Hiện tượng mất hướng La bàn và chậm thời gian ở Tam giác Bermuda
Vị trí Tam giác Bermuda và mô hình sự di chuyển của dòng xoáy
Trính nguyên bản thông tin :
“-Báo cáo trung úy Taylor. Khẩn cấp. Chúng tôi cảm thấy bị lạc khỏi đường bay. Chúng tôi không thấy mặt đất… Tôi nhắc lại: Chúng tôi không thấy mặt đất…
-Các anh đang ở vị trí nào?
-Chúng tôi không biết chắc vị trí. Chúng tôi không biết chính xác chúng tôi đang ở đâu. Chúng tôi bị lạc.”
Từ tháp điều khiển, thiếu tá Lindsay ra lệnh cho trung úy Taylor:
Trích nguyên bản thông tin:
“-Quay về hướng tây-nam ngay!
Trung úy Taylor nói bằng giọng rất lạ, như kiểu đang xa dần:
-Tôi không biết hướng tây-nam là hướng nào… Có gì đó không ổn. Rất lạ là chúng tôi không phân biệt được phương hướng. Ngay mặt biển trông cũng khác thường…”
Bình luận của KS Doãn Mạnh Dũng :
Người Trung Hoa phát minh ra chiếc La làn. Người châu Âu biết đặt chiếc La bàn trên một “Cát đăng”, đó là một hệ giá đở. Nguyên tắc là giá đở A đở trực tiếp La bàn, giá đở B đở giá đở A. giá đở C đở giá đở B…Hơn nữa khi cho La bàn quay với vận tốc cao, ta thấy khi thay đổi vị trí giá đở bên ngoài thì con quay vẩn không thay đổi hướng trục. Như vậy nhờ tốc độ quay cao của con quay mà La bàn chỉ hướng ổn định. Đó là đặc tính định hướng của con quay.
Trong vật lý, để mài một vật, bạn cho vật quay nhanh và đưa đá mài chạm vào. Hoặc ngược lại bạn cho đá mài quay nhanh và đưa vật chạm vào đá mài.
Trong chất lõng hay không khí , một vật đứng yên còn môi trường chuyển động hay vật chuyển động còn môi trường đứng yên đều tạo dòng rối tương tự nhau .
Bình thường con quay thì quay và môi trường coi như đứng yên. Nhưng khi môi trường không khí thay đổi nhanh và cực lớn thì tạo ra lực tác động lên trạng thái đang ổn định của con quay, vì vậy La bàn sẽ có một hướng chỉ mới. Vì vậy khi chiếc máy bay bị rơi vào dòng khí di chuyển nhanh đột ngột thì La bàn không còn ổn định để chỉ hướng cũ.
– Hiện tượng đồng hồ chạy chậm
Trính thông tin :
“Ngày 17 tháng 1 năm 1949, một máy bay 4 động cơ rời Kingston ở Jamaica để tới Florida. Thông báo cuối cùng của nó khi đến giữa vùng Tam Giác là: “Chúng tôi đang ở cách vùng Nam Bermuda khoảng 80 hải lý. Mọi việc đều ổn.
Cũng năm đó xảy ra một sự kiện mà khó có thể gọi là tai nạn, nhưng ít nhất là gây lo ngại. Một máy bay của hãng Eastern Airlines biến mất trong 10 phút khỏi các màn hình điều khiển ở Miami. Sau đó lại thấy lại nó, nhưng tất cả các đồng hồ của các hành khách đều bị trễ 10 phút.”
Bình luận của KS Doãn Mạnh Dũng:
Trong vật lý, Albert Einstein đã có bài toán chứng minh rằng một vật di chuyển với tốc độ rất cao thì thời gian sẽ chậm lại. Thông tin, sự mất tích chiếc máy bay trong 10 phút, kèm theo tất cả các đồng hồ đều trể 10 phút đã chứng mình rằng chiếc máy bay đã lọt vào vùng di chuyển cực nhanh của dòng không khí. Trong thời gian lọt vào vùng gió xoáy di chuyển cực nhanh của không khí các đồng hồ đều chậm lại.
