Các chính khách và nhóm tự nghiên cứu khoa học

Các  chính khách và nhóm tự nghiên cứu khoa học

Tôi đến dự và có phát biểu đôi lời về chiến lược kinh tế biển Hải Phòng. Sau đó qua anh Phạm Dương, ông  Phan Hiền- cán bộ lão thành Kiến An-  nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa & Thông Tin mời tôi đến nhà để trò chuyện. Ông Phan Hiền mời tôi đến tạp chí Cộng sản trình bày với  sự tham dự của các ông Nguyễn Văn Độ, Thế Gia ,Hồng Sơn, Phan Hiền và vài người nữa. Nội dung chính là dự án cảng Vân Phong – Cảng lớn nhất bán đảo Đông Dương- Trung tâm trung chuyển công-ten-nơ  và nhiều vấn đề khác liên quan đến kinh tế biển. Mọi người thống nhất đề nghị giới thiệu tôi ra Hà Nội để chuyển tư duy trên lên Bộ Chính Trị.
Đầu tháng 7/2001, theo giới thiệu của ông Phan Hiền, tôi ra Hà Nội gặp ông Trần Đông-nguyên là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp. Ông Trần Đông là người đứng ra bảo vệ sự trong sáng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước Hội nghị của Đảng thời ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Dù ông Trần Đông đã lớn tuổi, nhưng ông đã lắng nghe và hỏi tôi từ 9:30h đến hơn 12:00 trưa. Ngày 2/7/2001, ông Trần Đông viết thư gửi Bộ Chính trị, giới thiệu tư duy về kinh tế biển của KS Doãn Mạnh Dũng.

 

Ảnh ông Trần Đông và KS Doãn Mạnh Dũng

Cuối năm 2001, tôi từ Tp HCM ra Hải Phòng họp tổng kết năm và ghé qua thăm Cục Hàng hải ở Láng Hạ. Quyền Cục trưởng  Chu Quang Thứ nói với tôi :
– Nghe tin anh gửi tài liệu lên lảnh đạo nhà nước, tôi và các chuyên gia muốn nghe ý kiến của anh ?
Tôi nhận lời. Việc giải trình thành công. Ông Chu  Quang Thứ tặng tôi 1 triệu đồng.
Đến tháng 5/ 2002, Cục hàng hải mời tôi về Ban cơ sở hạ tầng chuyên trách giải trình dự án cảng Vân Phong.
Đối thoại với Ban kinh tế Trung ương
Cuối năm 2003, Ban kinh tế trung ương mời Cục hàng hải Việt Nam đến làm việc. Tôi tháp tùng Quyền Cục trưởng Chu Quang Thứ cùng các chuyên gia đến làm việc với  ông Trương Tấn Sang và thư ký là ông  Nguyễn Đức Kiên – hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế của Quốc hội. Trong cuộc họp trên ông Trương Tấn Sang hỏi :
– Với vịnh Vân Phong tại sao Pháp không biết , Mỹ không biết mà hôm nay ta mới biết ? Do con người hay do thể chế ?
Ông Chu Quang Thứ trả lời :
– Do cả hai ,vừa ở sự nhận thức của con người,vừa do chiến lược nghiên cứu của chúng ta.
Tôi xin phát biểu thêm :
– Việc phát minh phương pháp vận chuyển công-ten-nơ ra đời năm 1955 tại Mỹ . Pháp rút khỏi Đông Dương 1954 nên thời Pháp chưa có tư duy cảng trung chuyển.Thời Mỹ thì khu vực này rất xa vùng dân cư, đi lại khó khăn, thiếu an ninh. Cảng cho tàu không số của Việt Nam cũng hình thành tại khu vực này nên giới khoa học khó có điều kiện nghiên cứu. Đến đầu thập niên 1990, việc đến khu vực này để nghiên cứu cũng rất kho khăn và tốn kém.
Trong buổi họp, ai đó có đôi lời về cảng Dung Quất. Ông Trương Tấn Sang chặn ngay;
– Về cảng Dung Quất nếu có dũng khí thì nói, không thì nên im lặng !
Nghe vậy, tôi cười và xin phát biểu :
– Ở  bờ biển Đông Việt Nam, các vịnh có cửa quay về hướng Bắc, Tây Bắc  đều bị bồi lấp mạnh.Vì dòng hải lưu tầng đáy và  tầng mặt cùng cộng hưởng và mạnh vào tháng 11, đó là thời gian lũ của sông Trà Bồng, nên dòng hải lưu gây cạn cảng Dung Quất ! 

