Kiểm soát quyền lực bằng cách nào?- Vũ Ngọc Hoàng – Mai Liêm Trực
Nhà báo Lan Anh: Nhiều người cho rằng vấn đề Việt Nam đang bị vấp là ở chỗ thể chế. Vậy chúng ta nên hiểu thể chế ở đây thế nào cho đúng?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Bản thân nội hàm thể chế về mặt khoa học còn nhiều ý kiến lắm, nhưng theo tôi, thể chế là một bộ phận của cơ chế nói chung, mà bộ phận ấy liên quan đến quyền lực. Nếu hiểu theo cách này thì cơ chế nói chung rộng hơn thể chế.
Với góc nhìn như vậy, theo tôi, việc lớn nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề kiểm soát quyền lực. Tôi đã nói rồi, quốc gia nào mà thả lỏng quyền lực, không kiểm soát được quyền lực thì nhất định sẽ dẫn đến tha hóa, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Tôi đã phát biểu trên báo Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2 năm nay rằng, Việt Nam cần phải có nghị quyết và cơ chế về kiểm soát quyền lực.
Lâu nay Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, nhìn chung đều đúng cả, không có gì sai, và cũng tích cực thực hiện, vậy mà suy thoái vẫn không dừng, thậm chí còn tăng hơn. Vì sao vậy? Phải chăng còn thiếu điều quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực và các cơ chế đảm bảo dân chủ thực sự. Phải kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước; bằng cơ chế dân chủ, quyền tham chính của nhân dân; bằng công luận, sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều trần.
Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước việc gì – đến đâu, còn việc gì phải trưng cầu dân ý, các luật cho phép Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác đến đâu, chống lạm quyền bằng cách nào, giám sát chéo và dân giám sát thế nào… Rồi kể cả các tổ chức của Đảng, quyền đến đâu, chịu trách nhiệm pháp lý thế nào, ai kiểm soát quyền lực của các cơ quan Đảng, có ý kiến một số đảng viên đề nghị phải có Ủy ban giám sát của Đảng do Đại hội bầu ra cũng là việc rất nên bàn.
Khi bàn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì cũng có nghĩa là bàn một phần quan trọng về đổi mới chính trị. Phương thức lãnh đạo của Đảng mặc dù nghị quyết đã nói nhiều lần về việc phải đổi mới nhưng cho đến nay vẫn cơ bản như mấy chục năm trước.
Cần phải đổi mới một cách căn bản, có cơ sở khoa học, theo hướng thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; công khai, minh bạch; lấy thuyết phục, đối thoại làm chính (thay cho áp đặt); thực hiện đầy đủ các quyền tự do, quyền con người mà Hiến pháp đã định. Trong đó, có quyền tự do tư tưởng và quyền thể hiện chính kiến của các công dân, nhằm đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Nhà báo Lan Anh: Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Tại đó, nhiều người hỏi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Các ông suy nghĩ thế nào về thực tế này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Thế giới hiện nay có nhiều cách gọi, cách phân chia kinh tế thị trường, kể cả những năm gần đây có nói kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế thị trường hội nhập…, nhưng phổ biến nhất có hai loại là kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội.
Theo cách hiểu của tôi, kinh tế thị trường tự do khi tiến bộ lên, hoàn thiện hơn, có quản lý và điều tiết của nhà nước vì mục tiêu xã hội, thì thành kinh tế thị trường xã hội. Và người ta thường nói gọn, nói tắt là kinh tế thị trường. “Kinh tế thị trường” là cách gọi đã được quốc tế hóa rồi.
Trung Quốc đưa ra khái niệm kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam thì kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việt Nam nêu vấn đề “mềm” hơn Trung Quốc. Nhưng mấy chục năm rồi kể cả Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa làm rõ xong đặc điểm của nền kinh tế ấy. Tức là đã đặt tên trước khi làm rõ nội hàm. Có thể có lý do chính trị lúc ấy, thời điểm đặt tên gọi ấy.
