Luồng và cảng biển Trần Đề
Luồng tàu biển có phương vị 327 độ . Cửa luồng Trần Đề có tọa độ 09 độ 29′ 10″ N, 106 độ 13′ 38″. Phao 0 cho tàu 175.000 DWT cách cửa luồng 27.000m. Phao 0 cho tàu 30.000 DWT cách cửa luồng 24.300 m.
Bản vẽ mô hình tổng thể luồng và cảng Trần Đề (Bạn bấm vào đây để xem mô hình flash sự di chuyển của tàu 3 vạn, 15-17,5 vạn và tàu sông chuyển tải.)
Bố cục tổng thế cảng biển được chia ra các khu chức năng chính mà chúng phối hợp hỗ trợ cùng nhau trở thành một khu cảng biển phức hợp tại đầu cửa sông Trần Đề bên tả ngạn tại bãi cát ở ngoài khơi Cù Lao Dung.
Đầu tiên là khu cầu cảng cho tàu 30.000 tấn nằm ngay mép bờ biển của Cù Lao Dung, nhằm phục vụ việc xuất khẩu gạo và phân đạm, xuất nhập khẩu công-ten-nơ và sắt thép, vật tư xây dựng.Khu cảng này có diện tích mặt nước 2.000 ha có thể xây dựng lên đến 16 km cầu bến và đến 1400 ha mặt nước dành cho vùng neo chuyển tải, có khả năng xây đến 64 cầu tàu cho tàu 30.000 DWT với vai trò của một cảng tổng hợp.
Việc hình thành tổng kho thóc tại Cù Lao Dung là một cơ hội để hình thành Ngân hàng thóc nhằm cải cách toàn bộ hệ thống thương mại lúa gạo cho ĐBSCL theo nguyên tắc chuyên nghiệp hóa từng khâu trong quá trình trồng trọt, thu hoạch,tồn trữ,chế biến,vận tải sông biển, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học… đồng thời chia xẽ lợi ích một cách công bằng với lao động đã cống hiến trong từng khâu trong sản xuất và dịch vụ.
Kế tiếp là khu cảng chuyển tải cho tàu lớn nhất 175.000 DWT, nhằm chuyển tải than cho các nhà máy nhiệt điện tại ĐBSCL.Thêm vào đó, khu chuyên tải này có thể kết hợp cho việc nhập hàng của nhà máy lọc dầu (dự kiến sẽ xây dựng kết hợp trong dự án). Với diện tích mặt nước sử dụng chuyển tải là 544 ha và độ sâu -20,93 m.Độ sâu của vùng chuyển tải than và dầu đươc thiết kế tương đương độ sâu eo Malacca -21.2m, đạt yêu cầu tối ưu cho cở tàu dầu từ Trung Đông về Đông Nam Á.
Trong phạm vi dự án cũng đã định vị nhà máy lọc dầu và đường ống nhập dầu từ cảng cho nhà máy một cách khoa học giúp tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại. Vị trí nhà máy lọc dầu Trần Đề với diện tích rộng 1200 ha tại khu vực Cù Lao Dung, thêm lợi thế nằm không xa đường hàng hải Đông Nam Á – Bắc Á sẽ thật sự thu hút nhà đầu tư. Một khi nhà máy lọc dầu được xây dựng tại đây sẽ đóng góp thiết thực trong việc cung ứng dầu cho tàu biển quá cảnh trong khu vực. Ngoài ra một khi kênh Kra của Thái Lan được thực hiện thì vị trí Trần Đề sẽ là lợi thế rất lớn trong vấn đề cung ứng dầu cho các tàu viễn dương.
Dự án luồng và cảng Trần Đề được đề xuất trên nền tảng sự phát hiện mới nhất về những quy luật bồi lấp bờ biển Đông Việt Nam. Đó là quy luật hình thành hệ thống đê biển bằng cát ở vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong và tại cửa Trần Đề.
