Huỳnh Bội Trân – ươm mầm trong “cái lạnh” và nở tung hoa khi mùa xuân đến
Lúc đó, Bội Trân vừa học xong lớp 12. Trước khi đi thi tốt nghiệp phổ thông, chẵng thấy Bội Trân ôn bài.Ngày thi, Bội Trân mặc áo dài trắng, tôi dùng xe Hon đa đưa Bội Trân đến trường Ngô Quyền ở Biên Hòa. Sau khi có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bội Trân thi vào trường Mỹ thuật Gia định với chuyên ngành lý luận mỹ thuật.
Như vậy Bội Trân được đào tạo trọn vẹn từ sau năm 1975.
Những năm cuối thập niên 1975 và thập niên 1980, cái nghề lý luận mỹ thuật là quá xa xĩ trong xã hội và càng nghèo đói hơn các ngành nghề khác.
Với nhiều nhà lý luận trong lĩnh vực mỹ thuật được đào tạo từ các nguồn như Liên Xô, Đông Âu hay trong nước … rất ít người trụ lại được với nghề. Một số đông chuyển nghề. Số ít còn lại bám nghề nhưng mờ nhạt. Đọc các bài viết của họ thì quên nhanh vì quá ít dư âm được đọng lại. Một số khác quay sang trách “sinh không gặp thời” và mơ một kiếp khác “trùng phùng may mắn”. Nhưng với Bội Trân thì khác, đã là trí thức là không thể chấp nhận số phận. Vì kiếp người ngắn lắm !
Trong hòan cảnh xã hội và cuộc sống rất nhiều khó khăn, Bội Trân đã âm thầm vượt qua biết bao khắc nghiệt và tự hòan thiện trí tuệ cho chính mình.
Đầu thập niên 1990, khi Bội Trân đã bước vào tuổi 34 thì nhận được một giấy mời từ Úc tham dự khóa học ngắn hạn về lý luận mỹ thuật.
Chỉ một lần thôi và là chắc chắn là lần cuối cùng. Vì với nữ, tuổi 35 là tuổi cuối cùng được cử ra học ở nước ngoài.
Khi bước ra khỏi biên giới, tiếp cận với giới văn chương mỹ thụât tòan cầu , Bội Trân đã nhanh chóng tõa sáng và trụ được giữa giới tinh hoa của học thuật. Bội Trân được mời lên bục giảng các trường Đại học từ Úc đến Mỹ và sau đó được Chính phủ Úc cử về giảng dạy tại Việt Nam. Rồi đây sẽ có nhiều bài khảo viết về tư duy của Bội Trân trong quan điểm “muốn nhìn sâu hơn vào văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật thị giác” và bảo tồn văn hóa Việt Nam đâu chỉ biết dừng lại ở giữ gìn bản sắc mà phải từ sự “tinh luyện của văn hóa luôn trong quá trình phát triển”.
Thành công của Bội Trân đã khuyến khích tuổi trẻ Việt Nam hảy tự tin với chính mình. Người Việt Nam đũ năng lực để thành công. Vấn đề cơ bản là phải biết tự lao động để tích lủy tài năng. Khi tài năng của bạn đã chín thì một cơ hội dù rất nhỏ và hiếm vẩn có thể giúp bạn thành công.
Nhớ đầu xuân 1976 đang đón Tết ở Hải Phòng, tôi nhận được thư của Bội Trân có đoạn viết :
“Chú ơi, Tết năm nay trời miền Nam lạnh khác thường. Có lẽ miền Bắc vào đây đã mang theo cái lạnh của đất Bắc! ”
Tôi nhớ những lời trên của cô học sinh lớp 12 trong suốt mấy chục năm qua.Tôi hiểu Bội Trân gửi đến tôi thông điệp rằng :
“Tham gia cách mạng là vì lợi ích của cả dân tộc. Sau khi cách mạnh thành công, mỗi người phải trở lại làm dân và kiếm sống như mọi người. Đó mới là những người cách mạng.Ngược lại, sau khi cách mạng thành công mà sống bằng quyền lực, quay lại áp bức nhân dân thì chỉ là những kẽ ăn cướp không hơn không kém!”
Chính lá thư trên của Bội Trân đã giúp tôi phải cảnh giác với chính mình.
Cuối năm 1976, từ Hải Phòng trở về miền Nam công tác, lời của Bội Trân đã nhắc tôi phải sống và làm việc sao cho có ích và đừng đem “cái lạnh” đến bà con.
Còn Bội Trân đã biết tinh luyện trong “cái lạnh” và nở tung hoa khi mùa xuân đến.
Tiếc rằng sức khỏe của Bội Trân đã tàn nhanh vì một thời lao lực, phải làm việc trong đói nghèo.
Vĩnh biệt Bội Trân, thanh thản ra đi cháu nhé !
Cháu đã sống xứng đáng với một kiếp được làm người !
Chú luôn luôn thương và nhớ cháu nhiều !
KS Doãn Mạnh Dũng