Tóm tắt lại hiện tượng “Tam giác Bermuda” được Ks Doãn Mạnh Dũng giải thích như sau :
Hiện tượng chỉ xảy ra vào mùa Đông khí có gió mùa Đông Bắc thay đổi nhanh và cực mạnh. Dòng gió quay theo chiều ngược kim đồng hồ. Nhờ địa hình bờ biển vùng Bắc và Đông Bắc bán đảo Florida có vòng hình vòng cung thích hợp nên giúp cho dòng không khí xoáy tích hợp thêm động năng hình thành dạng “vòi rồng” hút mọi vật trong phểu hút đưa xuống thấp. Dòng gió xoáy khổng lồ tác độc lên bề mặt nước biển. Lớp nước biển phía trên di chuyển theo hướng của gió tạo ra những hố xoáy biển khổng lồ. Trong khi đó , dưới đáy biển, dòng tầng đáy vùng Tam giác Bermuda cũng có trạng thái xoáy tương tự và chúng tồn tại 365 ngày/ năm hình thành do sự chênh lệnh nhiệt giữa Bắc cực và Xích đạo và trạng thái trái đất di chuyển từ Tây sang Đông. Dòng nước tầng mặt biển và dòng nước tầng đáy biển cùng cộng hưởng để hút nhanh mọi vật trên mặt biển xuống đáy biển nên tăng thêm sự hiểm nguy của Tam giác Bermuda. Với các máy bay thì sẽ bị hút xuống đáy biển. Nếu con tàu có những khoang trống, quá trình hút xuống biển nhanh sẽ giết tất cả thủy thủ đoàn và có thể đẩy trở lại mặt nước những con tàu nguyên vẹn. Và con tàu trên tự di chuyển theo dòng hải lưu tầng mặt nhưng không bóng người nên gọi là tàu ma..
Để hạn chế tai nạn tại Tam giác Bermuda, con người không thể thay đổi bờ biển vùng bắc Florida mà cần chú ý các yếu tố sau :
– Tai nạn chỉ xẩy ra vào mùa Đông khi có gió Đông Bắc lớn.
– Tàu thuyền nên tránh hành trình khi có hiện tượng thời tiết cực đoan và cần dự báo thời tiết trong thời gian gần và chính xác hơn để tránh rơi vào vùng xoáy của gió và nước..
Các bài viết trước đây trên trang www.kinhtebien.vn có hai bài viết giải thích hiện tượng “Tam giác Bermuda”:
Bài 2
Toàn văn bài dịch Tam giác Bermuada – Nguyễn Trần Sâm dịch từ La Terrible Vérité của Pierre Bellemare, nxb Loisirs, 2008 trên trang của Đào Hiếu.
Đối với những người lính Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Fort Lauderdale vào cuối năm 1945 thì nhiệm vụ này giống như một chuyến đi chơi. Một phần vì họ đang ở Florida, mà thời tiết ở đó luôn tốt, kể cả mùa đông. Chẳng hạn, vào ngày 5 tháng 12, trạm khí tượng của trại thông báo trong bản tin thường kỳ: “Nhiệt độ 18 độ C, trời ít mây, gió nhẹ.” Nhưng cái chính là vì chiến tranh đã kết thúc. Với họ, những người trở về từ các chiến trường Thái Bình Dương, từ Normandie hay từ chiến dịch giải phóng nước Pháp, ác mộng đã chấm dứt. Trong nhiều tháng trời, họ đã làm hỏng làn da, đã giết chóc và thấy đồng đội chết. Giờ đây, họ chỉ còn phải thực thi những nhiệm vụ định kỳ của thời bình để bảo dưỡng phương tiện và luyện tập bay. Người ngoài thậm chí còn ghen với họ: giết thời gian ấy mà!
Nhiệm vụ của ngày hôm đó, được vạch ra bởi thiếu tá Lindsay, chỉ huy trưởng căn cứ Fort Lauderdale, mang mật danh Patrol 19. Cần bay theo tuyến phải về phía đông theo hướng Bermuda 160 hải lý, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu là một vỏ tàu, đổi hướng sang mũi bắc bay 40 hải lý rồi trở về Fort Lauderdale.
Đội tuần tra gồm 5 oanh tạc cơ TMB 3 Avenger có trang bị ngư lôi. Mỗi máy bay được điều khiển bởi một sỹ quan không quân và có thêm hai phi công nữa. Phi đội được đặt dưới quyền chỉ huy của trung úy Charles Taylor, một cựu binh vùng Thái Bình Dương, một sỹ quan dày dạn. Nói ngắn gọn thì với một bản tin thời tiết như vậy, họ chỉ làm một cuộc dạo chơi vài giờ bên trên mặt biển màu ngọc lam, như một cách đi du lịch…
***
14 giờ. Chiếc oanh tạc cơ đầu tiên, của chính trung úy Taylor, xuất phát, và 4 chiếc còn lại lần lượt cất cánh theo sau, cho đến 14 g 10. Từ tháp điều khiển, thiếu tá Lindsay nhìn chúng bay đi mà không thấy có cảm xúc đặc biệt nào. Ông đã tôi rèn cách chỉ huy cứng rắn trong chiến tranh, và mỗi lần các phi công của ông bay lên, ông biết rằng nhiều người sẽ không trở lại. Nhưng rất may là thời kỳ đó đã chấm dứt.
