Nói từ con tim là chiến lược ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. KS. Doãn Mạnh Dũng
Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với toàn thế giới Tuyên ngôn độc lập, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng Chính quyền Pháp không chấp nhận và ngày 23/9/1945 Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ II. Người dân Nam Bộ nghe “tiếng kêu sơn hà nguy biến, rền khắp trời … dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền ”. Đó là ý chí của thế hệ cha anh chúng ta quyết tâm bảo vệ độc lập và tự do của Việt Nam dưới lá cờ Việt Minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều lảnh tụ khởi nghĩa Việt Nam chống Pháp đã lên đoạn đầu đài như Nguyễn Trung Trực, Đề Thám, Nguyễn Thái Học …
Thời gian non trẻ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, dù phải đối đầu với rất nhiều hiểm nguy nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẩn nhận được sự kính trọng từ kẻ thù trong và ngoài nước.
Ngày 24/3/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống làm việc ở chiến hạm Pháp E-min Bec-tanh đậu ở vịnh Hạ Long. Tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thanh niên, chỉ đeo túi cứu thương có hình chữ thập đỏ. Mọi người lo lắng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tin và thành công.
Thời gian sau ngày 2/9/1945 đến cuối thập niên 1940 là thời gian hoàng kim của khối đại đoàn kết trong nhân dân Việt Nam. Những người Việt Nam khắp Bắc-Trung-Nam, không phân biệt giai cấp, đảng phái, giàu, nghèo và cả những nhân sĩ trí thức nổi tiếng ở nước ngoài … đều chọn con đường đồng hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cứu nước.
Vậy chiến lược ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời đó là gì mà có sức mạnh và thành công như vậy ?
Tục ngữ Đức có câu : “Nơi nào có con tim biết nói, nơi đó có con tim biết nghe”. Nhờ bôn ba tìm đường cứu nước ở phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rất rõ sức mạnh của lời nói xuất phát từ trái tim và trí tuệ trong sáng của nền văn minh.
Tư tưởng của Tổng thống Mỹ Lincoln “ Chính phủ của dân, do dân và vì dân “ đã được Tôn Trung Sơn “phương Đông hóa” bằng học thuyết Tam dân “ Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Những tinh hoa của nền văn minh trên thế giới từ Lincoln đến Tôn Trung Sơn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận và thực hiện bằng Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 và Hiến pháp 1946.
Vì thời thế, đến ngày 10/9/2023 Việt-Mỹ mới ký được Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện. Sau 78 năm từ ngày Tuyên ngôn độc lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa con thuyền Việt Nam ổn định trở về hướng đi mà Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập ngày 1/10/1949 với mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội bằng học thuyết của Mao Trạch Đông và theo màu sắc của Trung Quốc. Mục tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập. Bài học về việc nhập khẩu từ Trung Quốc chính sách Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đầu thập niên 1950 đã giúp Việt Nam đề kháng được sự ảnh hưởng của Cách mạng văn hóa Trung Quốc đầu thập niên 1960.
Văn hóa Việt Nam có đặc thù riêng so với văn hóa Trung Quốc. Đó là “Thương người như thể thương thân” hay “Nhiểu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” . Nhờ vậy Việt Nam đã tập trung được sức mạnh để có ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.
Lịch sử đã dạy người Việt Nam cần biết tiếp nhận những tinh hoa của các dân tộc trên thế giới. Đó là giải pháp khôn ngoan nhất để Việt Nam có thể sớm bức phá tình trạng lạc hậu vì đặc thù quán tính của những thói hư tật xấu thời hoang dã. Các quy luật của khoa học xã hội thường mất nhiều thời gian để xác định đúng, sai. Vì vậy trước các sự việc, giải pháp tối ưu là đối thoại và từ đó xác định sự đúng hay sai, cách thử nghiệm và ứng dụng.
Trong văn hóa phương Đông có câu : “Quân tử nhất ngôn”. Việc đa ngôn trong giao tiếp có thể biến bạn thành thù.
Hiện nay Việt Nam đang chủ trương xây dựng lòng tin với bạn bè trên thế giới, vì vậy sự chân thành và vì cùng lợi ích lâu dài để cùng đồng hành là nền tảng để xây dựng lòng tin.
Văn minh của loài người thật đơn giản :” Ngày hôm nay con người biết yêu con người hơn ngày hôm qua và ngày mai cuộc sống vật chất sẽ tốt hơn ngày hôm nay.”
Mục tiêu trên khi được nói bằng con tim thì chắc chắn sẽ có con tim biết nghe và Việt Nam chỉ thêm bạn, bớt thù. Đó là chiến lược ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh ./.