Những nước nào, chính Đảng nào đề xuất và vận dụng nền Dân chủ xã hội chủ nghĩa ?

Đặc biệt để chuẩn bị cho Đại hội khóa XI sắp tới BCT – BCH TW khóa X chủ trương lấy ý kiến rộng rãi hơn, dài ngày hơn. Đây rõ ràng có bước mở rộng dân chủ, kêu gọi sự nhiệt tình và trách nhiệm của toàn Đảng và toàn Dân tham gia vào công việc “Quốc gia đại sự”.Là một Đảng viên gần 50 năm (48 năm) tuổi Đảng, tuổi đời không còn trẻ, sức khỏe cũng đã sút giảm nhiều, nhưng sau khi được đọc các Dự thảo về “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung phát triển năm 2011) và “Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khóa X tại ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI của Đảng” được công bố trên các kênh thông tin nội bộ và công khai. Tôi xin được đóng góp ba vấn đề mà hiện nay quần chúng Đ/v và nhân dân rất quan tâm, có thể nói như những dòng nước ngầm đang âm ỷ chảy, làm sao để hướng cho các dòng chảy đó đúng hướng để hợp thành sông lớn đổ về biển cả. Đó là cùng chung sức xây đắp và bảo vệ đất nước Việt Nam trường tồn và hùng mạnh.

Vấn đề thứ nhất:

Ở mục IV trong “Cương lĩnh”: Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng. Dự thảo nêu 4 điểm lớn (từ 9 – 12) cách đặt vấn đề và diễn đạt trong Dự thảo hoàn toàn đúng và liên kết hữu cơ rất hợp lý và biện chứng. Ở đây tôi chỉ góp ý về nội hàm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà Đảng ta chủ trương.

I.           Giải quyết có sức thuyết phục về nhận thức

1.        Cần làm rõ “Dân chủ” nói chung: “Thế nào là dân chủ” Ai? Là dân và ai không phải là dân ? Làm chủ như thế nào? Lấy gì đảm bảo quyền dân chủ đó?.

2.        Cần làm rõ “Dân chủ tư sản”: thực chất? mặt tốt, mặt trái của nền “Dân chủ” này? Dân chủ và nhân quyền chủ nghĩa tư bản đề xướng và vận dụng với mục đích gì?

3.        Cần làm rõ “Dân chủ XHCN”: thực chất? tính ưu việt và tính hạn chế? theo thế giới quan của các giai cấp, giai tầng xã hội. Những nước nào, chính Đảng nào đề xuất và vận dụng nền DCXHCN?

Những nội hàm trên trong “Cương lĩnh”không thể lý giải được vì tính cô đúc, tính chiến lược của nó. Nhưng Đảng cần tổ chức nhóm nghiên cứu lý luận về khoa học xã hội để làm rõ và công bố trên các kênh thông tin đại chúng nhanh nhạy nhất hiện nay. Điều quan trọng là đưa vào trao đổi, học tập, tranh luận trong nội bộ Đảng từ chi bộ trở lên để thống nhất tư tưởng. Giải quyết rốt ráo nhận thức về “Dân chủ XHCN” sẽ tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động của tất cả mọi người từ Tổng bí thư đến Đ/v thường và quần chúng nhân dân. Cũng đã có nhiều bài viết diễn đạt nội hàm “Dân chủ” nhưng còn lẻ tẻ và mang tính tự do tư tưởng, chưa có tiếng nói chính thống của Đảng.

