NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG ỨNG PHÓ VÀ THÍCH NGHI VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG -Ngô Lực Tải. PCT. Hội KHKT&KT Biển TP.HCM

 
Gần đây, thông tin đại chúng nói nhiều về nạn sụt lỡ đất ở hai bên sông các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trang, Cà Mau và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ gây thiệt hại không ít cho đời sống và sản xuát của dân, đặc biệt an ninh lương thực quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đương nhiên, cả nước đang tập trung đối phó với vấn nạn thời đại này, bằng chương trình hành động và mục tiêu quốc gia chống BĐKH của Chính phủ được các ngành, các địa phương lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình… Điều dư luận băn khoăn là mức độ ứng phó của chúng ta ra sao trước những diễn biến quá nhanh của “BĐKH”. Để góp phần nhỏ bé vào đại cục, chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ để các nhà nghiên cứu và bạn đọc tiện tư duy. An ninh lương thực quốc gia Không chỉ là cốt lõi của an ninh xã hội mà còn là sự tồn vong của đất nước. Vì vậy việc xác định mục tiêu bảo vệ an ninh lương thực không thể tính vài ba năm tới mà nên nghĩ cho cả thế hệ sau. Quốc hội và Chính phủ ra quyết định giữ 3,8 triệu ha giành cho lúa nước là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nên đặt nó trong bối cảnh nào để chúng ta có thể giữ được và phát huy hiệu quả 3,8 triệu ha này đến năm 2020. Chúng tôi thiển nghĩ:
 
Một là: Cần “pháp luật hóa” số đất đai trong tầm bảo vệ và quản lý của các ngành chức năng Nhà nước trước sự lấn chiếm vô ý thức của những người nhân danh “đô thị hóa” và “công nghiệp hóa”.
 
Hai là: Nên xác định ngành nông nghiệp Việt Nam với đặc thù đất đai phần lớn phù hợp với canh tác lúa nước, lại nằm trong vùng nhiệt đới ven biển để xây dựng thành “ngành chủ lực” nuôi sống dân số Việt Nam và hỗ trợ một phần cho xuất khẩu. Trong bất cứ tình huống nào nông nghiệp cũng phải bảo đảm nhu cầu của quốc gia, từ đó xây dựng chính sách ưu đãi và phát triển đúng đắn (bài học của Nhật Bản).
 
Ba là: Nông nghiệp và nông thôn Việt Nam (tập trung ở hai đồng bằng lớn và duyên hải Miền Trung) là nơi bị tác động mạnh nhất của BĐKH, nên chúng ta cần đầu tư để giữ bình ổn cuộc sống của dân. Sớm quyết định những vùng cần bảo vệ bằng “công trình cứng” (khu vực xung yếu, đê biển ngăn mặn, đê sống bao bọc vùng đất canh tác) và vùng thích nghi với BĐKH. Khôi phục rừng ngập mặn ven biển và rừng phòng hộ giữ nước mưa dọc dãy Trường Sơn thuộc các tỉnh Trung Bộ đã bị tàn phá do xây dựng các công trình thủy lợi và nhà máy thủy điện nhỏ thiếu quy hoạch trong giai đoạn phát triển ban đầu gây ra.
 
Bốn là: Qui hoạch lại hệ thống thủy lợi nội đồng ở các tỉnh ĐBSCL cho hợp lý để tiết kiệm nước ngọt. Nghiên cứu áp dụng giống lúa chịu mặn ở những nơi không giải quyết được thủy lợi, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất mới để người dân có thể nhanh chóng thích nghi với điều kiện BĐKH ở đồng bằng. Bảo vệ tài nguyên nước Tài nguyên nước (TNN) là nguồn sống của các quốc gia trên trái đất, nó bảo đảm cho sự phát triển hài hòa và bền vững ở mỗi nước.
 
