Rào cản kỹ thuật đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (Tham luận gửi Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011) TS. Nguyễn Anh Thu Giảng viên, Phó chủ nhiệm bộ môn Thẩm định Kinh tế và Quản lý Dự án Quốc tế Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội

Rào cản kỹ thuật đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (Tham luận gửi Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011)  TS. Nguyễn Anh Thu Giảng viên, Phó chủ nhiệm bộ môn Thẩm định Kinh tế và Quản lý Dự án Quốc tế Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội

Trong phạm vi của bài viết này, tác giả xin đề cập tới các rào cản kỹ thuật đối với hàng thủy sản – một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – sang một số thị trường lớn. Từ đó, bài viết đưa ra một số đề xuất mang tính chất tham khảo giúp các doanh nghiệp có các định hướng của mình nhằm vượt qua các rào cản kỹ thuật này.

Rào cản kỹ thuật đối với thương mại
Trước khi đi vào phân tích các rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng thủy sản, tác giả xin được nhắc lại định nghĩa của rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Theo định nghĩa của WTO: “các biện pháp kỹ thuật là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó”. Như vậy, để bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh…, các nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá của mình và hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều nước lại có xu hướng lạm dụng các biện pháp kỹ thuật này nhằm mục tiêu hạn chế hàng hóa nhập khẩu, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Do đó các biện pháp kỹ thuật này còn được gọi với cái tên “ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (Technical Barriers to Trade – TBT)”.

Tình hình xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường lớn

Mặt hàng thủy sản của Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước. Năm 2009 là năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu nói chung và đối với mặt hàng thủy sản nói riêng. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy xuất khẩu thủy sản cả nước mang lại kim ngạch khoảng 4,2 tỷ USD, giảm 6,2% (tương đương 276,6 triệu USD) so với kim ngạch năm 2008. Tuy nhiên, năm 2010 đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành thủy sản, với sản lượng ước đạt 5,2 triệu tấn, giá trị sản xuất toàn ngành 56.900 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2009 và giá trị xuất khẩu ước đạt 4,95 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2009.

Biểu đồ 1. Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2010

Nguồn: VASEP

Biểu đồ 1 cho thấy EU, Mỹ và Nhật bản là ba đối tác chính nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam trong năm 2010. Đây cũng là các thị trường truyền thống đối với mặt hàng thủy sản của nước ta. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào các thị trường này ngày càng tăng, song vì đây là thị trường của các nước phát triển với các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật rất khắt khe, các rào cản kỹ thuật vẫn luôn là vấn đề gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Thị trường EU
Từ năm 2006 EU đã lần lượt vượt Mỹ và Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU là 364,015 tấn, trị giá 1,181 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và 9,6% về giá trị so với năm 2009. Các thị trường tiêu thụ mặt hàng thủy sản từ Việt Nam là Đức, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan và Pháp, trong đó Đức và Tây Ban Nha là hai thị trường lớn nhất.
Về cơ cấu thủy sản xuất khẩu sang EU, các mặt hàng như cá tra, tôm, nhuyễn thể và cá ngừ là các mặt hàng chính.

Thị trường Mỹ
Từ đầu những năm 2000, Mỹ đã trở thành một trong ba thị trường tiêu thụ nhiều nhất thủy sản của Việt Nam, mặc dù có hai vụ kiện “chống bán phá giá” đối với tôm và phi lê cá tra đông lạnh. Hiện nay, Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam trong đó tôm, cá tra, cá basa vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này. Năm 2010, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 156,998 tấn, tương đương với trị giá 971,561 triệu USD, tăng đáng kế so với cùng kì năm ngoái, nhất là tốc độ tăng giá trị 45,3% (gấp 1.5 lần so với tốc độ tăng khối lượng 30,5%). Như vậy thủy sản xuất khẩu sang Mỹ đã có những cải thiện đáng kể về giá và mức độ chế biến sâu.

Thị trường Nhật Bản
Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 896,980 triệu đô la các sản phẩm thủy sản sang Nhật, tăng 19,1% so với năm 2009. Việt Nam là nhà cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu, chiếm 21% thị phần, và là nhà cung cấp cá phile đông lạnh lớn thứ 8, chiếm 2,77% thị phần thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật có sự chuyển dịch tích cực, thể hiện ở cơ cấu sản phẩm: từ các sản phẩm sơ chế, có giá trị gia tăng thấp, sang các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao hơn. Năm 2010, Nhật Bản nhập khẩu 126 triệu đô la tôm chế biến từ Việt Nam, tăng 17,4% so với năm 2009. Như vậy, Việt Nam đã nới rộng khoảng cách thị phần với Trung Quốc trong phân khúc sản phẩm tôm chế biến và vượt Indonesia trong phân khúc sản phẩm cá phile đông lạnh.

