MỘT VỤ KIỆN TRỜI ƠI ĐẤT HỠI- LS Võ Nhật Thăng

MỘT VỤ KIỆN TRỜI ƠI ĐẤT HỠI- LS Võ Nhật Thăng
Kinhtebien online : Ông Võ Nhật Thăng là một Luật sư thuộc thế hệ lảo thành nổi tiếng của ngành hàng hải Việt Nam. Sau khi Kinhtebien online đưa tin “Án lệ tàu Binh Định River”, LS Võ Nhật Thăng gửi đến bạn đọc bài viết dưới đây. Kinhtebien online xin chân thành cám ơn LS Võ Nhật Thăng.
Tòan văn bài viết của LS Võ Nhật Thăng như sau :
South Shipping (SSP) là một chủ tàu nhỏ ở Việt nam sở hữu duy nhất tàu biểnPhương Nam 1, trọng tải hơn 4.000T. Đầu năm 2008, SSP cho một thương nhân Hàn Quốc (TNHQ) thuê định hạn tàu này để họ kinh doanh vận chuyển hàng hóa ở khu vực châu Á.
Hợp đồng quy định TNHQ phải tự trang trải tiền mua dầu( Fuel Oil) chạy tàu. Hết năm 2008,TNHQ trả tàu và hai bên không vướng mắc gì. Đầu 2009, SSP tiếp tục cho doanh nghiệp khác của Hàn Quốc thuê tàu trên theo cùng hình thức. Tháng 6/2009, một đại gia Mỹ (ĐGM) chuyên kinh doanh Fuel Oil chỉ định Văn phòng luật sư D&A ở Hà nội yêu cầu SSP trả ngay cho họ một khoản nợ tồn đọng từ 2008 trị giá gần 300.000 USD, nếu không họ sẽ bắt giữ tàu Phương Nam 1 ở bất cứ cảng nào trên thế giới mà nó ghé vào. SSP hết sức ngạc nhiên vì họ không hề biết ĐGM là ai và cũng chưa bao giờ liên hệ giao dịch với họ về mọi phương diện chứ không riêng gì viêc mua dầu Fuel Oil. Vì lẽ đó SSP thẳng thừng từ chối thanh toán khoản tiền vô lý trên. Sau này, qua Văn phòng luật sư D&A tại Hà Nội, SSP mới vỡ lẽ trong thời gian thuê định hạn, tháng 9/2008 TNHQ có mua của công ty CEN, một doanh nghiệp khác cũng ở Hàn Quốc chuyên kinh doanh loại dầu Fuel Oil , gần 250T dầu này với giá tiền trên và đã thanh toán đầy đủ. Thực tế CEN đã mua số dầu trên từ chi nhánh ĐGM ở Singapore để cấp cho tàu Phương Nam 1 khi ghé vào đây lấy hàng như yêu cầu của TNHQ. Trong hợp đồng bán dầu, phía ĐGM đơn phương ghi vào ô “ người mua” không chỉ là CEN mà còn liên đới bao gồm cả bản thân Con tàu, Thuyền trưởng, Chủ tàu, Người quản lý tàu, Người thuê tàu và những ai thực thi quyền chủ tàu (Disponent Owners). Sở dĩ ĐGM truy đòi SSP vì, trong cơn bão khủng hoảng tài chính 2008-2009, CEN đã vỡ nợ không trả cho họ số tiền trên nên, dựa vào quy định đơn phương trong hợp đồng giữa ĐGM với CEN, họ yêu cầu SSP phải thanh toán khoản nợ này. Hợp đồng bán dầu của ĐGM quy định mọi tranh chấp, nếu có, sẽ do tòa án Mỹ xét xử theo luật Mỹ. Đầu tháng 9/2009, khi biết tàu Phương Nam 1 đang dỡ hàng ở cảng Tokyo- Nhật, ĐGM đã yêu cầu tòa án Nhật ra lệnh bắt giữ tàu và khởi kiện SSP tại tòa án Tokyo để đòi khoản tiền trên. Nhận tin này, SSP khá ngạc nhiên và có phần bỡ ngỡ vì chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh hàng hải quốc tế và chưa hề đối mặt với những kiểu kiện tụng xa lạ, phức tạp đầy rắc rối phát sinh từ những chế định luật hàng hải lắt léo khó hiểu như thế này. Xuất phát từ phương châm “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, SSP ngỏ ý chia sẻ với ĐGM 20.000 USD để họ tìm đúng đối tượng cần kiện. SSP khẳng định đây chỉ là một cử chỉ thiện chí hữu nghị chứ không phải là một sự thừa nhận trách nhiệm pháp lý. Rất lấy làm tiếc ĐGM đã bỏ qua thiện chí của SSP và nhất quyết thúc giục tòa Tokyo khởi sự.
