Bốn yếu huyệt trên Biển Đông-Việt Nam

Bốn yếu huyệt trên Biển Đông-Việt Nam

Hình dưới đây : Các vị trí được đánh số-Nơi xẩy ra sự kiện tấn công tàu Bình MInh (1) , tàu Viking (2) -Vị trí  Cam Ranh (3), Sơn Dưong (4), Con Đảo (5) , Nam Du (6)

Các căn cứ hải quân phải có độ sâu tối thiểu trên 10m, độ rộng mặt nước đủ năng lực tiếp nhận nhiều tàu quân sự,có núi cao để che chắn và thuận lợi trong cung ứng hậu cần.
Trước hết, chúng ta cần biết đặc tính tự nhiên ảnh hưởng đến hàng hải qua Biển Đông.Do đặc điểm dòng chảy và gió mùa, về mùa đông tàu biển di chuyển từ phía bắc xuống nam Biển Đông đều phải đi sát bờ biển miền Trung Việt Nam ( đường màu xanh) .Còn từ phía nam lên hướng bắc thì tàu biển phải tránh xa bờ miền Trung để tránh dòng nước ngược (đường màu đõ). Về mùa gió tây nam, dù từ bắc xuống nam hay từ nam lên bắc đều đi cùng một tuyến chung (đường màu đen).Do bão Biển Đông xóay ngược chiều kim đồng hồ, nên khi gặp bão, các tàu thuyền đều có xu hướng bị đẩy vào bờ biển Việt Nam.
Do các đặc điểm tự nhiên trên, các chủ tàu qua Biển Đông đều mong muốn có sự hổ trợ của Việt Nam khi gặp sự cố.Đây là lý do mà chúng ta phát hiện nhiều xác tàu thuyền bị chìm từ nhiều thế kỹ trước gần bờ biển miền Trung và Nam Bộ. Tuyến bờ biển từ vịnh Vân Phong đến cảng Cam Ranh là tuyến bờ biển đến đường hàng hải quốc tế là gần nhất .Cảng Cam Ranh (vị trí 3) có vùng nước rộng , kín sóng gió, nước sâu -20 m và có hai cửa ra vào thuận kiểm sóat. Xung quanh cảng có núi cao nên khó bị tấn công. Nơi đây có thể tiếp nhận cùng lúc các loại tàu chiến hiện đại nhất. Vì vậy cảng Cam Ranh là căn cứ hải quân tốt nhất Đông Nam Á.Từ đây chỉ cần tàu ngầm mini chạy dầu là đủ lo ngại cho các tàu lớn tại Biển Đông.Cảng Cam Ranh xứng đáng là trung tâm hải quân của Việt Nam và là yếu huyệt kiểm sóat Biển Đông.
Ở vịnh Bắc Bộ, cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng thuộc Hà Tỉnh có vị trí khá đặc biệt( vị trí 4). Vị trí này cùng vĩ tuyến với cảng Tam Á có hạm đội nguyên tử của Trung Quốc. Vị trí cảng Sơn Dương cũng nằm ngay phía bắc đèo Ngang nơi có đường Quốc Lộ 1A với đường đèo và hầm qua núi.Độ sâu cảng Sơn Dương sau khi xây đê 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì vùng cảng kín sóng gió và đạt độ sâu đến trên -16m cùng với vùng nước rộng rãi. Vì vậy cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm sóat đường biển và đường bộ từ Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tế cho miền Bắc Việt Nam.
Ở bờ biển Nam bộ, Côn Đảo có hình con kỳ lân, lưng theo hướng tây nam- đông bắc mặt nhìn về hướng đông (vị trí 5). Vùng bờ phía đông , các vùng nước đều bị cạn.Nhưng phía tây nam Côn Đảo có Bến Đầm. Phía đông bắc Bến Đầm có núi Thánh Giá cao 577 m,phía tây nam là Hòn Bà cao 242 m còn phía nam có Hòn Bò cao 324m . Độ sâu Bến Đầm khá lý tưởng -13m , kín gió đông bắc và gió tây nam, thuận lợi cho một cảng nước sâu cho hải quân và thương mại. Vị trí nầy gần đường hàng hải quốc tế qua vùng biển Nam Bộ. Đây là yếu huyệt của bờ biển Nam Bộ.Nếu Việt Nam có một căn cứ hải quân hùng mạnh ở đây sẽ giúp kiểm sóat đường hàng hải ra vào bờ biển Nam Bộ và giữ an tòan cho các mỏ dầu phía đông Nam Bộ.
Trong vịnh Thái lan, thềm lục địa bờ biển Rạch Giá – Hà Tiên rất cạn. Việc xây dựng cảng nhân tạo có nước sâu tại khu vực này rất tốn kém, nhất là chi phí duy tu. Quần đảo Nam Du có vị trí cách bờ biển khoãng 50 km, nằm giữa con đường từ Phú Quốc đến Cà mau( vị trí 6). Độ sâu tự nhiên giữa quần đảo đạt-10m , có núi cao 309 m phía tây. Các dảy đảo phía đông che kín gió mùa đông bắc. Vì vậy khu vực này thích hợp cho tàu thuyền neo đậu, thuận lợi cho một cảng hải quân tốt nhất ở bờ biển Tây Nam Việt Nam. Vì vậy quần đảo Nam Du là yếu huyệt bảo vệ bờ biển Tây Nam của Việt Nam.
Khi kênh Kra của Thái đuợc mở thì vị trí quần đảo Nam Du càng trở nên quan trọng trong việc bảo vệ luồng hàng hải quốc tế băng qua vịnh Thái Lan.
Các vị trí Cam Ranh, Sơn Dương, Côn Đảo, Nam Du là những yếu huyệt quan trọng nhất trên tòan tuyến bờ biển Việt Nam. Việc xây dựng và duy trì lực lượng hải quân mạnh ở các vị trí trên là lá chắn quyết định sự an tòan của đất nước.Sự hợp tác với các đối tác nước ngoài trong xây dựng kinh tế ở các yếu huyệt trên cần gắn chặt với nhu cầu khi xẩy ra chiến tranh vệ quốc.Hy vọng bài viết ngắn này giúp mọi người thêm thông tin để cùng suy ngẩm về các căn cứ tối ưu cho hải quân Việt Nam.
KS Doãn Mạnh Dũng