Sau Chevron, bao giờ đến lượt Hyundai-Vinashin? Võ Văn Tạo

Năm 1992, rời khỏi Ecuado, Texaco để lại một đại thảm họa môi trường với khoảng 1.000 hầm chứa nước thải độc hại rò rỉ vào thượng nguồn sông ngòi và nhiều nguồn ô nhiễm khác, nơi khoảng 30.000 người Ecuado sinh sống. Hành vi trên vốn bị nhiều bang sản xuất dầu thô ở Hoa Kỳ nghiêm cấm từ nhiều thập kỷ trước. Các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới đánh giá vụ Oriente như một “thảm họa Chernobyl” ở rừng Amazon. Bài học “kinh điển” Oriente và một số nơi khác ở Nam Mỹ đã vào giáo khoa môn Kinh tế học môi trường: khi chủ doanh nghiệp “ăn gian” 1 USD cho việc xử lý chất thải, xã hội phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm USD để khắc phục, chưa tính đến sức khỏe, sinh mạng con người.

 

Đó là chuyện xảy ra ở Ecuado. Còn tại Việt Nam, cuối thập kỷ 1990, khi trình các cơ quan hữu trách luận chứng kỹ thuật xây dựng Nhà máy tàu biển Huyndai-Vinashin (HVS- ở Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa) chủ đầu tư cam kết công đoạn làm sạch vỏ tàu sử dụng cát khai thác tại địa phương. Thế nhưng, từ khi bắt đầu hoạt động (1999), HVS tự ý nhập hạt nix (phế thải luyện đồng) về cạo sơn, đánh rỉ, vệ sinh vỏ tàu và các thiết bị nổi trên biển. Vụ việc bại lộ, HVS mới xin Bộ KHCN điều chỉnh hợp thức hóa việc sử dụng hạt nix. “Sự đã rồi”, Bộ KHCN chấp nhận, với điều kiện phải thu gom nix qua sử dụng để thiêu trong lò nhiệt độ cao chuyên dụng, nhằm loại bớt độc tố trước khi thải ra môi trường. Thế nhưng, 12 năm qua, HVS không hề xây dựng lò thiêu chuyên dùng, toàn bộ nix thải “ôm” theo sơn cũ và các kim loại nặng độc hại bị chất thành núi ở thôn Mỹ Á (xã Ninh Thủy). Đến nay, kho “bom nổ chậm” này đã lên đến cả triệu tấn, đầu độc nguồn nước, đất trồng trọt và không khí khu vực. Người dân xung quanh HVS, công luận cả nước từng nhiều lần cực lực phản đối và lên án. Từ giữa thập kỷ 2000, cơ quan chức năng, thậm chí cả Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu HVS phải xử lý dứt điểm núi nix thải. Thế nhưng, không hiểu vì sao “của nợ” này vẫn lù lù như thách đố! Niềm hy vọng của người dân xung quanh HVS tắt ngấm khi cái gọi là “Nhà máy xử lý nix thải” qua 2 lần khởi công động thổ rình rang, mấy năm qua vẫn chỉ là bãi đất trống! Thay vì đóng mới tàu biển, HVS chỉ sửa chữa, hoán cải tàu cũ suốt hơn 10 năm trời.

 

Theo các chuyên gia ngành đóng tàu, việc sử dụng nix để vệ sinh vỏ tàu lãi hơn nhiều so với dùng

                                   Bãi Nix lộ thiên

                           Che đậy bãi hạt Nix

                                    Nhà máy hạt Nix- bãi đất trống

       Công văn Chính quyền yêu cầu xử lý hạt Nix

cát hoặc bi sắt. Việc đóng mới không có lời bằng sửa chữa, hoán cải tàu cũ. Nhưng việc sửa chữa tàu cũ gây ô nhiễm qua chất thải độc hại gấp trăm lần đóng mới.

 

Từ chuyện Chevron bên Tây bán cầu, người Việt Nam đặt câu hỏi: Bao giờ HVS mới ra tòa? Bao giờ người dân xung quanh nhà máy được hưởng công lý? Ai sẽ làm việc này?

 

Võ Văn Tạo