Tiếng súng Tiên Lãng : Dân và quan đều là nạn nhân của Hiến Pháp
Hiến pháp năm 1992 quy định:
“Điều 17: Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.”
Chính cái “sở hữu toàn dân” là sự hợp pháp hóa các thủ đoạn làm giàu đơn giản nhất ở Việt Nam từ tinh vi đến trắng trợn với những người có quyền lực hoặc biết dựa vào quyền lực.
Và cũng chính “sở hữu toàn dân” đã đưa những người nông dân hiền lành đến con đường cuối cùng phải cầm đến vũ khí.
Có lẽ những người sọan bản Hiến pháp 1992 nghĩ ai ai có quyền lực cũng sống trong sáng và công tâm như họ. Nhưng quy luật thực tiễn của cuộc sống lại khác. Con người ai cũng có hai phần: người và con; khi Hiến pháp tạo thuận lợi cho phần “con” phát triển thì đó là tai họa của cộng đồng.
Các quan chức Tiên Lãng vừa có quyền ra quyết định lấy lại đất của dân, vừa có quyền lực buộc Tòa án huyện theo lệnh của Chủ tịch huyện, vừa có quyền thu xếp với Tòa án cấp trên lừa bằng sự hòa giải, vừa có quyền huy động tất cả mọi lực lượng vũ trang… để bắn vào dân, buộc dân phải chấp hành giao đất lại cho huyện trong khi huyện đã không thể giải thích việc lấy lại đất nhà ông Vươn vì lợi ích của cộng đồng!
Các quan huyện bị cách chức vì sử dụng kẽ hở của Hiến pháp để mưu lợi.
Còn người nông dân hôm nay không phải người nông dân năm 1954. Họ có trình độ đại học. Họ hoàn toàn ý thức được quyền công dân, quyền sống như con người của mình và gia đình mình. Chính sự trưởng thành của người nông dân đã buộc họ phải vi phạm pháp luật để chống lại sự bất công.
Sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền lợi chính đáng, người nông dân và gia đình vào tù.
Quan điểm “sở hữu toàn dân” đã ảnh hưởng xấu đến bức tranh kinh tế Việt Nam hôm nay!
Tất cả các đại gia giàu có của Việt Nam hầu hết đều nhờ vào tài nguyên thiên nhiên đất, rừng, khoáng sản… Thật khó tìm một đại gia đưa chất xám vào sản phẩm để làm giàu như các nước văn minh khác!
Chính kẽ hở của Hiến pháp đã hướng con người trong xã hội Việt Nam tìm mọi cách tham gia vào các cơ quan quyền lực hoặc gắn với quyền lực để chiếm hữu hợp pháp các nguồn tài nguyên của đất nước. Để đạt mục đích đó, họ phải tiêu phí rất nhiều thời gian cho các mối quan hệ hơn là kinh doanh chân chính. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa của sự tham nhũng lan tràn … Và đó cũng là nguyên nhân sâu xa làm cho nền giáo dục của Việt Nam chỉ đạt về hình thức với nhiều học vị, học hàm cao nhưng hạn chế về thành quả trí tuệ.
Năm 2012, Việt Nam đang có chủ trương sửa lại Hiến pháp. Tiếng súng Tiên Lãng đã giục giã người Việt Nam cần xem xét và điều chỉnh lại Hiến pháp. Chúng ta cần một Hiến pháp mà mọi người dân sống trên đất nước này đều phải lao động hết sức nghiêm túc mới có thể sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Hiến pháp phải ngăn chặn mọi sự làm giả, ăn thật trên cơ sở quyền lực hay dựa vào quyền lực. Hiến pháp phải bảo vệ những thành quả lao động chân chính của mọi người. Có như vậy xã hội Việt Nam sẽ chỉ có tiếng súng pháo hoa chúc mừng cuộc đời tươi đẹp và mãi mãi vĩnh biệt tiếng súng hoa cải của Tiên Lãng.
KS Doãn Mạnh Dũng