15 g 15. Theo nhiệm vụ được giao, Patrol 19 đã bay đúng 160 hải lý về phía đông, xác định và tiêu diệt mục tiêu. Sau đó, nó bay 40 hải lý về phía bắc rồi đổi hướng để về Fort Lauderdale. Mọi việc diễn ra hoàn toàn bình thường, thậm chí nhanh hơn thời gian biểu dự kiến. Đúng lúc đó thì đài liên lạc của tháp điều khiển gửi một tín hiệu cho thiếu tá Lindsay.
“Có gì đó xảy ra với Patrol 19, thưa thiếu tá.”
Đài liên lạc tăng cường độ âm thanh, cho phép nghe trong tiếng rồ một giọng nói ở xa.
“Báo cáo trung úy Taylor. Khẩn cấp. Chúng tôi cảm thấy bị lạc khỏi đường bay. Chúng tôi không thấy mặt đất… Tôi nhắc lại: Chúng tôi không thấy mặt đất…”
“Các anh đang ở vị trí nào?”
“Chúng tôi không biết chắc vị trí. Chúng tôi không biết chính xác chúng tôi đang ở đâu. Chúng tôi bị lạc.”
Vị chỉ huy biết rất rõ nhiệm vụ của họ, nó do chính ông định ra. Nếu mọi việc theo đúng chỉ dẫn thì không thể có trục trặc gì. Ông cầm micro lên.
“Quay về hướng tây-nam ngay!”
Câu trả lời có vẻ bớt lo sợ cả về nội dung và giọng nói. Trung úy Taylor nói bằng giọng rất lạ, như kiểu đang xa dần:
“Tôi không biết hướng tây-nam là hướng nào… Có gì đó không ổn. Rất lạ là chúng tôi không phân biệt được phương hướng. Ngay mặt biển trông cũng khác thường…”
Giọng thiếu tá Lindsay cho thấy nỗi sợ tràn ngập trong chính ông.
“Anh nói lạ là thế nào? Allo! Anh nói lạ là thế nào? Trả lời đi, Patrol 19.”
Nhưng Patrol 19 không trả lời. Trong loa chỉ có tiếng rồ. Thiếu tá gào lên:
“Allo, Taylor! Allo, trả lời đi!”
Việc đó diễn ra trong mấy phút. Cuối cùng nghe thấy một giọng nói xa xăm, xa hơn giọng lần trước… Đó không phải giọng trung úy Taylor mà nó cũng không nói với tháp điều khiển. Đó là giọng phi công của một máy bay khác đang nói với đồng đội.
“Cậu biết ta đang ở đâu không? Tôi mất hướng rồi.”
Giọng kia trả lời:
“Nhưng la bàn không dùng được. Tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi chưa bao giờ thấy chuyện này…”
Tình hình rất nghiêm trọng. Thiếu tá Lindsay nói với đài liên lạc:
“Phát lệnh báo động! Phái ngay Martin-Mariner đi!”
Lập tức, cả căn cứ trở nên náo loạn. Martin-Mariner là thủy phi cơ cứu hộ khổng lồ mang theo một đội 13 người. Nó có thể đáp xuống biển trong thời tiết xấu và mang đủ số xuồng cứu hộ để vớt hết những người rơi xuống biển của cả phi đội.
15 g 25, thủy phi cơ xuất phát. Bây giờ thì trên tháp điều khiển có rất nhiều người. Đồng đội của các phi công đội Patrol 19 lo lắng theo dõi tiến trình sự kiện. Nhưng, bất chấp những tiếng gọi qua radio, từ loa chỉ phát ra tiếng rồ.
Bỗng có giọng nói rất nhỏ giữa những tiếng ồn. Đó là trung úy Taylor. Nhưng anh không nói với tháp điều khiển. Anh nói với một phi công của mình:
“Trung úy Stiver nhận lệnh!”
Lại tiếng rồ, rồi tiếng trả lời:
“Tôi hiểu, thưa trung úy. Tôi nhận lệnh.”
Thiếu tá Lindsay vô cùng căng thẳng. Điều đó có nghĩa là gì? Trung úy Taylor đang chỉ huy cả phi đội, và anh ta đang gặp khó khăn nghiêm trọng, thậm chí có thể mất mạng. Nhưng tại sao anh không giải thích? Nhưng thiếu tá không có thời gian để nghĩ kỹ. Âm thanh của một cuộc gọi khác vang lên trong loa. Rất rõ ràng. Cuộc gọi từ một nơi khá gần: từ thủy phi cơ cứu hộ.