Tôi cho rằng, không nên mất quá nhiều thời gian để tranh cãi về từ ngữ, và tên gọi, mà tốt nhất là làm rõ nội hàm đi, rồi chính nội hàm sẽ quy định tên gọi. Khi bàn về nội hàm của khái niệm khoa học, đừng nhầm lẫn giữa khái niệm khoa học với quan điểm chính trị. Hiện nay nước ta đang đề nghị các nước công nhận Việt Nam có nền “kinh tế thị trường” đó thôi, gọn vậy thôi, kể cả khi đoàn của Tổng Bí thư ta đi làm việc với Hoa Kỳ cũng thống nhất cách gọi như vậy.
Tôi không nghe trực tiếp anh Bùi Quang Vinh nói nên không bình luận. Riêng tôi thì nghĩ rằng, định hướng đất nước trong tương lai sẽ tiến đến mục tiêu XHCN thì cứ định hướng, việc đó vẫn đúng (với cách hiểu XHCN phải thật sự tốt đẹp, chứ không phải hô khẩu hiệu, không lạm dụng danh từ ấy; quan niệm về XHCN phải với tinh thần rất đổi mới; đổi mới căn bản so với cách hiểu cũ kỹ, lạc hậu ngày xưa). Còn kinh tế thị trường thì cứ phải là kinh tế thị trường, hoàn toàn, đến cùng, không nửa vời, không biến tướng, tất nhiên có vai trò nhất định của nhà nước, và cũng có thể nói gọn “kinh tế thị trường”, như cách nói mà Đảng và nước ta đang yêu cầu thế giới công nhận là đủ rồi.
Mặt khác, khoa học cứ tiếp tục nghiên cứu về loại hình kinh tế thị trường, sáng tạo, tìm tòi cái mới. Cái mới là cái mà trước đó chưa có. Chưa có không đồng nghĩa với không có. Nhưng phải có đủ cơ sở khoa học, không thể ý muốn chủ quan, áp đặt và phải có cách tiếp cận đúng thì mới có thể tìm ra cái mới. Bằng tư duy cũ không tìm ra cái mới được.
Theo suy nghĩ của tôi, không thể tìm thấy kinh tế thị trường XHCN theo cách tiếp cận là nó phải khác căn bản so với kinh tế thị trường ở các nước tư bản. Mà ngược lại, nó phải kế thừa tối đa các giá trị phổ quát, lâu bền của kinh tế thị trường đang có ở các nước TBCN và phát triển lên, hoàn thiện hơn.
Kinh tế thị trường là giá trị chung của nhân loại chứ không phải chỉ của TBCN. Mà ngay cả tư bản thì cũng là sản phẩm của nhân loại. Và khi CNTB phát triển ở trình độ cao thì tự nó từng bước đang và sẽ tạo ra các yếu tố XHCN, tức là nó không còn nguyên là nó, mà đang dần dần trở thành cái khác, cái mới, tiến bộ hơn. CNTB hiện đại ngày nay đã khác rất xa so với thời kỳ C. Mác sống và viết Tư bản luận – một tác phẩm rất hay mà tôi chưa thấy ai vượt qua ông.
Tôi sẽ trở lại và xin được trao đổi tiếp vấn đề kinh tế thị trường trong CNXH và kinh tế thị trường trong CNTB trong một dịp khác.
Ông Mai Liêm Trực: Tôi hoàn toàn chia sẻ về quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là không nên đi tìm cái không có. Nếu cứ khư khư giữ lấy cái không có, đi tìm cái không có thì mỗi người hiểu một cách, không thể đi đến đồng thuận để tìm được cơ chế kinh tế phù hợp.
Chúng ta đã tham gia một số Hiệp định thương mại và đang trong quá trình đàm phán TPP cũng như một số đối tác thương mại khác. Chúng ta muốn các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì phải thì phải theo những tiêu chí phổ quát của kinh tế thị trường.
Chúng ta có thể cần một lộ trình nhất định cho một số lĩnh vực cụ thể đó là nước đi sau nhưng đã đi sau thì phải khẩn trương để tiến tới hoàn toàn phù hợp với luật chơi toàn cầu.
