BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHÔNG CÒN LÀ VIỄN CẢNH ĐỐI VỚI VIỆT NAM – Ngô Lực Tải Phó Chủ tịch Hội KHKT & KT biển Tp H.C.M.

Đương nhiên vẫn còn nhiều vấn đế phức tạp  vả quan trọng khác của quốc gia  đang chờ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng  Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đưa ra quyết sách hóa giải .

Bài viết chỉ đề cập một vấn đề lớn mà cả nước rất quan tâm và thế giới đánh giá là thảm họa thời đại đang đe dọa sự sống còn của hành tinh xanh , đó là “Biến đổi khí hậu” để bạn đọc tham khảo .

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀ THẢM HỌA KHÓ TRÁNH ĐỐI VỚI LOÀI NGƯỜI :

DIỄN TIẾN LỊCH SỬ :

                Vào năm 1820 , nhà khoa học Joseph Fourier đã khám phá ra hiện tượng “hiệu ứng nhà kính” (green house effect)  làm bề mặt trái đất nóng lên  gây ra “biến đổi khí hậu” (Climate change) . Từ năm 1850  thế giới bắt đầu theo dõi , ghi chép có hệ thống  hiện tượng tăng nhiệt độ trái đất cho đến nay , nhận thấy rằng nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất tăng khoảng 0,80C (1,40F) có mối quan hệ với sự tăng trưởng  của lượng CO2 trong khí quyển , được tạo ra bởi  những hoạt động công nghiệp , nông ngiệp , giao thông … của con người .

                Giả thiết trên đã gây tranh luận  dai dẳng từ những thập niên cuối của thế kỷ trước . Một số nhà khoa học cho rằng  sự thay đổi nhiệt độ không hẳn  do các loại khí nhà kính mà  do sự gia tăng năng lượng mặt trời và các tia vũ trụ .

                Nhưng cách đây không lâu, nền khoa học thế giới đã đưa ra kết luận  chính thức , được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC) tán thành , tóm tắt như sau : “Có thể chắc chắn hơn 90%, phần lớn hiện tượng trái đất nóng lên quan sát được là do khí nhà kính được phát thải từ những hoạt động của con người”. Từ đó tranh luận gần như kết thúc và cả thế giới bắt đầu vào cuộc  đối phó với thảm họa mang tínhthời đại đang diễn ra .

                Năm 1988 Liên Hiệp quốc (UN) lập ra Ủy ban Liên chính phủ  về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) cùng với soạn thảo , đưa ra ký kết nhiều Công ước, Nghị định thư và tổ chức những cuộc hội nghị  thượng đỉnh quốc gia  liên tục ở nhiều nước .

                Năm 1997 Nghị định thư Kyoto ra đời , qui ước lượng CO2 phát thải toàn cầu .

                Năm 2007 Hội nghị thượng đỉnh Bali (Indonesia).

                Năm 2009 Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen (Đan Mạch)

                Năm 2010 Hội nghị thượng đỉnh Cancun (Mehico) bàn biện pháp ứng phó và thay thế Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn vào năm 2012. Nhưng rất tiếc kể từ sau Nghị định thư Kyoto , cả 3 Hội nghị thượng đỉnh nối tiếp  đều không thể đạt sự đồng thuận về qui chế phát thải CO2 mang tính ràng buộc đối với mỗi quốc gia  tham gia cũng như chưa ký được hiệp ước nào  để thay Nghị định thư Kyoto trong lúc cộng đồng thế giới rất kỳ vọng vào những cường quốc phát thải CO2  nhiều nhất trên hành tinh có cam kết cụ thể … Điều này thể hiện lợi ích cục bộ  của quốc gia  mạnh hơn là lợi ích toàn cục của nhân loại .

