Lãng quên ?- Vũ Lê

Trong ca bin anh Hướng ( Máy 2 ) , anh Yển ( Thợ máy ) và tôi ( Thủy thủ của tàu GP – 21) ngồi tán gẫu chờ cơm . Tuy tôi là khách nhưng anh em của tàu GP -31 đều quen biết và quý mến vì nhiều chuyến hàng chạy từ Hải phòng vào Cảng Bến thủy (Nghệ an ), Cảng Gianh ( Quảng bình ) hoặc lên các vùng Nghi xuân , Nghi hải , Quảng văn ,Quảng thuận , Ba đồn sơ tán – hai tàu này đều đi đôi với nhau ,cập cạnh nhau và thường mua bò hoặc lợn để liên hoan chung .
Thuyền trưởng tàu GP -31 : Đặng văn Khanh ( biệt hiệu Khanh mù ) và Thuyền trưởng tàu GP -21 :Trần thanh Ba ( biệt hiệu Ba cho ) là đôi bạn thân và cùng là học sinh Miền nam tập kết .
8 giờ . Anh Đang gọi chúng tôi ra ăn cơm sau lái .Cơm xong năm anh em vào ca bin uống nước trà .Anh Đang bảo hôm nay là ca trực Ngày của anh nên mời tôi ở lại chơi cho đến Đêm .
9 giờ . Trời không một gợn mây , nắng. Bỗng dưng có tiếng gầm rú xé trời của nhiều máy bay phản lực Mỹ . Bên bờ Bắc sông Cấm pháo cao xạ của ta ở Tân dương và Dương quan đồng thời nổ súng mãnh liệt chống trả . Có những tiếng nổ lớn ở Xưởng 46 ( Hải quân ) và những cột khói bốc cao phía Nhà máy đóng tàu Bạch đằng .Trên sông Cấm một con phà không có người trôi bồng bềnh cùng những đám bèo tây . Bầu trời như nhòa đi trong biển khói và lửa . Anh Hướng là Sĩ quan cao nhất trên tàu phân công chúng tôi làm hai nhóm cho hai khẩu súng 12 ly 7- một khẩu trên mũi tàu và một khẩu sau buồng lái .Chúng tôi chưa kịp nổ súng thì một tiếng nổ chát chúa ngay trước mũi tàu GP -31 .Một quả rocket đã rơi vào giữa hai tàu TD -26 và TD -34 . Hai tàu này cập sát bờ, phía trước mũi tàu GP -31 . Qủa đạn này phá hủy hoàn toàn hai tàu lai dắt nhỏ trên , làm bẹp mũi tàu GP-31 và buồng lái của tàu GP-31 thủng một vài lỗ .Anh Yển bị một mảnh đạn văng vào đầu, máu chảy nhiều . Khi sơ cứu xong cho anh Yển thì trận đánh phá của địch cũng kết thúc .Anh Hướng bàn với chúng tôi phải đưa nhanh tàu ra khỏi khu vực Bến phà Bính vì đây là một trong những trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ .Anh Đang lên buồng lái điều động tàu . Anh Hướng và anh Yển xuống buồng máy để nổ máy .Tôi và anh Tín nhảy lên bờ tháo hai dây cáp buộc tàu khỏi cọc bích . Thật không may : quả rocket đã hất tung nhiều đá và những mảnh gầu xúc bùn của Tàu cuốc 54 ( tàu chuyên nạo vét bùn dưới lòng sông ) đè vào cọc bích buộc dây của tàu GP-31 . Hai chúng tôi phải quay trở lại tàu lấy rìu sắt để chặt cáp .
Dưới sự điều động ( manoeuvre ) của anh Đang con tàu GP-31 từ từ rời mom Thủy đội , rẽ phải hướng về phía Cảng Hải phòng . Hôm nay thủy thủ Đang lần đầu tiên làm Thuyền trưởng con tàu biển GP-31 . Tôi vẫn nhớ nét mặt gầy ,căng thẳng nhưng rắn rỏi của người Thuyền trưởng lần đầu ấy.
