Từ số phận cô du kích Long An đến số phận của một dân tộc.
Với lý lịch người cha như vậy, khó ai tin, anh Hùng sẽ sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Khi tiển anh Hùng vào Nam, ba tôi dặn :
– Đừng để địch bắt !
Nhớ hội học cấp III ở Hà Nội, tôi hỏi ba :
– Vì sao ba tham gia Việt Minh ?
Ba trả lời :
– Không chấp nhận số phận của một dân tộc bị nô lệ !
Ý chí trên là hành trang đưa anh em chúng tôi vào đời. Anh Hùng đi B. Tôi đi biển cung cấp xăng cho xe tăng ở chiến trường, Thằng em út lớn lên cũng cầm súng sang Kampuchia giúp nước bạn thoát họa diệt chủng.
Vượt Trường Sơn năm 1968, anh Hùng về Long An và gặp cô du kích ở Tân Trụ – Long An khi đó đang tuổi trăng tròn. Đó là chị Nguyễn thị Nguyệt, sinh năm 1948 sớm tham gia cách mạng và vào Đảng năm 1968. Má chị Nguyễn thị Nguyệt và cả hai đứa em trai đều là du kích địa phương ở xã Lạc Tấn, Tân Trụ, Long An và lần lượt hy sinh khi tham gia chống Mỹ trong năm 1968. Anh rể tôi là Dương Văn Sung, bộ đội trở về Nam từ 1964 và đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới giữa rừng với chú rể Doãn Mạnh Hùng và cô dâu Nguyễn Thị Nguyệt. Đầu năm 1975, chị Nguyệt sinh bé gái và đặt tên là Doãn Thị Phương Thảo. Anh Hùng chưa kịp gặp mặt con thì bị phục kích vào ngày rằm tháng giêng năm 1975. Anh bị thương và tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng. Mộ anh Doãn Mạnh Hùng cùng má vợ và hai cậu em vợ đều được đưa vào nằm ở nghĩa trang liệt sĩ tại Long An. Chị Nguyệt ở vậy nuôi con, Thảo thương mẹ nên không lấy chồng.
Ngày 25/4/2019 chị Nguyệt mất. Trước khi mất chị dặn Thảo không được phiền ai, không nhận phúng viếng kể cả nhan đèn, trái cây và đưa đi hỏa táng ngay ngày hôm sau. Theo lời mẹ dặn, Thảo hỏa táng mẹ vào ngày 26/4/2019 và đưa cốt mẹ vào chùa Xá lợi ở Long Bình, Quận 9, Tp HCM.
Nhiều gia đình miền Nam như gia đình chị Nguyệt đã phải chấp nhận hy sinh vì sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lảnh thổ của đất nước.
Hảy lắng nghe những quan điểm của các vị lảnh đạo cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa- Nguyễn Cao Kỳ, dù ở vị trí thất trận trong cuộc chiến nhưng cũng nói thẵng :
– Lịch sử Việt Nam đâu chỉ một lần nội chiến, nhiều rồi, như Trịnh Nguyễn phân tranh. Cuối cùng đất nước phải thống nhất. Không giúp được đất nước thống nhất, giàu và mạnh là một lũ phản quốc.
Ông Nguyễn Văn Thiệu cũng có lời khuyên tương tự khi đối diện với các chiến hữu chất vấn trách nhiệm của ông với vai trò Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa :
– Đất nước Việt Nam , ngàn năm một thuở đang có cơ hội hướng đến sự văn minh.
Lịch sử đã dạy rằng, khi trong làng có việc, những người trong làng nên ngồi với nhau để tìm giải pháp chung. Nếu ai cũng cầu cứu làng bên thì làng mình sẽ thành bãi chiến trường. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng người Việt Nam chúng ta cùng yêu tự do, cùng yêu đất nước Việt Nam mà cha ông chúng ta đã bõ bao máu xương để khai phá và bảo vệ nó.
Hướng Việt Nam đến sự văn minh, đó là con đường duy nhất để có thể thực hiện việc hòa hợp và hòa giải dân tộc. Trên đất nước này, chúng ta xây dựng lại không chỉ bằng cơ bắp, bằng tài nguyên thiên nhiên mà quan trọng hơn phải bằng trí tuệ. Chúng ta căm ghét tất cả những kẻ bán nước dưới mọi hình thức, lột mặt những kẻ tìm cách chia rẽ dân tộc để tìm quyền lực, đưa những kẻ tham nhũng và ăn cắp tài nguyên , tài sản ra Tòa án để đòi lại sự công bằng cho mọi người. Sự mất mát đau thương của từng người, từng gia đình cần rất nhiều thời gian để hàn gắn nhưng chỉ có thể thực hiện được khi chấp nhận sự khoan dung và cùng hướng về tương lai của nền văn minh. Nền văn minh đó biểu thị bằng cuộc sống vật chất ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay và ngày hôm nay con người phải biết yêu con người hơn ngày hôm qua. Muốn vậy phải bắt đầu từ giáo dục. Mỗi con người phải vượt qua chính mình từ sức khỏe, trí tuệ đến kỹ năng để làm người lương thiện. Con người phải được dạy biết yêu thương và khoan dung với nhau. Con người cần biết giữ môi trường ổn định và bền vững.
Mong rằng bài viết thay nén nhang tiển chị Nguyễn Thị Nguyệt về cõi vĩnh hằng.
Ks Doãn Mạnh Dũng