Ferdinand Magellan, Người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng đường biển – Lê Vũ Khánh dịch và tổng hợp từ Internet

Ferdinand Magellan, Người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng đường biển – Lê Vũ Khánh dịch và tổng hợp từ Internet

H1- Ông Ferdinand Magellan

 

H2- Chữ ký của F. Magellan

Cha của F. Maggelan là Rodrigo de Magalhães và mẹ là Alda de Mesquita. Khi cả cha và mẹ đều mất ở tuổi lên 10, F. Magellan đã trở thành người hầu của Hoàng Hậu Leonor thuộc Hoàng gia Bồ Đào Nha. Là người Bồ Đào Nha, nhưng tên tuổi ông, gắn với danh hiệu Người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng đường biển lại là khi ông phục vụ cho nhà Vua Charles I của Tây Ban Nha trong nỗ lực tìm kiếm con đường biển đi về hướng Tây để đến được “Những hòn đảo gia vị” (Spices Islands) hay trong các sách lịch sử và địa lý trước đây thường gọi là “Vùng đất hồi, quế – chính là các đảo Maluku ở Indonesia ngày nay.
Chuyến đi của Magellan (1519-1522) với tư cách là người chỉ huy đoàn tàu của Tây Ban Nha là chuyến thám hiểm đầu tiên từ Đại Tây Dương đi vào Thái Bình Dương (được Magellan gọi là “Biển bình yên – Peaceful sea” ), qua eo biển Magellan (eo biển sau này được mang tên ông) và cũng là chuyến đi đầu tiên vượt Thái Bình Dương, đồng thời là chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới, dù rằng bản thân Magellan không hoàn thành được toàn bộ hành trình, do bị giết chết trong trận phục kích của thổ dân tại Mactan, Philippines.
Ta hãy cùng điểm lại những nét chính nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Ferdinand Magellan.
Tháng 3 năm 1505, ở tuổi 25, F.Maggelan đăng ký phục vụ trên một hạm đội gồm 22 chiến thuyền của Bồ Đào Nha theo Đô đốc Francisco de Malmeda khi vị Đô đốc này được cử làm Tổng trấn, Phó vương đầu tiên của Ấn Độ thuộc Bồ. Ông phục vụ trong hạm đội này trong 8 năm và đã tham gia một số trận đánh, và bị thương trong trận Cannamore năm 1506. Vào năm 1509, F. Magellan tham gia trong đoàn chiến thuyền của Diogo Lopes de Sequira đánh chiếm vùng đất Malaca, Malaysia. Tháng 9 năm đó, đoàn chiến thuyền của Bồ Đào Nha bị phục kích và buộc phải rút lui. Trong chiến dịch đó, F. Magellan đóng một vai trò quan trọng, cảnh báo và cứu thoát được Francisco Serrao, là một thuyền trưởng trong hạm đội đó, đồng thời cũng là anh em họ của mình và vì vậy ông được vinh danh và thăng cấp.
Tuy vậy, sự nghiệp của F. Magellan không được thuận buồm xuôi gió ở đất Bồ Đào Nha. Sau một lần tự ý rời tàu mà không được phép, F. Magellan không còn được sủng ái nữa. Tiếp đó trong một trận dánh ở Morocco, ông bị thương ở chân và trở thành phế tật vĩnh viễn. Cũng trong thời gian này, có kẻ tâu với triều đình rằng F. Magellan có những hoạt động buôn bán bất hợp pháp với người Moors. Dù rằng sau đó, những lời tố cáo này được chứng minh là không có cơ sở, tuy nhiên từ tháng 5 năm 1514 ông vẫn không được tin dùng trở lại. Dù rằng đã từng ở cương vị chỉ huy một chiến thuyền, nhưng vào năm 1515, F. Magellan chỉ được đề nghị giữ một chân thủy thủ bình thường trên một chiến thuyền của Bồ Đào Nha và vì lòng tự trọng, ông đã từ chối “lời đề nghị khiếm nhã”này. Năm 1517, ông đã có thái độ bất kính đối với nhà Vua Manuel I của Bồ Đào Nha do liên tục bị khước từ đề xuất của mình về chuyện được dẫn dắt một đoàn thám hiểm tìm đường đến những “Hòn đảo gia vị” nằm ở Phương Đông bằng cách đi về phía Tây. Vì lý do đó, cũng như thấy rằng không thể thực hiện được những ước mơ của mình ở Bồ Đào Nha, ông tìm đến Tây Ban Nha, một quốc gia láng giềng, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh của Bồ Đào Nha trong những cuộc viễn chinh tìm đường đến các thuộc địa, các thị trường mới. Tại Seville Tây Ban Nha, ông đã kết bạn và rồi trở thành con rể của Diogo Barbosa, người có nhiều ảnh hưởng đến việc gây dựng nên tên tuổi của F. Magellan với danh hiệu “Người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng đường biển” sau này.
Trong thời gian bị thất sủng, cùng với Rui Faleiro, một nhà thiên văn học, F. Magellan dành toàn bộ thời gian, tiền bạc vào nghiên cứu những hải đồ mới nhất,. Hai người tìm kiếm con đường từ Đại Tây Dương sang Nam Thái Bình Dương cũng như khả năng để biến Moluccas thực sự trở thành vùng đất thuộc địa của Tây Ban Nha, theo như phân định của Hiệp ước Tordesillas.
Tháng 10 năm 1517, F. Magellan đã gặp Juan de Aranda ở Seville, Tây Ban Nha. J. Aranda đã hỗ trợ cho F. Magellan và người đối tác của ông là Rui Faleiro đệ trình bản kế hoạch của mình lên nhà vua Tây Ban Nha Charles I. Nhận thấy đề xuất của F. Magellan cực kỳ hấp dẫn khi mở ra hy vọng tìm được “con đường gia vị – con đường hồi, quế” mà không gây phương hại đến mối quan hệ với người láng giềng Bồ Đào Nha. Ý tưởng đưa ra thật hợp thời, khi từ lâu, nhà Vua Tây Ban Nha vẫn nung nấu ý định tìm con đường về phương Đông, mở ra những cơ hội buôn bán, phát triển và trước hết là chiếm cứ thuộc địa. Ngày 22 tháng 3 năm 1518, Nhà Vua Tây Ban Nha Charles I, đã phong cho F. Magellan và R. Faleiro là những “Thuyền trưởng” chỉ huy chiến dịch mở “con đường gia vị”. Để khuyến khích F. Magellan và cộng sự của ông, Nhà Vua Tây Ban Nha đã thỏa thuận cho họ được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi như được độc quyền sử dụng con đường mà họ tìm ra trong 10 năm; được phong làm Thống đốc những vùng đất, hòn đảo mà họ phát hiện ra, được hưởng 1/5 số của cải thu được từ chuyến đi và nhiều quyền lợi khác nữa khi tìm ra được con đường này.