Các rào cản kỹ thuật đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

Mặt hàng thủy sản xuất khẩu được đánh giá là một trong những mặt hàng gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật nhất từ các nước đang phát triển. Vấn đề này cần được xem xét ở cả hai mặt của nó. Thứ nhất, người tiêu dùng, đặc biệt ở các nước phát triển, không chỉ mong đợi thực phẩm an toàn và chất lượng cao, mà còn ngày càng quan tâm tới tính bền vững cho môi trường và xã hội. Điều này có nghĩa hàng hóa tiêu thụ tại các thị trường này cần phải được đảm bảo giám sát và quản lý về mặt an toàn, chất lượng, các khía cạnh môi trường và xã hội của sản phẩm. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để các nước phát triển đề ra quá nhiều các quy định, tiêu chuẩn khiến cho mặt hàng thủy sản của nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường nước mình, dựng lên một hàng rào bảo hộ vô hình đối với sản xuất trong nước.
Thực tế trong thời gian qua đã cho thấy có nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam bị các cơ quan kiểm soát chất lượng của Mỹ, EU và Nhật Bản cảnh báo là không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như nhiễm vi sinh vật gây bệnh, hóa chất, kháng sinh có hại…Dưới đây là một số các rào cản kỹ thuật tiêu biểu đối với mặt hàng thủy sản mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi thâm nhập các thị trường này.

Các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước
Tiêu chuẩn HACCP
Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) là một tiêu chuẩn quốc tế xác định các yêu cầu của một hệ thống quản lý thực phẩm an toàn. Hệ thống HACCP giúp tổ chức tập trung vào các nguy cơ có ảnh hưởng đến an toàn / vệ sinh thực phẩm và xác định một cách có hệ thống, thiết lập và thực hiện các giới hạn kiểm soát quan trọng tại các điểm kiểm soát tới hạn trong suốt quá trình chế biến thực phẩm. Tiêu chuẩn này đã được thị trường Mỹ và EU áp dụng đối với thủy sản nhập khẩu.
Ví dụ cụ thể, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thủy sản sang Mỹ phải gửi kế hoạch, chương trình HACCP cho Cục thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nếu FDA kết luận là đạt yêu cầu thì doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu. FDA sẽ kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu, nếu phát hiện lô hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ bị từ chối nhập khẩu, sẽ bị trả về nước hoặc tiêu hủy tại chỗ, mọi chi phí phát sinh do doanh nghiệp chịu, ngoài ra tên doanh nghiệp được đưa vào mục “Cảnh báo nhanh” trên internet. Nếu 5 lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp bị giữ lại ở cảng nhập khẩu để kiểm tra theo chế độ tự động đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, doanh nghiệp làm đơn đề nghị thì sẽ được FDA xóa tên khỏi mục cảnh báo nhanh.
Tiêu chuẩn Global GAP
GlobalGAP là một bộ tiêu chuẩn xuất phát từ châu Âu được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Mục tiêu của Global GAP là thiết lập một chuẩn mực trong sản xuất nông nghiệp cho nhiều loại sản phẩm khác nhau. Như vậy, tiêu chuẩn Global GAP có thể coi như một giấy thông hành cho hàng thủy sản Việt Nam thâm nhập thị trường các nước phát triển, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Tiêu chuẩn JAS
Đối với thị trường Nhật Bản, hàng hóa có dấu JAS (Japan Agricultural Standards -Tiêu chuẩn các mặt hàng nông, lâm sản) do Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cấp, sẽ được người tiêu dùng rất tín nhiệm. Do đó việc nghiên cứu các tiêu chuẩn này khi thâm nhập vào thị trường Nhật Bản cũng là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngoài ra, các luật, bộ luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước phát triển cũng quy định rất khắt khe đối với hàng thủy sản tiêu thụ trên thị trường các nước này. Điển hình như Luật bảo vệ người tiêu dùng thủy sản thương mại của Mỹ, Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật bản. Cụ thể, Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản có quy định một danh sách các mức dư lượng tối đa đối với một số chất có hại và hàng hóa sẽ không được nhập khẩu vào Nhật Bản nếu chứa dư lượng vượt quá mức tối đa đó.
Quy định về bảo vệ môi trường và nguồn lợi
Đây là quy định của một số luật chủ yếu của các nước phát triển nhằm bảo vệ môi trường có sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm buộc chính phủ các nước xuất khẩu thuỷ sản áp dụng những thông lệ bảo vệ loài cá heo, hải sản, chim rừng và các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác. Có thể lấy ví dụ như Luật bảo vệ động vật biển có vú 1972 của Mỹ quy định cấm nhập khẩu động vật biển có vú và sản phẩm của loài này, trừ khi phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Luật thực thi lệnh cấm đánh bắt ngoài khơi xa bằng lưới quét được ban hành năm 1992 của Mỹ nhằm hỗ trợ cho việc thực thi trên phạm vi quốc tế Nghị quyết của Liên Hợp quốc cấm đánh bắt cá bằng lưới quét với quy mô lớn ngoài khơi xa sau ngày 31/12/1992.
Ngoài ra, Mỹ còn đã cấm nhập khẩu tôm từ các khu vực trên thế giới nếu việc đánh bắt gây nguy hiểm đối với loài rùa biển trừ khi nước đánh bắt được chứng nhận đã yêu cầu tàu thuyền sử dụng các thiết bị xua đuổi rùa biển.
Đặc biệt, từ ngày 1-1-2010, các quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (illegal, unreported and unregulated fishing – IUU) cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có chứng nhận về tính hợp pháp của sản phẩm, phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác… mới được phép xuất vào thị trường EU. Theo VASEP, để đáp ứng các yêu cầu này cần có ít nhất 12 thông tin cần khai báo trong giấy chứng nhận khai thác (tên tàu, tên chủ tàu, số đăng ký của tàu, giấy phép khai thác, mô tả hải sản khai thác được…). Điều này gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vì phương thức đánh bắt của ngư dân ở Việt Nam chủ yếu nhỏ lẻ và lạc hậu nên chưa có hệ thống giám sát, kiểm soát và chứng thực đáp ứng các điều kiện theo IUU.

