Hun Sen: Kẻ nào đòi ly khai tự trị sẽ phải đối mặt với tên lửa BM-21-Hồng Thủy
The Cambodia ngày 25/2 đưa tin, ngay sau khi chính phủ Campuchia trục xuất một người nước ngoài phản đối dự án đập thủy điện ở thung lũng Areng tỉnh Koh Kong, hôm qua Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu “những nhà hoạt động vì môi trường” ở Areng rời khỏi Campuchia và cảnh báo, nếu họ tiếp tục có ý đồ ly khai hay thiết lập một vùng tự trị tại đây, tên lửa BM-21 sẽ được khởi động.
Một người Tây Ban Nha, Alex Gonzalez Davidson đã bị trục xuất khỏi Campuchia hôm Thứ Hai sau khi bị buộc tội cùng một nhóm người ngăn chặn một đoàn xe chính phủ trên đường tới khu vực dự kiến làm đập thủy điện để đánh giá các tác động môi trường.
“Đó là hành động quá cực đoan khi anh dám bắt giữ các quan chức và chuyên gia tới đó làm việc. Nếu anh muốn tạo ra một vùng ly khai tự trị thì cứ thử làm xem, chúng tôi sẽ sử dụng BM-21. Đó là điều tồi tệ, và tôi không muốn buộc tội họ như vậy”, ông Hun Sen được tờ The Phnom Penh Post, The Cambodia Daily dẫn lời cho biết.
BM-21 là một loại tên lửa di động phóng từ bệ phóng trên xe tải do Nga sản xuất và quân đội Campuchia được trang bị loại vũ khí này. Trước khi đưa ra tuyên bố cứng rắn này, Hun Sen cho biết ông đã phát chán với các cuộc thảo luận về tương lai đập Chhay Areng. Thủ tướng Campuchia cảnh báo, những người nước ngoài không nên bảo người Khmer phải làm gì để phát triển đất nước của họ.
“Tôi cảm thấy chán nản. Người Khmer có kiến thức. Chúng tôi không cần sự giảng dạy của người nước ngoài về việc người Khmer phải làm gì”, Hun Sen nói. “Đừng nói về Areng, chúng ta hãy nghiên cứu kỹ về nó. Sẽ không có hoạt động xây dựng nào từ nay đến năm 2018”, ông Hun Sen cho biết.
The Cambodia Daily cho rằng Thủ tướng Campuchia đã nhượng bộ một bước trong dự án xây đập thủy điện gây tranh cãi, có thể làm ngập diện tích 95 ngàn ha với 30 loài vật bị đe dọa, 1300 người dân tộc Chong phải di dời.
Trong một bức thư gửi nghị sĩ đối lập Te Chanmony tháng trước, ông Hun Sen đã liệt kê một số lợi ích mà các gia đình phải di dời cho con đập sẽ được hưởng: Việc làm, tiềm năng du lịch sinh thái, giảm thải khí nhà kính do chuyển từ việc đốt than củi sang dùng thủy điện.
Ông Hun Sen cũng kể lại cuộc gặp của mình với Đại sứ EU ở Campuchia Jaen Francois Cautain: “Khi ông ấy và tôi gặp nhau lần đầu tiên tôi đã nói, người châu Âu từng phá rừng một thời gian dài trước đây, sau đó lại đến các nước khác rao rảng (chống phá rừng). Campuchia không làm những gì châu Âu đã làm bằng cách phá bỏ tất cả các khu rừng”.
Còn theo tường thuật của tờ The Phnom Penh Post ngày 25/2, hôm qua Thủ tướng Hun Sen cũng nói rằng thung lũng Areng nên để dành cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên ông cũng kiên định ủng hộ tiếp tục đánh giá dự án con đập thủy điện. Và việc Campuchia trục xuất Alex Gonzalez Davidson là một vấn đề pháp lý chứ không phải một nỗ lực “ghi bàn chính trị”.
Hun Sen cáo buộc Alex đã kích động một số người dân Campuchia ngăn chặn một đoàn xe quan chức chính phủ đến Areng. “Chúng tôi không muốn tranh thắng thua, nhưng luật pháp là luật pháp, nhà nước là nhà nước, chủ quyền là chủ quyền. Họ đốn hết gỗ ở châu Âu để phát triển và sau đó lại đòi tư vấn cho châu Á? Chúng tôi chấp nhận các khuyến nghị, nhưng không phải khuyến nghị cực đoan”, Thủ tướng Campuchia tuyên bố.
Theo The Diplomat ngày 25/2, dự án xây đập thủy điện Chhay Areng công suất 108 megawatt với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD do công ty Sinohydro của Trung Quốc thúc đẩy. Tổ chức phi chính phủ Mẹ Thiên nhiên trong đó Alex Gonzalez Davidson là người đồng sáng lập là nhóm phản đối quyết liệt dự án này nhất.
Sun Mala, một đồng sáng lập khác của tổ chức này được The Diplomat dẫn lời cho biết, tổ chức Mẹ Thiên nhiên đã luôn cố gắng để ngăn chặn công ty Trung Quốc hay bất cứ chuyên gia nào muốn nghiên cứu đánh giá ở thung lũng Areng.