Tài nguyên nước (TNN) bao gồm: nước bề mặt (sông, ngòi, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, các đập nước thủy lợi, thủy điện…) và các nguồn, tầng nước dưới lòng đất được tích lũy lâu đời ở các vùng trung du, miền núi cao…
Trước đây vài thế kỷ, khi dân số địa cầu còn thưa thớt, tài nguyên nước ít được quan tâm. Nhưng khi thế giới đi vào công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng, tài nguyên nước trở thành tài nguyên “chia xẻ” vì những con sông lớn chảy qua nhiều quốc gia khác nhau, bị tác động của BĐKH, thường xuyên hạn hán, thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa hè, nhất là ở lục địa Châu Phi, như Uganda, Tây Phi, Kenya… nước ngọt chỉ bảo đảm 30% – 35%/năm. Điều này nếu cứ tiếp diễn lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng chiến tranh giành nguồn tài nguyên nước ngọt giữa các nước láng giềng Châu Phi mà thế giới khó phân xử.
Theo báo cáo của Quỷ Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về tình trạng cung cấp nước ở 200 quốc gia thì đã có 50 nước đang phải chịu tình trạng thiếu nước từ trung bình đến mức trầm tọng trong suốt một năm. Viện Nước quốc tế StocKhomes (SIWI) cho biết hiện có 1,4 tỷ người đang sống tại những khu vực thật sự thiếu nước ngọt và Ngân Hàng phát triển thế giới (WB) ước tính nhu cầu về nước trên thế giới vào năm 2030 sẽ tăng 50% so với hiện nay, chủ yếu do tăng dân số và tăng nhu cầu đa dạng về thực phẩm. Ở Việt Nam, dự báo đến năm 2030 sẽ cần 87 – 90 tỉ mét khối/năm. Khối lượng này bằng khoảng 11% tổng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước nội địa. Đây là con số rất đáng lưu ý được nêu ra trong Hội thảo ngày 28/7/2011 tại Đại Học Cần Thơ. Như vậy, vấn đề bảo vệ tài nguyên nước trở thành khâu quan trọng hàng đầu đối với chúng ta trong nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu các châu thổ, đồng bằng mà từ trước đến giờ ít ai nói đến. Việt Nam là quốc gia ven biển Đông, có nguồn tài nguyên nước trung bình, canh tác lúa nước và nuôi trồng thủy sản, nổi tiếng với ĐBSCL (thế giới gọi là Delta Mekong) xuất khẩu hàng năm trên 6 triệu tấn gạo.
Nước biển dâng cao, xâm nhập mặn lấn chiếm đất nông nghiệp, sạt lỡ sông ngòi, suy giảm sản lượng nước làm dòng chảy yếu đi cùng những hiểm họa thời tiết cực đoan đang là thách thức lớn đối với an sinh xã hội và sản xuất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay. Đáng lo ngại nhất là nguồn nước.
Việt Nam có khoảng 208 con sông lớn nhỏ, trong đó có 126 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa, 76 con sông từ trong nước chảy qua nước khác và 4 con sông chảy vào nhưng sau đó lại chảy ra. Bình thường đủ điều hòa nước cho các nhu cầu an sinh xã hội và sản xuất. Các hệ thống sông lớn như MêKông, Sông Hồng, Sông Bằng Giang, Sông Kỳ Cùng, Sông Mã, Sông Cả, Sông Đồng Nai có tổng lượng dòng chảy trên 60% từ các nước láng giềng. Vài chục năm trở lại đây, trong quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu cho nông nghiệp của những nước thượng nguồn đã gây cho Việt Nam nhiều khó khăn. Nay nếu tiếp tục xây 30 nhà máy thủy điện ở thượng lưu và hạ lưu sông MêKông theo dự kiến, sẽ đưa hàng chục triệu cư dân của 6 quốc gia hạ lưu vào tình cảnh thiếu nước ngọt để sinh hoạt, sản xuất cũng như tàn phá ghê gớm môi trường sinh thái dọc sông MêKông. Liên Hiệp Quốc đã thành lập Ủy Ban sông MêKông, các chính phủ Huê Kỳ và Nhật Bản đã góp sức đáng kể nhằm hạn chế những việc làm thương hại đến nước khác ở lưu vực MêKông. Chúng ta hy vọng rằng những yêu cầu hợp lý, hợp tình của các nước hạ lưu sẽ được dư luận rộng rãi thế giới ủng hộ như đã từng “chung sức” giảm thiểu và ứng phó với thảm họa thời đại là “biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Đối phó kịp thời và hành động cương quyết 
