Một bước tiến hóa lớn trong quản trị Nhà nước Việt Nam
Đây cũng sẽ là án lệ giúp các Doanh nghiệp trong và ngoài nước luôn luôn sớm xác định các yếu tố sản xuất có thể tác động xấu đến môi trường để tránh tổn thất cho xã hội và cho chính mình.
Nhưng việc công bố chậm, muốn hay không thì một lượng cá nhiểm độc đã được tiêu thụ. Lượng độc tố trên không gây nguy hiểm ngay nhưng không thể khẵng định là chúng vô hại với con người. Với trình độ khoa học hiện nay, tôi cho rằng các sự cố về môi trường đều có thể nhanh chóng thông báo, khoanh vùng và thời gian xử lý. Vì vậy Việt Nam nên có kế hoạch sẵn, khi cần thì có báo động về môi trường để giảm tổn thất tối đa cho con người tham gia đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản. Việc kéo dài trong ba tháng, từ tháng 4/ 2016 đến nay mới có kết luận là không thể chấp nhận trong tương lai.
Mặc khác để việc kiếm soát chất thải được khách quan nhất là trong tình trạng tham nhũng hiện nay, nên chăng tăng cường các tổ chức dân sự trong cộng đồng tham gia kiểm soát các chất thải từ các nhà máy hay khu công nghiệp ra sông , ra biển.
Trong Thông báo hôm nay của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Mai Tiến Dũng đã nói rõ chất thải từ Formosa di chuyển bằng dòng hải lưu tầng đáy đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam với sự hổ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước thừa nhận có dòng tầng đáy di chuyển dọc theo các tỉnh miền Trung theo hướng từ Bắc xuống Nam.
Cách đây 20 năm, tôi đã đưa ra thí nghiệm và lý thuyết về sự hình thành dòng hải lưu tầng đáy này để chỉ ra rằng, những vịnh ở bờ biển Đông nếu để dòng hải lưu tầng đáy chảy vào vịnh thì vịnh sẽ bị cạn. Mặc khác chỉ những vịnh có cửa quay về hướng Nam và không có cửa sông lớn đổ vào thì mới có độ sâu. Các vịnh Cam Ranh, Vân Phong hay Vũng Rô đạt các yếu tố trên nên là các vịnh sâu. Ngược lại, các vịnh Dung Quất, Chân Mây, Vũng Áng bị bồi lấp và con đê chắn sóng ở vịnh Dung Quất đã làm vịnh Dung Quất bị cạn nhanh hơn. Phải chăng Thông báo hôm nay của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là mốc đánh dấu của Chính quyền thừa nhận dòng hải lưu tầng đáy tại miền Trung Việt Nam !
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc chiến tranh vệ quốc và khai phá vùng đất mới phương Nam. Vì vậy người Việt Nam có quá ít thời gian để hiểu thiên nhiên đặc biệt là bờ miển miền Trung và Nam Bộ. Tôi quan tâm đến dòng hải lưu tầng đáy vì chúng giúp chúng ta biết được động lực tạo nên các cảng nước sâu ở bờ biển Đông, những hiện tượng luồng động như ở cửa Định An và cách khắc phục chúng. Hơn nữa dòng hải lưu tầng đáy kết hợp với dòng hải lưu tầng mặt do gió Đông Bắc gây ra đã đem lại miền Trung Việt Nam một dòng hải lưu chảy gần như một chiều từ Sơn Dương – Hà Tỉnh ( đúng vị trí khu Công nghiệp Formosa) đến mũi Kê Gà- Bình Thuận. Đó là nguồn năng lượng vô cùng lớn và sạch hiếm có trên thế giới . Mỏ dầu Trung Đông có thể cạn, nhưng nguồn năng lượng từ động năng dòng hải lưu ở bờ biển miền Trung Việt Nam là không bao giờ cạn. Hy vọng đó là một mục tiêu khám phá và khai thác của một thế hệ trí thức trẻ của thế kỷ 21.
KS Doãn Mạnh Dũng