Ngành viễn thông là một ví dụ về sự mạnh dạn hội nhập quốc tế thành công. Viễn thông là một lĩnh vực rất nhạy cảm khi đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ và gia nhập WTO vì lo sợ an ninh thông tin và nước ngoài vào nắm hết khi mở cửa thị trường viễn thông nhưng sau BTA 15 năm nay, Việt Nam vẫn giữ vững thị trường trong nước và từng bước thành công ở thị trường nước ngoài nhờ chính sách đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Đặc biệt là xoá độc quyền doanh nghiệp, mở cửa cạnh tranh thị trường nước ngoài để giá cước giảm và chất lượng dịch vụ tăng lên.
30 năm đổi mới chúng ta có nhiều thành công, nhiều tiến bộ vượt bậc khi so sánh với chính mình, nhưng nếu so với nhiều nước cùng hoàn cảnh phát triển thì vẫn kém xa. Nếu chúng ta cứ say sưa, thoả mãn với thành tích đã qua, lừng khừng không dám bứt phá thì sẽ tiếp tục mất đi cơ hội quý báu và nước ta sẽ tụt hậu xa hơn.
Tôi rất đồng cảm với câu nói của anh Nguyễn Mạnh Hùng – TGĐ Viettel đại ý, phải dám quên đi thành công của 10 năm trước thì ta mới bước ra thế giới được.
Nhà báo Lan Anh:Trong bối cảnh hiện nay để có thể đổi mới cơ chế, đổi mới thể chế thành công như người dân đang mong mỏi, những người lãnh đạo cần phải làm những gì, cần phải thay đổi những gì?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta phải đổi mới căn bản, đổi mới toàn diện, đồng bộ, bắt đầu từ tư duy, tiếp theo là chiến lược phát triển, cơ chế, thể chế, chính sách và công tác cán bộ,…Lâu nay chúng ta đã nói phải phát triển bền vững đất nước. Đúng rồi, nhưng có lẽ chưa đủ.
Theo tôi, cái quan trọng trước nhất phải nghĩ đến là làm thế nào để phát triển dân tộc Việt Nam, trở thành một dân tộc giỏi, có đẳng cấp cao, đứng ở một tầm cao mới, có trí tuệ và năng lực cao để làm cho quốc gia cường thịnh và đủ sức bảo vệ vững chắc toàn vẹn Tổ quốc trong mọi tình huống.
Sự nghiệp phát triển Việt Nam có hàng vạn công việc phải làm; đồ sộ, khổng lồ, không một ban lãnh đạo nào có thể giải quyết được mọi việc, mà chỉ có toàn dân, một cộng đồng dân tộc mạnh mới giải quyết được. Có những con người phát triển thì sẽ có tất cả. Chính họ chứ không ai khác sẽ giải quyết có hiệu quả hàng vạn công việc kia.
Trước nhất và quan trọng nhất là phát triển con người Việt Nam. Đồng thời, cần phải có một chiến lược phát triển rõ ràng và hiệu quả, trong đó xác định rõ các ngành, lĩnh vực và sản phẩm ưu tiên (ví dụ như du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp phần mền và công nghệ thông tin…), trên cơ sở đó mà tái cơ cấu nền kinh tế về mặt cơ cấu ngành.
Cần tính kỹ lại chiến lược năng lượng, hết sức tiết kiệm điện, ta lãng phí còn nhiều; chọn các ngành công nghiệp dùng điện ít (nếu “cả nước” làm công nghiệp phần mềm thì chỉ bằng vài nhà máy công nghiệp nặng); phát triển các nguồn năng lượng sạch (nước ta có nhiều nắng, nhiều gió và đang có các nghiên cứu khoa học về các nguồn năng lượng mới…), không ô nhiễm môi trường, không có phóng xạ kể cả khi gặp sự cố nghiêm trọng. Việc này liên quan đến sinh mạng và sự tồn vong của dân tộc.
Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là phải kiến tạo cho được động lực tăng trưởng mới của giai đoạn phát triển mới, phát triển theo chiều sâu, khi những động lực tăng trưởng được tạo ra trong chặng đường 30 năm Đổi mới vừa qua đang dần hết tác dụng.
