Ở lại hay về nước !
Trong trả lời phỏng vấn trên, ông Nguyễn Quân chỉ quan tâm đến việc tạo cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học mà không nói gì về việc người trí thức làm sao có thể sống bằng kết quả nghiên cứu khoa học. Chính đầu ra là yếu tố kích thích giới trí thức cũng như toàn dân phải học thật và tự nghiên cứu khoa học.
Tôi muốn kể lại số phận của chính mình.
Đầu quý III năm 1991, ba người chúng tôi từ ba đơn vị khác nhau trong ngành hàng hải Việt Nam được cử sang Anh quốc tham gia trong Công ty Liên doanh về hàng hải tại London. Khi đến nhận công việc, ông chủ nói :
– Văn phòng đũ các phương tiện làm việc : telex, fax, điện thoại…. ( lúc đó chưa có máy tính, email..) các anh tự do, muốn làm gì thì làm, miển là ra tiền…
Với cách quản trị thả nổi và khoán việc khắc nghiệt như vậy, không mấy người Việt Nam chịu nổi áp lực công việc. Vì con người Việt Nam với nền giáo dục “đặc thù”, thường vốn thích làm theo “lệnh” hơn là tự tìm việc mà làm. Hai đồng nghiệp của tôi buộc phải trở về nước sau bốn tháng thách thức. Nhưng với tôi đó lại là một môi trường đầy hấp dẩn và tương lai hoàn toàn rộng mở. Trong thời gian trên, tình cờ tôi đọc tin trên tờ Lloyd’s List, được biết đến chiến lược phát triển tàu công-ten-nơ trên thế giới sẽ có trọng tải tăng dần và đạt giới hạn độ sâu mớn nước luồng tàu đến 21m. Tôi hiểu đó là trách nhiệm và tôi đã phải tự gánh nặng trên chính đôi vai của chính mình. Việt Nam phải có cảng Trung chuyển Quốc tế , đó là hoài bão thôi thúc tôi phải đầu tư cho mục tiêu trên vì trách nhiệm của người sống sót sau chiến tranh. Khi công việc của tôi đến tháng thứ 8 đã vào ổn định, ông chủ nói trực tiếp với tôi :
-Nếu anh chấp nhận hết nghĩa vụ 2 năm và ký tiếp hợp đồng thêm 4 năm nữa thì Công ty sẽ lo cho vợ và hai con anh từ Việt Nam sang Anh quốc định cư để làm việc lâu dài tại London.
Tôi chân thành cám ơn ông chủ và nói :
-Tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến việc đó!
Sau đó, nhân dịp bị lâm bệnh, tôi có lý do xin trở về Việt Nam. Lảnh đạo ngành Hàng hải lúc đó định kỷ luật tôi về việc tự về nước.Trở về Công ty cũ , mọi chức danh của Công ty vận tải biển Việt Nam đã ổn định nên tôi đưa ra một chương trình mới : vừa làm kinh doanh vừa nghiên cứu khoa học. Tôi đã thực sự thành công trong kinh doanh cho Công ty Vận tải biển Việt Nam và từng bước thành công trong nghiên cứu khoa học.
Tháng 4/1997 , Tổng Cục Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch vịnh Văn Phong- Đại Lảnh đến năm 2010 “. Viện Chiến lược Phát triển GTVT cử tôi –cộng tác viên- tham gia Hội thảo. Đây là cơ hội vô cùng hiếm mà tôi đón được. Trong Hội nghị tại khách sạn Hải Yến- Nha Trang ngày 2/6/1997 nhờ tấm lòng đại nghĩa của chị Võ Thị Thắng – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch và sự quan tâm của ông Nguyễn Thiết Hùng- Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, nên tài liệu “Cảng Vân Phong- Cảng lớn nhất bán đảo Đông Dương- Trung tâm trung chuyển công-ten-nơ” được in và phát hành.Cuối giờ Hội thảo, tôi được mời trình bày trong 5 phút. Chỉ 5 phút thôi, cả nước bắt đầu quan tâm và suy nghĩ về vịnh Vân Phong.
Bất cứ ai thật sự quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học đều hiểu một chân lý giản dị : khoa học bắt đầu bằng thiểu số, còn việc thực hiện phải bắt đầu từ đa số. Với sự từ chối đải ngộ tại Lon don, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi được bù lại là Việt Nam sẽ có cảng Trung chuyển quốc tế trong tương lai. Còn khi nào ý tưởng trở thành hiện thực, thì đó là một phạm trù khác, nó phụ thuộc hoàn toàn vào Chính sách của Chính phủ.
Để thuyết phục Chính phủ đưa dự án vịnh Vân Phong vào thực thi hoàn toàn không đơn giản.