“Tháp điều khiển phải không? Martin-Mariner đây. Chúng tôi gặp gió mạnh ở độ cao…”
Chỉ có vậy. Thông báo dừng ở đó. Và lại có cuộc gọi từ đội tuần tra. Trung úy Stiver hướng dẫn cho các máy bay khác:
“Chúng ta đang xa dần căn cứ. Chắc là cách 200 hải lý về phía tây trong vịnh Mexico. Quay 180 độ!”
Các phi công nói với nhau thêm một lúc nữa, nhưng cường độ âm thanh giảm rất nhanh. Những gương mặt trong tháp điều khiển đầy lo âu. Điều này có nghĩa là trung úy Stiver đã mất hướng. Đáng lẽ phải quay về căn cứ thì anh ta quay sang phía ngược lại.
Những giọng nói của các phi công tiếp tục nhỏ đi, nhưng vẫn còn nghe được đứt quãng. Sau đây là vài mẩu:
“Người ta bảo chúng ta…”
“Chúng ta đang đi vào vùng nước trắng. Chúng ta lạc hẳn rồi…”
Rồi im hẳn. Bất chấp những cú gọi từ đài liên lạc, lần này không còn gì nữa.
“Gọi Martin-Mariner!” thiếu tá Lindsay ra lệnh
Đài liên lạc thực thi. Đã bắt được tần số.
“Martin-Mariner! Tôi gọi Martin-Mariner… Tôi gọi Martin-Mariner…”
Hoàn toàn im lặng.
Thời gian trôi đi… 20 phút… Nửa giờ… Một giờ sau, một điều trở nên hiển nhiên là chiếc thủy phi cơ cũng đã biến mất! Gần như ngay sau khi xuất phát, nó đã gửi thông báo là gặp gió mạnh trên cao, và chỉ có thế! Đêm đã buông xuống, đêm 5 tháng 12 năm 1945. Không thể làm được bất kỳ điều gì vào thời điểm đó.
***
Vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Đây là vụ máy bay chiến đấu mất tích tệ hại nhất trong thời bình ở Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, lực lượng tìm kiếm chưa từng có đã được huy động. Trong vòng 15 ngày, 240 máy bay từ mặt đất cùng tàu sân bay Solomos với 70 máy bay của nó đã quần đảo toàn khu vực. Còn phải tính thêm 4 tàu chống ngư lôi, 18 tàu tuần duyên và nhiều tàu ngầm, chưa kể những máy bay của hải quân Hoàng Gia Anh và từ các trạm RAF tại Bahamas. Trong những ngày đó, lực lượng cứu hộ đã rà soát 380 ngàn dặm vuông trong tổng cộng 4000 giờ bay hoàn toàn vô ích. 6 máy bay cùng 28 người của phi hành đoàn không tìm lại được, cũng không thấy mảnh vỡ hay chiếc áo phao cứu hộ nào. Tất cả đều “bốc hơi” ở đâu đó gần Florida, Bahamas hay Bermuda gì đó mà không biết chính xác ở đâu.
Thảm kịch này trở thành tin hàng đầu. Nhưng nó nhanh chóng vượt qua tầm vóc ngay cả của một tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. Cánh phóng viên nhận thấy khu vực mà Patrol 19 và Martin-Mariner mất tích từ lâu đã là nơi có một số lượng lớn các vụ tai nạn. Điều này diễn ra trong một vùng tam giác có chu vi đi từ Florida tới Puerto Rico rồi tới Bermuda và vòng lại Florida, chỗ quần đảo Bahamas.
Trong nhiều năm, sách báo về những sự kiện này liên tiếp xuất hiện. Những cuộc điều tra rất nghiêm túc được tiến hành bởi các tổ chức nhà nước và tư nhân. Người ta nói về “vùng chết” hoặc “vùng tồi tệ”. Mãi đến năm 1964, trong một bài trên tờ tin Mỹ Argosy, phóng viên Vincent Gaddis, lấy điểm cực bắc của tam giác làm tên gọi, đã sáng tác ra cụm từ “Tam Giác Bermuda”. Ngay lập tức, nó đã được chào đón.
Điều này có nghĩa là gì? Cái gì xảy ra trong Tam Giác Bermuda? Mọi việc có vẻ như một cuộc tế thần. Tam Giác Bermuda là mồ chôn của máy bay và tàu thủy.