Vào ngày 10 tháng 8 năm 1519, đoàn tàu 5 chiếc gồm Trinidad, San Antonio, Concepción, Victoria và Santiago dưới sự chỉ huy của F. Magellan rời cảng Seville, xuôi theo dòng sông Guadalquivir về Sanlucar de Barrameda một điểm tập kết nằm ở cửa sông. Họ dừng lại đây để củng cố tầu, trang thiết bị, cấp thêm thực phẩm và nước ngọt để rồi ngày 20 tháng 9 năm đó chính thức khởi hành rời Tây ban Nha. Ngoài khoản kinh phí của nhà Vua Tây ban Nha cấp cho việc đóng 5 con tàu này cùng lương thực, thực phẩm đủ dùng cho 2 năm, đoàn thám hiểm còn có các nguồn tài trợ khác. Một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất là Christopher de Haro, một thương nhân Tây Ban Nha, người cũng tin vào việc có thể tìm ra được đường đi đến Đông bán cầu bằng cách đi về phía Tây và cùng với đó là mở ra cơ hội làm ăn buôn bán mới. Ông này đóng góp ¼ kinh phí cho chuyến đi cùng toàn bộ số hàng hóa chất trên các tàu để các thủy thủ trên tàu có thể mang ra đổi hàng tại các địa phương tàu đến. Magellan trực tiếp chỉ huy con tàu Trinidad là tàu dẫn đường, trọng tải 110 tấn, thủy thủ đoàn 55 người. Các con tàu khác bao gồm tàu San Antonio – 120 tấn, 60 thủy thủ, do Juan de Cartagena làm thuyền trưởng; tàu Conception – 90 tấn, 45 thủy thủ, do Gaspar de Quesada làm thuyền trưởng; tàu Santiago – 75 tấn, 32 thủy thủ do Juan Serrano làm thuyền trưởng và tàu Victoria – 85 tấn, 43 thủy thủ do Luis Mendoza là thuyền trưởng. Một điểm thú vị là con tàu Victoria này được lấy tên của nhà thờ Saint Maria ở vùng Victoria de Triana, tại đây, chính Magellan đã làm lễ đọc lời thế trung thành với nhà vua Charles V của Tây Ban nha, trước chuyến đi.
Một điều đặc biệt khác nữa của đoàn tàu này là thủy thủ đoàn, 270 người, toàn những người có nhiều kinh nghiệm đi biển, được mệnh danh là những “sói biển” đến từ nhiều nước khác nhau, bao gồm các quốc tịch Bồ Đào nha, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Anh và Pháp. Lúc đầu, số thủy thủ người Bồ Đào Nha có nhiều hơn, tuy nhiên do nhiều người trong triều đình Tây Ban Nha lo ngại rằng những người cùng quốc tịch với Magellan đó có thể cùng ông phản lại lợi ích của Tây Ban Nha nên họ cố gắng cản trở chuyến đi, rồi thay thế bằng những thủy thủ người Tây Ban Nha, nên cuối cùng cũng chỉ còn 40 người Bồ Đào Nha trên các tàu. Mặc dù vậy, trong số những người Bồ Đào Nha còn lại trên tàu, Magellan đã cố gắng giữ được những nhân vật quan trọng như người em vợ của mình là Duarte Barbosa, rồi Joao Serrao- một người bà con của thuyền trưởng Francis Serrao, người đã được Magellan cứu sống trong một trân đánh trước đây, cũng như Enrique de Malacca, một người khác đã được Magellan cứu trong trận người Bồ Đào Nha bị phục kích và phải tháo chạy ở Malacca, Malaysia năm xưa, nay trở thành người hầu thân cận và là phiên dịch tiếng Malay của Magellan. Tuy nhiên cũng có những nhân vật đã từng tham gia với Magellan ngay từ ban đầu để chuẩn bị cho chuyến đi này như nhà thiên văn học Rui Faleiro thì cho đến phút cuối cùng lại tỏ ra nghi ngờ thành công của chuyến đi và rút khỏi danh sách thủy thủ đoàn. Ngược lại cũng có những người khác như một thuyền trưởng