Mong cho đến ngày Bộ Trưởng khuyến khích cán bộ dưới quyền đi đánh gôn.-Lê Vũ Khánh
Nếu họ không đi đánh gôn mà chơi thứ khác, ví dụ như tennis, cầu long, ngồi đánh bài hay đi hát karaoke chẳng hạn, trong ngày nghỉ của họ thì ông Thăng có cấm không và có cấm được không ?, chưa nói đến chuyện là ông có quyền cấm họ không ?
Vậy thì tại sao một quyết định trái luật như vậy của Bộ trưởng lại được nhiều ý kiến ủng hộ đến thế ?. và
Hẳn là ở cương vị Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng không thể không biết rằng quyết định của mình cấm cán bộ dưới quyền đi chơi gôn trong ngày/giờ nghỉ của họ là trái luật. Vậy thì tại sao ông vẫn quyết định ? Ở đây tôi loại trừ đi khả năng “chữa cháy” là sau khi ra quyết định rồi, biết là trái luật, nhất là sau khi có ý kiến của một ông Vụ trưởng của Bộ Tư Pháp, thì phải tập hợp ý kiến “ủng hộ” để chứng minh việc “cấm” là cần thiết, mà coi rằng những ý kiến ủng hộ ông Thăng đều rất thực.
Trả lời những câu hỏi đó, tôi cho rằng cần quay lại cái cơ bản của vấn đề là ở chỗ người dân thấy cái chuyện sân gôn này không sát sườn với lợi ích của họ. Trên cả nước ta có bao nhiêu sân gôn ? Khoảng trên dưới 100 cái. Mỗi sân gôn mất bao nhiêu đất ? Nhiều nhiều héc ta. Lợi ích cho quốc gia và người dân địa phương, cụ thể là những người mất ruộng, mất đất để làm sân gôn là bao nhiêu ? Chưa thấy có con số thống kê chính thức nào, hay ít nhất thì cũng chưa thấy có con số nào được phổ biến công khai, rộng rãi qua baó chí, nhưng những chuyện như người dân không có ruộng đất, phải đi làm thuê, đổ về thành phố kiếm sống thì đã nghe nói, thậm chí chuyện đất đai nhà cửa của họ bị sân gôn chia cắt với đường quốc lộ nên muốn mang được nông sản đi bán, họ phải đi vòng (không có đường) nhiều cây số mới ra đến đường cái là chuyện có thực mà báo chí đã nêu. Những ai chơi gôn ? Một số ít khách nước ngoài, những tay gôn chuyên nghiệp và nghiệp dư, những nhà doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Tiền đâu mà họ chơi gôn, trong khi ai cũng biết chơi gôn là rất tốn kém, chỉ dành cho những người nhiều tiền ? Khách nước ngoài và thương gia thì là tiền của họ. Thế những người làm công chức, thậm chí quản lý các doanh nghiệp nhà nước thì lấy đâu ra tiền mà chơi, trong khi tiền lương công khai, chính thức của họ, theo bảng hệ số lương hiện hành của nhà nước không thể nào có thể chi trả được cho chi phí chơi gôn (một anh bạn người nước ngoài đang làm việc ở Hà Nội cho biết mỗi lần chơi gôn chi phí khoảng 2 ‘vé’, tương đương trên 4 triệu đồng ?. Chả nhẽ một vị cỡ Vụ trưởng, lĩnh lương một tháng, không ăn, không uống, không mặc, không nuôi con cái, gia đình, thậm chí không đánh răng rửa mặt để một tháng đi chơi gôn 2 lần ? Vậy mà họ vẫn chơi gôn. Đây mới là mấu chốt của vấn đề. Làm thế nào để cho họ không hay không thể đi chơi gôn (hay đi chơi bất cứ thứ gì khác) trong giờ làm việc và hơn cả là bằng tiền của nhà nước, tiền của dân, thu được bằng cách bớt xén tiền dự án, nhận hối lộ, tham nhũng vv… mới là chuyện quan trọng. Khi kỷ luật lao động nghiêm, ông cán bộ nào dám bỏ công sở đi chơi gôn (hay chơi gì khác)? không có tiền “chùa”, bố bảo ông nào, bà nào dám dùng tiền lương công chức, dù là cao đến 10 hay 15 triệu đồng/tháng đi chơi gôn nữa.
