi nói với anh Bảy :
-Khi anh đang trong quân ngũ hải quân Việt Nam Cộng Hòa thì tôi đang là thủy thủ tàu Cữu Long 1500 tấn chạy tuyến Hải Phòng- Khu IV cung cấp xăng cho xe tăng ở Trường Sơn. Khi đó bọn tôi lo ngại nhất là đụng độ với lực lượng hải quân bên anh.
 
Anh Bảy nghe và cười thật hiền. 
 
Lịch sử không thể thay đổi, nhưng tôi cảm thấy thật là hạnh phúc vì cả anh và tôi đều may mắn được gặp nhau để hiểu nhau hơn sau 40 năm chiến tranh.
Nhưng thật buồn, sau lời phát biểu của anh Lữ Công Bảy, một vị trong cuộc họp, lúc trao đổi lại dùng từ “ngụy quân”. Tôi hiểu đó là thói quen, nhưng thói quen trên cần điều chỉnh lại vì ngôn từ trên chỉ khoét sâu hơn nổi đau của cả một dân tộc : anh em đánh nhau để giặc đến cướp đất . 
Sau cuộc họp, tôi đã gọi điện xin lổi anh Lữ Công Bảy về ngôn từ trên, dù sao tôi cũng là người mời anh Bảy đến nói chuyện.
Xưa , tôi từ Sài Gòn ra Bắc, tôi khắc khỏai với bài “Hận sông Gianh” mà đã học ở trường tiểu học Bàn Cờ :
Đây sông Gianh nơi biên cương thống khổ,
Đây sa trường nơi nấm mộ trời Đông,
Đây dòng nước Việt còn loang,
Đây cổ độ xưa tàn xương chất đống …
Và cả đời tôi đeo đuổi một ước mơ về một nước Việt Nam hòa bình và thống nhất.
Việc để mất Hoàng Sa là bài học lớn để người Việt Nam hôm nay cần trân trọng sự hòa giải và hòa hợp giữa người dân trong nước :
Nhiểu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
KS Doãn Mạnh Dũng