Sự thẳng thắn của người Đức -P.Nghĩa

Sự thẳng thắn của người Đức -P.Nghĩa

Trước chuyến thăm Berlin, ông Netanyahu gây bất ngờ khi phát biểu tại Đại hội Thế giới Do Thái ở Jerusalem hôm 20-10 rằng Hitler chỉ muốn trục xuất người Do Thái ở châu Âu. Tuy nhiên, lãnh đạo Palestine lúc đó là Haj Amin al-Husseini đã tìm đến trùm phát xít và nói: “Nếu ông đuổi họ, họ sẽ quay lại”. Hitler liền hỏi: “Vậy tôi phải làm gì?”. Ông Al-Husseini trả lời: “Thiêu họ”.
Ông Netanyahu khẳng định trong cuộc gặp giữa Hitler và Al-Husseini vào tháng 11-1941, trùm phát xít Đức đã bị lãnh đạo Palestine tác động và gây ra vụ thảm sát 6 triệu người Do Thái mang tên Holocaust (cùng hàng triệu người khác), đã đi vào lịch sử như một vết nhơ không thể xóa mờ.

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu (phải) gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin hôm 21-10-2015.
Ảnh: EPA

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung hôm 21-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thắn nói “không cần thiết phải sửa lại lịch sử”. “Chúng tôi nhận trách nhiệm của cuộc thảm sát” – bà nhấn mạnh.
Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên của bà Merkel, Steffen Seibert, cũng khẳng định Berlin nhận trách nhiệm về vụ thảm sát Holocaust và “tội ác của Đức” khiến nền văn minh thế giới bị hủy hoại và gián đoạn. “Điều này được dạy trong nhà trường Đức và nó không bao giờ được phép rơi vào quên lãng” – ông Seibert nói với các phóng viên ở Berlin.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Netanyahu tỏ vẻ đấu dịu và giải thích ông không có ý bào chữa cho trùm phát xít Đức nhưng thật vô lý nếu mọi người bỏ qua vai trò của Al-Husseini – một “tội phạm chiến tranh góp phần vào cuộc diệt chủng người Do Thái ở châu Âu”.


Haj Amin al-Husseini gặp Adolf Hitler vào tháng 11-1941. Ảnh: Wikimedia Commons

Câu chuyện của ông Netanyahu đã gây giận dữ cho các nhà sử học, chính trị gia đối lập Israel lẫn giới chức Palestine.
Thủ lĩnh Đảng Liên minh Do Thái đối lập tại Israel Isaac Herzog mô tả phát biểu của ông Netanyahu là “sự xuyên tạc lịch sử nguy hiểm”. Giáo sư Meir Litvak của Đại học Tel Aviv cũng phản đối câu chuyện mang ý nghĩa thù hằn ghê gớm của nhà lãnh đạo Israel đối với láng giềng Palestine.
Vị giáo sư này dẫn chứng trước khi Al-Husseini gặp Hitler, trùm phát xít đã nói về kế hoạch hủy diệt người Do Thái trong một bài phát biểu vào năm 1939 và chỉ thị cho quân đội giết chết hàng chục ngàn người Do Thái tại Lithuania và Ukraine. Do vậy, không cần ông Al-Husseini thuyết phục thì Hitler cũng sẽ thực hiện ý định vì hắn lặp lại tuyên bố “tàn sát người Do Thái” nhiều lần.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat tuyên bố: “Thật là một ngày buồn khi nhà lãnh đạo Israel ghét láng giềng của ông ta đến mức sẵn lòng xóa tội sát hại 6 triệu người Do Thái cho Adolf Hitler, tên tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất lịch sử”.
Nói như trang Atlantic, ông Netanyahu – con trai của một sử gia – có thể đã tự tay hủy hoại uy tín của chính mình.
P.Nghĩa (Theo The Guardian, NPR)