Người Việt Nam ai cũng biết vịnh Cam Ranh, nhưng ít ai quan tâm sự hình thành vịnh Cam Ranh.Khi nghiên cứu vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong chúng ta thấy hai vịnh trên hình thành và được bảo vệ bằng đê biển bằng cát. Đê biển bằng cát tại vịnh Cam Ranh dài 17 km, có phương vị 330 độ. Đê phía bắc cao 34 m, phía nam cao 31-32 m. Đê cát luôn luôn được bồi lấp từ hướng bắc. Phía nam của đê có độ sâu ổn định. Đê cát tại vịnh Cam Ranh có một đầu là đất liền còn đầu kia có nguồn gốc là đảo đá. Đê biển bằng cát tại vịnh Vân Phong cũng tương tự cùng phương vị đê biển bằng cát tại vịnh Cam Ranh nhưng dài đến 18km và cao đến 100m. Nguyên nhân của sự hình thành hệ thống đê biển bằng cát trên được giải thích như sau : Do chênh lệnh nhiệt giữa cực Bắc và Xích đạo nên có dòng hoàn lưu tầng đáy di chuyển từ cực Bắc về Xích đạo. Vì trái đất quay từ tây sang đông nên dòng hoàn lưu vừa di chuyển từ cực Bắc về Xích đạo vừa di chuyển từ đông sang tây theo lực quán tính Côriolic. Dòng hoàn lưu tầng đáy đến Việt Nam có vị trí xuất phát từ cực Bắc, nó chạy dọc theo bờ biển Nhật, Trung Quốc, đảo Hải Nam, Quảng Bình đến mũi Cà Mau.Đây là hiện tượng đặc biệt về địa lý tự nhiên trên thế giới. Chính nhờ dòng hoàn lưu tầng đáy xuất phát từ vùng gần cực Bắc nên dòng này mang theo độ quán tính cao nhất và đùn cát từ đáy biển lên bờ tạo nên những đê biển bằng cát bền vững theo thời gian. Khi nghiên cứu bãi cát ngoài khơi Cù Lao Dung,chúng ta thấy chúng đồng dạng với các bãi cát tại vịnh Vân Phong và Cam Ranh.
Trong nghiên cứu khoa học, loài người khi chưa lý giải được hiện tượng thiên nhiên thì thường bắt chước và mô phỏng theo thiên nhiên.Ta thấy luồng tàu vào vịnh Gành Ráy để vào cảng Sài gòn đã ổn định hơn 100 năm. Luồng vào vịnh Gành Ráy có phương vị 327 độ. Phía bắc luồng Gành Ráy có con đê tự nhiên là bán đảo Vũng Tàu. Phía nam không có đê. Cảng nước sâu tốt nhất Vũng tàu là cảng Bến Đình Sao Mai nằm phía bắc của luồng và phía nam bán đảo Vũng Tàu.
Luồng Trần Đề có phương vị 327 độ. có con đê cát dài 17.2 km, với cao độ bình quân -1,798 m so với số 0 hải đồ. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên rất thú vị và đáng cho chúng ta nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy Dự án luồng và cảng Trần Đề là sự mô phỏng luồng tàu biển vào vịnh Gành Ráy.
Dự án được đầu tư theo từng bậc thang với vốn ban đầu ít nhất và càng lên cao vốn đầu tư càng lớn. Dự án biến 140 km2 diện tích bãi cát ngập triều phía đông Cù Lao Dung thành 90 km2 – 100 km2 rừng ngập mặn và 30 km2 vùng mặt nước cho cảng biển và vùng chuyển tải. Dự án không chiếm đất của dân, không gây nhiễm mặn vùng trồng lúa. Dự án cảng nước sâu Trần Đề trước hết vì người nông dân ĐBSCL, giúp họ nắm bắt cơ hội làm giàu ngay trên quê hương của chính mình bằng lúa, thủy sản, trái cây và dịch vụ chế biến sâu các loại thực phẩm. ĐBSCL sẽ là bếp ăn cung ứng cho Việt Nam, khu vực và thế giới. Dự án mang ý nghĩa lớn về nhân đạo vì an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Đây là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng sử dụng nguồn tiềm năng về địa lý để thành công như thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu.
Dự án luồng và cảng Trần Đề được quan tâm từ đầu thập niên 1980. Bắt đầu nghiên cứu từ cuối thập niên 1990. Nhờ bản đồ độ sâu luồng Trần Đề với tỷ lệ 1:50.000 của Bộ Tài nguyên và Môi Trường xuất bản 11/2011 nên đến hôm nay chúng ta mới có những kết luận rõ ràng về tiềm năng luồng và cảng Trần Đề. Tác giả mong muốn được hợp tác với các Doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như những ai quan tâm để biến ý tưởng trên thành hiện thực.
KS. Doãn Mạnh Dũng