Cần nói rằng thảm họa không xảy ra vào mùa đông. Từ thời Christopher Colombus, hàng chục con tàu lớn đã biến mất trong vùng Tam Giác Bermuda. Một bản đồ từ năm 1550 đã gọi Bermuda là “đảo quỷ”. Một văn bản thời đó đã viết: “Đó là trung tâm của những nỗi kinh hoàng, của những đám mây và giông bão.” Trong vở kịch The Tempest, Shakespeare đã nói về “Bermuda trong bão táp muôn đời”.
Để tìm hiểu một giai đoạn tương đối gần đây, trong đó có những tài liệu nghiêm túc, cụ thể là từ thế kỷ XIX, xin xem bảng liệt kê mà những người đã nghiền ngẫm kỹ về sự việc nêu ra.
Năm 1800, tàu Pickering của Hoa Kỳ biến mất không để lại dấu vết.
Năm 1814, tàu buồm Rosalie của Pháp được tìm thấy giữa Puerto Rico và La Habana với vải trùm ở bên ngoài nhưng không có ai trên tàu. Chưa bao giờ có ai thấy thủy thủ đoàn.
Năm 1854, thuyền buồm Bella của Anh cũng biến mất không vết tích.
Năm 1866, tàu thủy Lotta của Thụy Điển chịu cùng số phận.
Năm 1868, đến lượt tàu hành trình Viego của Tây Ban Nha bốc hơi.
Năm 1880, tàu khu trục huấn luyện Atlanta của Anh biến mất trong vùng quần đảo Bahamas với 290 học viên, gây chấn động không chỉ ở Anh Quốc mà trên khắp thế giới.
Năm 1884, thuyền buồm Miramon của Ý đi vào Tam Giác Bermuda và không bao giờ ra khỏi đó. Thời tiết khi đó rất tốt.
Năm 1902, tàu buồm Freya của Đức biến mất trong vùng Bahamas trong thời tiết tuyệt đẹp.
Năm 1918, đến lượt tàu chở than Cyclops của Mỹ. Nó có radio trên boong và đang đi giữa những tàu khác cũng trang bị radio. Nhưng nó không phát tín hiệu SOS nào, dường như nó bị cuốn đi quá nhanh nên không kịp phản ứng.
Năm 1925, tàu chở hàng Raifuku Maru của Nhật biến mất. Nó gửi đi tín hiệu SOS, nhưng nội dung lại quá bí hiểm: “Nguy hiểm, dao găm. Cấp cứu. Đến nhanh lên.”
Năm 1938, tàu hàng Anglo-Australian của Anh bị đắm. Thay vì tín hiệu SOS, trước khi bị chìm nó gửi đi bức điện: “Thời tiết lý tưởng, mọi việc đều tốt đẹp.”
Tiếp theo là vụ tháng 12 năm 1945 với Patrol 19. Nhưng lễ tế thần chưa dừng lại ở đó. Từ 1945 đến 1977, 50 tàu thủy đã biến mất trong Tam Giác Bermuda. Và không phải chỉ có tàu thủy. Với sự phát triển của giao thông hàng không, ngày càng nhiều máy bay mất tích trong Tam Giác tồi tệ này.
Năm 1947, một siêu pháo hạm của Không Lực Hoa Kỳ mất tích.
Ngày 30 tháng 1 năm 1948, máy bay dân sự 4 động cơ Star Tiger đi trên tuyến Açores-Bermuda với 33 hành khách và 6 thành viên tổ lái đi đến gần Kindler Fields thuộc Bermuda. Nó báo với tháp điều khiển: “Thời tiết và máy móc đều rất tốt. Chúng tôi sẽ tới nơi theo thời gian dự kiến. Chúng tôi chờ chỉ dẫn để hạ cánh.” Sau đó thì mất tích và không tìm thấy cả máy bay lẫn hành khách.
Ngày 28 tháng 12 năm 1948, một chiếc Douglas DC-3 cất cánh từ San Juan, Puerto Rico, để bay tới Miami. Trên máy bay có 32 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn. Lúc 4 g 13, máy bay liên lạc với tháp điều khiển Miami: “Chúng tôi đang đến gần. Đã thấy ánh sáng của thành phố. Mọi việc tốt đẹp. Xin gửi hướng dẫn để chúng tôi tiếp đất.” Bất kể mọi nỗ lực tìm kiếm, người ta không thể tìm ra nơi máy bay rơi.