II.         Thực hiện những giải pháp cấp bách để thực thi Dân chủ XHCN một cách thực chất

(1). Cần thực thi Dân chủ rộng rãi trong Đảng, từ chi bộ đến BCH TW. Việc này đã đề ra và thực hiện từ khi Đảng ra đời, nhưng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ quá lâu dài và khốc liệt, nên mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn Dân đều nhằm một mục đích duy nhất là chiến thắng kẻ thù, dành cho được độc lập và thống nhất đất nước. Khi đất nước được thống nhất rồi thì tiếp đến phải lo hàn gắn tổn thất do chiến tranh gây ra, khôi phục kinh tế phát triển đất nước và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Song song với những nhiệm vụ chiến lược nặng nề trên hơn 10 năm tiếp sau ngày thống nhất đất nước (30/04/1975 đến 11/1989 ngày ta rút hết quân từ Campuchia về) toàn dân tộc phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống bọn Pônphốt – Khơ me đỏ ở phía Nam và bọn bành trướng xô vanh nước lớn ở phía Bắc. Đất nước trong trạng thái vừa có hòa bình vừa có chiến tranh  vừa bị cấm vận ngặt nghèo của thế lực tư bản thù địch. Chính vì vậy nên việc thực thi quyền làm chủ của nhân dân bị hạn chế nghiêm trọng. Đó cũng là lẽ tự nhiên của một đất nước, một dân tộc phải làm trong bối cảnh chính trị – quân sự của thế giới đương thời. Thêm vào đó Đảng ta bị lệ thuộc vào đường lối chính trị của Đảng và nhà nước Liên Xô. Vì vậy việc quá nặng về “tập trung” mà xem nhẹ dân chủ, hay nói cách khác tập trung quan liêu mệnh lệnh là chủ yếu, còn dân chủ thì làm hình thức hoặc nêu lên “dân chủ” và tiến hành một số việc làm “dân chủ” thực chất là để hợp pháp hóa tập trung quan liêu, mệnh lệnh. Cho đến đại hội Đảng toàn quốc khóa VI-  (15-18/12/1986) Đảng ta mới tìm được đường đi phù hợp để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế – xã hội của những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Đây là mốc son về Đại hội đổi mới, tự chủ và sáng tạo của Đảng ta. Cũng từ đây tự do tư tưởng và hoạt động dân chủ trong Đảng và trong xã hội càng ngày càng được quan tâm và từng bước phát triển.

Bác Hồ đã viết những lời đầy tình thương và vô cùng quý giá khuyên Đảng ta: …”Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trang 38-NXB Chính trị Quốc gia – Hà Nội 1999).

Chỉ có thường xuyên nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong các sinh hoạt Đảng từ BCH TW đến các chi bộ, trước hết là các đồng chí có cương vị lãnh đạo cao nhất của các cấp Đảng thì các Đ/v cấp thấp hơn mới tự giác tự phê bình và phê bình. Tự phê bình, Đảng cần quy định là một sinh hoạt dân chủ cấp thiết, ai không thực hiện là chưa làm trọn nghĩa vụ Đ/v và đ/c khác phải thẳng thắn phê bình. Đã có sai thì phải có kế hoạch sửa chữa tận gốc. Ví như việc nhận phong bao quà biếu. Năm nay có bao nhiêu người tặng quà, ai gửi phong bì, tặng phẩm cho tôi bao nhiêu tiền, bao nhiêu séc, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu khu đất có giá trị,… tôi tự tay nhận bao nhiêu, vợ, con tôi nhận bao nhiêu. Tôi đề nghị xử lý như thế nào? Những đồng chí đưa quà, tặng vật,… đề nghị xử lý như thế nào? Nhất nhất trình bày trong nội bộ Đảng nơi mình sinh hoạt. Nếu làm được như vậy thì đồng chí đó rất thanh thản, vô tư. Đồng chí và cơ sở Đảng đó cũng rất hân hoan, khâm phục đồng chí lãnh đạo đó và không những đồng chí đó không bị kỷ luật mà uy tín lại càng nâng cao. Tấm gương đó sẽ soi xuống các cấp và họ cũng noi gương làm như vậy. Kết quả nội bộ càng hoan hỉ, đoàn kết một lòng ủng hộ lẫn nhau, tin tưởng nhau. Nếu nghiêm túc tự phê bình và phê bình thường xuyên trong Đảng thì như Bác Hồ dạy: “Là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Mỗi khi trong Đảng đã thực sự dân chủ và đoàn kết thì tất nhiên sức mạnh của Đảng là vô song, nó còn rắn hơn khối kim cương và sức hút mạnh hơn từ trường quả đất. Có thực sự phát huy dân chủ trong Đảng thì mới có cơ sở, có kinh nghiệm để phát huy dân chủ trong nhân dân.

