BIỂN ĐÔNG TRANH CHẤP – HỢP TÁC – AN NINH HÀNG HẢI VÀ THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA . PGS – TS – NGND Lê Kế Lâm

Trong lòng nó có 2 quần đảo nổi tiếng là Hoàng sa và Trường sa. Trong lịch sử vài trăm năm trở lại đây vốn thuộc quyền khai thác và kiểm soát của Đại việt rồi Đại Nam đến Việt Nam ngày nay. Từ những năm của 3 thập kỷ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, trở thành nơi tranh chấp chủ quyền của các nước ven bờ biển Đông. Ngoài ra còn 2 nhóm đá san hô, Trung quốc gọi là Trung sa và Đông sa, rất nguy hiểm cho tàu thuyền hành trình trên biển Đông, nằm ở Đông Đông Bắc biển Đông.

Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên phong phú. Trữ lượng dầu khí theo dự báo địa chất khoảng trên 10 tỷ tấn quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn (sách công ước Biển 1982 và chiến lược biển của Việt nam – NSB chính trị Quốc gia năm 2008, tr – 28). Tài nguyên sinh vật đa dạng, có hơn 2.000 loài cá, hàng trăm loài tôm (tôm he, tôm hùm, tôm rồng, tôm gai, moi (ruốc) biển …..), hơn 2.500 loài nhuyễn thể, hơn 1.600 loài giáp xác …. Còn có hàng chục loài chim, dơi. Đáy biển còn có nhiều loài san hô thành rạn và di cư. Tài nguyên thực vật cũng khá phong phú với hơn 14 loài rong biển, tảo biển, rừng ngập mặn chạy dài ven bờ biển Đông, nơi có các cửa sông lớn nhỏ đổ ra biển. Ngoài ra đáy biển còn chứa đựng khối trầm tích khoáng sản quý như vàng, sa phia, titan…., các mỏ sắt, than đá ven biển và thềm lục địa….. Tiềm năng du lịch cũng rất đa dạng với nhiều bãi biển, vịnh, vụng rất đẹp và thơ mộng nằm rải rác ven bờ của nhiều quốc gia.

                Còn đường hàng hải qua biển Đông là 1 trong 4 tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất Thế giới, hàng ngày có gần 400 chuyến tàu hàng, tàu khách và quân sự qua lại nơi đây. Trên vùng trời của nó cũng có hàng trăm lượt máy bay qua lại hàng ngày.

                Biển Đông đối với các nước ven bờ đặc biệt là Việt nam là cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước đối tác bạn bè gần xa. Năm 2010 dự kiến Việt nam xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD và nhập khẩu hơn 82 tỷ USD, phần lớn bang đường biển .

                Bên cạnh lợi thế nhờ có biển, thì những thách thức từ biển cũng không nhỏ đối với Việt nam như: hướng biển là một hướng chính bị được dọa tấn công, phong tỏa biển của nước thù địch. Việc buôn lậu ma túy, vũ khí, chất thải độc hại từ hướng biển cũng rất lớn và khó kiểm soát hiệu quả nếu lực lượng Hải quân, Biên phòng, cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển và hải quan không đủ lực trong thời bình và được tăng cường kịp thời khi có uy hiếp chiến tranh. Rồi thiên tai, bão lụt, sóng thần, nước biển dâng, tràn dầu và khí độc …… cũng xuất phát từ biển rồi tấn công vào đất liền.

Vì vậy biển Đông là môi trường, điều kiện quan trọng cho sự phát triển, sinh tồn của nhân dân ta, đồng thời cũng là mặt khó khăn, thách thức của chúng ta. Thấy được mặt lợi và mặt thách thức của biển để có thái độ đối xử một cách khoa học, đúng hướng là vô cùng quan trọng.