Phải chăng ông Thăng không muốn nói thẳng ra cái ý này, cái ý ẩn đằng sau chuyện chơi gôn mà người dân ai cũng bức xúc. Ở tầm Bộ trưởng như ông, chả nhẽ lại không biết thế nào là ra văn bản quy phạm trái luật. Các cơ quan Văn phòng, Tổng hợp, Tổ chức – Lao động, Pháp chế của Bộ GTVT đâu mà không có ý kiến tham mưu để tránh cho Bộ trưởng ra quyết định trái luật như vậy. Trong khi có nhiều ý kiến bình luận gần đây kêu gọi cần phải có thêm nhiều người như Bộ trưởng Thăng ở các ngành khác nữa, thì tôi lại cho rằng, mỗi Bộ rất cần có một nửa Bộ trưởng Thăng (ở cái phần bức xúc vì công việc, thấy cần phải làm một cái gì đó chứ không phải chỉ ngồi yên, hưởng thụ mà thôi), đồng thời cần có một người như cái ông Hồng Sơn ở Bộ Tư pháp ấy để can ngăn Bộ trưởng không ra quyết định trái luật, đồng thời lại cần thêm một người (hay một nhóm người nữa) để tham mưu cho Bộ trưởng cách làm thế nào để đạt được mục đích tốt đẹp của mình mà không phạm luật. Nếu chỉ có toàn phần những Bộ trưởng Thăng như cách làm này thì mỗi Bộ, mỗi ngành lại có những quy định của riêng mình, và áp dụng cả thì sẽ trở thành tình trạng “Phép Vua thua lệ làng” tức văn bản dưới luật lại trái luật nhưng vẫn có hiệu lực và mỗi Bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương lại trở thành một “cát cứ”. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội đề cao tinh thần “Thượng tôn Pháp luật”, với tôn chỉ “Nhà nước Pháp quyền” theo nghĩa mọi người, mọi tổ chức, kể cả các cơ quan Nhà nước cũng hành xử theo các quy định của pháp luật thì không thể khuyến khích cách làm như vậy được.
Dù thế nào đi nữa thì cái quyết định của Bộ trưởng Thăng cũng đánh một tiếng chuông báo động vào một thực tiễn nhức nhối mà người dân bức xúc là chuyện công chức (hay cả doanh nghiệp nhà nước) sử dụng thời gian, tiền bạc của dân vào chuyện chơi bời, hưởng thụ cá nhân, cần được sử lý nghiêm túc. Cái cách “cấm” trái luật của ông Thăng cũng vẫn là tầm ngắn hạn, trước mắt, (tuy nhiên cũng rất quan trọng vì nếu không có một bước chuyển đổi nào, dù rằng còn hạn chế của ngày hôm nay thì không mong gì ngày mai, ngày kia sẽ có chuyển đổi cơ bản những hạn chế, khiếm khuyết của ngày hôm nay). Còn cái gốc của vấn đề vẫn là ngăn chặn tình trạng tham nhũng, sử dụng thời gian lãng phí, chi tiêu tiền của dân vô tội vạ; đồng thời nâng cao thu nhập thực của cán bộ, viên chức, để họ sống được và chơi (gôn) được bằng lương. Theo cách nhìn đó, tôi mơ rằng trong một tương lai không xa lắm, Bộ trưởng Đinh La Thăng, sau một tuần làm việc căng thẳng, cuối giờ chiều thứ 6, đứng ra ban công thư giãn, thấy cán bộ dưới quyền đang ra về. Bộ trưởng tươi cười vẫy tay chào mọi người và nói “Cuối tuần, các anh/ chị đi chơi gôn (bằng tiền của mình) vui vẻ nhé để phục hồi sức khỏe. Tuần sau mọi người quay lại làm việc thật tốt để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước !”.
Mong, mong lắm.!