(2).  Đảng cần duy trì các kênh thông tin trung thực, kịp thời cho Đảng viên. Ngoài việc phổ biến Đường lối – Nghị quyết – Sách lược – Chủ trương lớn của Đảng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Đảng nên mạnh dạn thông tin trong nội bộ Đảng những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm về mất đoàn kết, về khuyết điểm, sai lầm của các cá nhân giữ các cương vị chủ chốt trong các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, Quân đội, Công an, đoàn thể. Bên cạnh thông tin về sự việc, có hướng dẫn dư luận về cách xử lý của các cấp bộ Đảng. Đừng sợ uy tín của các đồng chí phạm sai lầm sa sút, nếu đồng chí đó thực tài, có tâm thì uy tín càng chóng khôi phục và nâng cao. Không ai cố chấp và hẹp hòi với đồng chí mình. “Một Đảng cộng sản mạnh và chân chính thì không bao giờ dấu diếm khuyết điểm của mình” – Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng nói đại ý như vậy trong chiến dịch “sửa sai cải cách ruộng đất”. Đảng viên được thông tin những vụ, việc tốt, xấu xảy ra trong Đảng cầm quyền kịp thời, trung thực và được hướng dẫn cách suy nghĩ và biện pháp xử lý, rồi dùng kênh phản hồi ngược lại của các tập thể  Đảng bộ để phân tích một cách khoa học, khách quan thì tôi nghĩ rằng nội bộ Đảng sẽ ngày càng gắn kết keo sơn, kỷ cương của Đảng sẽ được tự giác thực hiện, sức mạnh Đại đoàn kết trong Đảng và toàn xã hội sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường.

(3). Triển khai các giải pháp thực thi Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa trong toàn xã hội.

Hiện nay, trên 75% dân số nước ta là nông dân tự do, hợp tác xã chỉ tồn tại lỏng lẻo. Giai cấp công nhân của ta từ khi thực hiện đổi mới kinh tế theo cơ chế thị trường, mặc dầu có thêm cụm từ “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng đội ngũ công nhân Việt Nam hiện nay rất phức tạp: Có lớp công nhân làm việc trong các nhà máy, công xưởng thuộc Nhà nước quản lý; có lớp công nhân làm trong xí nghiệp FDI; có lớp công nhân làm trong xí nghiệp tư nhân thuần Việt và xí nghiệp tư nhân liên doanh Việt– nước ngoài; lại có lớp công nhân làm công theo công trình và thời vụ,…. Không ít người lao động chân tay nhưng khó xếp họ vào thành phần nào như: người đạp xích lô, chạy xe ôm, thợ gặt đập lúa, hái cà phê, giúp việc nhà, đi thu tiền điện, nước, điện thoại, đi chào hàng, giao hàng,… Cả một lớp người đông đảo ở độ tuổi lao động cả thành thị và nông thôn, lao động cật lực nhưng rất bấp bênh trong cuộc sống. Họ thiếu bảo hiểm y tế, không bảo hiểm nhân thọ, thiếu được thông tin, không có khả năng cập nhập kiến thức đúng đắn của thời đại. Với đại đa số công nhân hiện hữu đó họ sẽ hiểu “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” như thế nào ? Quyền làm chủ của họ đến đâu ? Ai bảo vệ quyền lợi cho họ ? Nghĩa vụ của họ đối với cộng đồng hẹp và toàn xã hội như thế nào ? Giai cấp nông dân và “công nhân Nhà nước” thì có Nông hội và Công đoàn bảo vệ và hướng dẫn họ thực thi từng bước và từng phần Dân chủ XHCN, còn lại những nông dân và công nhân “tự do” trên, họ là lực lượng sản xuất đáng kể của xã hội, chưa ai “thăm dò và tổng kết” vị trí và vai trò của họ trong giá trị GDP của cả nước. Nhưng chắc chắn đây là một lực lượng không nhỏ và có vị trí nhất định cả trong nền chính trị và kinh tế của đất nước ta. Vậy thì bằng cách nào để thu hút họ, hướng dẫn họ tham gia vào thực thi “Dân chủ XHCN” mà trong cương lĩnh đề xuất ? Ai làm việc này ?

