Vinashin nên giải thích rõ hơn ?

Khi nhà đu tư đng đnh làm d án (Đăng ngày 28 tháng 07 năm 2009) Tp đoàn Công nghip tàu thy VN (Vinashin) có rt nhiu d án đu tư hoành tráng phía Nam. Tuy nhiên, sau khi được giao đt thì các công ty “con” ca Vinashin li đng đnh trin khai. Đến nay có ít nht hai d án b các đa phương đ ngh thu hi.

Cuối tháng 7-2009, đi dọc đê biển Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), nhiều người giật mình vì cánh rừng phòng hộ ven biển đã biến mất. Thay vào đó là một khu đất rộng mênh mông được bơm cát san lấp mặt bằng. Trên bờ đê có tấm biển nhỏ công bố quy hoạch hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) tàu thủy Soài Rạp rộng 285ha. Người dân ở đây cho hay cánh rừng phòng hộ này đã được Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp tàu thủy phía Nam (Vinashin phía Nam) thuê người đốn bỏ rồi san lấp từ năm 2007.

Chưa có giấy phép đã san lấp mặt bằng

Ông Võ Văn Năm, trưởng Ban quản lý các KCN Tiền Giang, xác nhận Vinashin phía Nam đã san lấp mặt bằng được hơn 200ha tại khu đất này, nhưng hiện tỉnh chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp này.

Theo Ban quản lý các KCN Tiền Giang, từ tháng 4-2007 sau khi kiểm kê đền bù, Vinashin phía Nam đã thực hiện việc san lấp mặt bằng mà không triển khai thủ tục để thành lập KCN tàu thủy Soài Rạp. Và từ đó đến nay Ban quản lý các KCN Tiền Giang liên tục hối thúc Vinashin phía Nam lập quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường… để tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng đến giữa tháng 7-2009 tỉnh mới nhận được quy hoạch chi tiết 1/2.000.

Sở Xây dựng Tiền Giang cho biết KCN tàu thủy Soài Rạp được giao cho Vinashin phía Nam có vị trí đẹp nhất trong hệ thống các khu – cụm công nghiệp được quy hoạch ven sông Vàm Cỏ và cửa Soài Rạp vì luồng rộng, sâu và rất gần TP.HCM. Theo quy hoạch, Vinashin phía Nam sẽ xây dựng nhà máy đóng tàu vận tải 100.000 DWT, các loại tàu chuyên dụng, tàu nhỏ, tàu chở khách…

Trong lúc tiến hành phá rừng san lấp mặt bằng KCN tàu thủy Soài Rạp, Vinashin phía Nam có văn bản “xin” thêm 200ha đất liền kề KCN này để mở rộng quy mô. Ban đầu UBND tỉnh Tiền Giang chủ trương đồng ý đề nghị này. Tuy nhiên sau hai năm hối thúc dự án cũ không có kết quả, ngày 30-6-2009 chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản rút lại chủ trương cấp thêm 200ha đất cho Vinashin phía Nam. Riêng với dự án KCN tàu thủy Soài Rạp, ngày 25-7 ông Đỗ Tấn Minh – phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang – khẳng định Ban thường vụ tỉnh ủy vừa họp và thống nhất giao UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi chủ trương đầu tư.

Nhận đất rồi… bỏ đó

Tại Cà Mau, Vinashin cũng được giao thực hiện hai dự án lớn là cụm công nghiệp Năm Căn (rộng hơn 220ha) và cảng Năm Căn (rộng 12ha) nhưng đến nay việc triển khai ở tốc độ rùa.

Đối với dự án cụm công nghiệp Năm Căn, khởi đầu từ năm 2003 UBND tỉnh Cà Mau giao cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cà Mau (Vinashin Cà Mau) 58ha đất tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) để xây dựng nhà máy đóng tàu. Đến năm 2007, tỉnh mở rộng thành cụm công nghiệp Năm Căn với 220ha (bao gồm cả nhà máy đóng tàu đang xây dựng) và tiếp tục giao cho Vinashin làm chủ đầu tư. Kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 850 tỉ đồng, nhưng đến nay dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. Khu đất quy hoạch cụm công nghiệp này hiện vẫn là rừng, chưa san lấp mặt bằng. Riêng nhà máy đóng tàu đến nay mới triển khai được 64% khối lượng giai đoạn 1. Hiện trong khu này đã xây dựng một xưởng đóng tàu và lác đác vài công nhân đang… đóng sà lan.