Ngày 17 tháng 1 năm 1949, một máy bay 4 động cơ rời Kingston ở Jamaica để tới Florida. Thông báo cuối cùng của nó khi đến giữa vùng Tam Giác là: “Chúng tôi đang ở cách vùng Nam Bermuda khoảng 80 hải lý. Mọi việc đều ổn.”
Cũng năm đó xảy ra một sự kiện mà khó có thể gọi là tai nạn, nhưng ít nhất là gây lo ngại. Một máy bay của hãng Eastern Airlines biến mất trong 10 phút khỏi các màn hình điều khiển ở Miami. Sau đó lại thấy lại nó, nhưng tất cả các đồng hồ của các hành khách đều bị trễ 10 phút. Hiện tượng này cho thấy như vật thể đi vào nơi ‘thời gian ngừng trôi’. Trong những năm 1980, giáo sư Wayne Meshejian khẳng định rằng vệ tinh của Ủy Ban Đại Dương Học Quốc Gia bị trục trặc định kỳ mỗi khi nó bay qua phía trên khu vực Tam Giác Bermuda. Ông kết luận: Một lực mà chúng ta chưa biết tới cản trở việc chuyển tín hiệu thông tin.”
Từ bảng liệt kê ấn tượng trên có thể rút ra kết luận sau: Trong khu vực này tần số biến mất của các phương tiện đi qua ngày một tăng mà không rõ nguyên nhân và không có tín hiệu báo trước. Liệu có thể giải thích điều này như thế nào?
Đã có rất nhiều kiểu giải thích được đưa ra. Trong thế kỷ XIX, người ta nói về những con rắn biển khổng lồ đã nhấn chìm tàu thuyền. Sau đó thì nói đến UFO, vật thể bay không xác định, đến những tính chất bí hiểm của không-thời gian, các loại ‘lỗ đen’ mà khi bay qua thì máy bay và tàu thủy bị rơi vào ‘không gian song song’. Người ta còn đưa ra giả thuyết về sự can thiệp của người từ châu lục Atlantis sống dưới đáy biển ở chính nơi các phương tiện bị nhấn chìm bởi một lực không cưỡng nổi.
Người ta đã phát hiện ra gần đảo Bimini trong quần đảo Bahamas những viên đá xếp thẳng hàng và cho rằng chúng là những bức tường và những ngôi đền đã bị phá, và đó là nơi có lục địa Atlantis. Nhiều tác giả đã phát triển đề tài này một cách công phu. Ví dụ, Ivan Sanderson trong cuốn Invisible Residents (Những cư dân vô hình) đã cho rằng nền văn minh dưới nước phát triển hơn văn minh nhân loại hiện nay đã bắt những con người đi qua nơi họ ở để lập bảo tàng sống về văn minh nhân loại. Những nạn nhân của Tam Giác Bermuda tiếp tục sống trong những cái chuông thủy tinh ở sâu dưới nước.
Tất cả những thứ này rõ ràng đều là hư cấu, nhưng cũng có cả những cách giải thích khoa học đáng lưu tâm. Charles Berlitz là người đầu tiên nghiên cứu vấn đề theo cách nghiêm túc trên tinh thần đó. Theo ông thì những nguồn năng lượng to lớn được kích hoạt trong vùng của những cơn địa chấn dưới đáy biển đã phá hủy tàu thủy và máy bay đi ngang qua. Đó là dạng sóng thần có tầm tác dụng hạn chế và không dội vào bờ. Một số tác giả khác nói những điểm kỳ dị trong từ trường Trái Đất cũng có thể gây nên những tác động như vậy.
Nhưng giả thuyết về khí được nhiều người ủng hộ hơn cả: Dưới đáy biển trong vùng Tam Giác Bermuda có một loại khí dễ cháy, khí methane, nó nhanh chóng làm loãng không khí, làm các vật thể không nổi lên được. Methane được sinh ra khi phân hủy các chất hữu cơ và được chứa trong lòng đất. Nó thoát ra khi xuất hiện những vết nứt trong những hoạt động kiến tạo địa tầng. Trong một số trường hợp, chính con người hỗ trợ thêm cho quá trình giải phóng những lượng khí khổng lồ, tạo ra những vùng xoáy ùa vào khoang tàu. Đối với máy bay thì methane thoát ra từ nước biển có thể làm hỏng máy móc, thậm chí cả động cơ.