tàu buôn người Tây Ban Nha tên là Juan Sebastien Elcano, chỉ đến khi đoàn tàu đang tập kết ở cảng Seville, quê hương ông, thì ông mới xin với nhà Vua Tây Ban Nha cho được tham gia đoàn và chính ông này là người sau này đã chỉ huy con tàu duy nhất trong đoàn tàu 5 chiếc, quay về được Tây Ban Nha hoàn thành chuyến đi vòng quanh trái đất và được chính thức vinh danh về việc đó. Tham gia đoàn còn có một học giả người vùng Venice, tên là Antonio Pigafetta. Ông vốn là con người rất uyên thâm, đáng kính, nhưng vì thích phiêu lưu, mạo hiểm nên đề nghị được tham gia đoàn và chấp nhận một chức danh rất khiêm tốn là “Thư ký”. Chính nhờ những ghi chép đầy đủ và chính xác của ông cùng với những trang nhật ký tàu do Francis Albo lập mà ngày nay chúng ta có được những tư liệu để biết được về chuyến đi lịch sử này của Magellan và đoàn thám hiểm của ông.
Ngay từ những ngày đầu của hành trình, Magellan và đoàn tàu của ông đã phải đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm. Trước hết là chuyện nhà Vua Bồ Đào Nha Manuel I đã lệnh cho một hạm đội đuổi theo và ngăn cản chuyến đi này. Tuy nhiên Magellan với kinh nghiệm đi biển của mình đã tránh được sự theo đuổi đó. Sau khi dừng tránh bão ở đảo Canary, đoàn tàu của Megellan đến Cape Verde và từ đó lần theo hướng Tây sang Cape St. Augustine ở Brazil. Vào ngày 27 tháng 11 năm đó, đoàn thám hiểm đã vượt qua xích đạo và 10 ngày sau họ đã thấy thấp thóang vùng đất Nam Mỹ. Do bởi Brasil là thuộc địa của Bồ Đào Nha, nên để tránh đụng độ, Magellan quyết định tránh miền đất này, không lên bờ. Tuy nhiên họ vẫn phải neo đậu tại một địa điểm mà ngày nay gần ở Rio de Janeirro để cấp thêm lương thực. Một lần nữa, thời tiết xấu lại làm trì hoãn chuyến đi. Sau nhiều ngày chờ đợi, đoàn thám hiểm đi dọc xuống phía nam theo bờ Đông của lục địa Nam Mỹ, lần tìm eo biển mà Magellan cho rằng có thể nối đến con đường dẫn đến những Hòn đảo gia vị. Vào ngày 10 tháng 1 năm 1520, họ đến Rio de la Platta thuộc Argentina.
Vào ngày 30 tháng 3 năm 1520, thủy thủ của đoàn thám hiểm đã lập một khu định cư tại một vùng đất thuộc Argentina mà họ gọi là Puerto Julian. Chỉ vài ngày sau đó, một cuộc nổi loạn đã nổ ra, cầm đầu là 2 trong số 5 thuyền trưởng của đoàn tàu, chủ yếu nhằm giành quyền chỉ huy đối với F. Magellan và từ đó là những quyền lợi gắn liền với vị trí đó. Tuy nhiên cuộc nổi loan này đã nhanh chóng bị dập tắt, do đa số thủy thủ vẫn trung thành với F. Magellan. Theo những ghi chép của Antonio Pigafetta thì Juan Sebastien Elcano là một trong những người được tha thứ trong khi Gaspar Quesada, thuyền trưởng của tàu Conception đã bị xử tử tại chỗ còn Juan de Cartagena, thuyền trưởng của tàu San Antonio và một tu sĩ tên là Padre Sanchez de la Reina thì bị bỏ lại trên hoang đảo. Cũng có tài liệu viết rằng những kẻ nổi loạn bị phân thây làm tư, vứt trên bãi biển và nhiều năm sau thuyền trưởng Francis Drake còn tìm thấy xương cốt của họ. Đóng góp quan trọng trong việc dẹp nổi loạn, cùng với năng lực chỉ huy và kinh nghiệm đi biển của mình, Duarte Barbosa, người em vợ của F. Magellan sau đó được cử làm thuyền trưởng của tàu Victoria.

