BUỒN LẮM, THỦ TƯỚNG ƠI! – Tô Văn Trường
Là người sống, làm việc ở Hải Phòng, đã có nhiều kinh nghiệm thực tế thi công về công trình cảng, ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu, ông Tạ Quyết Thắng đã phân tích đánh giá về các bất cập của Dự án cảng Lạch Huyện, được Hội Xây dựng quan tâm, lắng nghe, thảo luận.
Tháng 10 năm 2012 Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội thảo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về dự án cảng Lạch Huyện nhưng lại không mời “khổ chủ” là Tổng công ty Sơn Trường. Ông Tạ Quyết Thắng đi dự theo lời mời của Hội Xây dựng nhưng không được phát biểu!?.
Hội thảo lần này chỉ bàn về Dự án cầu Tân Vũ, dưới sự chủ tọa của Thứ trưởng Trần Tấn Viên. Chỉ tiếc, trước những ý kiến góp ý thiện chí, ngay từ khi mở đầu khai mạc, vị đại diện Bộ GTVT đã thể hiện uy quyền của quản lý nhà nước khi cho rằng “lẽ ra Công ty Sơn Trường phải có hồ sơ về phương án cầu Tân Vũ tương đương với dự án tiền khả thi mới tổ chức hội thảo vv…” . Dường như Bộ GTVT cố tình quên rằng, để có hồ sơ dự án như cảng Lạch Huyện và cầu Tân Vũ, Nhà nước đã phải tiêu tốn cả trăm tỷ đồng để điều tra, khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất , tính toán vv…
Công ty Sơn Trường đã tự bỏ công của, thời gian xây dựng báo cáo hàng chục trang không đơn thuần chỉ còn là ý tưởng, mà đã được minh họa bằng lập luận và hình vẽ cùng các con số so sánh giữa 02 phương án chỉ với mục đích để Bộ GTVT xem xét đối chiếu giảm tối đa nguồn vốn đầu tư ODA (đắt khủng khiếp) là gánh nợ bắt con cháu hậu thế phải è lưng trả nợ.
Công ty Sơn Trường đã quy chiếu đơn giá 1m2 để so sánh các chỉ tiêu chính của 02 phương án giữa Bộ GTVT với phương án của Sơn Trường, cụ thể:
Phần cầu (cầu bắc qua đoạn thông thủy sông Bạch Đằng cửa Nam Triệu): Phương án của Sơn Trường là 8 triệu đồng/m2 nếu bỏ thông thuyền và 30 triệu đồng/m2 nếu có 2 khoang thông thuyền giống như thiết kế của Bộ GTVT. Trong khi đó, của Bộ GTVT là 115 triệu đồng/m2. Thứ tự chênh lệch là 14 lần và 3,83 lần.
Phần trên bờ (gồm 3,35 km cầu dẫn và 10,2 km đường dẫn): Phương án của Bộ GTVT là 22,6 triệu đồng/m2.. Phương án của Sơn Trường đưa ra là 7,2 triệu đồng/m2 đã có đường bộ vượt 2 đường sắt ở đây. Mức chênh lệch là 3 lần.
Ngay tại hội thảo, dù tế nhị vì có chuyên gia Nhật Bản tham dự, ông Phạm Sĩ Liêm Phó Chủ tịch Hội Xây dựng (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cũng thẳng thắn đưa ra con số so sánh cụ thể quá đắt khi sử dụng nguồn vốn ODA so với nguồn vốn ngân sách như các dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân vv… Có những dự án sau khi trúng thầu, thuê lại thầu phụ Việt Nam chỉ bằng… 1/10 giá được duyệt vv…
Giáo sư Võ Đại Lược đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA rất thấp, nên so sánh ưu tiên sử dụng nguồn vốn tư nhân vì còn hiệu quả hơn cả nguồn vốn ngân sách. Chênh lệch giữa 02 phương án của Sơn Trường và Bộ GTVT là quá lớn. Phía Nhật Bản làm từ A đến Z coi như vừa đá bóng vừa thổi còi. Đề nghị giao cho VUSTA làm phản biện. GSTS Nguyễn Trường Tiến Chủ tịch Hội cơ học đất & Địa kỹ thuật công trình (VSSMGE) cũng ủng hộ các quan điểm nói trên.
Hội thảo có nhiều ý kiến khác nhau là điều đáng mừng vì phải động não, tranh luận, biết lắng nghe sẽ tìm được sự đồng thuận cao. Đứng trước nhiều ý kiến còn khác nhau về tầm nhìn quy hoạch, quan điểm thiết kế, tính toán kinh tế xã hội, lãng phí trong đầu tư, nhiều nhà khoa học đề nghị Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật (VUSTA) là tổ chức độc lập, đứng ra tổ chức hội thảo cho khách quan và khoa học.
Tiếc thay, lãnh đạo Bộ GTVT gạt đi với lý do mọi việc đã an bài, tháng 12 này sẽ khởi công Dự án cầu Tân Vũ? Thế nào là mọi việc đã an bài rồi ?. Thế người ta tổ chức hội thảo để làm gì nhỉ? Ngẫm suy càng thấy thương và quý trọng những người không hợp thời như Anh Tạ Quyết Thắng.
Món nợ chưa trả
Từ Dự án cầu Tân Vũ, nhìn rộng hơn, lại nhớ đến Bộ GTVT và tư vấn JICA (Nhật Bản) vẫn còn nợ Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án cảng Lạch Huyện- 20 câu hỏi chưa trả lời.
Phó GS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục biển và hải đảo khi phản biện trong hội đồng ĐTM đã không quên nhắc lại bài học khi sử dụng 05 cửa sông chính đổ ra biển từ 20-30 năm qua, cho thấy sự thất bại khi con người can thiệp vào đây.