Tuy nhiên, để tránh tầm thường hóa, cần tránh lối nghĩ kiểu viết văn này. Việc giải thích đơn giản hơn nhiều. Nó nằm ở việc thống kê. Cần nhớ lại là vùng Tam Giác trải từ Florida tới Bermuda và Puerto Rico bao gồm một bề mặt mênh mông: 4 triệu kilometre vuông, nghĩa là gần bằng 8 lần nước Pháp. Đây là một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới. Các phương tiện giao thông từ Antilles, từ Cuba, Puerto Rico, Bahamas, Bermuda và hàng hải ven bờ biển Hoa Kỳ diễn ra tấp nập. Mỗi năm có hàng ngàn tàu thủy và máy bay qua lại vùng Tam Giác. Thêm nữa, các điều kiện thời tiết ở đó rất không thuận lợi. Biển Sargasso nằm ở vùng giao của hai vùng không khí một nóng một lạnh gây ra rất nhiều trận lốc và bão mà năm nào ta cũng nói đến. Thế thì có gì phải ngạc nhiên khi xảy ra những vụ chìm và mất tích? Chính điều ngược lại mới đáng ngạc nhiên. Khi người ta xác định được tỉ số giữa lượng giao thông thủy trong vùng Tam Giác với lượng giao thông thủy trên khắp thế giới, người ta thấy rằng nó vượt không quá nhiều so với tỉ lệ số vụ tai nạn.
Cho đến thời gian gần đây, người ta giải thích sự vượt của tỉ số này bởi các điều kiện thời tiết xấu, nhưng từ khi xuất hiện công trình nổi tiếng “Bí mật của Tam Giác Bermuda đã được giải mã” của Larry Kusche, người ta thấy cũng không hẳn như vậy.
Larry Kusche, một thủ thư ở Đại Học Tiểu Bang Arizona, đã xem xét tất cả các bài báo và sách vở dành cho đề tài Tam Giác Bermuda. Sau khi dành tâm sức cho một công trình nghiên cứu lịch sử có tính phê phán, ông đã tìm ra lời giải, như nói trong tiêu đề công trình.
Kusche bắt đầu bằng việc xem xét lại tất cả các vụ biến mất thực sự của tàu thuyền gây nên bởi các hiện tượng giải thích được như điều kiện thời tiết hoặc sai sót của con người. Những vụ chìm tàu này đã không gây cảm xúc gì đặc biệt vào thời đó và chỉ trở nên nổi tiếng sau khi phát minh ra cụm từ Tam Giác Bermuda. Ngược lại, những vụ khác còn khó giải thích hơn và xảy ra ở những vùng khác thì lại không thu hút sự chú ý của bất kỳ ai.
Tiếp theo, Larry Kusche xem xét kỹ những vụ mất tích mà trước ông chưa ai làm. Ông nhận ra có rất nhiều vụ là bịa đặt. Người ta đã sai lầm khi coi những điều có thể xảy ra như đã xảy ra và còn bịa đặt thêm ra nữa.
Việc biến điều có thể thành điều chắc chắn đã diễn ra một cách có hệ thống khi nói đến những vụ mất tích ở Tam Giác Bermuda mà thực ra người ta bỏ qua vị trí chính xác. Trường hợp thảm hại nhất là tàu huấn luyện Atlanta của Anh biến mất với 290 học viên. Xuất phát từ Anh để đi đến Mỹ, nó phải đi qua Tam Giác, nhưng do thiếu thông tin nên người ta không biết nó chìm trước hay sau. Việc nó bị chìm có thể giải thích được, thậm chí đoán trước được. Đây là chiếc tàu khu trục loại cũ, đã dùng 35 năm và lẽ ra đã phải thay thế. Nó đã thực hiện chuyến ra khơi cuối cùng. Nó đã trở nên rệu rã đến mức trong trường huấn luyện nó được gọi là “con lắc”.
Trong cái bảng liệt kê mà người ta không chịu xem tác giả gồm những ai này, có rất nhiều chuyện bịa. Tàu buồm Freya của Đức đúng là bị chìm năm 1902, nhưng ở Thái Bình Dương. Tàu Cyclops bị đắm gần bờ bắc của Hoa Kỳ, cách Tam Giác hàng ngàn hải lý. Tàu Bella không hề bị chìm. Xưởng đóng tàu ở Liverpool đã đóng nó năm 1852, và trong suốt lịch sử hành trình nó không hề gặp nạn. Về Rosalie, Viego và Miramon thì còn nực cười hơn: chúng chưa hề tồn tại.
Nhưng, bất chấp những khảo cứu của mình, Larry Kusche không được ghi nhận trong hồ sơ hàng hải của bất kỳ quốc gia nào.
Đối với các máy bay, câu chuyện hoàn toàn tương tự. Người ta phát hiện ra có rất nhiều chuyện hoàn toàn sai hoặc được dàn dựng.