H3- Eo biển ngày nay mang tên Magellan, “The Straight of Magellan” cắt qua mũi cực nam của Nam Mỹ, nối Đại Tây dương với Thái Bình dương.
Ảnh trên internet của Wikipedia.

Ngay sau vụ nổi loạn, tàu Santiago lại gặp sự cố khi được cử đi do thám, tìm đường dọc theo bờ biển về phía Nam và bị một con bão bất ngờ nhấn chìm. Rất may là toàn bộ thủy thủ đều bơi được vào bờ an toàn. Họ cử người về báo cáo tình hình cho F. Magellan và xin cứu hộ. Sau sự cố này, Magellan quyết định chờ đợi thêm vài tuần trước khi tiếp tục hành trình. Vào ngày 21 tháng 10 năm 1520, tại vĩ độ 52 độ Nam, đoàn thám hiểm đã đến được Cape Virgenes và tin chắc rằng họ đã tìm ra được đường sang Thái Bình dương. 4 con tàu còn lại vượt qua một quãng đường gian khổ dài 373 hải lý trên một vùng nước mà F. Magellan gọi là Estrecho de Todos los Santos bằng tiếng Bồ Đào Nha hay All Saint’s Channel bằng tiếng Anh tức Eo biển các Thánh, do bởi đoàn thám hiểm của ông đi qua eo biển này vào ngày 1 tháng 11, ngày Các Thánh. Eo biển này giờ được mang tên ông, “The Straight of Magellan”. Lại một lần nữa xảy ra tình trạng chống lệnh chỉ huy trong đoàn thám hiểm. Khi được cử đi cùng tàu Conception để dò đường, tàu San Antonio, lúc này do Gomez làm thuyền trưởng đã tự ý tách đoàn và đổi hướng quay trở về Tây Ban Nha vào ngày 20 tháng 11. Vào ngày 28 tháng này, khi đoàn tàu sang được đến Nam Thái Bình dương thì chỉ còn 3 tàu. Khi thấy một vùng nước rất thanh bình, rộng mênh mông, F. Magellan đã thốt lên “Mar Pacifico” có nghĩa là “Pacific Ocean” trong tiếng Anh hay Thái Bình dương trong tiếng Việt.