Tôi biết có những ý kiến sẽ không đồng tình khi tôi dùng cụm từ “đổi mới căn bản” vì sợ rằng, làm như vậy sẽ mất ổn định, rối lên. Nhưng tôi vẫn cho rằng đây là cụm từ đúng và cần thiết để diễn đạt việc cần thiết phải làm cho đất nước trong giai đoạn tới đây. Tôi hiểu giá trị của sự ổn định, phải ổn định mới phát triển được. Phát triển là mục đích, ổn định là điều kiện.
Phải đổi mới để phát triển. Phát triển mới có ổn định lâu dài. Không phải cứ đổi mới căn bản thì mất ổn định. Ngược lại, không chịu đổi mới thì đến một lúc sẽ mất ổn định lớn hơn. Có cách làm đúng thì sẽ tốt. Dù đổi mới căn bản thì vẫn phải có bước đi, có lộ trình phù hợp. Phải mạnh dạn mới hy vọng kết quả lớn, giải quyết được tình hình.
Liên Xô sụp đổ là bài học lớn cho chúng ta. Vì sao thành trì cách mạng đó lại có thể sụp đổ nhanh đến thế ? Cái gọi là ổn định trước đó chỉ là sự ổn định bề mặt, giả tạo chứ không phải sự ổn định bản chất, vững chắc.
Suốt mấy mươi năm Liên Xô ổn định kiểu vậy, khi có quyền lực nhiều cái có thể vượt qua được, tưởng như thế là tốt, là xong rồi, nhưng nó lại tích tụ chồng chất mâu thuẫn bên trong, giống như nhìn thấy cây cối trên mặt đất vẫn bình yên, nhưng không thấy sự rạn nứt dần dần trong nền móng, để đến một ngày nó đổ ào đến mức khó hiểu.
Do vậy, từ thực tiễn và khoa học mà nói, cần phải đổi mới một cách căn bản, từ gốc rễ mới tạo dựng được sự ổn định lâu dài và phát triển vượt lên.
Lâu nay Đảng và Nhà nước luôn khẳng định là nhân dân làm chủ; quyền lực là của dân. Điều này quá đúng! Và chỉ khi người dân thực sự có quyền lực, thực sự làm chủ, cộng với cơ chế kiểm soát quyền lực bằng quyền lực Nhà nước, thì khi đó mới có thể kiểm soát được quyền lực.
Xưa nay, rất ít khi những người có quyền lực lại tự giới hạn hoặc từ bỏ quyền lực của chính mình; ngược lại luôn muốn tăng thêm, không muốn ai kiểm soát mình. Hy vọng những người lãnh đạo chân chính và trách nhiệm cao với quốc gia, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta sẽ giải quyết tốt vấn đề này.
Việc cần làm trước nhất hiện nay là phải tập trung đổi mới tư duy, đổi mới công tác tư tưởng, đổi mới cơ chế lựa chọn cán bộ và khẩn trương ban hành các cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”.
Ông Mai Liêm Trực: Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1986 thực chất và chủ yếu là đổi mới thể chế kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường và chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng, có nhiều thành công về mặt kinh tế.
Chúng ta chắc chắn phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế như tôi đã nói ở trên nhưng sự chững lại của tăng trưởng kinh tế và tiêu cực xã hội đòi hỏi phải đổi mới cơ bản, mạnh mẽ cơ chế quản lý nhà nước pháp quyền.
Đất nước ta đang đứng trước thời cơ của công cuộc đổi mới lần thứ hai đòi hỏi sự dũng cảm và dấn thân của lãnh đạo như một số vị lãnh đạo đáng kính đã làm cuộc đổi mới gần 30 năm trước.
Thời nào cũng vậy, đặc biệt là những lúc khó khan, khủng hoảng thì cán bộ đóng vai trò quyết định. Do đó, cần thay đổi mạnh mẽ cơ chế chọn lựa và bổ nhiệm cán bộ. Cần có sự chọn lọc rộng rãi để tìm ra được những cán bộ có tâm và có tài quản trị đất nước, phụng sự tổ quốc nhân dân.
Tuần Việt Nam