CẢNH BÁO CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VÀ THÔNG TIN, KHUYẾN CÁO TỪ CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ :

                Liên Hiệp quốc với vai trò và trách nhiệm của mình , nhiều thập niên qua đã hoạt động không mệt mỏi để kêu gọi ,vận động các quốc gia của thế giới  tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên địa cầu bằng nhiều hành động và biện pháp khác nhau . Một trong những cảnh báo có giá trị nhất là Báo cáo phát triển con người 2007/2008 do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình  môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố , bao gồm nhiều thông tin và dữ liệu quý giá thuộc các lĩnh vực khác nhau  liên quan đến con người , nhấn mạnh “biến đổi khí hậu  giờ đây là một thực tế đã được chứng minh trên cơ sở khoa học” đang tác động mạnh mẽ đến trái đất và những người sống trên đó . Nó thật sự là thảm họa thời đại đối với chúng ta, bất luận quốc gia phát triển hay nước đang phát triển ,nước nghèo đều bị ảnh hưởng. Những hiện tượng cực đoan về khí hậu như : hạn hán, mưa bão, lũ lụt, trượt đất, nước biển dâng cao … ngày càng dồn dập, ác liệt với cường độ mạnh hơn và nguy hiểm hơn đe dọa nhiểu nước trên thế giới hiện tại và tương lai . Dự báo đến 2080 sẽ có 40% dân số  thế giới (ước 2,6 tỷ người) phải gánh chịu tai họa do biến đổi khí hậu gây ra , nếu như chúng ta không kìm chế được mức tăng trưởng nhiệt độ bề mặt trái đất dưới 20C vào cuối thế kỷ 21, thì hậu quả sẽ trở nên tiềm tàng to lớn hơn khó lường được .

                Chính vì vậy,  không được phép chờ đợi đến khi biết được tình hình biến đổi khí hậu một cách chắc chắn rồi mới hành động mà nên vào cuộc ngay tùy theo  khả năng của mỗi quốc gia vì thế hệ hiện tại và các thế hệ mai sau .

                Hiện nay kho tư liệu về biến đổi khí hậu toàn cầu rất phong phú, đa dạng do Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế công bố . Từ những công trình học thuật phức tạp cho đến những kịch bản nước biển dâng , dự báo tình hình khí tượng trên trái đất đều được công khai hóa, không còn điều gì “bí ẩn” đối với loài người , vì con người cần hiểu biết thiên nhiên rõ hơn để đối phó cũng như thích nghi thì mới tồn tại .

ỨNG PHÓ CỦA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA  ĐỐI VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU :

ỨNG PHÓ  CỦA VIỆT NAM :

                Việt Nam là một trong 9 quốc gia  thế giới phải gánh chịu  thảm họa biến đổi  khí hậu  nặng nề nhất, vị trí tự nhiên của chúng ta  là nước ven biển , khí hậu nhiệt đới , thường xuyên có mưa bão , lũ lụt , lại sở hữu 2 đồng bằng trù phú lớn nhất nước (Bắc bộ và sông Cửu Long), nơi tập trung dân cư đông đúc (70%  dân số cả nước) với cao trình ngang bằng , có vùng thấp hơn  mực nước biển Đông . Trong báo cáo  WPS 4138 tháng 7/2007 của ngân hàng thế giới (WB) nêu Việt Nam là  nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng  bởi nước biển dâng cao . Dựa vào kịch bản đáng tin cậy , thì nếu nước biển dâng lên 1m vào năm 2100 sẽ tác động đến 5,3% diện tích đất đai chung ; 10,8% dân cư; 10,2% GDP; 10.9% diện tích đô thị ; 7,2% diện tích nông nghiệp  và 28,9%  diện t1ch đất trũng.

                Rõ ràng đây là thảm họa  quốc gia và tổn thất lớn của dân tộc trong thế kỷ này .