H 4 – Tượng đài Ferdinand Magellan ở Punta Arenas, Chile, nhìn về hướng eo Magellan.
Ảnh trên internet của wikipedia
Khi sang đến Thái bình dương, đoàn thám hiểm đổi hướng chạy lên phía Tây Bắc và họ lại vượt qua đường xích đạo, trở lại Bắc bán cầu vào ngày 13 tháng 2 năm 1521. Ngày 6 tháng 3 cùng năm này, họ đến được các đsảo Marianas và Guam. F. Magellan đặt tên cho Guam là “Hòn đảo những cánh buồm” do nơi đây, phương tiện đi lại chủ yếu, nếu không muốn nói là duy nhất của người dân địa phương là những con thuyền buồm. Trong thời gian lưu lại những hòn đảo này, nhiều thuyền nhỏ, vốn là phương tiện để thủy thủ của đoàn thám hiểm đi vào bờ và từ bờ ra đảo, bị người dân địa phương lấy cắp mất (do được làm bằng kỹ thuật tinh xảo hơn, tốt hơn kiểu thuyền buồm hay thuyền độc mộc đơn sơ của người dân bản địa) nên họ cũng gọi những hòn đảo này bằng cái tên Những Hòn đảo Kẻ cắp – “Islands of Thieves”. Tiếp tục hành trình về hướng Tây, ngày 17 tháng 3 năm đó, F. Magellan cùng đoàn thủy thủ của ông, lúc này chỉ còn lại có 150 người từ quân số 270 người lúc đầu, tất cả đều bệnh tật, ốm yếu, đến được đảo Homonhon thuộc Philippines. Họ là những người Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân đến miền đất này.

H5- Đài tưởng niệm F. Magellan ở Cebu của Philippines.
Ảnh của trang mạng Wikipedia trên internet

Tới đất Phillipines, F. Magellan lập tức tìm cách giao tiếp và buôn bán, trao đổi hàng hóa với người dân địa phương thông qua Enrique, một người phiên dịch gốc Malay, thông thạo cả ngôn ngữ của thổ dân vùng này. Họ mang những món quà đến tặng Tiểu vương Siaiu của vùng Mazaua để được quyền mua bán, trao đổi hàng hóa. Chính vị Tiểu vương này, vào ngày 7 tháng 4 năm 1521 đã dẫn họ đến thành phố Ceibu, lớn thứ 2 ở Phillipines. Vị Tiểu vương Humabon của Ceibu tỏ ra rất thân thiện với F. Magellan và đoàn người Tây phương của ông. Cả hai vợ chồng vị Tiểu vương này, sau đó đều cải đạo theo Cơ đốc giáo. Vị Tiểu vương này cũng đồng minh của ông ta là Tiểu vương Zula đều muốn nhờ F. Magellan và đội quân của ông, với vũ khí hiện đại hơn thanh toán giúp đối thủ của mình, đó là Tiểu vương Lapu-Lapu của vùng Mactan. Lúc đầu, F. Magellan cũng tìm cách thuyết phục Tiểu vương Lapu-Lapu cải đạo, theo cơ đốc giáo, nhưng ông này cương quyết từ chối. Rạng sáng ngày 27 tháng 4 năm 1521, F. Magellan chỉ huy một nhóm nhỏ tấn công lên Mactan. Trong cuộc chiến không cân sức đó, dù có vũ khí tốt hơn so với thổ dân địa phương, nhưng với quân số ít hơn hẳn, nên đội quân của F. Magellan nhanh chóng bị bao vây và rồi phải tháo lui. Bản thân F. Magellan bị đâm bởi một cây lao bằng tre nhọn rồi cả nhóm người địa phương xúm vào giết chết ông bằng bất cứ thứ vũ khí gì mà họ có trong tay.