Lý do tranh chấp trên Biển Đông

Là yếu tố thiên phú cho các quốc gia sống ven bờ của nó. Bất kỳ nước nào cũng thấy được mặt lợi, hại, thách thức của biển. Vì vậy việc tranh chấp quyền khai thác, quản lý và chế ngự nó là tồn tại hiện nhiên. Nhiều chính khách nổi tiếng Đông – Tây, Kim – cổ đã từng nói: “Không có kẻ thù vĩnh cửu, không có bạn vĩnh cửu, chỉ có quyền lực là vĩnh cửu”. Lịch sử phát triển của xã hội loài người qua mấy ngàn năm đã chứng minh điều đó như một “chân lý”. Hiện nay và tương lai khá dài của xã hội loài người có lẽ ‘triết lý” đó cũng còn đúng. Cái “quyền lợi vĩnh cửu” suy kỹ ra chính là quyền lợi dân tộc, quyền lợi của từng quốc gia, quyền lợi của tập đoàn, của nhóm cầm quyền, của giai cấp lãnh đạo của quốc gia đó. Chỉ đến khi nào “Thế giới Đại đồng” ? thì “quyền lợi vĩnh cửu” đó mới trở thành của toàn nhân loại! Rõ ràng chuyện ấy bây giờ còn là viễn tưởng. Cho nên để chứng minh cho việc “phát động tranh chấp” của nước lớn trên Biển Đông là đúng luật, đúng lý, họ tìm trăm phương, nghìn kế, huy động nhân tài, vật lực, sức mạnh mọi mặt để hòng dành thắng lợi cuối cùng mà thượng sách là uy hiếp, phân hóa, mua chuộc để khuất phục các nước nhỏ từ bỏ tranh chấp. Cuối cùng còn ai dám dũng cảm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp và bảo vệ lịch sử thì họ sẽ dùng vũ lực quân sự hùng hậu của họ để ‘dạy cho một bài học” ?! Đó là con đường của tranh chấp trên Biển Đông.

Xét kỹ về bối cảnh khu vực và thế giới những năm đầu thiên kỷ thứ II thì loài người đã khác nhiều so với vài thế kỷ cuối của thiên kỷ thứ I. Đặc biệt là sau sự kiện vĩ đại của cách mạnh Tháng 10 Nga (mùa Đông năm 1917), đại bộ phận các dân tộc đã lần lượt thức tỉnh, bằng cách này hay cách khác đứng lên đấu tranh để thoát khỏi sự áp bức nô dịch của các đế chế thực dân, phát xít và bá quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, rồi tiếp đến là hơn 3 chục năm tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc can thiệp Mỹ thắng lợi, đã chứng minh chân lý: “Không có gì quý hơn Độc lập – Tự do” mà lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng nói, là nguồn lực cổ vũ, động viên các nước nhỏ bị nô dịch trên toàn thế giới lần lượt vùng lên đấu tranh kiên trì chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức. Vì vậy trong thời đại của thế kỷ XXI, Bất kỳ một nước lớn và mạnh như thế nào cũng khó mà dành được toàn thắng khi gây ra cuộc chiến xâm lược phi nghĩa đối với một nước nhỏ yếu hơn (chiến tranh Liên quân Anh – Mỹ chiếm Irak 2003 và Mỹ – Nato xâm chiếm Ap-ga-nis-tan 2001 đã và sẽ chứng minh điều trên).

                Với biển Đông tuy nhiều nước đưa ra thuyết: “Không gian sinh tồn”, “Biên giới mềm” “Biên giới truyền thống”, “Vùng biển lịch sử”…. để tranh quyền làm chủ tiến tới độc chiến nó cũng không hề gì làm được. Vì ngoài quyền lợi của các nước tồn tại hàng ngàn năm trên ven bờ của nó, họ có quyền, có lý để đòi hỏi sự công bằng theo luật biển của LHQ năm 1982. Như Việt nam chúng ta còn có chứng cứ lịch sử và đã thực sự kiểm soát khai thác nó hàng bao đời nay của nhân dân. Biển Đông còn là con đường Hàng hải quan trọng của Quốc tế, cho nên mọi diễn biến bất thường trên biển Đông đều thu hút sự chú ý và hành động cần thiết của quốc gia có liên quan tới nó.