Nhận thức được tầm quan trọng của thảm họa , Việt Nam đã tham gia đầy đủ  các Công ước quốc  tế  về biến đổi khí hậu ,là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ  về biến đổi khí hậu  của Liên hiệp quốc, luôn hưởng ứng  tích cực  những hoạt động quốc tế liên quan đến giảm thiểu phát thải CO2 để hạn chế  khí nhà kính, hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực và thế giới , tiếp thu những  kiến thức mới và khoa học công nghệ hiện đại để vận dụng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam đã giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường làm đầu mối quan hệ quốc tế  để xử lý vấn đề này . Cuối năm 2009 Bộ đã công bố  chương trình hành động  quốc gia về môi trường và biến đổi khí hậu , các kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam để các ngành , các địa phương lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình . Tuy nhiên hoạt động chống biến đổi khí hậu  là vấn đề  rất mới mẻ , phức tạp. Việt nam, nước đang phát triển, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh sau  cuộc chiến vệ quốc  kéo dài, vừa tái thiết để vươn lên thoát khỏi lạc hậu , đói nghèo . Dĩ nhiên, khó tránh những bất cập tất yếu  như: thiếu lực lượng chuyên nghiệp trong khâu chỉ đạo , quản lý điều hành , thực thi ; ngân sách hạn hẹp đầu tư cho những công trình quan trọng; yếu kém trong việc giáo dục, truyền đạt và huấn luyện dân cư về khả năng thích ứng … Chính những tồn tại trên  đã hạn chế đáng kể những hoạt động phòng chống có hiệu quả mang tính đồng bộ và bền vững so với những quốc gia khác trên thế giới .

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU :

                Trước hết cần  thống nhất xác định :

·         Biến đổi khí hậu là thảm họa lớn nhất đối với đất nước và dân tộc trong thế kỷ 21.

Nếu không chuẩn bị tốt để ứng phó  nhằm ngăn chặn và hạn chế thì nó sẽ gây những hậu quả khó lường , đe doạ đến thành quả và mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hùng mạnh trong khu vực và  thế giới vào năm 2020.

·         Có thể coi đây là cuộc chiến đấu phức tạp với  thiên nhiên vừa bức xúc nhưng cũng lâu dài,hao người tốn của nhiều thế hệ người Việt để bảo vệ sự tồn vong của tổ quốc , bắt đầu từ thế hệ chúng ta.

·         Những năm qua , Việt Nam đã làm được một số việc nhất định, đáng trân trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu . Song nhìn chung vẫn còn chậm, thụ động, chưa đáp ứng được yêu cầu bức bách do thời tiết cực đoan  từ  biến đổi khí hậu gây ra, nên có phần lúng túng khi xảy ra sự cố, nhất là trong năm 2010 bị bất ngờ liên tục trước  những trận mưa bão, lũ lụt chồng chất kéo dài. Hy vọng rằng những vấn đề nêu dưới đây, phần nào sẽ có  ích cho những người trong cuộc .

Lựa chọn trọng điểm để hỗ trợ và chỉ đạo :

                Hiện nay chúng ta đã có chương trình hành động quốc gia về môi trường và biến đổi khí hậu . Đây là chiến lược tổng quát mang tính định hướng của  nhà nước nhằm ứng phó với thảm họa thời đại . Mặc dù đã được các ngành, các cấp và địa phương quán triệt , nhưng thực tế thì hậu quả của biến đổi khí hậu  tác động không đồng đều  trên cả lãnh thổ ; nơi nhiều, nơi ít, ngành này bị thiệt hại nặng, ngành khác thiệt hại nhẹ hơn …. Do đó  việc lựa chọn và xác định trọng điểm để hỗ trợ và chỉ đạo của cấp vĩ mô là rất cần thiết  để biến những kế hoạch, đề án của từng ngành, mỗi địa phương trở nên khả thi hơn , phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực địa .

1./ Ngành nông nghiệp :

Nông nghiệp và nông thôn Việt nam có thể coi là nơi bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Với hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Lng, nguồn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia , đồng thời là lực lượng chủ lực xuất khẩu nông sản. Vì vậy chúng ta cần tập trung cao độ mọi tiềm lực để gìn giữ cho 2 nơi này phát triển bền vững và ổn định thì đất nước mới phồn vinh.

