Ì ạch cảng quốc tế Vân Phong
TT – Sau gần hai năm khởi công, công trình cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong gần như vẫn giậm chân tại chỗ bởi tiến độ thi công quá chậm. Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) do Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) làm chủ đầu tư, được chia làm bốn giai đoạn: giai đoạn khởi động, giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn tiềm năng.
Theo kế hoạch, công trình hoàn thành sau năm 2020, tổng mức đầu tư 3,6 tỉ USD, chiều dài 12,5km, bao gồm 42 bến cảng, với tổng diện tích 750ha, đảm bảo khả năng thông qua trên 200 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có thể tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 18.000 TEU (đơn vị tương đương container 20 feet).
Trong giai đoạn khởi động, nhà thầu thi công (liên danh Công ty SK Engineering & Construction và Tổng công ty Xây dựng đường thủy VN) sẽ xây dựng luồng tàu và vũng tàu quay trở, đường giao thông ngoài cảng cùng kho bãi, nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn này có quy mô sử dụng đất là 42ha, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, công suất thiết kế 710.000 TEU/năm, có thể tiếp nhận tàu container có sức chở 9.000 TEU, dự kiến hoàn thành tháng 10-2011.
Mới đóng được vài chục cọc thép
Giai đoạn khởi động của cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong chỉ còn sáu tháng nữa là phải hoàn thành theo kế hoạch, nhưng đến nay cả khu vực chỉ là bãi đất trống mênh mông với hàng trăm cọc sắt khổng lồ nằm chất thành từng đống. Những cọc sắt phơi giữa mưa gió đã bắt đầu hoen gỉ, những tấm bạt che chắn rách tả tơi…
Xa ngoài biển chỉ có lác đác vài chục cọc sắt được đóng xuống để xây dựng cầu cảng, nhưng lại bị lỗi kỹ thuật nên dừng lại. Cả một công trường rộng lớn lặng ngắt, không có bóng dáng công nhân.
Đại diện Ban quản lý dự án hàng hải 1 (thuộc Vinalines) tại cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cho biết công trình đã được tạm dừng thi công vào tháng 6-2010 để kiểm tra lại địa chất. Theo Ban quản lý dự án hàng hải 1, địa chất tại cảng rất phức tạp mà khi khoan dò theo quy trình để lập dự án đã không phát hiện được.
Chính vì vậy, ngoài một số công trình tạm phục vụ thi công, nhà thầu thi công mới chỉ đóng được 97/1.729 cọc (khoảng 6%) và tất cả các cọc đã đóng đều bị lỗi dư trên mặt nước từ 2-10m. Với giá gần 10 triệu đồng/m cọc thép thì đây là sự lãng phí rất lớn.
Hiện dự án đang được tạm dừng để thay đổi thiết kế, thay đổi chiều dài của cọc. Một cán bộ ở đây cho hay: “Mỗi năm ở đây có bốn tháng cuối năm gió rất lớn nên cũng làm chậm tiến độ thi công công trình”.
Theo Ban quản lý dự án hàng hải 1, giai đoạn khởi động của dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã chậm trên 50% thời gian thực hiện và vẫn chưa biết khi nào dự án mới được thi công trở lại, vì “các bên đang ngồi lại với nhau để đưa ra các biện pháp khắc phục”.
Không biết khi nào thi công trở lại
Ông Nguyễn Ngọc Quý, giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải 1, cho biết tiến độ thực hiện công trình chưa tốt vì gặp một số khó khăn, trong đó ngoài địa chất cảng phức tạp còn do bất đồng với nhà tư vấn thiết kế ở gói thầu hệ thống kè bảo vệ bờ và khu kho bãi.
Theo ông Quý, tại gói thầu hệ thống kho bãi và kè bảo vệ bờ, nhà tư vấn thiết kế sai lầm khi thiết kế cát san lấp có giá thành cao, không biết mua ở đâu và không sử dụng được cát vốn có của địa phương.