Tầng lớp trí thức của nước ta hiện nay phát triển khá nhanh. Mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp Đại học, hàng ngàn Thạc sĩ và hàng trăm Tiến sĩ chuyên ngành mới. Đội ngũ trí thức mới hàng năm cộng với hàng chục ngàn trí thức lớp trước thuộc đủ các giai tầng xã hội, cả trong nước và người Việt ở nước ngoài, họ đủ trình độ để tiếp thu, thực thi và phản biện nền DCXHCN mà Đảng ta đề xướng. Tuyệt đại đa số họ một lòng một dạ cống hiến toàn tâm, trí và cả tiền bạc để hằng mong xây dựng nước ta thành một quốc gia giàu, đẹp và hùng mạnh, sánh bước cùng các cường quốc Năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Với một cộng đồng xã hội, đa dân tộc, đa thành phần và có cả đa chính kiến nữa như trên thì Đảng cầm quyền làm gì để thực thi “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” một cách thực chất và có hiệu quả. Đây quả thật là một vấn đề cực kỳ quan trọng vừa mang tính dân tộc vừa mang tính thời đại, vừa bức xúc không thể trì hoãn vừa phải bảo đảm tính ổn định và kế thừa. Bởi thế cho nên tôi đề xuất: BCT-BCH TW nên có một chiến lược toàn diện, cụ thể và thực sự cầu thị để thực thi nền DCXHCN đã đề ra trong cương lĩnh. Từ nay đến năm 2020 mà Đảng ta triển khai thắng lợi “Đại công trình” này thì không những tạo động lực cực kỳ to lớn cho việc phát triển đất nước trên mọi mặt mà còn nêu một tấm gương sáng chói cho bạn bè năm châu và làm thui chột những mầm mống muốn phá Việt Nam bằng chiêu bài “Dân chủ và Nhân quyền”.

Về vấn đề thứ hai: 