                Năm 2010 , tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 19,15 tỷ USD , tăng 22,6% so với năm 2009 . Trong 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD có gạo và thủy sản đều xuất xứ từ 2 vựa lúa nói trên . Riêng đồng bằng sông Cửu Long , nơi có 18 triệu người sinh sống , cung cấp 60% lương thực cho cả nước , 90%  lượng gạo xuất khẩu  và 65% kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản. Điều nghịch lý là kết cấu hạ tầng ở đây có thể xem là yếu kém nhất nườc . Nay lại phải gánh chịu hiểm họa nước biển dâng cao… Thử hỏi nếu để mất đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và 2 châu thổ nói chung, liệu chúng ta có thể còn đứng vững ở tư thế quốc gia công nghiệp hiện đại và hùng mạnh của khu vực và thế giới vào thế kỷ này hay không ? Đáp số rất “hóc búa” phải do cả dân tộc Việt Nam định đoạt .

2./ Ngành giao thông vận tải:

                Giao thông vận tải là ngành kinh tế-kỹ thuật đa dạng, phức tạp, ví như bộ xương sống  của nền kinh tế quốc dân, đang trực tiếp bị biến đổi khí hậu đe dọa. Đường bộ, đường  sông , đường biển, đường không đều là đối tượng và mục tiêu của mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất. Mỗi năm hệ thống đường bộ và đường sắt Bắc-Nam thường xuyên đối mặt với mưa lũ lớn , nhất là đoạn từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, làm tê liệt vài ngày cho đến cả tuần giao thông vận tải, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung.

                Theo kế hoạch được phê duyệt đến 2020 , tầm nhìn 2030 chúng ta sẽ tiến hành nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống đường sắt – bộ Bắc Nam , đồng thời xây mới  22 đường cao tốc có chiều dài 5.873 Km, phát triển hệ thống đường ven biển khoảng  3.127 Km từ xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến cửa khẩu Xà Xía, thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang . Đây là hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính  chiến lược để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh nhưng cũng tiêu tốn nhiều tiền của, cần bảo vệ tốt trước tác động xấu của thiên nhiên . Riêng hệ thống đường ven biển phải quan tâm đúng mức đến hiện tượng nước biển dâng cao để tránh thiệt hại .

                Đường biển có đặc thù là trực diện với thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu, vì gần như cơ sở vật chất của ngành  đều tọa lạc ở các vùng ven biển (Nhà máy đóng và sửa chữa tàu, cảng biển, luồng lạch, công trình bảo đảm hàng hải, đội tàu biển …) Do đó ngànhnày nên chủ động xác địnhlại hướng phát triển sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của quốc gia ven biển  đang bị tác động nặng nề của thiên nhiên .

                Trước đây khi nói đến biến đổi khí hậu , người ta hình dung chung chung là việc tương lai dành cho thế hệ sau . Nhưng ít ai nghĩ đến sự đe dọa từ biển . Hiện nay thì tình thế đã khác trước , hiểm họa thời tiết cực đoan trên biển trong tháng 12 năm 2010 đã nhấn chìm tàu container Phú Tân , trọng tải 14.101 DWT (chở 1020 TEU) của Công ty vận tải biển container  Vinalines  ngày 15/12/2010 ở vùng biển Hà Tĩnh làm chết 24 thuyền viên và 2 hành khách  (1 thuyền viên được cứu sống sau 2 ngày trôi dạt) ; tàu Vân Đồn 02 trọng tải  6.900 DWT chìm chiều 18/12/2010 làm mất tích 12 thuyền viên (11 thuyền viên được cứu sống ngay trên vùng biển cách Côn Đảo 110 hải lý  về phía Tây Nam ; tàu Trường Giang chở 1.950 tấn Kali bị chìm ở vùng biển Nha Trang trên đường từ Malaysia về Việt Nam và đau thương hơn là tàu đánh cá BV 4248 TS  ở Dinh Cô thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị một đợt sóng dữ cao 7m đưa xuống đáy biển  mang theo 21 ngư dân, chỉ để lại sự hãi hùng và thương tiếc cho gia đình …. Trên đây là những tai nạn hi hữu xảy ra trên vùng ven biển Việt Nam , đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với ngành hàng hải và ngành hải sản (mỗi ngày có hàng vạn tàu cá và vài vạn ngư dân hoạt động trên biển). Áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc đều có thể tạo ra sóng to gió lớn gây nguy hiểm  cho phương tiện và tính mạng người đi biển . Hiểm họa đang là sự thật , mong rằng các cơ quan chức năng về hàng hải Việt Nam cần ứng phó kịp thời.