Tuy nhiên theo ông Quý, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Ông cho biết: “Đây là công trình thực hiện hoàn toàn bằng vốn vay nên với lãi suất cao như hiện nay thì việc huy động vốn cho một dự án lớn như cảng quốc tế Vân Phong là rất khó khăn, buộc Vinalines phải tính toán điều chỉnh dự án sao cho hiệu quả”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Phi – phó ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong – cho rằng khó khăn lớn nhất khiến công trình chậm tiến độ là do địa chất phức tạp, không như khảo sát ban đầu. Còn vấn đề vốn, theo ông Phi, phía Vinalines đã cam kết sẽ đảm bảo!
Ông Quý cho biết theo tính toán cũ, giai đoạn khởi động sẽ xây dựng hai bến với tổng chiều dài 690m và có thể tiếp nhận tàu 9.000 TEU. Tuy nhiên đến nay một số cảng khác như cụm cảng Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã có thể đón được tàu 9.000 TEU, nên thiết kế này không còn phù hợp nữa. Hiện nay Vinalines đã đề xuất với Chính phủ điều chỉnh giai đoạn khởi động kéo dài hai bến tàu lên 850m, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 12.000-15.000 TEU và Chính phủ cơ bản đã đồng ý.
“Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng hoàn chỉnh một bến trước để gấp rút đưa cảng quốc tế Vân Phong vào khai thác, sau đó tiếp tục triển khai xây dựng bến thứ hai, nhằm rút ngắn thời gian xây dựng” – ông Qúy cho hay. Tuy nhiên ngay cả ông Quý cũng chưa biết được thời gian nào công trình sẽ tiếp tục được thi công.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có vai trò chủ đạo để hình thành và phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Việc dự án này chậm tiến độ khiến chủ đầu tư của các dự án khác rất dè dặt trong việc đầu tư vào khu kinh tế này.
Ngay cả ông Phi cũng thừa nhận dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong chậm tiến độ đã làm ảnh hưởng đến bức tranh chung của Khu kinh tế Vân Phong.
Các dự án tại Khu kinh tế Vân Phong chậm tiến độ
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 101 dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 15,86 tỉ USD. Tuy nhiên mới chỉ có 16 dự án đi vào hoạt động, với tổng số vốn thực hiện khoảng 31,6 triệu USD và 225 tỉ đồng.
Nhiều dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì tiến hành khởi công rồi để đó hoặc triển khai quá chậm.
Còn theo ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, hầu hết các dự án lớn tại đây đều chậm tiến độ, gồm: tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (vốn đầu tư khoảng 4,5 tỉ USD) và Trung tâm điện lực Vân Phong (3,8 tỉ USD) mới được tạm bàn giao mốc giới và đang triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư.
Khu đô thị mới Tu Bông và du thuyền cao cấp (3,7 tỉ USD) đang được chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Nhà máy xử lý hạt nix Ninh Thủy (1.500 tỉ đồng) chưa triển khai được gì đáng kể, chủ đầu tư đang chờ ngân hàng cho vay vốn…
Điều chỉnh quy hoạch liên tục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quý cho biết: “Lúc đầu Chính phủ quy hoạch cảng Vân Phong có thể đón tàu có trọng tải 6.000 TEU, sau đó điều chỉnh dần lên 8.000 TEU và cuối cùng là 9.000 TEU. Chúng tôi phải làm theo quy hoạch hệ thống cảng biển của Chính phủ chứ không có cách nào khác. Ngay các cơ quan chức năng của mình cũng chỉ nhìn đến 9.000 TEU bởi lúc đó cảng bên Singapore và Hong Kong chỉ đón tàu 8.000 TEU. Trước kia hàng hóa ít, phát triển kinh tế chậm nên mọi người tính toán như thế là đủ rồi. Vì thế dự báo trước kia không chuẩn xác và đến nay đã tương đối lạc hậu”.
Theo Vân Kỳ Tuổi trẻ 12/04/2011