Bô xít Tây Nguyên và nguồn nước uống

Bô xít Tây Nguyên và nguồn nước uống

– Khai thác quặng bauxite.
– Tinh luyện bằng nước.
– Tinh luyện bằng xút và hoá chất.
– Nung kết sản phẩm để có alumin (oxit nhôm).
– Điện phân oxit nhôm để lấy nhôm.

Việc tuyển quặng bằng nước và xút cùng hoá chất trong bước 2 và 3 để tạo ra alumin sẽ thải ra môi trường một lượng rất lớn chất thải nước hoặc được làm khô tại thượng nguồn sông Đồng Nai.

Dù có được làm khô, nước mưa cũng sẽ hoà tan chúng và làm ô nhiễm vùng đầu nguồn. Theo báo cáo của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cứ 1 tấn alumin thải ra môi trường 1,5 tấn bùn đỏ và khoảng 12m3 nước. Khu vực Tân Rai và Nhân Cơ đều là khu vực đầu nguồn của hồ Trị An. Riêng với nhà máy Tân Rai công suất 600.000 tấn alumin/năm thì mỗi năm thải ra môi trường 900.000 tấn bùn đỏ và 7.200.000m3 chất thải nước có xút và chất độc. Theo kế hoạch đến năm 2015 Tây Nguyên sản xuất 8,5 triệu tấn alumin thì Tây Nguyên mỗi năm thải ra 12,75 triệu tấn bùn đỏ và 120 triệu m3 chất thải nước có xút và chất độc. Chúng ta đều biết, TP.HCM sử dụng nguồn nước thô chủ yếu lấy từ nhà máy nước thô Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Nhà máy nước Thiện Tân nằm tại hạ lưu hồ Trị An. Như vậy, việc xây dựng hai nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhơn Cơ ngay tại khu vực đầu nguồn hồ Trị An là đe doạ nguồn nước uống của các tỉnh miền Đông, kể cả TP.HCM. Nguồn nước uống lại là sự sống còn của bất cứ cộng đồng dân cư nào. Nếu không được bảo vệ, nó cũng là nguyên nhân chính gây ra các chứng bệnh ác tính không thể biết trước cho con người.

Tôi thỉnh cầu những người có trách nhiệm nên ra lệnh dừng ngay việc xây dựng nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhân Cơ hay bất cứ nhà máy luyện nhôm nào trên Tây Nguyên. Chúng ta chỉ nên thực hiện bước 1 tại Tây Nguyên, còn các bước sau nên chọn vị trí thuận lợi tại hạ lưu để thực hiện. Như vậy đáp ứng cả an ninh quốc gia vì công đoạn bước 1 giản đơn không cần nhu cầu sự hiện diện người nước ngoài tại Tây Nguyên. Ví dụ ta nên xây dựng đường sắt bắc Dắk Nông – Buôn Ma Thuột – Cheo Reo – bắc Đèo Cả dài 156km, ít đèo dốc. Cao độ lớn nhất 530m. Đường sắt cho đa mục tiêu: hàng hoá từ Tây Nguyên về cảng Vân Phong, hành khách từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội…

Tại khu vực bắc Đèo Cả có nước ngọt sông Ba, có cảng Vũng Rô tự nhiên nước sâu, ít dân cư, cách ly với các khu du lịch ven biển. Tại đây có thể xây dựng bể chứa bùn đỏ, nhà máy luyện nhôm thuận lợi hơn nhiều đưa bauxite về Bình Thuận.

Mọi việc do con người làm ra, nên con người có thể điều chỉnh khi chưa muộn.

KS Doãn Mạnh Dũng