Tương tự, dự án cảng Năm Căn được tỉnh Cà Mau khởi công xây dựng từ năm 1998 với tổng vốn đầu tư 111 tỉ đồng. Đây là cảng biển quốc tế nối biển Đông và vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên tiến độ xây dựng rất ì ạch. Đến đầu năm 2007 Công ty TNHH một thành viên cảng Năm Căn (trực thuộc Vinashin) tiếp nhận lại cảng này và đề ra kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2009.

Theo dự án, cảng Năm Căn khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 5.000-12.000 tấn, công suất xếp dỡ hàng hóa 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo Ban quản lý các KCN Cà Mau, đến thời điểm cuối tháng 7-2009 dự án cảng Năm Căn chỉ mới triển khai được khoảng 30% khối lượng, chủ yếu là trải đá một số tuyến đường nội bộ. Chủ đầu tư cũng không xác định được khi nào hoàn thành đưa vào khai thác cảng này.

Ban quản lý các KCN Cà Mau đã hai lần gửi văn bản mời lãnh đạo Vinashin Cà Mau cũng như Tập đoàn Vinashin đến làm việc để bàn hướng tháo gỡ khó khăn, nhưng không ai đến mà cũng không có văn bản phản hồi. Ông Dương Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, bức xúc: “Nếu Vinashin Cà Mau ngâm dự án cụm công nghiệp Năm Căn lâu quá thì tỉnh sẽ thu hồi chủ trương đầu tư để giao cho nhà đầu tư khác. Còn dự án cảng Năm Căn thì trước mắt tỉnh tiếp tục đôn đốc”.

Sợ chưa phát huy hiệu quả vốn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Hòa Bình, phó giám đốc Vinashin phía Nam, cho biết sở dĩ việc lập các thủ tục đầu tư KCN tàu thủy Soài Rạp chậm là do trục trặc ở một số khâu. Tuy nhiên, đến nay Vinashin phía Nam cũng hoàn thành quy hoạch chi tiết và đã trình UBND tỉnh Tiền Giang xem xét, phê duyệt. Riêng báo cáo đánh giá tác động môi trường KCN này cũng đã được báo cáo trước hội đồng của Bộ Tài nguyên-môi trường. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Vinashin phía Nam sẽ tiếp tục triển khai dự án.

Trong khi đó ông Đỗ Văn Kết, đại diện Vinashin Cà Mau, giải thích tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Năm Căn chậm là do chưa có nhà đầu tư đăng ký thuê đất tại cụm công nghiệp này. Vì sợ đồng vốn bỏ ra không phát huy hiệu quả nên Vinashin Cà Mau chưa mạnh dạn đầu tư.

Chủ đầu tư vẫn… bặt vô âm tín

Theo nguồn tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, sau khi lãnh đạo tỉnh này có văn bản yêu cầu Tập đoàn Lion Group (Malaysia) (đơn vị liên doanh với Vinashin thực hiện dự án khu liên hợp thép Cà Ná tại huyện Ninh Phước với kinh phí lên đến 9,8 tỉ USD) xác định chính kiến rõ ràng về khả năng thực hiện dự án này, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa trả lời.

Theo Sở Công nghiệp Ninh Thuận, từ sau ngày dự án động thổ (23-11-2008), UBND tỉnh và các ngành chức năng rất nhiều lần nhắc nhở yêu cầu Vinashin và Lion Group nhanh chóng chi trả hơn 46 tỉ đồng tiền đền bù mặt bằng còn thiếu của hàng trăm hộ dân vùng dự án (84,3/130 tỉ đồng) nhưng đến nay vẫn… bặt vô âm tín.

Theo Vân Trường – Duy Khang – TTO