Như các bạn đã biết từ đầu năm 1972 máy bay của lực lượng không quân Mỹ đã rải ngư lôi ,thủy lôi , các loại bom từ trường từ ngoài cửa biển luồng Nam triệu vào tận sát phạm vi Vùng nước của Cảng Hải phòng , từ mom Qủa Soài ( gần Bến Gót của đảo Cát hải ) về đến ngã ba sông Ruột lợn để phong tỏa Cảng Hải phòng .Như vậy tất cả các tàu biển nước ngoài cũng như của ta đều không thể ra hoặc vào Cảng Hải phòng trong thời điểm này .
Anh Đang kêu tôi và Tín lên buồng lái . Ba chúng tôi nhận định rằng để đảm bảo an toàn cho tàu : phải đưa tàu cập mạn một tàu nước ngoài nào đó trong cầu cảng Hải phòng . Chúng tôi thấy tàu GP-28 của Thuyền trưởng Tùng ( biệt hiệu Tùng ma ) đang cập mạn một con tàu treo cờ CHDC Đức ( tôi không nhớ tên ) tại cầu số 3 và tàu hơi nước quốc tịch Ba lan “S/s . Kilinsky “ hiện trong cầu số 1, không có tàu nào cập bên cạnh . Anh Đang quyết định cho tàu GP-31 cập mạn tàu “ Kilinsky “ . Một thủy thủ cao lớn râu quai nón người Ba lan ra bắt dây cho chúng tôi . Sau một vòng quay chính xác và “điệu nghệ “ anh Đang đã đưa tàu GP-31 áp sát mạn phải tàu “Kilinsky “ – mũi hai tàu cùng hướng về phía thượng nguồn . Nắng , trời không một gợn mây .
11 giờ . Thuyền trưởng Đặng văn Khanh và một số thuyền viên đã về tàu .Anh Khanh nắm tay Đang thật chặt và chửi tục một câu gì đó . Anh vui vì chúng tôi đã đưa tàu về đây an toàn .
14 giờ . Anh Khanh kêu Đang , Tín và tôi lên uống trà trên buồng lái .
15 giờ . Súng phòng không tại các trận địa pháo của ta đồng loạt nổ vang .Trận chiến đấu thứ hai của ngày 16 – 4 đã bắt đầu .Từng tốp máy bay “con ma” F – 4H và “thần sấm “ F -105 “ bay thật thấp từ cửa biển dọc theo sông Cấm vào đánh phá Nhà máy xi măng Hải phòng .Bầu trời và mặt đất rung chuyển . Hai khẩu 12 ly 7 của tàu GP-28 khai hỏa trước tàu GP-31 . Tiếng súng nổ ròn và đanh của hai tàu cùng hòa vào tiếng pháo phòng không của Bộ đội và Dân quân tự vệ thành phố Cảng .
Tốp thứ nhất đã trút hết bom và bay ra biển . Không gian đột nhiên im ắng , không nghe thấy một tiếng động nào, chỉ nhìn thấy vài đám khói đen bay lên ở phía Nhà máy Xi măng . Một khoảng lặng chừng hai phút . Rồi những tiếng gầm rú như xé trời lại ập đến : tốp thứ hai bay vào với nhiều máy bay hơn nên không khí như bị nén xuống . Chúng tôi đều có cảm giác da mình như bị căng ra , mặt bị rát .
Có một tiếng rít lạ tai .Một vệt sáng lóe lên trùm vào mũi tàu GP-28 . Một quả rocket đã bắn trúng mũi tàu GP- 28 và bứng đi khẩu 12 ly 7 .Tuy hai tàu cách xa nhau hơn một thân tàu nhưng vì trên sông tầm nhìn không bị vướng nên trên tàu GP-31, chúng tôi vẫn nhìn rõ những gì xảy ra trên tàu GP-28 : mũi tàu bị nứt toác , mặt boong mũi không còn nguyên vẹn, nơi sàn tàu đặt khẩu súng 12 ly 7 nay chỉ là một hố sâu .Một vài thủy thủ chạy nhốn nháo . Chúng tôi còn nhìn rõ nhiều lỗ thủng bên mạn phải con tàu mang cờ CHDC Đức .