Vì vậy tranh chấp quyền lợi trên biển Đông là một tồn tại thực tế, nhưng diễn biến theo chiều hướng nào thì lại do nhiều yếu tố khách quan, do thực lực sức mạnh tổng hợp của các bên và cách xử lý của các chính khách đứng đầu các nước lớn và các khối quyết định.

Hợp tác giữ ổn định trên Biển Đông

Từ phân tích trên, các nước ven bờ Biển Đông cần chủ động phối hợp tìm kiếm giải pháp hợp lý, thoả mãn tương đối quyền lợi hợp phápcủa các nước trong khu vực, dung hòa với lợi ích tự do Hàng hải của các quốc gia có liên quan trên thế giới để duy trì sự ổn định hòa bình vùng biển là yêu cầu bức thiết trong đời sống chính trị và kinh tế hiện nay của Châu Á – Thái bình dương. “Quyền lợi là vĩnh cửu”, nhưng đừng vì tham vọng quyền lợi của một nước hay một nhóm nước mà chà đạp quyền lợi của nước khác, (dù họ nhỏ yếu) mà hành động mù quáng và tham lam không được lương tri loài người chấp nhận. Hợp tác là quá trình hoạt động đa lĩnh vực, đa tầng nấc của các chủ thể quốc gia liên quan. Muốn hợp tác có hiểu quả và lâu dài, các chủ thể phải thể hiện sự thành thật, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế trên cơ sở kiên trì hiệp thuong, bàn bạc, đấu trành và thỏa hiệp để đi đến thỏa thuận những hiệp định và giải pháp phù hợp có lợi cho các bên tham gia. Thế giới đang trên còn đường hợp tác kinh tế – quân sự – chính trị, lấy hợp tác kinh tế làm động lực chính trị (WTO). Các nước sống ven bờ biển Đông cũng không ngoài xu thế đó. Song mỗi nước có đặc thù kết cấu xã hội riêng: tiếng nói, chữ viết, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, thể chế, sắc tộc, chủng tộc,… Vì vậy hợp tác là một quá trình diễn tiến phức tạp, phải kiên trì hiệp thương bình đẳng, đấu tranh, thuyết phục, chờ đợi để đạt được đồng thuận. Trong thời gian còn những bất đồng, các bên cần phải bình tĩnh tìm giải pháp hợp lý để từng bước đạt được đồng thuận, để sát cánh cùng nhau tiến về tương lai ổn định, phát triển và tươi sáng hơn.

Duy trì an toàn hàng hải trên biển Đông.

Hàng hải trên biển đông là hoạt động thương mại, du lịch, sản xuất, qua lại của phương tiện quân sự….. của các nước trong và ngoài khu vực. Ngoài việc tự thân các phương tiện hoạt động trên hải trình phải lo đảm bảo an toàn cho mình và cho các phương tiện khác có mặt trong hải trình đó. Các nước ven bờ biển Đông và các nước có phương tiện qua lại phải có nghĩa vụ giữ cho môi trường địa – chính trị và địa – quân sự vùng biển được yên bình để hoạt động hàng hải trên biển Đông ngày càng phát triển.

Vì vậy, giữ cho môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị trên vùng biển là đòi hỏi bức bách của các quốc gia; khi xảy ra các hoạt động cướp biển, khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy…. Buộc các nước trong vùng biển phải có giải pháp hợp tác chống phá triệt để nhằm khôi phục lại sự an toàn cho mọi phương tiện hoạt động trên biển và trên không phận của nó. Điều quan trọng hơn là các quốc gia không được đặt tham vọng về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên vùng biển đang tranh chấp một cách quá đáng dẫn đến xung đột vũ trang hoặc đe dọa dùng vũ lực làm cho tình hình căng thẳng, uy hiếp đến sự an toàn hàng hải chung.

