Cảng nước sâu ngoài biển, chỉ cách cửa Trần Đề khoảng 20km- Ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Vùng đất giàu tiềm năng
Thưa ông, so với 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL; Sóc Trăng có lợi thế như thế nào trong việc Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”?
– Sóc Trăng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển tổng hợp. Với 72km bờ biển giáp với biển Đông và hệ thống sông ngòi dài hơn 3.000 km, Sóc Trăng có lợi thế lớn trong giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các vùng. Sóc Trăng, có 3 cửa sông lớn giáp biển là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, trong đó Cửa Định An và Mỹ Thanh là hai cửa ngõ quan trọng ra vào biển Đông của các tỉnh ĐBSCL. Nhờ vị trí này, Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cảng biển, vận tải biển, vận tải thủy nội địa… mở rộng giao thương trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Thứ hai, vùng biển Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn về thủy sản, được đánh giá là vùng trọng điểm về khai thác và nuôi trồng thủy sản của vùng ĐBSCL. Trong đó, Ngư trường Tây Nam Bộ là nơi trực tiếp đánh bắt của ngư dân vùng biển Sóc Trăng, nơi có khoảng 661 loài cá với tổng trữ lượng 50,6 vạn tấn/năm, khả năng khai thác lên đến 20,2 vạn tấn/năm; 35 loài tôm, 23 loài mực, cua ghẹ với tổng sản lượng khoảng 10 vạn tấn/năm, khả năng khai thác 4 vạn tấn/năm. Ngoài ra, Bãi cá cửa sông Hậu và Côn Đảo cũng là một ngư trường truyền thống của các huyện duyên hải tỉnh Sóc Trăng.
Với diện tích 3.164 km2, bãi cá này chứa trữ lượng cá khoảng 8.500-19.000 tấn/năm, trong đó khả năng khai thác ổn định ở mức trên 4.000 tấn/năm. Về nuôi trồng, nhờ sở hữu diện tích triều rộng cùng hệ thống nhiều sông ngòi, kênh rạch ven biển, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản ngọt, lợ và mặn. Năm 2010, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 71.500, trong đó, diện tích nuôi tôm sú trên 48.000 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 124.550 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 58.290 tấn.
Sóc Trăng cũng là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, kết hợp du lịch biển ra Côn Đảo, Phú Quốc. Vùng Biển Sóc Trăng, đặc biệt đất Cù Lao Dung chính là nơi hấp dẫn du khách bằng một vùng sinh thái đặc biệt, kết hợp truyền thống lịch sử. Sóc Trăng có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều vườn cây trái nhiệt đới và không khí trong lành… Đây là địa điểm lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Đặc biệt, tỉnh cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa nhờ lợi thế là xứ sở lễ hội với nền văn hóa đa dân tộc đặc trưng Kinh – Hoa – Khmer.
Trong vùng biển của tỉnh cũng có những bãi tắm đẹp, có thể là nơi nghỉ dưỡng kết hợp du lịch như Hồ Bể của huyện Vĩnh Châu. Từ vùng biển Sóc Trăng đi Côn Đảo và Phú Quốc (các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp truyền thống lịch sử nhất cả nước) khá gần, nên khả năng mở tuyến đưa du lịch từ Sóc Trăng ra Côn Đảo và Phú Quốc rất thuận lợi. Hiện tỉnh Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch như: Dự án Khu du lịch Cồn nổi Song Phụng (Cồn nổi số 3), Khu du lịch Hồ Bể, Tuyến tàu cao tốc Trần Đề – Côn Đảo…
Thứ ba, Sóc Trăng nằm trong khu vực năng động, đang trên đà phát triển. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực đang phát triển năng động, hàng năm đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất nông nghiệp, 2/3 giá trị sản xuất thủy sản và 1/10 kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh của vùng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đất giàu tiềm năng này. Côn Đảo, Phú Quốc là những đảo nằm gần vùng biển Sóc Trăng đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng thành những huyện đảo phát triển tổng thể các ngành dựa vào lợi thế của biển, đặc biệt sẽ trở thành những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của cả nước. Sự phát triển nhanh theo hướng mới của vùng ĐBSCL, Côn Đảo và Phú Quốc sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, về liên kết vùng, sau khi Sân bay Cần Thơ đi vào hoạt động, khoảng cách giữa Sóc Trăng với cả nước và quốc tế đã được rút ngắn đáng kể. Sự kiện cầu Cần Thơ hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng như việc Quốc lộ 1A được nâng cấp, việc thông xe của Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp đã tạo ra sự liền mạch thật sự về giao thông giữa Sóc Trăng với các tỉnh trong khu vực và cả nước…
Hoàn toàn đủ điều kiện để xây dựng cảng biển nước sâu
Thưa ông, nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân Sóc Trăng vẫn ao ước có một cảng biển tạo đà cho kinh tế Sóc Trăng và cả vùng phát triển. Ông đánh giá như thế nào về khả năng này?
– Trước hết, tôi khẳng định, vùng biển Sóc Trăng hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng một Cảng biển nước sâu cho cả vùng ĐBSCL.
Hiện nay ĐBSCL đóng góp khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu gạo và 65% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, song hầu hết việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu trông chờ vào 13 cảng nhỏ dọc sông Hậu, và chỉ giải quyết được 20-30% khối lượng hàng hóa. Để khắc phục tình trạng này, Trung ương đã quyết định đầu tư một cảng biển nước sâu trong khu vực vùng biển tỉnh Trà Vinh, thông qua việc mở luồng tàu biển và kênh Quan Chánh Bố, với tổng kinh phí 3.200 tỷ đồng, nhưng theo dự đoán có thể tăng lên đến 6.000 tỷ đồng. Mặc dù dự án rất tốn kém nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng cũng chỉ đáp ứng khả năng cập bến cho tàu 10.000 DWT đầy tải, tàu 20.000 DWT vơi tải ra vào luồng đến hệ thống Cảng Cần Thơ.
Để khắc phục tình trạng này, việc xây dựng một cảng nước sâu ngoài biển, chỉ cách cửa Trần Đề khoảng 20km, với khả năng nạo vét không nhiều do ít bị bồi lấp là một dự án hợp lý, mở ra vùng biển Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung một khả năng mới cho phát triển kinh tế biển trong tương lai.
Để phát triển kinh tế biển ở Sóc Trăng, về phía địa phương, thời gian qua đã có những chính sách, giải pháp gì?
– Sóc Trăng đang tập trung huy động các nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế. Tỉnh đã quy hoạch và từng bước đưa vào hoạt động các Khu công nghiệp An Nghiệp, Trần Đề, Đại Ngãi, Vĩnh Châu, Mỹ Thanh, Long Hưng, đồng thời đang triển khai 1 số dự án lớn như nhiệt điện và điện gió… Đối với kinh tế biển, ngày 20/08/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm và coi trọng công tác xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và kinh tế biển nói riêng. Giai đoạn 2006-2010, tỉnh đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 20.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển ở Sóc Trăng, ngoài nội lực và ý chí vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Sóc Trăng đang rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành; mời gọi và mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư đến với tỉnh để đầu tư, xây dựng phát triển trên các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…
Tỉnh Sóc Trăng cam kết tạo lập một môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến làm ăn và hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực đầu tư để phát triển kinh tế biển.
Xin cám ơn Chủ tịch!
Từ Tâm – Thanh Lâm (thực hiện)
Nguồn : http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/201108/Tap-trung-dau-tu-phat-trien-kinh-te-bien-2057166/