Điều gì ở đất Bắc làm say đắm kẻ sĩ phương Nam ?

Tôi là kẻ hậu sinh, thế hệ con cháu ông Huỳnh Văn Nghệ nhưng chào đời cũng ở bên bờ sông Đồng Nai. Số phận đưa đẩy, tôi ra Bắc năm 1957 và gặp được người thầy với “Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa” trong thơ của ông. Đó là cô giáo Đổ Hồng Chỉnh- người thầy đầu tiên của tôi ở đất Bắc. Đầu năm 2015, tôi có việc ra Bắc, đến thăm cô. Em ruột cô, tặng tôi tập sách kể về người mẹ của mình : “Thân thế, Hạnh phúc, Lòng mẹ Tôn Nữ Thị Huấn”.
Đọc tập sách nhỏ chỉ vài chục trang, tôi hiểu đời mình thật may mắn vì đã được tiếp xúc với một nền văn hóa đỉnh cao của đất nước. Trước đây, tôi chỉ nghĩ rằng người thầy của tôi lớn lên và trưởng thành từ vùng đất Quan họ nên tư duy và tình cảm đậm nét sự lể nghi, tinh tế trong quan hệ và vị tha của một vùng đất yêu nghệ thuật cung đình. Tôi chưa hiểu vì sao người thầy của tôi lại cực kỳ nghiêm khắc với chính mình và luôn dạy học sinh những căn cơ để trở thành người hữu ích cho xã hội. Tập sách nhỏ trên đã giải thích tất cả.
Bà Tôn Nữ Thị Huấn sinh ngày 8/7/1906, mất ngày 18/9/1948, thuộc chi “Hệ 9, Phòng 10” dòng họ Nguyễn Phước tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi đất nước còn trong vòng nô lệ, Bà đã đưa ra phương châm dạy con từ năm 1925 :
“Giáo dục đàn con tâm báo Quốc,
Tu thân, phận mẹ chí tề gia.”
Nhưng tôi thật sự bất ngờ trước lời thề của Bà trong những ngày tháng hào hùng đất nước thoát vòng nô lệ. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công. Mặt trận Việt Minh xã Dục Tú – Đông Anh – Hà Nội lập bàn thờ Tổ quốc và vận động dân làng đến thề. Bà Tôn Nữ Thị Huấn năm đó 39 tuổi bước lên đứng nghiêm trang trước bàn thờ Tổ Quốc, chắp hai tay, mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng, miệng đọc lời thề :
“Trung thành với Tổ Quốc!
Trung thực với bản thân !
Chung thủy với mọi người !”
Tôi thật sự ngỡ ngàng, vì lời thề trên là những chân lý đơn giản để tự bạch với chính mình và giúp xã hội hôm nay có thể điều chỉnh lại trong sự phát triển ổn định và bền vững.
Để tự răn mình, Bà viết :
“Tự nhủ
Ở đời nào được mấy gang tay,
Vui vẻ cho qua đoạn tháng ngày,
Biển lận sam sưa rồi cũng chết,
Chi bằng lưu lại chút danh hay.”

“Mặc ai
Mặc ai muốn trọng , mặc ai khinh,
Ta cứ ngang nhiên giữ chí mình,
Đức , Hạnh, Kiệm, Cần noi lối thẳng,
Hết thời bĩ cực, tới tuần vinh.”

Với con trai Bà dạy :
“Tương lai hy vọng người mong cậu,
Xin đừng ngủ kỹ lại ăn no “

Với con gái Bà dạy :
“Khuyên con gái
Canh gà giục giã sáng ngày rồi,
Tỉnh giấc này con trở dậy thôi,
Ngày tháng thoi đưa hồ ngựa chạy,
Thì giờ thấm thoát tựa hoa trôi,
Cần lao lập bản gương gia bảo,
Khoái lạc vong gia thế cuộc soi,
Ảnh hưởng nữ lưu nền thịnh đạt,
Đường xưa thục nữ cố con noi.
Năm 1938 ”

Khi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm Bà viết :
“Tức cảnh Hồ Hoàn Kiếm
Chiều thu mát mẻ dạo quanh hồ,
Thấp thoáng chòm cây, đá nhấp nhô.
Liểu rủ mành buông tha thướt bóng,
Gồi cao xòe tán dáng ngay ngô.
Thăng long thời cổ bia oanh liệt,
Hoàn kiếm đời nay bạc mệnh mồ,
Đứng ngắm biết bao nhân vật mới,
Văn minh vật chất rủ nhau phô !
1942″
Đọc đi đọc lại cuốn sách : “Thân thế, Hạnh phúc, Lòng mẹ Tôn Nữ Thị Huấn” tôi tự hỏi: Phải chăng ?  kiềng ba chân của một nền văn hóa lớn đó là :
“Trung thành với Tổ Quốc,
Trung thực với chính mình,
Chung thủy với mọi người”

Trong đó “Chung thủy với mọi người” có nghĩ là “Trung với dân”. Đó là điều khó khăn nhất với ” những anh hùng, danh nhân  ” mọi thời đại.  Thời hậu Lê, Lê Thái Tổ đã đánh bại giặc Minh sau mười năm kháng chiến làm rạng rở non sông đất Việt, nhưng cũng để lại những vết đen trong lịch sử :

“Hồ kia còn biết nông sâu,

Kiếm xưa đã trả, biết đâu lòng người,

Ức Trai nước mắt soi đời,

Thỏ kia đã hết, cung thời bẽ đi ! “

Vì vậy, lời  thề trên của Bà Tôn Nữ Thị Huấn là “3 trung”. Đó là  sự vĩnh biệt chế độ phong kiến hay độc tài và là một nền tảng  hướng đến một nền “Cộng hòa” của dân, do dân và vì dân.
Với ba nền tảng trên, lảnh thổ của đất nước không thể bị xâm phạm, con người biết tự trọng sẽ không tham nhũng và mọi đứa trẻ sinh ra trên đất Việt Nam đều có cơ hội như nhau trên con đường mưu cầu hạnh phúc.

KS Doãn Mạnh Dũng