Loài người đã trải qua hàng trăm cuộc chiến tranh lớn nhỏ, đặc biệt là 2 cuộc thế chiến I và II, đã đưa đến biết bao chết chóc, điêu tàn trong đời sống của bao dân tộc, đất nước. Sau chiến tranh các quốc gia, dân tộc chiến bại vô cùng cực khổ, nhiều thế hệ phải chịu đựng biết bao nhiêu khó khăn, tủi nhục để duy trì cuộc sống và vươn lên. Quốc gia, dân tộc chiến thắng cũng không hề được sống sung sướng gì hơn dưới ánh hào quang chiến thắng. Vì những tổn thất to lớn về mọi mặt mà nhân dân họ phải chịu đựng trong suốt thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là những nước ỷ vào sức mạnh áp đảo của mình mà gây ra cuộc chiến phi nghĩa, vô nhân tính thì lương tri người dân nước đó càng đau khổ và hổ thẹn. Lịch sử loài người đã chứng minh: “các Đế chế dù hùng mạnh đến đâu, độc tài, tàn bạo đến đâu kết cục sẽ đến ngày suy vong” và cái duy nhất còn lại là chặng đường lịch sử bi hùng cho đời sau tìm hiểu.

Thái độ của chúng ta

Là một nước sống ven bờ phía tây của biển Đông, có đường bờ biển gần 4.000 km, có lịch sử hàng ngàn năm tồn tại và phát triển gắn liền với biển Đông. Nhân dân ta đã từ nền kinh tế lúa nước đi lên. Nền kinh tế gắn bó với sông nước, với mưa trời, bão biển, với nắng, ẩm, gió mùa. Dân tộc Đại việt – Đại Nam rồi Việt nam đã bao lần không khuất phục bá quyền, xâm lược, đồng thời cũng luôn luôn yêu chuộng chung sống hòa bình. Sự tích Thánh Gióng phá tan giặc Ân rồi phi ngựa về trời, để lại thanh bình cho đất nước; rồi Lê Lợi đuổi xong giặc Minh đã trả kiếm cho “vua Rùa” để làm một ông Vua an nhàn với xã tắc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa (2.9.1945). Tháng 1 năm 1946 trong buổi trả lời các nhà báo nước ngoài Bác Hồ nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính lứu gì với vòng danh lợi” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr-161). Qua đó chứng minh cho thế giới thấy: Dân tộc Việt nam, xuyên suốt qua chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của mình chỉ có một nguyện vọng nhất quán là được sống trong Độc lập – Tự do và Hòa bình với các dân tộc khác.

Ngày nay Biển Đông là không gian sinh tồn và phát triển của chúng ta. Mất Biển Đông là mất Độc lập – Tự do của dân tộc. Chúng ta cùng nhân dân yêu chuộng công lý và hòa bình sống ven bờ Biển Đông phấn đấu duy trì sự hợp tác tích cực để củng cố hòa bình và an ninh trên Biển Đông, cùng nhau phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, giữ vững môi trường ổn dịnh lâu dài. Nguyện vọng đó không chỉ hợp với lòng dân các nước trong khu vực, mà cả thế giới và hợp với thời đại. Nhưng cũng phải có một cách nhìn biện chứng duy vật là sự việc không phát triển theo một chiều thuận đi lên, mà thường diễn biến phức tạp, quanh co và có lúc xoắn ốc. Vì vậy phải luôn luôn chuẩn bị mọi mặt, nhất là tinh thần và ý chí của toàn dân sẵn sàng đương đầu với mọi diễn biến trái chiều của thời cuộc. Chỉ thật sự có sức mạnh vật chất và tinh thần đáp ứng được yêu cầu của các thách thức đang hiện hữu và sẽ phát sinh trong tương lai thì chúng ta mới giữ vững được nền Độc lập Thống nhất của Tổ quốc và Tự do – Hạnh phúc của toàn dân.

Biển Đông tồn tại và có thể thay đổi theo sự vận động của quả đất. Việt Nam và các nước ven bờ biển Đông cũng tồn tại và không ngừng phát triển theo sự phát triển của xã hội loài người. Phải chăng đó là một thực tế khách quan không gì phản bác được.

                                                                                                                                   25.11.2010