Không còn lựa chọn nào khác, SSP bắt buộc phải chỉ định một luật sư hàng hải hàng đầu của Việt nam phối hợp với luật sư Nhật để hầu kiện. Từ tháng 10/2009 đến tháng 5/2010 lần lượt 8 phiên tòa đã được mở ra để nghe luật sư hai bên tranh tụng. Do tính chất phức tạp, lắt léo và rắc rối của một vụ kiện về hàng hải, từ phiên thứ tư trở đi phải thay thẩm phán khác và đến những phiên tiếp theo xuất hiện tới 3 thẩm phán để phán xử, một hiện tượng ít khi xẩy ra trong lịch sử tố tụng dân sự của tòa án Nhật. Phía ĐGM hùng hồn khẳng định vụ kiện này chỉ có thể áp dụng luật Mỹ để xét xử chứ không thể áp dụng luật bất cứ nước nào khác. Theo luật Mỹ, ĐGM có quyền áp dụng chế định kiện bản thân con tàu (Action in Rem) cũng như chế định quyền cầm giữ hàng hải (Maritime Lien) để bắt giữ tàu và quy kết trách nhiệm cho SSP. Dựa vào định nghĩa đơn phương của mình về “ người mua” như trên, ĐGM khẳng định giữa họ và SSP có tồn tại hợp đồng mua bán dầu, hơn thế nữa phiếu nhận dầu ở Singapore mà Thuyền trưởng ký vào cùng với hóa đơn đều là bằng chứng của hợp đồng giữa họ và SSP. Ngoài ra ĐGM còn cho rằng thương nhân CEN ở Hàn Quốc là đại lý môi giới của SSP trong việc mua dầu, một khi đại lý môi giới không trả được nợ thì người Chủ sự (Principal) phải trả nợ thay.
Đáp lại, phía SSP cho rằng trong vụ kiện này chỉ có thể áp dụng luật Nhật (nơi tàu bị bắt), luật Singapore (nơi bán dầu cho tàu) và luật Việt nam (luật mà tàu treo cờ). Theo luật Nhật, luật Singapore và luật Việt nam ở đây không tồn tại hợp đồng mua bán dầu giữa ĐGM và SSP vì vậy không có cơ sở pháp lý để ĐGM thực thi quyền cầm giữ hàng hải nhằm bắt giữ tàu. Ngay dù áp dụng luật Mỹ thì tình hình cũng tương tự. Việc ĐGM liệt kê SSP cùng bản thân Con tàu cũng như Thuyền trưởng là “người mua liên đới” trong hợp đồng giữa họ với CEN là việc làm tùy tiện đơn phương một chiều và đây chỉ là thỏa thuận riêng giữa ĐGM và CEN, hoàn toàn không có giá trị pháp lý ràng buộc SSP. Nếu đúng như ĐGM lập luận giữa họ và SSP tồn tại hợp đồng mua bán dầu thì chí ít hai bên cũng phải có một vài chứng cứ ban đầu như Email, Fax hay điện thoại trao đi đổi lại trước khi xác nhận chính thức. Hơn thế nữa, tại sao sau khi cấp dầu cho tàu ở Singapore họ không hề gửi hóa đơn cho SSP để đòi tiền mà chỉ khi bị thất thu từ CEN mới quay sang yêu cầu SSP thanh toán. Bản thân phiếu nhận dầu mà Thuyền trưởng ký vào cũng chỉ nói lên rằng Thuyền trưởng đã nhận một số lượng dầu theo đúng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quy định, không có bất cứ câu chữ nào trong chứng từ này chỉ ra rằng nó là một bộ phận không tách rời của hợp đồng mua bán dầu. Ngay cả hóa đơn cũng không nói rằng nó là một bộ phận của hợp đồng mua bán dầu. Ngoài ra, ĐGM cũng không đưa ra được bằng chứng nào nói lên rằng SSP đã ủy quyền cho CEN làm đại lý môi giới mua dầu. Luật sư Việt nam nhấn mạnh theo Điều 37 của Bộ luật hàng hải Việt nam khiếu nại này của ĐGM không phải là loại khiếu nại cho phép họ thực hiện quyền cầm giữ hàng hải để bắt giữ tàu và quy định này trong Bộ luật hàng hải Việt nam cũng hoàn toàn tương đồng với luật hàng hải Singapore , Anh và Mỹ.