Nắng nhạt , trời trong xanh . Đợt oanh kích thứ hai đã kết thúc . Ngoài thiệt hại gây ra cho tàu GP – 28 , tàu CHDC Đức , quả rocket còn chặt đứt dây cáp treo thuyền cứu sinh bên trái tàu “ M/s . Joseph Condrad “ quốc tịch Ba lan và quăng thuyền cứu sinh tàu này lên mặt cầu số 4 . Sau đó chúng tôi được biết : Thuyền trưởng Tùng của tàu GP -28 đã hi sinh trên buồng lái khi đang chỉ huy trận đánh , người thủy thủ – pháo thủ 12 ly 7 trên mũi tàu tên là Khương cũng đã hi sinh ( tóc anh quăn nên có biệt hiệu “ Khương xoăn “ ) .
… Mới chiều đông nào năm ngoái ( 1971 ) khi tàu sơ tán bên Nghi xuân, chúng tôi đi thăm mộ cụ Nguyễn Du tại làng Tiên điền còn gặp anh Tùng , anh đội chiếc mũ ấm như kiểu mũ của lính xe tăng ,chân đi giầy bộ đội nhưng chẳng bao giờ keó gót lên mà cứ sục vào như đi dép ,anh để râu rậm rạp tự nhiên . Nhìn anh người ta thường nghĩ đến hình ảnh của những “con gấu biển “ hay nhân vật thủy thủ Bin Bôn ngang tàng xăm trên cánh tay dòng chữ “Bin Bôn cóc cần “ trong truyện “ Đảo giấu vàng “ của nhà văn Stevenson người Scốt len . Nhưng thực ra anh hiền khô và dễ gần . Anh là Việt kiều Thái lan về nước cùng chuyến đầu tiên với gia đình bác tôi . Còn anh Khương là học sinh Miền nam tập kết ,chân đi chữ bát khuỳnh khoàng nhưng đá bóng rất hay . Anh Khương học ở lớp Khai thác Kinh tế Kĩ thuật Vận tải Biển khóa 6 ( Biển 6 ) của Trường Đại học Hàng hải Hải phòng ( khóa học 1965 – 1970 ) . Hôm đó nhiều thủy thủ và thợ máy của tàu GP-28 bị thương .
Đó là những ngày đau thương và thật buồn của toàn thể cán bộ và thuyền viên Công ty Vận tải biển Việt nam .
Rồi những ngày chiến tranh gian khổ cũng qua .Sau năm 1975 trong những lần gặp nhau , năm người : Hướng , Đang , Yển , Tín và tôi thường ôn lại những giờ phút lịch sử chúng tôi đã chứng kiến qua hai trận chiến ngày 16 – 4 -1972 .
Đất nước thanh bình. Thời gian trôi đi , nhiều việc lùi dần vào quá khứ …Chúng tôi không thấy một bài báo , một tư liệu nào trong Phòng Truyền thống nhắc đến giờ phút rực lửa anh hùng của Thuyền trưởng Tùng , Thủy thủ Khương và Thuyền viên tàu GP-28 .
Buồn thay ! Mọi người đã lãng quên họ ?
Tám năm sau ,vào một ngày của tháng 4 năm 1980 .Trời xanh , nắng vàng rực rỡ như ngày nào – chúng tôi được ông Lê văn Kỳ – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường biển mời lên gặp mặt tại số 13 Phố Võ thị Sáu , Hải phòng để cùng nhau ôn lại những ngày khói lửa gian khổ trong các chiến dịch vận tải đường biển nhằm chuyển vũ khí ,đạn dược ,lương thực chi viện cho chiến trường Miền nam , những cống hiến của đội tàu Giải phóng trong mười năm ( 1965 – 1975 ) , những giây phút đi vào lịch sử của hai ANH HÙNG tàu Giải phóng – 28 và đóng góp thêm tư liệu cho Phòng Truyền thống của Tổng cục .
Mừng .
Khi tôi viết những dòng này …anh Hướng đã về hưu ở miền quê của những câu hò ví dặm , hai anh : Đang , Yển nghỉ hưu – định cư ở Thành phố Hồ chí Minh ,anh Tín (nghe nói ) hiện ở một thành phố nào rất xa tận Bắc Mỹ .
Vào những ngày cuối cùng của mùa hoa gạo đỏ thắm bên bờ sông Cấm , tôi lại nhớ tới các anh .Cầu chúc các anh cùng gia đình khỏe , hạnh phúc . Và cũng sắp đến ngày 16 – 4 . Xin thắp một nén nhang trước hương linh hai người anh , hai đồng nghiệp : Tùng và Khương .

Hải phòng những ngày đầu tháng 4 -2014 .
Vũ Lê