(1). Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa” (trích văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII – trang 80 NXB- Chính trị Quốc gia – Hà Nội, 1996). Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại Biểu toàn quốc khóa XI được trình bày trong mục 12 để diễn đạt riêng về nhiệm vụ “Bảo vệ tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa”. Trong dự thảo báo cáo chính trị lần này viết dài và đặt vấn đề rõ ràng hơn về nhiệm vụ: “Giữ vững độc lập – chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ …..” Trong bối cạnh quốc tế và khu vực hiện nay đặt vấn đề: Tiềm lực quốc phòng là tiềm lực tổng hợp gồm: chính trị ổn định, kinh tế, khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển đường lối đối ngoại đúng đắn, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong đó lực lượng vũ trang nhân dân (lấy quân đội, CAND làm nòng cốt tinh nhuệ, chính quy và hiện đại, tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân) .v.v… là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế thời đại. Tuy nhiên để hoàn thành được nhiệm vụ chiến lược “Giữ vững độc lập – chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” thì không chỉ có ra sức phát triển kinh tế với mọi giá, mà phải luôn luôn bất kỳ ở đâu, bất kỳ lĩnh vực nào, bất kỳ cấp vĩ mô trung mô đến vi mô đều phải nghĩ đến việc kết hợp thật hài hòa giữa phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở với nâng cao sức mạnh quốc phòng. Tôi mạnh dạn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Đảng viên và nhân dân mà tôi tiếp xúc đối với việc “Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế” trong các nhiệm kỳ lãnh đạo của BCH TW khóa VIII – IX. Họ cho rằng các đồng chí lãnh đạo hơi lệch về phát triển kinh tế có thể là với giá đắt như: mở các KCX, KCN, cảng nước sâu, sân gold quá nhiều và lãng phí. Xây dựng các khu tâm linh quá nhiều và quá hoành tráng; giao quyền cho cấp tỉnh về sử dụng tài nguyên quốc gia như rừng, sông ngòi, ruộng lúa, khoáng sản…. quá rộng rãi, thiếu kiểm tra uốn nắn dẫn đến hơn chục địa phương cấp tỉnh bán hàng trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn (báo chí đã phản ánh, UBTV Quốc hội đã chất vấn), bán khoáng sản (titan, đất hiếm, than, quặng nhôm…), phá rừng lấy gỗ quý để đưa về làm đồ dùng gia đình và xuất khẩu không kiểm soát nổi… Còn những khâu quan trọng có thể nói là uy hiếp đến việc bảo vệ chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thì quan tâm chưa đúng mức. Như một thời gian hơn chục năm đầu tư cho quốc phòng chưa tương xướng với tăng GDP cả nước, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng chưa rõ nét và chưa huy động được trí tuệ của những tài năng ngoài quân đội, CA nghiên cứu hỗ trợ quốc phòng. Cho nên những năm gần đây (2006 – 2009) tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, âm mưu của nước lớn ngày càng bộc lộ quyết độc chiếm biển Đông để thỏa mãn tham vọng mở đường ra đại dương, khống chế toàn khu vực Đông Nam Á, cân bằng sức mạnh mọi mặt với Mỹ, Nhật, EU, thì ta thấy sức mạnh răn đe trên biển và trên không của ta quá yếu, khó lòng làm nản chí những cái đầu nóng và xô vanh của họ. Trong khi đó trong xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giao thông vận tải thì lại quá thiên về đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Tại sao một bộ phận các vị lãnh đạo cấp vĩ mô quá say mê về việc làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài gần 1700 km dự tính chi khoảng 56 tỷ USD và rồi sẽ đến gần 100 tỷ USD chứ không phải 56 tỷ. Vì như dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè của Tp.HCM lúc đầu hoạch toán khoảng 190 triệu USB, làm hơn 10 năm rồi mà chưa đi đến đâu, mùi hôi thối vẫn nồng nặc mỗi khi nước triều xuống, ngập úng, không có đường thoát mỗi khi nước cường và mưa lớn. Theo báo chí phản ánh, để hoàn thành công trình vĩ đại này cần đến hơn 340 triệu USD. Rồi Metro – Bến Thành – Suối Tiên dự tính chi 1,1 tỷ USD, mới khởi công làm khu tập kết và sửa chữa đầu máy toa xe mà Tp.HCM đã yêu cầu tăng thêm 1,4 tỷ USD nữa?! Vậy thì đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài hơn 1600 km phải chăng rồi cũng tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 dự tính ban đầu là cái chắc.

Mà đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ đạt được mục đích gì? Có kết hợp kinh tế và quốc phòng được không? Có vận chuyển được xe pháo, xe tăng, vật tư hậu cần, xăng dầu… được không mỗi khi đất nước bị xâm lăng. Ta có đủ năng lực khắc phục hư hỏng mỗi khi mưa lũ miền Trung xảy ra hàng năm, có khắc phục kịp thời nếu khi đất nước có chiến tranh chỉ cần 1 quả bom hoặc một quả tên lửa điều khiển chính xác của kẻ thù bắn trúng? Rồi trình độ công nghệ, trình độ vận hành sẽ đáp ứng thế nào khi 20, 30 năm sau chưa dự đoán được trình độ công nghệ kỹ thuật của thế giới về mặt GT – VT sẽ tiến triển đến đâu? Cái kỹ thuật đường sắt cao tốc đệm từ có còn là đỉnh cao của KHCN không hay chỉ là một hướng nghiên cứu ứng dụng có tính thời cuộc như trong hải quân một thời các nước đua nhau đóng các chiến hạm có pháo cỡ nòng 400mm, đến cuối thế chiến 2 chỉ còn là đồ bảo tàng và phá đi để bán sắt vụn. Đầu tư một lượng tiền khổng lồ gần bằng cả GDP năm 2010 của đất nước có hiệu quả không? Tôi theo dõi trên báo chí và VTV, ngay người Nhật vẫn nhiều người khuyên ta chưa nên đặt vấn đề làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào năm 2015 – 2020. Vì khó thu hồi vốn và ít hiệu quả. Gần đây Chủ tịch nước trong khi tiếp vị đại sứ mới của Nhật có đề xuất nội dung Nhật giúp Việt Nam xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Khi trả lời vị Đại sứ lờ vấn đề này đi mà nói Nhật sẽ hỗ trợ Tp.HCM xây dựng các tuyến tàu điện ngầm. Tôi thấy họ trung thực và có lý. Gần đây ngài Thủ tướng Thái sang thăm Trung Quốc có tuyên bố bàn với Trung Quốc xây dựng đường sắt cao tốc Trung Quốc – Thái (sau khi Quốc hội ta không phê chuẩn đường sắt cao tốc). Tôi nghĩ nên nhường cho họ làm vì họ giàu hơn ta nhiều, người Việt ta ai giàu và khoái đi đường sắt cao tốc thì xin mời du lịch sang Thái để đi. Còn tuyệt đại đa số dân Việt ta nhất là nông dân và người lao động chân tay ở thành thị thì có lẽ 10, 15 năm nữa cũng chưa đủ tiền và chưa khoái đi tàu cao tốc. Ai có việc gì khẩn cấp thì hệ thống sân bay và các hãng hàng không giá vừa phải rải khắp đất nước rồi, vừa nhanh vừa luôn phát triển theo thời đại.