Đầu tiên là hiện tượng nông hóa và bồi lấp, không còn khái niệm cửa sông Thái Bình theo đúng nghĩa của nó, đến việc đắp đập Đình Vũ 1978 lấp cửa sông Cấm, là một trong những cửa chính vào cảng Hải Phòng, gây nên sa bồi nghiêm trọng đối với cửa Nam Triệu, thay đổi toàn cảnh bức tranh phân bổ phù sa trong diện rộng của của cửa sông hình phễu Bạch Đằng (từ bắc Đồ Sơn đến Lạch Huyện).
Cửa Nam Triệu bị sa bồi nông dần, ảnh hưởng đến tàu bè qua lại. Tư duy lấp cửa Cấm đi cửa Nam Triệu, nguy cơ mất cửa Nam Triệu thì đào kênh Cái Tráp, hỏng kênh Cái Tráp đào kênh Hà Nam hiện nay và Lạch Huyện 20 năm nữa sẽ lặp lại bài học trên, khi đó Hải Phòng không còn… lỗ mũi để mà thở!
Tại Hội đồng ĐTM nhiều ý kiến của các chuyên gia Nguyễn Văn Lung, Tô Văn Trường, Lê Hoàng Lan, Phạm Khang vv…về việc xin chủ trương đầu tư của Quốc hội, vốn đầu tư quá lớn, bài toán mô hình thủy văn, thủy lực, chọn điều kiên biên tính tóan và kết quả mô phỏng không hợp lý, sai số quá lớn so với tài liệu thực đo, tác động của 40 triệu m3 bùn cát nạo vết ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái vv… vẫn chưa được Bộ GTVT và JICA giải đáp. Thậm chí Hội đồng ĐTM chưa phê duyệt đã có những hạng mục khởi công coi như chuyện đã rồi!
Chỉ có thể tự an ủi, “cái nước Việt mình nó thế”! Cho nên bài toán nợ công, nợ xấu đến mức báo động đi liền với lãng phí, tham nhũng được các đại biểu Quốc hội nhiều lần đề cập trên diễn đàn Quốc hội như Lê Như Tiến đặt câu hỏi rất thời sự “Thủ tướng đã cắt được bao nhiêu ung nhọt tham nhũng”!?
Dự thào Luật Đầu tư công đề cập “Người đứng đầu các cấp có thẩm quyền, nếu phê duyệt chủ trương đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn của nhà nước trong đầu tư công sẽ bị kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.”. Một câu hỏi được đặt ra nếu người đứng đầu nghỉ hưu hay đã về cõi vĩnh hằng thì làm thế nào để mà kỷ luật?
Buồn lắm Thủ tướng ơi!
Ngẫm suy đất nước cứ 3 tháng phải trả nợ 1 tỷ đô la, trong khi người ta cứ đẻ ra dự án vô cùng tốn kém, bất chấp hậu quả, ông Tạ Quyết Thắng có lần phải thốt lên lời “Xin vái lạy Bộ GTVT”!
Sau hội thảo nói trên, ông Tạ Quyết Thắng viết thư gửi Thủ tướng phản ánh Bộ GTVT đã tổ chức một buổi hội thảo mang tính chất hình thức, chiếu lệ làm mất thời gian của những người tham dự: Đất nước đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Các doanh nghiệp chúng tôi đang cố vùng vẫy để tồn tại. Buồn lắm Thủ tướng ơi! Trong khi đó, hàng loạt các công trình giao thông lại… đắt nhất thế giới. Việc sử dụng vốn ODA cực kỳ lãng phí. Không phải chỉ có cá nhân như chúng tôi mà dư luận và công chúng đều mong đợi Thủ tướng xem xét lại dự án cầu Tân Vũ để hạ tổng mức đầu tư, vì đây là vốn vay quá tốn kém, con cháu chúng ta vừa phải trả nợ, vừa oán trách thế hệ chúng ta.
Vĩ thanh
Hàng loạt công trình giao thông như Láng – Hòa Lạc, cao tốc cầu Giẽ- Ninh Bình, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh –Trung Lương , đường vành đai 03, Cầu Vàng Đã Nẵng vv…nhiều đoạn vừa mới làm xong đã hỏng nghiêm trọng khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nổi giận chỉ đạo cho điều tra, xử lý. Mong rằng Bộ trưởng đừng để dự án cảng Lạch Huyện- cầu Tân Vũ lại theo “vết xe đổ nói trên”!
Trao đổi với một số bạn hữu làm việc ở ngành giao thông càng thấm thía câu nói của cổ nhân: “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Bởi vì có phẩm hạnh xấu và trình độ kém đã… thành tinh.
Giáo sư TS Nguyễn Trường Tiến mới đây, gửi thư cho ông Tạ Quyết Thắng nguyên văn như sau: ”Anh Thắng có thể gửi công văn đến VUSTA, Tổng hội Xây dựng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Câu chuyện là rất khó. Có thể đề nghị Thủ tướng cho thuê tư vấn độc lập thẩm tra, thẩm định về kỹ thuật và giá của hồ sơ thiết kế và dự toán. Có thể cho tư nhân đầu tư. Có thể thay đổi thiết kế khi đấu thầu. Tôi đánh giá rất cao các cố gắng đóng góp của Sơn Trường”.
Trân trọng ý kiến của Gs Nguyễn Trường Tiến nhưng nếu được hỏi, tôi sẽ khuyên ông Tạ Quyết Thắng: Sức người thì có hạn mà niềm tin thì phải đặt đúng chỗ. Hãy tập trung thời gian và sức lực để tiếp tục nuôi đạo quân 2000 người lao động và hàng năm đóng thuế hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước. Đó là lẽ sống của người tử tế trong hoàn cảnh đất nước đang còn nhiều nhiễu nhương.