Trong những tài liệu đã công bố, Ủy Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) có khuyến cáo các quốc gia 3 biện pháp cơ bản để ứng phó:
Bảo vệ đầy đủ, tức là dùng hệ thống đê điều kiên cố ngăn ngừa xâm nhập mặn, tôn cao đất đai và các công trình ven biển để đối phó với nước biển dâng cao.
Thích nghi, tức là cải tạo cơ sở hạ tầng và chuyển đổi tập quán sinh hoạt, canh tác của dân hay nói cách khác là “chung sống”.
Tái định cư, tức là di dời cơ sở hạ tầng ra khỏi khu vực nguy hiểm lên vùng cao hơn, vào sâu trong lục địa có nghĩa là “bỏ đất”.
Cho đến nay, ở Việt Nam chưa nghe ai đề cập đến biện pháp thứ ba vì đất đai hẹp, người đông, nếu “bỏ đất” cũng sẽ là thảm họa mới cho quốc gia, cho dù “bảo vệ” hay “thích nghi” thì vấn đề tạo năng lực ứng phó là cơ bản. Vì vậy, trong ứng phó nên nghiên cứu nhiều khả năng và nhiều phương án phù hợp với địa phương, đồng thời cần lưu ý đến yếu tố phát triển bền vững của từng vùng một. Điều quan trọng nhất là phải đối phó kịp thời – Ví dụ: Lựa chọn phương án “công trình” (đê điều, hệ thống cống thoát kiên cố…) hay “phi công trình” (thích nghi, thay đổi tập quán canh tác, đời sống, áp dụng giống mới, cây con thích hợp…) hoặc kết hợp cả hai biện pháp. Khi xác định chính xác rồi thì cần hành động cương quyết có sự hiệp đồng, giúp đỡ của quốc tế và lực lượng tổng hợp cả nước.
Những diễn biến tiêu cực do thời tiết cực đoan của BĐKH gây ra vừa qua ở ĐBSCL là bài học bổ tích để chúng ta xác định phương hướng hành động thích hợp trong giai đoạn sắp tới.
Tăng cường huy động chất xám vào cuộc
Biến đổi khí hậu là thảm họa thời đại, ảnh hưởng đến sự phát triển chung toàn cầu, được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm ứng phó bằng nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào tiềm năng kinh tế, trình độ khoa học – công nghệ và mức độ tác động gây thiệt hại ít nhiều do nó gây ra.
Riêng Việt Nam, số phận không may đến với dân tộc, là một trong những nước phải chịu thiệt hại nặng nề nhất… nên có người đã ví chúng ta đang chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược vĩ đại của thiên nhiên từ trước đến nay. Do đó chúng ta cần nổ lực vượt qua bằng những gì đã có, quan trọng hơn là ý chí dân tộc vốn đã có truyền thống.
Nhìn lại hơn 10 năm chuẩn bị và ứng phó một phần với hiểm họa thiên tai. Việt Nam vẫn đứng vững ở vị trí quốc gia “tiền tiêu”, tạo tư thế vững chắc cho bản thân và quốc tế tin tưởng. Tuy nhiên cũng còn lắm bất cập và khiếm khuyết lộ ra cần sớm khắc phục, đặc biệt là ý thức sử dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong nước cũng như thế giới để xử lý công việc hãy còn thấp. Nhiều viện nghiên cứu của TW chưa vào cuộc. Đội ngũ chất xám chưa được huy động đồng bộ (cả nước có trên 2 vạn PGS, GS và hơn 3 vạn TS các loại cùng hơn 10 vạn kỹ sư thì chưa đến 10% tham gia vào công tác ứng phó tại thực địa hiện trường. Chỉ có các cơ sở nghiên cứu tại chỗ với thiết bị lạc hậu và ít ỏi người tham gia. Các Trường Đại Học đóng góp đến mức nào, xin nhường cho ngành giáo dục đào tạo đánh giá). 
THAY LỜI KẾT
Quỷ thời gian (lấy mốc năm 2100 nước biển sẽ dâng đến 100mm, gây thiệt hại cho chúng ta, như kịch bản đã được cảnh báo về BĐKH toàn cầu).
Thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào con người: Nếu “bất động” thì thời gian sẽ ngắn. “Hành động” có mục đích vì sự nghiệp chung và tương lai thời gian sẽ dài.
Diễn biến phúc tạp và cực đoan của thời tiết khó ai lường trước được. “Chi bằng chúng ta nên hành động quyết liệt ngay từ bây giờ trên mặt trận ứng phó với BĐKH”. Tin tưởng rằng Việt Nam và thế giới sẽ thành công.
Ghi chú 1 : con số chưa thật chính xác.