Chúng tôi suy nghĩ: Tại sao đất nước thống nhất hơn 35 năm rồi, vận tải đường sắt truyền thống là ngành vận tải hiệu quả thứ 2 sau đường thủy. Trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa VIII, IX, X đều không nói đến chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, mà chỉ nói: “tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh cơ bản hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển, đường hàng không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. (Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc khóa X trang 199 – NXB. CTQG – Hà Nội 2006). Như vậy trong văn kiện của Đảng đương nhiệm không hề đặt ra xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nguyện vọng và dư luận Đ/v và nhân dân cũng không đồng tình làm đường sắt cao tốc Bắc Nam trong các thập niên 10 – 20 của thế kỷ này. Họ yêu cầu vị tư lệnh ngành GTVT tập trung nguồn lực để nâng cấp và hoàn thiện đường sắt truyền thống Bắc – Nam theo khổ đường 1435mm. Trước hết là một chiều rồi 2 chiều như các nước vừa và lớn trên thế giới hiện nay. Vì đường sắt truyền thống với tuyến đường 2 chiều khổ đường lớn có nhiều lợi, nhiều nhà khoa học và kinh tế học đã từng phát biểu và tốn nhiều giấy mực với nó rồi. Nhưng tại sao các vị tư lệnh ngành GTVT cố tình không nghe. Gần đây vị tư lệnh ngành GTVT giải thích cho công luận tại sao không khôi phục và làm đường sắt 2 chiều sau khi phiên họp quốc hội tháng 6 vừa qua chưa phê chuẩn kế hoạch làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam là: nếu làm đường sắt truyền thống như thế thì đền bù giải phóng mặt bằng tốn kém chết, không chịu nổi!? Xin hỏi (có thể phạm thượng nhưng cần thiết).

(1). Vị tư lệnh ngành GT-VT đã tính kỹ và so sánh số đất phải đền bù khi làm đường sắt cao tốc B-N với mở tuyến đường sắt đôi, chênh lệch bao nhiêu, tiền đền bù đó chiếm bao nhiêu phần trăm tổng kinh phí xây dựng cho từng loại đường? Cái nào lợi hơn về kinh tế?

(2). Vị đã học kỹ và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” chưa? Đã đưa chủ trương và quyết tâm mở đường sắt B-N theo kiểu đường khổ lớn 2 chiều, vừa đỡ tốn kém hơn rất nhiều vừa phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội mà những nơi có nhà ga và đường sắt đi qua xuống bàn bạc với Đảng bộ và chính quyền các địa phương về lợi hại của nó chưa? Họ có phản đối hay họ thấy được lợi hại rồi họ sẽ tự nguyện hiến đất, dời nhà cho Nhà nước làm đường sắt mới. Đã có biết bao tấm gương dân tự nguyện hiến đất làm đường và làm công trình phúc lợi. Hiện nay ở tp HCM, có quận huyện đất quý như vàng mà nhiều nhà vui vẻ hiến cả hàng trăm mét vuông đất để mở đường, xây trường học.