Nhật ký của Pigafetta và Ginés de Mafra đã kể lại chi tiết về trận chiến này và cái chết của F. Magellan như sau :
“…..Khi mặt trời mọc, 49 người chúng tôi nhảy xuống nước ngập đến đùi và lội một quãng khoảng 2 tầm tên bắn để vào bờ. Tàu của chúng tôi không thể vào gần bờ hơn được do có nhiều đá ngầm. Trên tàu, chỉ còn 11 người làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ. Những người thổ dân đã tổ chức thành 3 đội, với tổng quân số lên đến khoảng trên 1.500 người. Khi thấy chúng tôi, họ ào tới và hú hét rất man rợ. Các tay súng hỏa mai và cung nỏ của chúng tôi bắn liên tục về phía thổ dân trong khoảng nửa giờ, tuy nhiên không phát huy hiệu quả. Phát hiện ra người thuyền trưởng, chỉ huy của chúng tôi, một đám rất đông thổ dân nhào vào ông và đã mấy lần hất rơi chiếc mũ sắt của ông xuống đất. Một người thổ dân đâm thẳng cây lao bằng tre vót nhọn vào mặt F. Magellan, nhưng Magellan đã kịp kết liễu anh ta bằng một nhát giáo và để lại thanh giáo mắc luôn trên xác hắn. Ông chưa kịp rút hết thanh gươm ra khỏi vỏ thì đã bị thêm một mũi lao nữa. Máu chảy như kích động thêm những người thổ dân xô vào ông. Một người chém một nhát rất mạnh vào chân trái làm cho Magellan ngã sấp xuống đất và chỉ chờ có thế, hàng loạt mũi lao sắt, lao tre đã giết chết người chỉ huy, người dẫn đường chỉ lối, người là tấm gương, là ánh sáng, là niềm an ủi, động viên đối với mọi người chúng tôi. Khi đã bị thương nặng, ông còn nhiều lần quay lại nhìn xem chúng tôi đã thoát về đến tàu an toàn chưa. Chứng kiến người chỉ huy đã chết, số còn lại chúng tôi, đầy mình vết thương cố gắng mở đường máu về tàu và nhanh chóng nhổ neo tháo chạy…….”

Trên hành trình trở về Tây ban nha, Pigafetta đã viết lại rằng “Thi thể của Magellan chẳng còn lại gì. Buổi chiều sau trân chiến Mactan đó, Tiểu vương Humabon đã tìm gặp Tiểu vương Lapu-Lapu, hứa hẹn trả cho ông này rất nhiều đồng và sắt để đổi lấy thi thể F. Magellan. Dù là Tiểu vương, nhưng trong suốt cuộc đời mình, Lapu-Lapu cũng chẳng có mấy của cải và vì thế đây là món hời lớn đối với ông ta. Tuy nhiên ông ta cũng không làm sao tìm lại được thi thể của F. Magellan. Ông ta đã tự mình, cùng một đoàn từ Ceibu sang tìm kiếm dọc cả bãi biển, nơi F. Magellan đã ngã xuống, nhưng chẳng tìm được gì hết. Lý giải duy nhất cho điều đó là những người thổ dân Mactan thực sự đã xé xác F. Magellan ra thành những mảnh nhỏ và biển cả đã đưa ông đến nơi đây, nay lại đón ông về với lòng biển, sóng dâng lên đã cuốn những phần thi thể của ông đi, đồng thời cũng xóa sạch những vết máu trên cát.


H6-Đường đi của đoàn thám hiểm F. Magellan, kết thúc 16 tháng sau cái chết của ông khi con tàu Victoria, con tàu duy nhất trong 5 con về được đến Tây Ban Nha ngày 6 tháng 6 năm 1522
Ảnh của trang web wikipeddia trên internet.