Máy bay 4 động cơ Star Tiger biến mất gần Bermuda ngày 30 tháng 1 năm 1948, nhưng có một yếu tố lạ và đáng lo ngại đã được bịa ra. Phi công không nói “Thời tiết và máy móc đều rất tốt. Chúng tôi sẽ tới nơi theo thời gian dự kiến.” Trong hồ sơ điều tra không hề có gì như vậy. Ngược lại, anh ta còn phàn nàn khó chịu vì có nhiều mây bên dưới và gặp vấn đề về nhiên liệu.
Với Douglas DC-3 mất tích ngày 28 tháng 12 năm đó cũng vậy. Nó không thông báo “Đã thấy ánh sáng của thành phố”. Chi tiết này được một số phóng viên tưởng tượng ra. Khi đại úy Robert Linquist phát tín hiệu thông báo vị trí của máy bay cách Miami 80 km, anh ta phát hiện ra radio của mình đã bị hỏng. Lúc đó có gió đông-bắc. Khi đến gần Florida, hướng gió thay đổi đột ngột và tháp không lưu ở Miami đã cảnh báo phi công, nhưng radio hoạt động kém nên anh ta không nhận được thông báo và tính đến việc không trở lại vịnh Mexico. Rốt cuộc thì câu chuyện tầm phào rằng chiếc máy bay của hãng Eastern Airlines đã biến mất trong 10 phút trên màn hình điều khiển và mọi đồng hồ của hành khách đều trễ 10 phút là hoàn toàn bịa đặt.
***
Chỉ còn lại Patrol 19 vốn là khởi đầu của mọi chuyện. Ở đây thì không có gì là hư cấu. 5 máy bay của phi đội và tàu Martin-Mariner đúng là đã mất tích ngày 5 tháng 12 năm 1945. Đó vẫn là tai nạn quân sự nghiêm trọng nhất ở Hoa Kỳ trong thời bình. Nhưng Larry Kusche đã điều tra một cách rất nghiêm túc và tính đến cả những điều bình thường đến mức khó tin.
Tất cả là do trung úy Taylor, chỉ huy của đội. Tất nhiên anh là một chiến binh dày kinh nghiệm, thời tiết tốt, nhưng một cơn bão đã được dự báo khi họ xuất phát, và anh đã rất ngạc nhiên.
Trong cuộc điện đàm với tháp không lưu, khi người ta phát lại thì thấy những câu nghe lạ lùng như “Mặt biển trông lạ lắm”, “La bàn của chúng tôi bị hỏng”, “Chúng tôi đi vào vùng nước trắng” là không có. Radio của căn cứ chỉ đơn giản bắt được cuộc trao đổi giữa Taylor và đông đội. Anh ấy nói anh ấy bay về phía Keys, phía nam Florida, rồi hình như ở phía trên đảo Andros, lệch về phía đông. Anh đã có lái chệch hướng và bị lạc trên biển, sau đó cùng các máy bay khác bị rơi vì hết xăng.
Với thủy phi cơ Martin-Mariner cũng không có bí ẩn gì. Nó đã bị nổ. Larry Kusche phát hiện ra rằng vào thời đó người ta cho máy bay chở theo rất nhiều xăng, đến mức chúng được gọi là “bể xăng”. Ngoài ra, các thùng dự trữ không có thành chống ngấm nước. Một tàu hành trình là Gaines Mills đang đi trên biển vào hôm đó đã thấy một vụ nổ trên trời lúc 19 g 30.
Công trình nổi tiếng của Larry Kusche đã chấm dứt những sự đồn đoán về Tam Giác Bermuda là như vậy. Nếu cần một phép chứng minh tối hậu rằng không hề có gì nghiêm túc và đúng đắn trong việc đó thì đã có các công ty bảo hiểm. Những công ty này không tăng tiền bảo hiểm cho những tàu bè qua lại vùng này. Nếu có những cơ quan nắm được thông tin mà lại không lo lắng về rủi ro thì đó chính là các công ty bảo hiểm.
Nếu dùng cách nói quen thuộc thì Tam Giác Bermuda là một dạng “hồ sơ bi-đông”. Tất cả chỉ là sự sáng tác của những phóng viên và những nhà văn cố tìm cách bán cho thật nhiều ấn phẩm. Nói chính xác thì bí ẩn thực sự nằm ở chỗ không hiểu vì sao Tam Giác Bermuda lại trở thành bí ẩn.
NGUYỄN TRẦN SÂM
(dịch từ cuốn La Terrible Vérité của Pierre Bellemare, nxb Loisirs, 2008)