(3). Mở đường sắt truyền thống 2 chiều với hàng trăm nhà ga, kho bãi, việc vận chuyển Bắc – Nam các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm, rau quả tươi, xăng dầu, vật tư,… và cả hành khách, quân đội,…thật thuận tiện và nhanh chóng biết bao, giảm hẳn sự căng thẳng phải kéo công-tơ-nơ Bắc – Nam bằng đường bộ, vừa phá nát đường, vừa dài ngày lại gây quá tải đường bộ, ùn tắc ở những nút giao thông. Việc giải quyết công ăn việc làm có lẽ cũng gấp nhiều lần số người phục vụ cho tuyến cao tốc B-N mà Bộ GTVT rất muốn làm.

(4). Vận tốc đường sắt đôi truyền thống nếu được điện khí hóa thì có thể đạt trung bình 100-120 km/h, không tồi lắm so với trung bình 200 km/h của đường sắt cao tốc, mà vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, khắc phục sự cố lại hợp với trình độ công nhân VN hiện tại và đến quãng những năm 30 của thế kỷ này. Bên cạnh đó ngành sản xuất phụ kiện như toa xe, nội thất toa xe, toa hàng rời và toa hàng đông lạnh, công tơ nơ, cả đến phụ tùng đầu máy nếu quan tâm xây dựng thì sẽ phát triển nhanh không những đủ đáp ứng trong nước mà cả xuất khẩu cho các nước khác.

(5). Có đường sắt truyền thống cao cấp lịch sự văn minh, hiện đại còn phục vụ hàng triệu khách du lịch B-N, họ vừa di chuyển vừa kết hợp tham quan các vùng miền du lịch dọc tuyến đường và cả tham quan các làng quê thơ mộng dọc bên đường. Con đường cao tốc chắc không sánh nổi vì có khác gì ngồi trong máy bay với vận tốc hàng trăm km/h bịt kín vào ra.

(6). Ai dám chắc đất nước VN không còn kẻ rắp tâm xâm lược? Thế nướcc vừa dài mà bề ngang lại hẹp, việc phòng thủ để loại trừ chia cắt mỗi khi có chiến tranh xảy ra là điều vô cùng khó khăn. Làm mỗi con đường sắt cao tốc độc đạo khi đã bị chia cắt rồi thì xem như xóa sổ. Còn nếu đường sắt đôi với kỹ thuật công nghệ của ta lúc đó còn đủ sức phát huy tới sát chiến trường. Việc khắc phục hậu quả bắn phá của kẻ thù ở những nơi hư hỏng cũng sẽ nhanh chóng hơn nhiều, và ngược lại đối với kẻ thù cũng phải tốn kém và khó khăn hơn nhiều khi muốn phá hoại và cắt đứt đường sắt truyền thống của ta. Chiến tranh phá hoại của của Mỹ đối với ta đã chứng minh điều này và tin rằng trong tương lai sẽ còn chứng minh sức sống mãnh liệt của tuyến đường sắt đôi truyền thống.

(7). Về tổng kinh phí đầu tư có lẽ làm đường sắt đôi truyền thống cùng lắm chỉ bằng ½ số tiền làm đường sắt cao tốc kể cả tiền đền bù giải tỏa mà rất nhiều thứ và hạng mục ta có thể tự chế tạo và thi công như các công trình thủy điện và dầu khí hiện nay. Từ đây có thể kích thích phát triển ngành cơ khí chế tạo, luyện kim và công nghiệp phụ trợ khác. Công ăn việc làm cũng tăng lên nhiều.

Thật đáng buồn, đã gần 36 năm thống nhất đất nước mà tuyến đường sắt VN vẫn cơ bản như hồi Pháp thuộc, chỉ có khác hơn đổi mới một số toa khách và thiết bị thông tin chạy tàu. Còn việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, rau quả tươi thì có lẽ không hơn thời Pháp thuộc, thời đó đường bộ chưa phát triển, các xe đông lạnh chưa có nên họ khai thác đường sắt hiệu quả hơn.

