Phát triển luồng biển Trần Đề: Tạo diện mạo mới cho vùng Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau (18/02/2012) -LÊ ANH

Luồng Trần Đề có thể đón tàu hàng vạn tấn

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng – Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, qua nghiên cứu đến nay chúng ta đã có thể hiểu rõ về luồng Trần Đề. Tương lai, việc đưa tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải qua luồng Trần Đề vào vùng Nam sông Hậu là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Theo tính toán, vốn đầu tư cho dự án không quá 30 triệu USD và thời gian thi công ngắn. Giải pháp thi công cũng không ảnh hưởng đến ruộng đất của dân, không gây nhiễm mặn vùng lúa, cũng như thay đổi nhiều đến môi trường. Có 3 yếu tố trong nghiên cứu của nhóm nghiên cứu chứng minh tiềm năng to lớn khi khai thông luồng Trần Đề. Thứ nhất, là quy luật bồi lấp bờ biển Đông Việt Nam. Thứ hai, là giải pháp luồng Trần Đề mô phỏng theo luồng tàu biển ra và vào vịnh Gành Ráy đã ổn định trên 100 năm. Thứ ba, là hiện tượng dịch chuyển lưu lượng nước từ sông Tiền sang sông Hậu tại Vàm Nao. Theo Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, vào tháng 2-2009, Bộ GT-VT đã có văn bản chấp thuận cho đầu tư BOT theo đề xuất phương án luồng tàu biển vào Cần Thơ qua cửa Trần Đề của nhóm nghiên cứu Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. Hồ Chí Minh. Kỹ sư Doãn cũng nhất trí về việc cần có sự hợp tác của các nhà nghiên cứu trong nước, các doanh nghiệp và đặc biệt là trường Đại học GT-VT để nghiên cứu tính khả thi khi triển khai dự án.

Đánh giá về nghiên cứu của kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Tiến sĩ Lê Kinh Vĩnh – Giảng viên Đại học GT-VT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tôi không đồng tình với phương án mở luồng qua kênh Quan Chánh Bố dù Chính phủ đã thông qua. Theo tôi, việc tiêu tốn 200 triệu USD để mở ra một luồng mới với nhiều tác động chưa tính toán được về môi trường, sinh thái biển… liệu có nên hay không?”.

Theo PGS.TS Lê Kế Lâm, nghiên cứu về luồng Trần Đề cần bổ sung thêm nghiên cứu chính xác độ sâu và cần đặt ra so sánh giữa độ sâu chụp từ vệ tinh và đo thực tế. Đặc biệt, cần phải tổng hợp được số liệu đo hàng năm và tiến hành khảo sát thực địa để đưa ra đánh giá chính xác.

Cần thêm nghiên cứu định lượng tại luồng Trần Đề

Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh – Chủ tịch CLB Thuyền trưởng Việt Nam cho rằng, với lượng kinh phí đầu tư lớn như vậy nên việc mở các luồng vào ĐBSCL phải đặc biệt thận trọng và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và có quá trình định lượng qua thực tế. Theo ông Tiếu Văn Kinh, trước đây từng có các ý kiến về khai thông luồng Trần Đề, nhưng sau đó nhiều ý kiến khác đề nghị chuyển từ Trần Đề sang Quan Chánh Bố do hiện tượng bồi đắp và chi phí nạo vét hàng năm quá lớn.

Qua báo cáo khoa học của kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, ông Kinh cho rằng bản báo cáo cho thấy ý nghĩa to lớn khi mở luồng hàng hải thứ hai vào ĐBSCL thông qua cửa Trần Đề vào Sóc Trăng và vùng Nam sông Hậu. Trong đó, về lý thuyết, nghiên cứu đã vận dụng được các kiến thức trong lịch sử vào nghiên cứu hàng hải và giao thông vận tải biển, đặc biệt kiến thức nghiên cứu về dòng hoàn lưu đã được thế giới áp dụng. “Tuy nhiên, nghiên cứu này cần phải bổ sung thêm các báo cáo định tính nhiều hơn, và cần thiết phải có định lượng, khảo sát nhiều hơn, đồng thời cần có các thống kê qua hàng năm để đánh giá độ sâu thay đổi của luồng Trần Đề tăng hay giảm”, ông Kinh nhấn mạnh.

Theo PGS. TS Lê Kế Lâm, cho đến nay còn tồn tại 4 luồng quan điểm khác nhau liên quan đến việc mở luồng tàu biển cho ĐBSCL. Cụ thể, phương án xây dựng một cảng biển nằm ở vùng cửa sông Mỹ Thạnh (Sóc Trăng), cách đất liền khoảng 10km. Từ cảng này, hàng hóa sẽ được vận chuyển vào đất liền và ngược lại. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có thể lên tới hàng trăm triệu USD, khiến phương án đưa ra gây nhiều băn khoăn về hiệu quả kinh tế. Phương án 2 là sử dụng luồng Định An, hiện vẫn là luồng tàu biển chính ra, vào hệ thống cảng Cần Thơ. Phương án 3 đầu tư vào luồng qua kênh Quan Chánh Bố, nhưng để cho tàu 10.000 tấn qua lại thì chi phí lên tới trên 200 triệu USD, cũng đặt ra bài toán kinh tế. Phương án 4 là mở luồng Trần Đề như báo cáo của nhóm nghiên cứu do Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng công bố. “Về cơ bản, chúng tôi không phản bác phương án đầu tư luồng qua kênh Quan Chánh Bố, vốn tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng vấn đề là chúng ta cần nghiên cứu để mở một luồng tàu biển thứ 2 vào ĐBSCL, nhằm thay đổi diện mạo cho khu vực đồng bằng rộng lớn với những tiềm năng kinh tế lớn chưa khai thác, đặc biệt là về kinh tế biển”, PGS. TS Lê Kế Lâm kết luận.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tìm ra luồng tàu biển nào có lợi nhất cho ĐBSCL vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu và các cơ quan chức năng.
LÊ ANH

Nguồn Báo Đại đòan kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&Chitiet=46353&