 

Nghe vậy, ông Trương Tấn Sang quay qua hỏi ông Nguyễn Đức Kiên :
– Anh có biết chuyện này chưa ?
Anh Nguyễn Đức Kiên trả lời :
– Lần đầu tiên được nghe.
Rất tiếc những quan điểm quan trọng trên không được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước thẩm định xác định đúng hay sai ?
Đối thoại với Ban nghiên cứu của Chính phủ
Ban nghiên cứu của Chính phủ tổ chức Hội thảo mùa thu 2003 tại Nha Trang. Cục hàng hải được hỏi có đăng ký bài tham luận không ? Anh Chu Quang Thứ hỏi tôi và tôi đăng ký đề tài “Tuyến nước sâu cũng là tài nguyên quý giá của đất nước”. Tôi đuợc chỉ định viết và trình bày đề tài trên.
Buổi Hội thảo phải làm vào buổi tối vì ngày đi tham quan vịnh Vân Phong. Lần đầu tiên tôi biết được các trí thức lớn của đất nước  như các ông Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn, Trần Xuân Giá, Võ Đại Luợc, , Lưu Bích Hồ, Tương Lai, Nguyễn Văn A, Trần Du Lịch…
Từ bục trình bày bước xuống , tôi nghe ông Trần Xuân Giá trách Lê Vũ Khánh- Phó trưởng Ban cơ sở hạ tầng của Cục Hàng hải- :
– Tại sao  Khánh biết địa chỉ và điện thoại của tôi  mà không sớm thông tin về chuyện này ?
Ông Trần Đức Nguyên đến chúc mừng tôi và hỏi tôi học ở nước nào về !
Tôi trả lời :
– Thưa bác , cháu học ở trong nước !
Sau này tôi được biết ngay trong đêm đó ông Võ Văn Kiệt biết tin, hôm sau ông có thư phản đối gửi ông Phan Văn Khải.
Vài ngày sau cuộc họp, ngày 17/11/2003 ông Trần Xuân Giá – Trưởng Ban nghiên cứu Chính phủ – gửi công văn 671/BNC  lên Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ” sớm có quyết định về chủ trương xây dựng  cảng trung chuyển quốc tế lớn tại vinh Vân Phong”
Chính tính cách độc lập, phải trái phân minh mà tôi luôn luôn kính trọng ông Trần Xuân Giá dù sau này ông không may gặp tai nạn nghề nghiệp.
 
Đối thoại với cựu Tổng bí thư Đổ Mười
Tháng 7/2008 tôi ra Hà Nội. Tình cờ gặp Phan Tùng con bác Phan Anh  và các bạn đến mời ông Đổ Mười tham dự chương trình tin học tổ chức tại Hà Nội. Phan Tùng mời tôi cùng đi. Ngày 13/7/ 2008 cả đòan đến nhà ông Đổ Mười đã gần 11 giờ trưa. Vừa gặp ông Đổ Mười, tôi tranh thủ hỏi ngay :
– Thưa bác, cháu là KS Doãn Mạnh Dũng, cách đây một tháng cháu có thư gửi bác qua bưu điện đề nghị nhà nước không nên giao POSCO Hàn Quốc sử dụng vịnh Vân Phong để luyện thép ?
Tôi chưa nói dứt lời thì  ông Đổ Mười đã kéo tôi đến bàn làm việc và chỉ tập thư mà thư ký của ông đã in sẳn nhiều bản để  gửi các vị trong Bộ Chính trị kèm theo bộ tài liệu của tôi. Tôi xin môt bản copy và ông rất vui vẽ đưa tôi một bản để lưu trữ.

 

 KS Doãn Mạnh Dũng đang giải trình vai trò vịnh Vân Phong với nguyên Tổng bí thư Đổ Mười ngày 13/7/2015 tại Hà Nội