Nhân dịp đón xuân 2000, đoàn cán bộ lảnh đạo Hải Phòng vào gặp đồng hương tại Tp. HCM. Tôi đến dự vì day dứt với cái tình của đồng bào miền Bắc đã chăm sóc chúng tôi thuở niên thiếu. Trong cuộc họp, tôi tình cờ quen với ông Phan Hiền – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ông Phan Hiền mời các cán bộ thân thiết của ông ở báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản đến nghe tôi thuyết trình về tiềm năng vịnh Văn Phong. Sau đó cả nhóm nhất trí đề nghị tôi ra gặp ông Trần Đông –nguyên Bí thư Tp. Hải Phòng. Tôi nhớ mãi vào cuối tháng 6/2001, tôi đến nhà ông Trần Đông vào lúc 09:00 h sáng. Ông Trần Đông tuy đã lớn tuổi nhưng vẩn cố gắng nghe và hỏi đến tận 12:00 h. Ngày 2/7/2001, ông Trần Đông chính thức có thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư TƯ Đảng, ông Nông Đức Mạnh- Tổng Bí thư TƯ Đảng đề nghị triển khai sớm cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Anh Chu Quang Thứ – quyền Cục trưởng Cục Hàng Hải cũng đã trực tiếp nghe và mời tôi về Ban Cơ sở hạ tầng , Cục Hàng hải Việt Nam để đưa Dự án cảng Vân Phong vào chính sách của Nhà nước.
Sự nhiệt tâm của các cán bộ lảo thành như ông Trần Đông và Phan Hiền hay của cán bộ có chức quyền như anh Chu Văn Thứ cũng không vượt qua các cơ chế quản lý Nhà nước hiện hữu.
Cơ chế của Việt Nam là làm việc theo chức năng. Đơn vị chức năng được quyền quy hoạch hệ thống cảng lại thiếu năng lực thật của họ. Họ chỉ có học vị và học hàm cao nhưng sự khiếm khuyết về thực tiển và lý thuyết lại quá lớn. Khi đó phía Cục Hàng hải đưa ra 5 thuận lợi của vịnh Vân Phong thì đơn vị chức năng gạt luôn và tuyên bố chỉ có một thuận lợi là yếu tố tự nhiên. Chính thời điểm trên là cơ hội rất hiếm trong tình hình kinh tế quốc tế để hình thành cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Nhưng Việt Nam đã lỡ hẵn chuyến đò lúc bình minh. Hơn nữa khi Cục Hàng Hải đề xuất mô hình thi công bằng bến thùng chìm thì họ lại chọn giải pháp đóng cọc vì các công ty có thiết bị đóng cọc và sản xuất cọc gây áp lực. Hậu quả hôm nay mọi việc đổ bể vì khu vực cảng là một vùng đầy ắp các loại đá “mồ côi” nên cọc mua về không thể đóng được. Hơn nữa tư duy khu kinh tế mở Văn Phong không được quan tâm vì phải nhường cho Khu kinh tế mở Chu Lai đã khóa mọi đầu ra cho chiến lược cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong. Chính việc đặc lợi ích nhóm trên lợi ích cộng đồng là nguyên nhân gây ra sự đổ bể việc khởi động cảng Vân Phong.
Ngày 23/4/2003, nhờ giới thiệu của người bạn học hồi phổ thông- chị Phan Mai Phương – Tổng Giám đốc Technoimport , nhóm chúng tôi được ông Trương Đình Tuyển – Bộ trưởng Bộ Thương Mại tiếp.
Ngày 29/4/2003 ông Trương Đình Tuyển có công văn số 1838 /TM-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Tổng kho xăng dầu tại vịnh Vân Phong. Văn bản này đã được chấp nhận và xây dựng tại hòn Mỹ Giang như trong Dự án tôi trình bày ngày 2/6/1997 tại Nha Trang.
Việc kinh doanh dầu tại kho Mỹ Giang được Việt Nam và nước ngoài thực hiện và chia nhau hưởng lợi. Còn người bỏ nhiều năm nghiên cứu phải đứng ngoài bàn tiệc. Việc dấn thân của trí thức vì cộng đồng vẩn là sự xa lạ trong văn hóa ở Việt Nam. Trong một tờ báo Tết của Bộ GTVT cách đây vài năm họ gọi tôi là ” Kỹ sư khùng “. Hơn nữa ông Trần Văn Lâm – nguyên Giám đốc Cty. Vận tải Biển Việt Nam – cấp trên trực tiếp của tôi- mổi khi gặp tôi hay hỏi câu :
– Cậu có đũ tiền trả tiền điện nước hàng tháng không ?
Tôi hiểu những kẻ kiếm tiền bằng quyền lực ở Việt Nam họ khinh những thằng điên khùng như tôi.Ở đây,những ý tưởng dù bạn có bản quyền, tất cả là vô nghĩa với những người có quyền lực. Bạn đọc kỹ các thông tin trong giải “Nhân tài đất Việt năm 2012 ” phần “Chuyển lũ về vịnh Thái Lan” thì sẽ rõ. Chính vì vậy, một ước mơ lớn nhất trong đời tôi đó là mọi người trên đất nước Việt Nam này phải thật sự được bình đằng trong nghiên cứu khoa học và được sống bằng kết quả nghiên cứu của chính mình.Người trí thức Việt Nam không chỉ có quyền cống hiến mà còn có quyền làm giàu ngay trên Tổ quốc của chính mình.
Hy vọng việc sửa Hiến Pháp trong năm 2013 sẽ mở ra một chương mới cho sự phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam cũng như số phận của những trí thức Việt Nam.
KS Doãn Mạnh Dũng