Gió không thể thổi bay… lời nói- Nguyễn Thanh Lâm

Không phải chỉ có những phát biểu gây sốc dư luận, thực tế còn có những mệnh lệnh hành chính ở một số địa phương và của một số ban ngành trở thành trò cười rất xót, rất bực và rất buồn. Một vài ví dụ mà phần lớn trong chúng ta có thể dễ dàng nhớ lại như: Đánh thuế bà đẻ; Ngực lép không được lái xe máy; Chứng minh nhân dân phải ghi tên cha mẹ; Học sinh muốn học thêm phải làm đơn; Cộng 2 điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng (hoạt động cách mạng trước 1-1-1945) nếu thi vào đại học…
Nhân đây cũng nhắc luôn vụ việc đang thu hút dư luận là Sở Thông tin Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã rút lại quyết định xử phạt hành chính bác sĩ Hoàng Công Truyện 5 triệu đồng vì đã bày tỏ quan điểm, góp ý với người đứng đầu ngành y tế lên Facebook sau khi Bộ trưởng TT-TT chỉ đạo thanh tra bộ và sở này phải kiểm tra lại vụ việc.
Vì sao có những phát biểu tùy tiện và những mệnh lệnh thiếu cẩn trọng, nguyên nhân từ đâu và hậu quả ra sao? Liệu có cách nào để ngăn chặn?
Xét cho cùng thì nguyên nhân sâu xa của các vấn đề trên là do họ đã không hiểu luật và làm sai luật.
Nên nhớ, không ai có quyền không biết, không hiểu và không tuân thủ luật pháp.
Có thể nói, từ khi có bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, nước ta đã bắt đầu xây dựng luật pháp trên nền tảng dân chủ cộng hòa, chấm dứt thời vua chúa ngồi trên ngai vàng, vừa thưởng thức cao lương mỹ vị, vừa xem mỹ nữ múa hầu, vừa ra lệnh phán xét xuống trăm họ: Vua bảo chết là phải chết, chứ không chịu chết là bất trung!
Tinh thần của Cách mạng Pháp 1789-1799 đã xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế từ lâu. Luật pháp được dựa trên nền tảng của Hiến pháp. Hai năm trước khi nổ ra Cách mạng Pháp, Hội nghị Lập hiến Philadelphia là một dấu mốc lịch sử của nhân loại cho dù chưa có Tuyên ngôn nhân quyền (Bill of Right, 1791).
Hiến pháp có những nguyên lý đúng thì mới có nền tảng vững chắc cho hệ thống luật pháp. Chỉ có các cơ quan lập pháp như Quốc hội mới ban hành luật và Chính phủ triển khai sự thực thi. Các bộ hay các cơ quan nhà nước quản trị, quản lý dựa trên luật có hiệu lực chung chứ không được tùy tiện phán theo cảm hứng hay suy nghĩ hạn hẹp của mình.
Chính suy nghĩ kiểu “phép vua thua lệ làng”, kiểu “sứ quân, cát cứ” hay sự ngộ nhận quyền lực đã làm cho luật và lệ ở nước ta trở nên “chẳng giống ai”.
Vậy muốn thiên hạ không cười chê, muốn xã hội văn minh lên thì nền tảng, nguyên lý, cấu trúc và nội hàm của hệ thống luật pháp phải được xác định rõ ràng. Kinh nghiệm cho thấy, đa số các nước đều có Tối cao Pháp viện hoặc Hội đồng Bảo hiến để chăm lo việc này, phán quyết những sự vi hiến, thậm chí để Quốc hội xem xét và biểu quyết lại.
Khắc phục hậu quả không gì khác hơn là việc tuân thủ luật pháp. Hãy xem những đề xuất, những gợi ý, ý nghĩa của lời nói hay nội dung văn bản giao dịch với nhân dân là ý kiến của một cơ quan quản lý nhà nước, là người đứng đầu của một tổ chức nên cần có sự thận trọng, đôi khi cần phải được sự phê duyệt ở những cấp lãnh đạo cao hơn để chính thức ban hành.
Những án lệ có thể xem như trường hợp điển hình để tham khảo. Những phát ngôn bừa bãi, vô trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội phải được xử lý nghiêm minh theo luật.
Quan chức và chất lượng làm việc của các quan chức là hai tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của nhà nước, của bộ máy công quyền. Quan chức bây giờ không phải là “quan chi phụ mẫu” và cho dù chẳng còn mấy ai nhớ và hiểu việc “làm đầy tớ nhân dân” thì việc hành xử theo luật là một yêu cầu bức thiết để xứng đáng là cán bộ của nhà nước.
Cũng xin mở ngoặc nói thêm, giới truyền thông cũng cần biết tính đúng sai của phát ngôn đó, xin đừng đưa tin giật gân hay phóng đại để câu khách. Truyền thông phải tôn trọng quyền được thông tin đúng đắn của mọi người và nên có phản biện tích cực.