Chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI , suy nghỉ về chiến lược xây dựng đất nước.
Từ năm 1997, Hồng Kong và Singapore đã chấm dứt xây dựng cảng có mớn nước nhỏ hơn -14m . Theo kế hoạch cảng Lạch Huyện có thể tiếp nhận “cỡ tàu vào cảng 20- 30 nghìn DWT đối với tàu hàng bách hoá, bao kiện; 30- 50 nghìn DWT đối với hàng rời và từ 6000 TEU trở lên đối với hàng công- ten- nơ.” Như vậy loại cảng trên có mớn cốt luồng -8,5 m tương tự cảng Sài Gòn và sử dụng thủy triều 3m.Mô hình trên của cảng Lach Huyện cũng chỉ là cảng vệ tinh nhưng lại đưa ra tận Lach Huyện làm tăng chi phí đầu tư đường sắt và đường bộ từ Hải Phòng ra Lạch Huyện. Chưa kể đến hiện tượng bồi lấp từ gió nam vào đúng mùa lũ tháng 7, 8 đẩy sa bồi từ cửa Nam Triệu về phía nam đảo Cát Bà ! Hậu quả Hải Phòng trở thành phòng thí nghiệm của các công ty tư vấn ăn tiền ngân sách và vốn ODA.
Ở miền Trung ,việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với khởi đầu từ sự đề xuất của mấy ông Tiến sĩ học ở Liên Xô về đã báo cáo với lảnh đạo Đảng và Nhà nước đây là “Cảng Dung Quất có độ sâu có thể tiếp nhận tàu hàng 50.000 DWT và các tàu dầu 150.000 DWT” ( Các dự án xây dựng cảng và đường thủy Việt Nam đến năm 2010- NXB Thống kê 1966 trang 82) .Thực chất luồng và cảng tự nhiên Dung Quất chỉ có độ sâu tự nhiên -6,0 m ứng với tàu 6.000 -7.000 DWT ( Công văn 01/CVUB—BQLKCNDQ ngày 09/10/2002 do ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi và ông Trưởng Ban Quản lý KCN Dung Quất ký) . Hậu quả của sự dốt nát về trí tuệ, gian dối trong khoa học và thiếu cả cái tâm với nhân dân đang nghèo đói nên đã đem lại những quả đắng cho cả nước ngày hôm nay.
Bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn nổi tiếng với Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập từ ngày 5/6/2003 với nhiều tiền của, nhưng đến hôm nay chẳng có báo chí nào muốn nhắc lại.
Ở miền Nam , Bộ Giao thông vận tải đã dành được 200 triệu USD để mở kênh Quan Chánh Bố với tuyên bố của các ông Tiến Sĩ tại Hội đồng Khoa học Bộ GTVT ngày 8/3/2007 tại Bộ GTVT : xác xuất thành công của dự án Kênh Quan Chánh Bố là 50/50. Đơn vị thiết kế kênh Quan Chánh Bố cũng là tư vấn thiết kế đê chắn sóng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thép cho POSCO -Hàn Quốc tại Đầm Môn vịnh Vân Phong và cả luồng Sông Soài Rạp và cảng nước sâu Hiệp Phước.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phát triển cảng nước sâu Hiệp Phước.Sau trên 10 năm vẩn lẩn quẩn không mở được luồng Soài Rạp cho tàu 100.000 tấn như “ước mơ” của ông Tiến sĩ ở trời Tây về ( là tác giả của cảng Kỳ Hà và Khu kinh tế mở Chu Lai) mà chỉ đạt cho tàu 15.000tấn. Hậu quả vẩn phải dùng luồng Sông Lòng Tàu.Nhân dân địa phương vẩn đắng cay tiếp tục sử dụng phà Bình Khánh thay vì một chiếc cầu Bình Khánh nối từ huyện Nhà Bè qua huyện Cần Giờ.Vì xây cầu Bình Khánh thì cản trở luồng tàu qua sông Lòng Tàu để đến cảng Hiệp Phước.
Về tổng thể phát triển Kinh tế biển của cả nước ,trong một Nghị quyết quan trọng về Biển lại xác định : xây dựng Đà Nẳng thành trung tâm phát triển kinh tế vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong khi tại Đà Nẳng cảng chỉ có thể tiếp nhận tàu lớn nhất là 30.000 tấn. Vùng Quảng Nam Đà Nẳng không có tài nguyên khoáng sản đủ tạo ra nền công nghiệp lớn. Tuyến giao thông chính đến Lào phải qua Lao Bảo -Quảng Trị.
Vì sao chúng ta gặp những sai lầm trên ?
Chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì cần tôn trọng nguyên lý sau của nền kinh tế thị trường : “Đầu mối giao thông nhỏ thì chợ nhỏ , đầu mối giao thông lớn thì chợ lớn, đầu mối giao thông mất đi thì chợ mất đi.” Đà Nẳng đâu có phải là đầu mối giao thông của miền Trung sao lại giao cho Đà Nẳng chức năng trung tâm kinh tế miền Trung. Kỳ Hà là đầu mối giao thông cấp tỉnh nên giao cho nó chức năng Khu kinh tế mở để lan tỏa cho cả miền Trung thì thất bại là tất yếu.
Cả thế giới biết vinh Cam Ranh sâu và là một hải cảng quý của khu vực. Nhưng nguyên nhân vì sao vịnh Cam Ranh sâu và kín gió thì chẳng ai quan tâm. Vì vậy hiện tượng đề xuất “cảng nước sâu Dung Quất”, đào “luồng Định An” và mở “kênh Quan Chánh Bố ” được tiến hành với những nguồn ngân sách khổng lồ và vốn ODA bất chấp quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên.
Chỉ buồn rằng cả dân tộc Việt Nam sau chiến tranh, từng con người, từng gia đình rất cần cái ăn, nhà ở, đi học và y tế … nhưng tất cả nguồn tài lực đã dồn cho các mục tiêu thiếu hiệu quả để hôm nay người Việt Nam phải mơ ước sang các nước làm nông dân và oshin.
Một cách khách quan , chúng ta tự an ủi rằng lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngọai xâm nên các trí thức về thiên nhiên Việt Nam còn quá ít ỏi. Nên sự sai sót là khó tránh khỏi. Nhưng rất tiếc người Việt chỉ thích khen nhau và rất tránh nghe phản biện.Phản biện cũng được nhưng”chỉ mình sếp xem riêng và xem một mình” như quyết định 97/2009/QĐ-TTG. Để Việt Nam thật sự thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế , tôi cho rằng nên điều chỉnh lại chiến lược kinh tế từng miền như sau :
Miền Bắc từ Nghệ An trở ra là Trung tâm khoa học công nghệ với mục tiêu sản xuất đa dạng với hàng hóa và dịch vụ cao cấp. Hà Nội là trung tâm chính trị không chỉ cho Việt Nam mà là trung tâm đòan kết các nước Đông Nam Á.
Nhiều người Việt lo lắng vì Việt Nam có biên giới với Trung Quốc ! Vậy tại sao chúng ta không coi đó là cơ hội để đưa hàng hóa mà Trung Quốc không thể sản xuất được sang tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc như : nông sản nhiệt đới, cà phê, cao su…
Tại sao chúng ta không tận dụng khai thác dịnh vụ quá cảnh hàng công-tai-nơ từ Vân Nam ra biển.Với quan điểm này chúng ta cần ưu tiên nâng cấp đường sắt Lào Cai-Hải Phòng hơn là ưu tiên mở rộng đường bộ Lào Cai-Hà Nội. Cũng từ quan điểm trên, cảng Hải Phòng phải ưu tiên vị trí có kết nối với đường sắt để giảm giá thành chi phí hàng quá cảnh.Trước đây tôi đã trình bày mô hình cảng Hải Phòng mới tại khu vực sông Ruột Lợn với lảnh đạo Tp Hải Phòng nhưng họ cho rằng quan điểm của tôi không phù hợp với cấp trên ! Tôi nhớ ,9-2004 tôi được cử đi sang Đại Liên Trung Quốc dự Hội nghị “Trung quốc và các nước Đông nam Á quản lý cảng”, một vị TS của Trung Quốc lên trình bày tư duy quy hoạch cảng trong đó có nguyên tắc đầu tiên : “Don’t follow the leaders ”(Không theo chỉ đạo của sếp) .Nhưng ở Việt Nam: “Người biết lại cứ phải nghe theo người không biết !”
Miền Trung từ Hà Tỉnh đến Bình Thuận ,dảy rừng dọc núi Trường Sơn như mái nhà của cả miền Trung. Tiến về phía Tây là chẳng khác rút “rơm trên nóc nhà để nấu cơm”, mưa xuống thì chổ nằm cũng chẵng còn.Vì vậy chỉ có con đường tiến ra Biển Đông. Du lịch chỉ giúp xóa đói giảm nghèo không thể giúp đất nước trở thành cường quốc, nguồn thu không đủ sức bảo vệ Tổ quốc khi có ngoại xâm.Miền Trung nguồn khoáng sản không lớn.Nhưng miền Trung có Vịnh Vân Phong thuận cho mục tiêu cảng Trung chuyển công-tai-nơ quốc tế. Tại sao miền Trung không thể trở thành văn phòng hàng hải của Đông Nam Á với tâm là cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong? Việc khởi động cảng Vân Phong không thể tách rời khu Kinh tế mở Vân Phong với quy hoạch chuẩn của các đô thị tại Vân Phong và khu vực xung quanh, đồng thời cần mở đường bộ và quy hoạch đường sắt từ Vân Phong lên Tây Nguyên.Thực ra mô hình này theo mô típ của Singapore khi mới lập quốc năm 1965.Tây Nguyên là nóc nhà không chỉ của Việt Nam mà còn là nóc nhà của các nước láng giềng Lào và Kampuchia.Nên môi trường tại Tây Nguyên cần được bảo vệ không chỉ cho chính người Việt Nam mà cho cả các nước bạn. Có như vậy chúng ta mới có thể sống trong hòa bình và trong sự yêu thương giữa con người và con người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cùng với các nước bạn.Chính vì lý do này dự án bauxite Tây Nguyên ( khai thác và luyện nhôm tại Tây Nguyên) đã bị phản ứng quyết liệt của nhiều tầng lớp nhân dân trong nước.