Mọi người đang nói chuyện thì có chuông điện thoại. Ông Đổ Mười cho biết ông Thủ tướng Nguyển Tấn Dũng gọi. Mọi người im lặng để hai ông nói chuyện và đều nghe rõ lời của ông Đổ Mười. Với tôi là người tự nghiên cứu và đi khảo sát bô-xít Tây Nguyên từ năm 1998 nên rất nhậy cảm về phương pháp khai thác nó.    Nội dung đầu tiên ông Đổ Mười đồng ý điều chỉnh giá xăng theo giá thị trường thế giới. Việc thứ hai, ông Đổ Mười nói rất rõ là việc luyện bô-xít  trên Tây Nguyên nên lùi lại đến  khi Việt Nam đủ năng lực giải quyết yếu tố môi trường. Vừa dứt điện thoại, thì tự ông Đổ Mười nói :
– Quên chuyện vịnh Vân Phong rồi !
Ông bảo thư ký quay số lại nhưng không được vì đã đến giờ cơm trưa. Ông nói với tôi :
– Anh yên tâm, tôi sẽ trao đổi với Thủ tướng sau.
Như vậy ông Đổ Mười rất quyết liệt không đồng ý POSCO luyện thép tại vịnh Vân Phong và không tán thành luyện bô-xít trên Tây Nguyên. Đất nước chúng ta cần những con người hành động và có tâm như ông Đổ Mười.Cuộc đời có thể có nhận thức sai và hành động sai. Nhưng quan trọng hơn là dám thay đổi. Bản chất của nó là nằm ở động cơ của con người. Có quyền lực để lo cho dân cho nước hay mưu lợi cho  cá nhân và gia đình hay nhóm thân hữu ?   
 Đối thoại với Chủ tịch nước và các Bộ chuyên ngành
Ngày  14/5/2015  tôi may mắn đựợc dự Hội nghị Việt Mỹ bàn về năng lượng tái tạo tại Tp HCM. Người được mời bận công tác, hỏi tôi có quan tâm không ?. Tôi liên lạc với Ban tổ chức và được mời. Tại  Hội nghị, tôi chỉ nghe từ sáng đến chiều. Khi phút cuối cùng được hỏi các ý kiến khác biệt, tôi thông báo kết quả nghiên cứu của mình. Thông tin đến các quan chức cấp cao và Chánh Văn phòng Chủ tịch nước mời tôi đến trình bày tại Chủ tịch Phủ vào ngày 3/7/2015. Tham dự cuộc họp có  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Cao Quốc Hưng- Thứ trưởng Bộ Công Thương , Tiến sĩ Phạm Trọng Thực Vụ trưởng  Vụ năng lượng tái tạo của Tổng Cục Năng lượng và các chuyên viên.
Giấy mời dự họp thì đề dự án Máy phát điện bằng dòng hải lưu đầu tiên, sau đó là dự án cảng cửa ngõ Trần Đề. Khi trình bày tôi xin phép được trình bày dự án cảng cửa ngõ Trần Đề trước,  vì cả hai dự án đều sử dụng động năng cùng một nguồn năng lượng.Hiện tượng ở luồng Định An và các cửa sông ĐBSCL đều có dấu hiệu chỉ rõ  nguồn năng lượng đang nghiên cứu. Tôi thật sự ngạc nhiên khi ông Chủ tịch nước đã dành đến 2 giờ từ 14:02 đến 16:05 để nghe tôi báo cáo và hỏi lại từng chi tiết.Việc sử dụng dòng hải lưu một chiều dài 1000 km , cách bờ chỉ vài trăm mét và nằm trong vùng lảnh hải 12 hải lý ở miền Trung để phát điện là chiến lược không chỉ có ý nghĩa kinh tế, môi trường mà tác động rất lớn trong việc bảo vệ biển đảo Việt Nam. 

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang hỏi chi tiết về bố cục cảng cửa ngõ Trần Đề cho ĐBSCL.

Ông Chủ tịch  nước kết luận tại cuộc họp :
– Vị trí thực hiện cả hai dự án đều rất nhạy cảm với việc bảo vệ chủ quyền và biển đảo đang gay gắt hiện nay nên cần chống lại hiện tượng núp bóng, đứng  đằng sau các nhà đầu tư  để khống chế Việt Nam. Nên nói ít làm nhiều. Càng tuyên truyền lớn trên báo chí càng bị chống phá ngăn cản dự án.
Sau đó ngày 4/8/2015 chúng tôi đã vượt qua thẩm định của Bộ GTVT về dự án cảng cửa ngõ Trần Đề. Ngày 7/8/2015 chúng tôi tiếp tục vượt qua thẩm định của Tổng Cục Năng lượng – Bộ Công Thưong.
Mặc dầu cả hai dự án đều hấp dẩn với các nhà đầu tư, nhưng khó mà thực hiện trong cơ chế xã hội Việt Nam hiện nay. Cả ngàn năm qua Trung Quốc luôn luôn tìm cơ hội khống chế và buộc Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc. Bài học dự án cảng Vân Phong bị phá vị sợ sức mạnh của nó trong cạnh tranh quốc tế. Khi đất nước còn lệ thuộc Trung Quốc thì đừng mơ có dự án tốt. Hiện nay các cấp chính quyền địa phương cũng như các lực lượng quyền lực đều có sự hợp tác chặc chẽ với các cấp tương đương của Trung Quốc. Đó là hiểm nguy mà nhân dân Việt Nam hôm nay đang chịu đựng. Nhớ khi giàn khoan 981 đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các chiến sĩ hải quân đang quần nhau với tàu Trung Quốc thì các đòan của địa phưởng vẩn làm thủ tục sang thăm hữu nghị Trung Quốc để cùng uống rượu với những chữ vàng !  Phải chăng những  “Thư mời qua Trung Quốc  thăm hữu nghị” là tín hiệu “Tình hình biển Đông vẩn yên tỉnh !” ?

 Lời kết 

Qua các sự việc trên,  đặc biệt việc đối thoại tại Bộ GTVT đã cho chúng ta một bài học lớn rằng  : Chỉ cần “một giọt sương dân chủ” của  Bộ trưởng Đinh La Thăng cho phép đối thoại giữa các nhà khoa học mà những vấn đề trăn trở mấy chục năm qua về luồng tàu biển và cảng cho ĐBSCL đã có hướng phát triển rõ ràng. Nếu nhân dân Việt Nam được cả “một biển dân chủ” thì chắc chắn Việt Nam sẽ hùng cường về mọi mặt, không một thế lực nào dám nhòm ngó hay coi thường Việt Nam.   
KS Doãn Mạnh Dũng