Tháng 2/2010, luật sư Việt nam đã cung cấp cho tòa Tokyo một án lệ năm 2009 của tòa án Mỹ có nội dung tương đồng (Mỹ là nước áp dụng hệ thống luật án lệ). Trong án lệ này EMM là thương nhân Mỹ bán dầu, MISC là chủ tàu nước ngoài. MISC có mua của TNK- một thương nhân khác- một số dầu và đã trả tiền đầy đủ cho TNK. Thực tế TNK đã mua dầu của EMM và bán lại cho MISC, sau đó vì vỡ nợ nên TNK không thanh toán lại cho EMM. EMM đã áp dụng chế định quyến cầm giữ hàng hải trong luật Mỹ để kiện chủ tàu MICS tại một tòa sơ thẩm Mỹ dòi bồi thường số tiền thất thu từ TNK. MISC đã bác bỏ quyền cầm giữ hàng hải của EMM vì họ chưa bao giờ ký hợp đồng mua dầu với EMM, ngược lại họ chỉ ký hợp đồng và trả tiền trực tiếp với TNK. Tòa sơ thẩm chấp nhận lập luận cuả MISC và bác đơn của EMM vì họ không chứng minh được rằng giữa họ và MISC tồn tại hợp đồng mua bán dầu, hơn thế nữa, họ đã không gửi chứng từ đòi tiền tới tay MISC sau khi ký hợp đồng cũng như không chứng minh được rằng MISC có biết EMM là công ty bán dầu ở Mỹ. EMM đã xin phúc thẩm song tòa phúc thẩm Mỹ vẫn y án phán quyết của tòa sơ thẩm Mỹ (Nguồn: www.internationallawoffice.com/Newsletter/ 2/24/2010).
Từ những bằng chứng và lập luận sắc bén, đầy thuyết phục và ít có cơ sở bác bỏ của phía SSP, các thẩm phán đã có những câu hỏi ngụ ý về sự vô lý, mâu thuẫn trong lập luận của ĐGM. Có lẽ cảm thấy nếu tiếp tục hầu kiện thì phần thua là khó tránh khỏi và vì muốn rút lui trong danh dự nên ĐGM lại bắn tiếng tới SSP đề nghị hòa giải. Chẳng lẽ lại ra về tay không nên ĐGM cũng đề nghị SSP bù đắp cho họ một khoản tiền lớn hơn nhiều so với con số mà SSP đã đề xuất ban đầu. Vì cho rằng “ cãi được vạ thì má đã sưng” nên SSP đã chấp nhận đề nghi của ĐGM nhưng chỉ giới hạn ở con số 20.000 USD ban đầu như đã đề cập ở trên.Tất nhiên ĐGM không có cơ sở nào để mặc cả thêm nên đành đồng ý. Rốt cục thì hai bên đã kết thúc vụ kiện theo cung cách mà các luật sư quốc tế thường nói là “một kết quả thương lượng, dù tồi tệ đến mấy, cũng tốt gấp vạn lần một phán quyết đẹp của tòa án”.
. Trên thương trường quốc tế nhiều khi các tai họa ập đến từ những chuyện “ không tiền khoáng hậu” như trên không phải là hiếm. Vì vậy, khi kinh doanh thương mại và hàng hải quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các chủ tàu Việt Nam nói riêng nếu gặp phải những trường hợp như vụ việc trên đây cần bình tĩnh chủ động tìm hiểu luật pháp quốc tế để xử lý thỏa đáng. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình vô can nên không cần hành động gì. Nếu không biết cách xử lý thích đáng, kịp thời và đúng luật thì không ít trường hợp không những “ không cãi được vạ mà má còn sưng to hơn” mặc dầu mình chẳng có tội tình gì.
LS. Võ Nhật Thăng