Góp ý “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong -tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030”-PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận.

Do những thiếu sót trên, Bản điều chỉnh quy hoạch chưa đáp ứng được kỳ vọng vô cùng to lớn của các chuyên gia, các nhà quản lý và Chính phủ. Để minh chứng cho nhận xét này, xin trích lại câu nói mà vào tháng 5/2003, khi đến thăm vịnh Vân Phong Đại sứ Mỹ R.F. Burghardt đã thốt lên: “Đây sẽ là một siêu đô thị của Đông Nam Á trong tương lai”. Tôi cũng xin trích Thông báo số 198/TB/VPCP ngày 18/10/2001, trong đó Chính phủ đã chỉ thị “cảng trung chuyển phải kết hợp những ưu điểm nổi bật của Hongkong và Singapore”.
Do thời gian hạn chế, nên tôi ko thể viết nhận xét chi tiết, mà chỉ có thể nêu ra những câu hỏi và yêu cầu mà các tác giả của bản điều chỉnh quy hoạch cần giải trình trước hội đồng nghiệm thu:

Đề nghị trình bày rõ quan điểm của tác giả về đô thị cảng, tiềm năng phát triển đô thị cảng tại khu kinh tế Vân Phong và vị trí của nó trong hệ thống đô thị của nước ta.

Đề nghị làm rõ cơ sở lý luận mà các tác giả đã vận dụng trong quá trình tiếp cận giải quyết vấn đề tương tác giữa cảng và đô thị. Đặc biệt lưu ý đến tương tác giữa cảng cho tàu công nghiệp trọng tải lớn và đô thị, một vấn đề đặc thù của quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong.

Để nghị chỉ rõ những ưu điểm về quy hoạch đô thị của Hongkong và Singapore mà các tác giả đã vận dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả tương tác giữa các quá trình phát triển Cảng Trung chuyển container, Cảng xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang và phát triển đô thị tại Khu kinh tế Vân Phong.

Đề nghị giải trình các giải pháp quy hoạch nhằm duy trì và phát huy các thành tựu nuôi trồng và đánh bắt hải sản, đặc biệt lưu ý đến các khu vực Tu Bông và Hòn Khói;

Đề nghị làm rõ các giải pháp quy hoạch để đảm bảo chống chọi lâu bền với biến động khí hậu, đặc biệt là vùng đô thị lấn biển Bắc Tu Bông.

Tôi ý thức được rằng giải trình đầy đủ 5 yêu cầu nêu trên đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Các chuyên gia quy hoạch đô thị, quy hoạch cảng, quy hoạch thuỷ sản và quản lý vùng ven biển cần chung sức làm việc với nhau và phải bắt đầu từ những công việc cơ bản nhất, như xây dựng cơ sở dữ liệu (xin lưu ý rằng những dữ liệu tối quan trọng về địa chất thuỷ văn, địa hình và địa chất đáy vịnh chỉ được cập nhất ở mức rất hạn chế) và xây dựng mô hình đô thị cảng Vân Phong dựạ trên lý luận hiện đại về tương tác động lực giữa cảng và đô thị.
Tuy nhiện một yêu cầu cao như vậy về mặt lý luận và về giải pháp quy hoạch là cần thiết, vì rằng chúng hướng đến việc làm rõ những tiềm năng vô cùng quý báu và độc đáo của vịnh Vân Phong về vị thế địa lý, quỹ đất và tuyến tiếp biển nước sâu. Để rồi trên cơ sở đó xây dựng nền tảng quy hoạch vững chắc cho việc phát triển bứt phá một thành phố cảng hiện đại của Việt Nam đủ năng lực tham gia vào cuộc chạy đua xây dựng một trung tâm logistics đa phương tiện của Vùng kinh tế tự do ASEAN (AFTA) và tiến tới vững vàng hội nhập vào chuỗi các thành phố cảng hàng đầu của ASEAN và Đông Á.
Hà Nội 25/07/2011.