Miền Nam như lời khuyên của chuyên gia nước ngoài nên là “bếp ăn của thế giới”. Nguồn lợi nông thủy sản của miền Nam giúp miền Nam trở thành một “bếp ăn của thế giới”.Do đặc điểm tự nhiên của bờ biển Vũng Tàu và Nam Bộ nên khó tìm vị trí xây dựng cảng Trung chuyển quốc tế . Việc xây dựng cảng Trung chuyển sẽ đòi hỏi chi phí cải tạo môi trường biển rất lớn. Vì vậy hệ thống cảng biển khu vực Nam Bộ cũng chỉ là hệ thống cảng vệ tinh.Với Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi cho rằng cửa Định An không thể nạo vét được, việc mở Kênh Quan Chánh Bố sẽ tạo ra cửa Định An mới, duy nhất cửa Trần Đề sẽ là cửa ngỏ ra biển của Đồng Bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Kampuchia. Với luồng Trần Đề hình thành, một cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo cùng mô hình “Ngân hàng lúa” được hy vọng sẽ xuất hiện sớm tại Sóc Trăng để góp phần hổ trợ nông dân trong sản xuất lúa , lưu trữ và tiêu thụ lúa.Với hệ thống giao thông tốt để giảm giá thành vận chuyển, hy vọng các nguồn thực phẩm từ miền Nam sẽ trở thành các suất ăn của nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay Việt Nam có đến 70 % là nông dân. Để nâng cao năng suất lao động, chúng ta cần có chiến lược chỉ để lại lực lượng nông dân chiếm khoãng 30 % dân số hoặc ít hơn. Như vậy chúng ta cần chấp nhận tăng hạn điền cho sự sự tích tụ ruộng đất . Vấn đề gốc là Chính phủ điều tiết từ thuế , sử dụng thuế thu được từ các nông trại chăm lo cho người nghèo, hổ trợ họ về y tế, giáo dục và khi thất nghiệp. Chính phủ có chính sách chống lại những kẽ giàu có “không chế chính sách Chính phủ” để bảo vệ người nghèo, người làm công ăn lương. Số trên 40% nông dân dư thừa được chuyển về các đô thị vùng biển và biên giới để tham gia chế biến nông thủy sản và các dịch vụ.Cần quý trọng đất cho sản xuất lúa và nông sản. Không nên mở nhiều đô thị trong khu vực đất “bờ xôi, ruộng mật”. Hướng nhân dân xây dựng các đô thị trên các vùng không thích hợp trồng trọt. Ông Phan Hiền -cố Thứ trưởng Bộ Văn hóa- lo lắng nói với tôi trước khi mất :” Chúng ta phải có trách nhiệm với nông dân và công nhân , không thể như hiện nay các quan chức chỉ liên minh công nông ở các quán Karaoke”
Trước mắt việc xã hội hóa xây dựng các cơ sở hạ tầng là nguồn thu hút lao động nông dân, tạo điều kiện cho họ rút ra khỏi lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ.
Chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI, những người trí thức thật sự lo lắng cho chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Chúng tôi hy vọng một Hội nghi Diên Hồng được mở , nếu không có tiền thì tổ chức Hội nghị trên website.
Người Việt Nam không còn con đường nào để lùi nữa. Hoặc chúng ta tự dối trá, tự khen các trí thức dỏm của mình để kết cục đất nước nghèo đói, phải chấp nhận nô lệ dưới một hình thức mới : thân trai thì gác cổng, nhặt banh; thân gái thì đi massa hay làm oshin nơi đất khách quê người , hoặc chúng ta hôm nay biết xấu hổ là một nước nghèo ,cùng lao động cật lực , cùng tìm giải pháp tối ưu xây dựng đất nước để ngày mai con cháu chúng ta được ngẩng cao đầu như người Nhật , người Hàn Quốc.
KS Doãn Mạnh Dũng