Qua phân tích sơ bộ trên, tôi khẩn thiết đề nghị không đưa chủ trương làm đường sắt cao tốc B-N và nhiệm kỳ BCH Khóa XI, mà quyết tâm khôi phục và phát triển đường sắt tuyến đôi khổ lớn truyền thống trong những năm 2011 đến 2020 cố gắng hoàn thành. Số tiền dư ra do không làm đường sắt cao tốc B-N chuyển sang phát triển hệ thống vận tải đường biển và đường ống xảng dầu, nước ngọt và có thể một phần, lúa gạo Bắc – Nam. Với khả năng sản xuất thép các loại, khả năng sản xuất xi măng dư về số lượng và ngày càng cao về chất lượng, ta có thể đầu tư nghiên cứu việc vận chuyển bằng đường ống các hàng hóa chiến lược như nhiên liệu, nước mưa (nước ngọt) Bắc Nam để vừa an toàn, bí mật vừa kịp thời cho các vùng miền bị khô hạn và lũ lụt khác nhau trên cả nước.

Vấn đề thứ ba:

Đề nghị: Cần đưa việc tuyển chọn cán bộ có tài, đức, thanh liêm, việc chống tham nhũng, hối lộ, việc chống lãng phí và thực hành tiết kiệm vào khâu đột phá chiến lược thứ nhất rồi tiếp theo 3 khâu đột phá chiến lược như đã viết trong Dự thảo.

Các đồng chí lãnh đạo của Đảng của các thời kỳ đã từng nói: tham nhũng, hối lộ, lãng phí là một quốc nạn là kẻ địch bên trong. Đ/c tổng bí thư cũng đã cảnh báo tệ nạn ăn hối lộ, chạy chức, chạy ghế ngồi, chạy bằng cấp… đang ngày càng tinh vi và khá phổ biến. Như vậy là lãnh đạo cấp Trung Ương đã từng nghe và biết. Mà thật sự nó đã lan tràn  từ cấp vĩ mô đến vi mô. Đề nghị Trung ương nên có biện pháp xác minh, làm rõ sự thật quốc nạn này để tìm biện pháp khắc phục tận gốc, giải quyết căn cơ trong vài kỳ Đại hội làm cho nội bộ Đảng từ Trung ương đến chi bộ cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết nhất trí, để khôi phục lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng với chính quyền. Là một Đảng viên hưu trí, trong các kỳ sinh hoạt chi bộ cũng như tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân từ anh chạy xe ôm, đạp xích lô, lái taxi đến công viên chức các cấp đương chức và cán bộ về hưu khá nhiều thành phần, cao tuổi có, trung niên có và thanh niên có, họ đều nói về tệ nạn tham nhũng đủ mọi hình thức, mọi mánh khóe, ngành nào tìm cách ăn của ngành đó, miễm là họ giàu sang, ăn chơi phè phỡn. Cán bộ như thế thì làm sao dân tin và dân bảo vệ, dân để yên cho họ vv… Tôi thấy lo cho chế độ, lo cho sự vững mạnh của Đảng. Ta không thể lấy trấn áp đe dọa để giữ vững sự ổn định lâu dài được. Biện pháp này chỉ có tác dụng nhất thời. Việc cần và đủ là phải thực sự thực thi có hiệu quả nền Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa. Ba mặt Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp phải minh bạch, rõ ràng, công bằng. Tất cả đều vì hạnh phúc của tuyệt đại đa số nhân dân chứ không phải phục vụ một số ít có đặc quyền đặc lợi.

Tôi thật sự hi vọng Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch và những quyết sách sáng suốt khoa học hợp lòng dân và tương thích với thời đại.

Kính chúc Đại hội thành công rực rỡ. Kính chúc quý vị Đại Biểu sức khỏe, minh mẫn và công tâm vì Đảng vì dân.

      

   PGS.TS-NGND Lê Kế Lâm