Phát triển cảng nước sâu, góc nhìn từ UNCTAD-Đặng Dương
Cảng biển là một nội dung không thể thiếu trong báo cáo này, và trong năm 2017, trước những thay đổi phức tạp của ngành vận tải container, UNCTAD đã giành phần lớn nội dung trong chương cảng biển để nói về những diễn biến liên quan đến nhóm cảng container. Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển các cảng container nước sâu và với kinh nghiệm khai thác cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) gần một thập kỷ, những nội dung của báo cáo chắc chắn sẽ mang lại những gợi ý đáng tham khảo với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp.
Về mặt đầu tư cảng, báo cáo cho biết, các nhà khai thác cảng toàn cầu đang cân nhắc lại kế hoạch phát triển của mình do phải đối mặt với thách thức từ nhu cầu vận chuyển diễn biến không tích cực. Nghiên cứu của hãng tư vấn Drewry cho rằng một số kế hoạch mở rộng trong tương lai có thể sẽ bị dừng lại. Còn theo UNCTAD, một số dự án phát triển cảng vẫn đang được triển khai trong phạm vi các quốc gia nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những cái tên được nhắc đến bên cạnh các quốc gia có cảng biển nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc như Hy Lạp, Pakistan, Malaysia, Sri Lanka…
Thực tế là, với những động thái phát triển đội tàu siêu lớn và những hoạt động sáp nhập và mua lại giữa các hãng tàu lớn trong thời gian qua, thì ngay cả cụm cảng container nước sâu duy nhất ở Việt Nam hiện nay là CM-TV cũng chưa thể đáp ứng được một cách toàn diện việc tiếp nhận và làm hàng cho các tàu container lớn nhất thế giới. Do đó, việc quy hoạch các cụm cảng nước sâu như CM-TV, Lạch Huyện, hay kể cả Liên Chiểu theo định hướng đón siêu tàu container trở thành một nội dung quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm nghiên cứu thêm. Quy hoạch cũng như chính sách phải đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ các nhà khai thác cảng, đặc biệt là các hãng tàu container lớn, bởi tuy dòng vốn đầu tư cảng vẫn có thể chảy vào Việt Nam, nhưng với sự thận trọng của các nhà đầu tư quốc tế thì các dự án phải có tính khả thi cao mới có được lượng vốn cần thiết.
Mặt khác, UNCTAD nhấn mạnh rằng sau quá trình tái cấu trúc liên minh hàng hải, các liên minh mới ngày nay đạt quy mô lớn chưa từng có và cũng trở nên mạnh hơn trên bàn thương lượng, do đó quyết định đưa tàu vào cảng nào của các liên minh sẽ rất quan trọng với các cảng biển. Để có thể phục vụ các liên minh hãng tàu tốt nhất, bên cạnh yêu cầu thiết yếu là có hệ thống cơ sở vật chất phù hợp, các cảng container phải chú trọng việc nâng cao năng suất khai thác và quy trình hải quan tại các cảng phải thông suốt. Riêng về năng lực khai thác, báo cáo cho rằng các bến cảng có chiều dài cầu bến chỉ giới hạn ở mức 600-800 mét thì không có khả năng thành công trong thị trường khai thác cảng nước sâu nữa. Nội dung này rất đáng chú ý vì tại CM-TV hiện nay chỉ có mỗi cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) là đáp ứng được nội dung này với 900 mét cầu tàu. Điều đó phần nào lý giải cho thành công của TCIT khi là cảng đầu tiên trong cụm cảng hoạt động có lời.
Với những bến container hiện hữu tại CM-TV, do chỉ được quy hoạch có chiều dài thường ở mức 600 mét, việc nghiên cứu chính sách nhằm kết hợp năng lực các bến để cùng khai thác trở nên quan trọng hơn trong thời gian tới. Chính bản thân các hãng tàu cũng ưu tiên làm việc với một số bến cảng có quy mô đủ lớn chứ không muốn mất thời gian với một thị trường quá phân mảng, do đó UNCTAD cho rằng việc kết hợp giữa các bến cảng trong cùng một cụm cảng là cần thiết. Việc kết hợp có thể ở mức hợp tác khai thác giữa các cảng ở gần nhau, như trường hợp của cảng Seattle và Tacoma ở Mỹ, hay đạt đến mức có hoạt động sáp nhập và mua lại giữa các nhà khai thác cảng với nhau.
Cả hai nội dung trên đều nên được nghiên cứu áp dụng cho khu vực CM-TV, vì hiện nay đang tồn tại sự bất đối xứng trong thực trạng khai thác CM-TV và cảng Cát Lái ở TPHCM. CM-TV có năng lực khai thác tốt và còn công suất nhưng thiếu hàng, còn Cát Lái thì không thể đón được tàu lớn, hoạt động gần hết công suất do thường xuyên đầy hàng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sáp nhập và mua lại giữa các cảng sẽ giúp tăng năng lực khai thác của từng bến cảng, tối ưu hóa được lượng phương tiện chuyên khai thác container, giảm được thời gian tàu chờ cầu bến, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng về hậu phương.
Mặc dù vậy, việc thay đổi bên góp vốn tại các cảng ở CM-TV giờ đây là không đơn giản khi có nhiều nhà đầu tư liên quan đến từng bến cảng. Ví dụ, bốn bến cảng TCIT, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam (SITV) và cảng container quốc tế Gemalink đã có sự tham gia của 11 nhà đầu tư, trong đó có các nhà khai thác cảng trong nước, nhà khai thác cảng và hãng tàu container quốc tế, các doanh nghiệp này có những tính toán và chiến lược khác nhau. Trong bối cảnh mà hoạt động đầu tư và khai thác tại CM-TV đang rất cần sự chuyển biến để tối ưu hóa năng lực toàn cụm cảng, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp điều chuyển vốn thông qua các doanh nghiệp nhà nước trong khu vực.
Cuối cùng, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ các cảng nhỏ và vừa trong quá trình thích ứng với tình hình mới, hàm ý rằng Chính phủ cần hỗ trợ thông qua các công cụ chính sách để giúp các cảng nâng cao vai trò trong vùng hậu phương ảnh hưởng của mình, hơn là hướng đến việc cạnh tranh vị trí trung tâm trung chuyển quốc tế. Đề xuất này xuất phát từ dự báo của hãng tư vấn Drewry, rằng sản lượng hàng trung chuyển trên toàn thế giới sẽ duy trì ở mức ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ trong thời gian tới. Rõ ràng là, cạnh tranh trong thị trường trung chuyển quốc tế, một thị trường rất khắc nghiệt, mà cái bánh không lớn thêm hoặc thậm chí còn nhỏ lại, là một lựa chọn đầy rủi ro. Đây là một nội dung lớn có liên quan trực tiếp đến CM-TV do cụm cảng này đang được định hướng trở thành cảng trung chuyển quốc tế, và sẽ là một nội dung nữa cần được nghiên cứu chi tiết trước khi ban hành bất cứ chính sách nào liên quan.