Vinalines vất vả tái cơ cấu

Sau phiên tòa, ông Dũng và các bị cáo này đều có kháng cáo xin giảm hình phạt và xem xét lại mức bồi thường thiệt. Được biết, ngoài 9/10 bị cáo trong vụ “đại án” Vinalines đã có đơn kháng cáo thì vợ Dương Chí Dũng – bà Phạm Thị Mai Phương cũng đệ đơn đề nghị TAND Tối cao gỡ bỏ lệnh phát mãi 3 căn nhà của gia đình.

Trong khi đó, tai Vinalines quá trình tái cơ cấu vẫn đang diễn ra đầy vất vả. Mới đây nhất, một thành viên đã được nhắc đến nhiều là Vinashinlines đã làm thủ tục xin phá sản
Theo đó, hồi tháng 3/2014, Vinashinlines đã ủy quyền cho luật sư nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Đây được xem là thủ tục pháp lý chính thức đầu tiên để khai tử doanh nghiệp này.
Vinashinlines là một trong 5 DN mà Vinalines đã tiếp nhận từ Vinashin năm 2010. Đến nay, trừ Vinashinlines đang làm thủ tục phá sản, nợ của 5 đơn vị hiện là gần 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, là chủ tàu lớn nhất, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang phải chật vật tái cơ cấu trong suốt 3 năm qua khi đã lỗ hàng nghìn tỷ đồng (năm 2011 văn phòng Chính phủ cho biết lỗ khoảng 2.600 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 2.400 tỷ đồng và năm 2013 dự kiến lỗ 2.100 tỷ đồng).
Theo đề án tái cơ cấu tổng công ty, tại tháng 5/2012, toàn hệ thống Vinalines nợ ngân hàng 68.000 tỷ đồng, phần lớn là không có khả năng thanh toán.
Tại các công ty thành viên, bức tranh tài chính cũng không sáng sủa hơn. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, thậm chí còn bị xóa tên khỏi thị trường như trường hợp Công ty vận tải Viễn dương (Vinashinlines) và Công ty vận tải dầu khí (Falcon) đang bị Chính phủ thúc phá sản.
Trên thị trường chứng khoán, hiện có 4 công ty thành viên của Vinalines đang niêm yết, ba phần tư số này có tỷ lệ sở hữu của Vinalines trên 51%. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp đều đã lỗ cả trăm tỷ đồng trong hai năm liên tiếp, nợ ngân hàng hàng hàng nghìn tỷ đồng và phải giao dịch dưới dạng kiểm soát.
Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam năm 2012 và 2013 đã lỗ tổng cộng hơn 220 tỷ đồng. Theo báo cáo kiểm toán, tại 31/12/2013, Vosco nợ ngân hàng hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó 95% là nợ dài hạn vay đóng và mua tàu trước năm 2006.
Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam đã bị âm một nửa vốn chủ sở hữu (gần 300 tỷ đồng) vì lỗ hai năm gần đây. Tổng các khoản vay và nợ ngắn hạn, dài hạn của Vitranschart lên tới gần 2.090 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản.
Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship cũng lỗ hơn 130 tỷ đồng trong hai năm qua . Tại thời điểm cuối 2013, công ty có khoản nợ ngân hàng 815 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn điều lệ.
Điều các doanh nghiệp hàng hải bấu víu nhất hiện nay là các ngân hàng sẽ khoanh và giãn nợ. Trong đề án tái cơ cấu nợ của Vinalines, Bộ Giao thông vận tải đã xin Chính phủ cho phép giãn nhiều khoản nợ đáng ra phải trả trong năm 2013 sang năm 2018. Một số khoản khác được kéo dài đến 2015.
Cuối tháng 3 vừa qua, Vinalines đã đàm phán và nhận được tín hiệu tốt từ chủ nợ trong nước. Một ngân hàng tại TP HCM đang xem xét chuyển một phần lớn nợ gốc thành vốn góp. Ngoài ra, với đội tàu đã già và năng lực vận tải hạn chế, các công ty phải tiếp tục bán tàu trong thời gian tới để có nguồn tiền bổ sung vốn lưu động. Thậm chí, Vosco còn tính đến bán một số khu đất của công ty tại Hà Nội và TP HCM.
Tổng công ty Hàng Hải (Vinalines) đang chuẩn bị cho kế hoạch chào bán cổ phiếu. DN này cũng mới được thay thế CEO mới để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu DN.
PV (TH)