Luật ghi nhãn xuất xứ đối với hàng thủy sản
Luật này quy định các nhà bán lẻ thực phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ (nước sản xuất) đối với các sản phẩm thủy sản, thịt tươi, các sản phẩm tiêu dùng khác.
Luật ghi nhãn gây khó khăn đối với những nhà sản xuất nhỏ vì thủ tục giấy tờ là một vấn đề gây phức tạp, tốn nhiều thời gian đối với các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, luật này lại có tác dụng rất hữu hiệu đối với người tiêu dùng để có thể dễ dàng lựa chọn được sản phẩm với những thông tin về xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng.

Một số đề xuất

Nhìn chung, điều quan trọng nhất trong ngắn hạn cũng như dài hạn của ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường nước nhập khẩu cũng hết sức quan trọng. Cụ thể, muốn đưa hàng vào Hàn Quốc và Nhật Bản các doanh nghiệp nên chú ý đến quy cách chất lượng thủy sản, muốn xuất hàng qua EU lại cần chú ý tới tiêu chuẩn vi sinh… Một lưu ý quan trọng nữa đối với các doanh nghiệp là cần xây dựng quan hệ bạn hàng chiến lược và lâu dài. Các bạn hàng ở thị trường mục tiêu sẽ là nhân tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và vượt qua được rào cản kỹ thuật của các thị trường này.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp hành động một cách riêng lẻ thì việc vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước phát triển sẽ rất khó khăn. Vai trò của Nhà nước, Hiệp hội, thậm chí các công ty tư vấn là rất quan trọng. Nhà nước và các Hiệp hội ngành hàng có thể nỗ lực trong việc hợp tác và ký kết thỏa thuận kiểm dịch trong lĩnh vực thủy sản, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ từ các nước phát triển trong việc thành lập các trung tâm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế đối với mặt hàng thủy sản, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm định với các phương pháp, kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của các nước phát triển…
Cụ thể như đối với Nhật bản, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), ngoài việc cắt giảm rất nhiều dòng thuế đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam, còn cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thành lập các trung tâm kiểm dịch động thực vật và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Việt Nam, công nhận tiêu chuẩn của mỗi bên. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này nhằm nghiên cứu đưa ra một mô hình Trung tâm kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm thích hợp, có sự hợp tác của phía Nhật bản và đặc biệt là có sự tham gia của Hiệp hội ngành hàng dưới hình thức hợp tác công – tư.
Trên đây là một số đề xuất mang tính chất định hướng mà các doanh nghiệp cũng như Nhà nước có thể tham khảo nhằm vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường lớn. Cần có các nghiên cứu quy mô và chi tiết hơn để có thể đưa ra các biện pháp cụ thể đối với từng thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

http://www.vasep.com.vn/

http://www.globalgap.org/cms/front_content.php?idcat=9

http://www.pnq.com.vn/en/HACCP/haccp%20intro.html

http://www.hg.org/fisheries-law.html#1

http://ec.europa.eu/fisheries/cfp/illegal_fishing/index_en.htm

http://www.moit.gov.vn/