TẠO  NĂNG LỰC ỨNG PHÓ VÀ THÍCH NGHI CHO CƯ DÂN VÙNG THƯỜNG XUYÊN BỊ THIÊN TAI ĐE DỌA :

                Trong những tài liệu công bố, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc  có khuyến cáo các quốc gia 3 biện pháp cơ bản để thích nghi với biến đổi khí hậu :

          Một là bảo vệ đầy đủ  tức là dùng hệ thống đê điều kiên cố  ngăn ngừa xâm nhập mặn , tôn cao đất đai và các công trình ven biển để đối phó với nước biển dâng cao .

          Hai là thích nghi , tức là cải tạo cơ sở hạ tầng và chuyển đổi tập quán sinh hoạt ; canh tác của dân hay nói cách khác là “chung sống”.

          Ba là tái định cư , tức là di dời cơ sở hạ tầng ra khỏi khu vực nguy hiểm lên vùng cao hơn , vào sâu trong lục địa, có nghĩa là “bỏ đất”.

Cho đến nay ở Việt Nam chưa nghe ai đề cập đến biện pháp thứ ba vì Việt Nam vốn đất hẹp , người đông , nếu “bỏ đất”  cũng sẽ là thảm họa mới. Song, cho dù “bảo vệ” hay “thích nghi” thì vấn đề tạo năng lực ứng phó  cho người dân vẫn là cơ bản . Nếu dân được trang bị kiến thức cao, đất nước có tiềm năng kinh tế dồi dào và khoa học – công nghệ hiện đại thì rất dễ dàng thực hiện 2 việc nói trên. Do đó , việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao cho các thế hệ kế tiếp là rất cấp thiết để xử lý những sự cố phát sinh trong tương lai . Hiện tại, Nhà nước nên tập trung hỗ trợ cho những vùng thường xuyên gặp thiên tai (Bắc Trung bộ và Trung bộ) để ổn định dần cuộc sống . Vận động xây nhà chống bão lụt , cung cấp vật tư chuyên dùng , lương thực, thực phẩm dự trữ ở những nơi xung yếu , tổ chức lực lượng ứng phó chuyên nghiệp túc trực ở những thời điểm cần thiết , quan trọng hơn là huấn luyện cho họ  khả  năng  ứng phó và thích nghi với hoàn cảnh thiên nhiên bằng cách thay đổi tập quán và phương tiện canh tác cũ , tạo giống mới , con vật nuôi mới phù hợp cho từng địa phương ; sau cùng  là nâng cao ý thức tự lực tự cường để phát triển và tồn tại , tránh ỷ lại trông chờ cộng đồng và Nhà nước chi viện .

THAY LỜI KẾT :

                Trên đời này có những việc tưởng như còn xa vời nhưng nó lại đến sớm hơn  làm người ta bất ngờ, lúng túng trong xử lý . Biến đổi khí hậu là một bằng chứng  nhãn tiền. Nếu  vài thập niên trước đây có mưa thuận gió hòa , mấy ai nghĩ nó . Nay thời tiết bắt đầu cực đoan và khắc nghiệt , đưa hiểm họa đến cho đất nước, cho mọi người  thì ta mới ngộ ra. Điều này không có gì lạ bởi trước kia ta chưa hiểu và quan tâm đến  thì nay ta hiểu và quan tâm hơn . Biến đổi khí hậu không còn là viễn cảnh đối với Việt Nam.

                                                                                                                               

Tháng 01/2011