Hết thời ngang dọc, đại gia tàu thủy chìm theo đống nợ – Mạnh Hà
Ngày 8/9/2014 , DDM đã phải chấp hành việc bàn giao tài sản đảm bảo thế chấp là tàu chở container Đông Mai cho các tổ chức tín dụng để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Chiếc tàu chuyên dụng container còn lại – Đông Du được cho thuê lại và cũng nằm trong tình trạng chờ xử lý.
Toàn bộ ê kíp khai thác dịch vụ vận tải container của doanh nghiệp rơi vào tình trạng chênh vênh. Nhân viên ăn Tết Nguyên đán Ất Mùi trong tâm trạng chờ đợi nhảy việc.
Sự khó khăn của Hàng hải Đông Đô chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện bi đát của ngành vận tải biển trong 5-7 năm gần đây. Tình trạng doanh nghiệp thua lỗ triền miên, bán tài sản để sống sót, nợ lương người lao động khá phổ biến.
Cho tới thời điểm này, DDM chưa công bố kết quả kinh doanh 2014. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2014 con số lỗ của DN đã lên đến hơn 106 tỷ đồng, so với kế hoạch lỗ 128 tỷ đồng cho cả năm. Trong 5 năm trước đó, 2009-2013, DDM lỗ 3 năm và 2 năm còn lại lãi không đáng kể. Tính tới cuối 2013, DN có vốn điều lệ hơn 240 tỷ này đang có vốn chủ sở hữu âm gần 200 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng rơi vào tình cảnh bi đát tương tự. Doanh nghiệp này vừa bán thanh lý tàu tàu VTC Sky – trọng tải 24.260 DWT cho bên mua tại TP.HCM nhưng điều này có lẽ không giúp VST thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ nặng trong 3 năm liên tiếp vừa qua.
Theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2014, VST lên kế hoạch bán thanh lý 2 tàu là VTC Sky và Viễn Đông 3, và dự kiến vẫn lỗ ròng 179 tỷ đồng nếu thanh lý thành công. Tuy nhiên, cho tới đầu 2015, VST mới bán được một trong hai con tàu nói trên.
Số tiền thu được từ thương vụ thanh lý không được VST tiết lộ nhưng theo một chuyên gia trong ngành, thông thường các tàu cũ của các DN vận tải biển ở Việt Nam khi thanh lý vào thời điểm hiện nay chỉ được khoảng một vài ba triệu USD, cao hơn bán sắt vụn một chút và thấp hơn giá trị còn lại của tàu rất nhiều. Việc thanh lý tạo chỉ có thể phần nào tạo nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm áp lực vay vốn lưu động cho công ty.
Chưa thấy bờ
Sau hai năm lỗ lớn cả trăm tỷ đồng, CTCP Vận tải Biển Vinaship (VNA) đã báo lãi gần 1,6 tỷ đồng trong năm 2014, vừa đủ để bám trụ trên sàn chứng khoán. VNA đã chấm dứt chuỗi 7 quý thua lỗ liên tiếp trước đó nhờ việc thanh lý hai tàu cũ trong tháng cuối cùng của năm 2014.
CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) là một trong số ít các doanh nghiệp vận tải biển chứng kiến lợi nhuận khá ấn tượng trong năm 2014 sau khi nướng gần 230 tỷ do thua lỗ trong hai năm liền trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này, cũng giống như VNA, đến từ việc thanh lý bán tàu, vừa thu được tiền vừa giảm chi phí cho đội tàu. Hoạt động chính của doanh nghiệp vẫn lỗ thuần gần 70 tỷ đồng. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp này đã lên kế hoạch phân loại đội tàu làm hai nhóm để khẩn trương xử lý tái cơ cấu. Nhóm tàu già cũ kinh doanh không hiệu quả sẽ được cắt lỗ, nhanh chóng bán trên thị trường để thu tiền về xử lý công nợ.
“Vấn đề đặc biệt quan trọng là tái cơ cấu đội tàu và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc”, Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn chia sẻ hồi cuối 2014.
Theo Công ty chứng khoán BVSC, đội tàu của VNA có độ tuổi trung bình khá cao nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục thanh lý tàu để bổ sung vốn lưu động, chưa thể có kế hoạch mở rộng tuyến đường khai thác hay các đơn hàng trong năm nay.
Ông Trần Văn Nghi, Tổng giám đốc mới của Hàng hải Đông Đô cho rằng thị trường vận tải biển vẫn còn u ám, chưa có gì sáng sủa. Doanh nghiệp này vẫn đang gồng mình để chống chọi với sự khó khăn do giá cước giảm và áp lực vay nợ lớn.
Trên thị trường vận tải biển, ngoại trừ một vài công ty vận tải hàng lỏng như VIP, VTO, PVT hoạt động kinh doanh có lãi nhờ vận chuyển hàng cho công ty mẹ, còn lại hầu hết các doanh nghiệp vận tải hàng rời như VOS, VST, VNA… đều đang gặp khó khăn.
Có thể thấy, trong năm 2014, tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp vận tải biển đã bớt u ám hơn. Nhưng những báo cáo đẹp đẽ hơn đang dựa nhiều vào việc thanh lý bán tàu cũ, hoạt động vận tải vẫn đang thua lỗ.
Sự sụt giảm của giá cước vận tải xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm cùng với áp lực đầu tư bằng vốn vay rất lớn, lãi suất cao vẫn đang là gánh nặng mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không thể thoát ra trong một sớm một chiều.
Tình trạng vật lộn để sống sót đã kéo dài 5-7 năm và có thể còn kéo dài nữa do tín hiệu ngành và sức khỏe thực sự của chính các doanh nghiệp vẫn rất tiêu cực. Tương lai khá mờ mịt của các doanh nghiệp vận tải biển là nỗi lo lớn đối với hệ thống ngân hàng trong nước.
Mạnh Hà