Bảo hành tàu biển ở Việt Nam như thế nào ?
Trước khi tàu vào Nhà máy, tôi được phân công đến liên hệ với ông Phó Giám đốc H của Nhà máy đóng tàu. Việc đầu tiên , ông Phó Giám đốc yêu cầu phải chấp nhận các chi phí đặc biệt của Nhà máy như hoa tiêu, tàu lai,cảng vụ… Tôi chấp nhận và viết bằng văn bản, mọi chi phí sẽ trã trước khi tàu rời Nhà máy dóng tàu.
Sau khi cập cầu,Thuyền trưởng T thông báo với tôi là tàu lai có đến nhưng thấy từ xa,nên buộc phải tự cập cầu mà không có sự hổ trợ của tàu lai.
Việc thuyền trưởng và hoa tiêu cập cầu không dùng tàu lai là biểu thị năng lực tốt của thuyền trưởng và hoa tiêu nhưng với quyền lợi của chủ tàu thì đó là hành động phiêu lưu,quá nhiều rủi ro không thể chấp nhận được. Việc tàu lai không đến đúng lúc khi tàu cập cầu vẩn có thể xẩy ra do giờ hoa tiêu lên tàu bị thay đổi. Nhưng mọi việc cần được thông báo cho các bên biết để tránh sơ suất khác có thể xẩy ra.Vì vậy tôi hẹn với ông Phó Giám đốc H xin gặp để làm rõ sự việc trên.Ông Phó Giám đốc H đồng ý gặp tôi tại phòng làm việc của ông lúc 1430h. Đúng giờ, tôi và thuyền trưởng bước vào phòng làm việc của Phó Giám đốc H.
Thuyền trưởng T nói câu đầu tiên :
– Sáng nay tàu tôi cập mạn bên ngoài tàu Trường Phát 45 của Nhà máy nhưng không được sự hổ trợ của tàu lai.
Ông Phó Giám đốc H nghe vậy, gọi ngay điện thoại.
Một người lạ mặt bước vào, không cần đối thoại chỉ mặt thuyền trưởng quát :
– Tao thấy mặt mày tại trên ca bin.
Thuyền trưởng Tchưa kịp thanh minh và nói gì thì ông ta chụp mọi thứ có được ngay trên bàn uống nước đập vào đầu thuyền trưởng. Thuyền trưởng T không đánh lại và nghiêng người lùi lại , đầu bê bết máu.
Quá ngạc nhiên, tôi hét lớn :
– Sao lại đánh người như thế này!
Tôi nhảy vào can ngăn và giằng cái chai trong tay người lạ mặt.Nếu ông ta sử dụng được cái chai này thì chắc chắn sẽ gây án mạng.
Tôi vội đưa Thuyền trưởng T đến bệnh viện, sau đó qua chụp cắt lớp. May mắn vết thương chỉ ở phần mềm, nhưng ông thuyền trưởng mệt mỏi vì mất quá nhiều máu.
Trên đường đi tôi cũng kịp gọi ngay cho đại phó Q, thông báo sự việc và ngăn chặn mọi sự va chạm giữa thuyền viên và công nhân nhà máy. Tôi hiểu sự việc sẽ trở nên nguy hiểm nếu không biết kiềm chế.
Lúc đó chúng tôi chưa hiểu vì sao Thuyền trưởng T bị đánh phủ đầu như vậy ? không thể chỉ vì vài triệu tiền tàu lai !
Sau hai ngày, tàu nằm bảo hành nhưng không có kết quả.Khi hỏi lại, Nhà máy thông báo :
– Công nhân đi du lịch, không có người làm việc.
Chủ tàu buộc phải thuê một Doanh nghiệp khác đến sử lý với chi phí 300 triệu đồng. Bảy ngày sau,mọi việc được khắc phục. Chúng tôi buộc phải thanh tóan đầy đủ với Nhà máy như cam kết mặc dù họ không hề cung cấp dịch vụ hoa tiêu cập cầu , còn tàu lai thì đến trể. Mặc khác chúng tôi cũng phải trực tiếp đến nộp các chi phí hoa tiêu vào và ra cảng cho Cty Hoa Tiêu và chi phí cảng phí cho Cảng vụ để có thể rời Nhà máy, rời HP với bao niềm trăn trỡ.
Thành tích của ngành đóng tàu Việt Nam mới đạt được trình độ cắt và hàn thép.Nhưng đã được thổi phồng quá đáng.Vì để tránh “cực hình” của quá trình bảo hành máy móc, nên họ đã áp dụng chiến thuật đánh phủ đầu Thuyền trưởng để Thuyền trưởng mãi mãi phải quên Nhà máy, đừng bao giờ nhắc đến bảo hành , nhắc đến Nhà máy đóng tàu.
Chỉ tội cho con tàu buộc phải quên nguồn góc của mình. Đâu còn như câu ca :
Thuyền ơi có nhớ bến không ?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Những người thủy thủ, vốn vì nghề nên phải sống xa con người nên chỉ mong con người với con người hảy mãi mãi yêu nhau. Mọi việc trong cuộc đời nên được giải quyết bằng thương lượng và trong hòa bình.Đó là ước mơ nhân bản của loài người. Hơn nữa chẳng có nơi nào trên trái đất này như ở đây , khánh hàng lại được “khuyến mãi” bằng những cú đánh chết người như Thuyền trưởng T đã chịu đựng.
Mong rằng tàu chúng tôi đừng và đừng bao giờ phải trở lại Nhà máy đóng tàu để bảo hành!
KS Doãn Mạnh Dũng