Thư giảng viên: “Chúng ta đừng tự lừa mình!”
Cái khuyết thiếu đó làm thế nào để bồi đắp, và cái dư thừa kia làm gì để thanh lọc – loại bỏ, luôn là một vấn đề mà người ta luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp trong mọi thời đại!
Nếu đứng ra khỏi ngành giáo dục mà nhìn, thì người ta đã từng giải thể hàng vạn cơ quan-xí nghiệp-công ty trong những năm qua, thế thì không có lý do gì mà lại không xảy ra đối với giáo dục – nơi sản xuất nhiều “hàng dởm” – bệnh thành thích gian dối – bằng cấp – danh hiệu lan tràn – cùng không khí thiếu dân chủ và thiếu thẳng thắn – háo danh bao trùm lên tất cả, mà thực tế nó đang âm thầm phá hủy xã hội ghê gớm, nên nó cũng rất cần phải bị “giải thể” theo một nghĩa nào đó. Giải thể để tái lập!
Tôi muốn nói điều này để các anh cùng chia sẻ, vì không ít người trong ngành có vẻ hay cố tình rất không muốn hiểu – trì trệ, nên họ hay tự đánh lừa mình, rằng còn lâu mới thay đổi, hay tiêu cực ở các ngành khác còn đầy, còn nhiều hơn … mà yên tâm nằm ngủ, hay tiếp tục làm theo – sống theo thói quen xưa cũ của mình, bịt tai để khỏi nghe thấy tiếng súng.
Cũng thật dễ hiểu, vì trên con tàu dù có thể sắp đắm, nhưng hành khách chỉ nhìn vào nhau, thậm chí vẫn tranh nhau chỗ ngồi, thì sao họ biết được tàu sắp đắm, và chỉ tới khi ụp tàu chết chìm tất cả thì … Kẻ mông muội thường như vậy, chẳng biết nhìn xa trông rộng bao giờ! Sự thật không gì khác, chính sự khát khao muốn cuộc sống của con người luôn hoàn thiện và tốt đẹp, là động lực của mọi động lực dẫn đến sự thay đổi!
Tôi cho rằng không bao lâu nữa, người ta buộc phải bắt đầu bằng việc kiểm tra bằng tiến sĩ, cùng các học hàm phó giáo sư và giáo sư.
Điều này rất dễ vì chỉ việc thông qua các kết quả đã công bố – mà mọi người buộc phải kê khai. Làm xong việc này mới hoạch định chế độ lương theo bằng cấp cho tới tiến sĩ, còn phó giáo sư và giáo sư thì sẽ trả lương theo sản phẩm các công trình khoa học được công bố trong những năm gần nhất và phải được cập nhật theo định kỳ.
Chỉ có làm như vậy mới đủ tiền nuôi những người có năng lực làm việc, và các nhà khoa học. Rằng chỉ có như vậy thì mới tạo ra được động lực thực sự, để phát huy sức lực và trí tuệ của cộng đồng!
Sự tha hóa đáng sợ nhất
Tôi viết thư này trao đổi với các anh, những người mà tôi đã tham gia đào tạo, vì tôi ở trong ngành giáo dục đã rất lâu và nghiệm thấy rằng, ở môi trường này không hiếm những người rất chậm thay đổi và không quen ngẩng đầu lên, cũng như không chịu dùng tư duy phản biện, rất bào thủ trì trệ, không chịu nhìn ra ngoài, để thay đổi mình, đã thế lại chuộng thành tích và háo danh.
Rồi đây các anh sẽ có thể có vị trí cao, thậm chí rất cao, và khi đó rất có thể các anh sẽ là những người được ngồi ở nhiều hội đồng trong những thời gian dài, được phán xét hồ sơ khoa học của nhiều người khác, được đánh giá hết đề tài này, dự án kia, chấm luận văn này, luận án nọ, nhưng các anh thì không được (bị) nghe thấy ai đánh giá bản thân mình về nhân cách về kết quả khoa học – vì không ít kẻ không dám ngẩng mặt lên nhìn các anh.
Và các anh tự nhiên như một đấng tối cao, như một hiện thân của chân lý. E rằng khi đó, nếu không biết tự kiểm soát và đánh giá bản thân, rồi lại xa rời với học thuật, cộng với sự say mê với “quyền uy hội đồng”, các anh sẽ dễ trở thành những kẻ ban phát, mọi ấn phẩm hay – dở qua tay các anh đều như nhau, các anh sẽ đánh giá chất lượng của nó thông qua tình cảm của các anh với chủ nhân của nó…
Cái mà các anh cần ở đương sự là sự tôn sùng, quỵ lụy, cùng với “chút lòng thành” để tỏ lòng thành kính. Không chỉ có vậy, mà các anh còn trở thành “biểu tượng”, trở thành “long trọng viên” của mọi cuộc tọa đàm – hội thảo, lời các anh dù có rất vô nghĩa, có cắt dán “đầu Ngô mình Sở” – để chính các anh và mọi người đều không hiểu các anh định nói gì, thì những kẻ chỉ quen cúi đầu – không có óc phản biện, vẫn cho các anh là những người uyên bác, còn người nghe không hiểu là do trình độ còn hạn chế mà thôi.
Nếu như thế thì thế giới học thuật – nơi thiêng liêng nhất của nhân loại đã bị các anh vấy bẩn. Lúc bấy giờ các anh không chỉ trở thành một lực cản lớn mà còn là kẻ thù của khoa học. Đến lúc đó nếu chúng tôi còn sống – nhìn cảnh đó – thì không biết nên cười hay nên khóc?!. Rằng đó là sự tha hóa đáng sợ nhất – mà các anh luôn cần phải ghi nhớ và cảnh giác!
Một thời cơ tốt
Trong lúc kinh tế nước ta đã thay đổi với nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng đáng tiếc là giáo dục và đào tạo lại tụt hậu, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi đất nước. Vì thế gần đây người ta đã quyết tâm thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo, và cũng dần nhìn thấy tất cả các khuyết tật của ngành này.
Cũng xuất hiện không ít những cái nhìn khá bản chất vào từng trường đại học, thậm chí cả những trường đại học mà thương hiệu của nó đã ngấm sâu vào tâm thức của công chúng. Sự thật sẽ được đánh giá đầy đủ trước xã hội tiến bộ.
Và rõ ràng sự thay đổi cần phải được bắt đầu từ các trường đại học – là một cái nhìn đúng đắn. Nói thế để các anh biết xã hội sẽ trở lại đánh giá xác thực mọi vấn đề, mọi giá trị, vì lợi ích của xã hội! Mà điều này là một thời cơ rất tốt cho những người có năng lực và biết liên tục làm việc và phát triển bản thân – gắn với phát triển của đất nước!
Tôi tin và mong các anh thấu hiểu, phấn khởi và nỗ lực đón nhận cơ hội mới này!
Dương Quốc Việt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)