Những tổn thất trong các trận chiến với dân địa phương ở Philippines làm cho đoàn thám hiểm không còn đủ người để có thể chạy cả 3 con tàu còn lại trên đường quay trở về. Tình thế buộc họ phải rời con tàu Concepcion. Không muốn để con tàu rơi vào tay những người thổ dân, ngày 2 tháng 5, họ đành phải đốt bỏ. Giờ đây cả đoàn thám hiểm chỉ còn lại 2 con tàu là Trinidad và Victoria, giương buồm chạy về hướng tây tiến về phía đảo Palawan. Ngày 21 tháng 6, họ đã vượt qua đảo Palawan rồi nhờ những hoa tiêu người Monro dẫn đường chạy về hướng Brunei, Borneo. Chỉ có những hoa tiêu người Monro, rất thông thạo địa hình mới có thể dẫn dắt cho đoàn tàu thám hiểm được an toàn qua những vùng biển cạn. Đoàn thám hiểm neo lại đây trong 35 ngày và trong thời gian đó, họ được chứng kiến những báu vật của triều đình Rajah Siripada của Brunei, đó là những cục vàng lớn cùng hai viên ngọc trai to cỡ 2 lần quả trứng gà. Phía Brunei cũng cho những người thám hiểm châu Âu thấy họ có những đàn voi đã được thuần dưỡng cùng 62 khẩu ca nông, nhiều gấp 5 lần số ca nông trang bị trên các tàu của đoàn thám hiểm. Khi về đến Tây Ban Nha, Pigafetta có kể rằng người Brunei khi đó đã tạo ra được những sản phẩm sành sứ, mắt kính thủy tinh mà công nghệ đó hầu như chưa hoặc chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Châu Âu.
Khi đến được đảo Maluku Islands (the Spice Islands – Đảo gia vị) vào ngày 6 tháng 11, cả đoàn thám hiểm chỉ còn lại có 115 người. Họ tranh thủ buôn bán, trao đổi với các Tiểu vương của vùng Tidorre và vùng Ternate. Cả 2 người đều là những đồng minh của người Bồ Đào Nha.
Hai con tàu còn lại, chất đầy những sản vật quý báu của phương Đông, những loại gia vị quý hiểm tìm đường quay về Tây Ban Nha theo cách đi về hướng Tây. Ngay khi vừa rời khỏi Đảo gia vị thì con tàu Trinidad bắt đầu bị rò nước. Thủy thủ của con tàu cố gắng tìm kiếm lỗ thủng và bịt lại, tuy nhiên vẫn không cải thiện được tình hình. Họ kết luận rằng phải đại tu con tầu và mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành được việc đó, trong khi lại không thể dồn toàn bộ số thủy thủ sang một con tàu Victoria vốn nhỏ hơn, và thế là con tàu Victoria với một nửa thủy thủ đoàn tiếp tục hành trình đi về hướng Tây còn vài tuần sau đó thì tàu Trinidad đổi hướng quay về Thái Bình dương nhằm theo con đường đã đưa họ đến đây để quay về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, con tàu này bị hạm đội của Bồ Đào Nha bắt giữ rồi bị một cơn bão nhấn chìm khi vẫn đang neo đậu trong sự kiểm soát của người Bồ Đào Nha.
Tàu Victoria dưới sự chỉ huy của Juan Sebastian Elcano vượt qua Ấn Độ dương và vào ngày 6 tháng 5 đã vòng qua Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope). Lương thực trên tàu đã cạn, chỉ còn chút gạo để ăn cầm chừng. Khi đến được Cape Verde, một vùng đất thuộc Bồ Đào Nha, trong số thủy thủ đoàn của tàu, đã có tới 20 người bị chết đói. Thuyền trưởng Elcano đành phải bỏ lại 13 thủy thủ vào ngày 9 tháng 7 năm đó khi phát hiện rằng những người này có âm mưu chiếm đoạt 26 tấn các loại gia vị, chủ yếu là đinh hương và quế.
Ngày 6 tháng 9 năm 1522, Elcano cùng 17 người khác trong đoàn thám hiểm của F. Megellan về đến Tây Ban Nha trên con tàu Victoria, con tàu duy nhất còn lại trong cả một đoàn tàu 5 con sau gần 3 năm kể từ ngày xuất phát. Như vậy dù là người chỉ huy, nhưng Magellan không đi được hết hành trình của mình sau khi đến được vùng đất của hồi, quế mà chính Elcano là người, sau cái chết của F. Magellan, đã quyết định tiếp tục hành trình về hướng Tây để hoàn thành chuyến đi vòng quanh trái đất. Trong số 55 thủy thủ của tàu Trinidad, chỉ có 4 người quay trở về được đến Tây Ban Nha vào năm 1525 còn 51 người khác đã bỏ mình trong các cuộc chiến đấu với thổ dân địa phương và chết vì bệnh tật, đưa số tổng số người thiệt mạng trong thủy thủ đoàn của Megellan lên đến con số 232, bao gồm các quốc tịch Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, Anh và Đức.
Maximilianus Transylvanus là người đã phỏng vấn những người còn sống sót trở về sau cuộc thám hiểm khi họ trình diện trước hoàng gia Tây Ban Nha tại Valladolid vào mùa Thu năm 1522 và từ những lời kể của họ, ông đã viết lại toàn bộ hành trình của chuyến đi và cuốn sách này đã được xuất bản năm 1523, trong khi những dòng ghi chép của Pigafetta mãi đến năm 1525 mới được công bố rồi chính thức xuất bản vào năm 1800. Từ những tư liệu đó mà ngày nay chúng ta được biết về hành trình vòng quanh thế giới của F. Meggelan. /.