Nâng cao vai trò của cộng đồng cư dân biển để chủ động đối phó với thiên tai- Ngô Lực Tải – Phó Chủ tịch Hội KHKT Biển Tp HCM

Tuy nhiên, thực tế cũng có hiểm họa đến được biết trước và do hoàn cảnh khách quan ngoài ý muốn của con người, như : hạn hán, bão lụt, mưa gió, sạt lở đất, nước biển dâng cao..v…v… là hậu quả trực tiếp của sự biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho thời tiết trở nên cực đoan và khắc nghiệt hơn bình thường, mà nguyên nhân chính là do loài người trong quá trình phát triển đã phát thải ra quá nhiều “khí nhà kính” chủ yếu là khí CO2 làm cho bề mặt trái đất nóng lên, để rồi đưa nhân loại đến thảm họa…..

                Đương nhiên, thủ phạm không ai khác hơn là mọi người, mọi quốc gia trên trái đất, kẻ ít người nhiều. Có điều đáng lưu ý là những nước công nghiệp phát triển càng giàu thì lượng phát thải càng lớn hơn so với những nước nghèo đang phát triển. Thống kê cho thấy các quốc gia giàu chỉ chiếm 15% dân số thế giới đã phát thải đến 50% lượng CO2 trong khi 1 tỷ người nghèo nhất hành tinh phát thải có 3% lượng CO2. Do đó để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trước tiên là phải giảm thiểu lượng phát thải CO2 của thế giới. Đây là cuộc chiến của nhân loại mà những nước công nghiệp giàu phải góp phần nhiều hơn các quốc khác. Hiệp định thư Kyoto năm 1997, được bổ sung thêm lộ trình Ba li (Bali Road Map 2007), qui định cắt giảm lượng CO2 phát thải :

·       20% tại các nước đang phát triển vào năm 2020

·       30% tại các nước phát triển vào năm 2020 và ít nhất là 80% vào năm 2050 so với mức năm 1990.

                Đáng tiếc ! Những nổ lực của Liên Hiệp quốc và Cộng đồng thế giới về giảm thiểu phát thải khí CO2 để giữ nhiệt độ hành tinh xanh trong thế kỷ 21 không tăng quá 20C, nhằm tránh cho loài người phải đối mặt với thảm họa thiên tai khí hậu, đến nay vẫn tiến triển quá chậm chạp, là do sự thiếu nhiệt tình và trì trệ của một số quốc gia giàu nhất thế giới.

                2. Sự tương phản giữa vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế và điều kiện khắc nghiệt của khí hậu  :

                Vị trí địa lý thuận lợi :

                Việt Nam – Quốc gia nằm bên bờ Tây của biển Đông, một trong 6 biển lớn, và nhộn nhịp nhất thế giới. Vùng biển Việt Nam rộng khoảng 1 triệu km2 , gấp 3 lần đất liền, án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch, giữa Ấn độ dương và Thái bình dương, giữa Châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Bờ biển dài 3.260km hướng ra Thái bình dương chẳng những mở cửa thông thương với thế giới bên ngoài mà còn có thể kết nối biển với các vùng lãnh thổ rộng lớn Tây Nam – Nam Trung Quốc và ASEAN thông qua hệ thống cảng biển và mạng lưới đường giao thông sắt bộ.

                Đất đai và khí hậu  :

                Việt Nam có diện tích 320.000km2 và 3.260km bờ biển bao bọc ở 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, trung bình 100km2 đất liền có 1 km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới). Phần lục địa là một dải đất hẹp, không có nơi nào cách xa biển quá 500km nên biển có thể phát huy ảnh hưởng đến mọi miền đất nước. Ba phần tư lãnh thổ là đồi núi có độ cao từ 100m – 3.400m và các vùng đồng bằng gồm hai châu thổ của hai con Sông lớn là đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam, có địa hình thấp nhưng mầu mỡ và đông dân, nơi tập trung phần lớn nền nông nghiệp và công nghiệp của quốc gia.

                Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, khác nhau đáng kể ở từng vùng do chiều dài của đất nước và địa hình đa dạng và nằm dọc theo đường di chuyển của bão Tây – Bắc Thái bình dương, là một trong mười quốc gia trên thế giới được coi là dễ tổn thương nhất trước áp thấp nhiệt đới. Trung bình mỗi năm có 6,9 trận bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam.

                Là nước nông nghiệp nhiệt đới đang phát triển, tuy đất đai phì nhiêu, tài nguyên phong phú, phần lớn tập trung ở vùng duyên hải và biển, nhưng lại nằm trong khu vực nhiều thiên tai. Đất nước này chẳng những được biết đến như quốc gia có lịch sử oai hùng chống ngoại xâm mà còn là một dân tộc kiên cường đối phó với thiên tai trong quá trình dựng nước và giữ nước.

                Xin xem bảng thống kê dưới đây để biết rõ tình hình thiên tai mà Việt Nam phải đối mặt hàng năm.

HỆ THỐNG PHÂN LOẠI CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN LIÊN QUAN ĐẾN KHÍ HẬU THEO VÙNG CỦA VIỆT NAM

 

Vùng địa lý

Vùng tai biến

Các tai biến thiên tai chính

Miền Bắc

Vùng cao phía Bắc

Lũ quét, trượt đất, động đất

 

Đồng bằng sông Hồng

Lũ sông khi có gió mùa, bão, nước dâng cao do bão vùng ven biển

 

Miền trung

Các tỉnh duyên hải miền Trung

Bão, nước dâng cao do bão, lũ quét, hạn hán, xâm mặn.

 

Tây Nguyên

Lũ quét, trượt đất

 

Miền Nam

Đồng bằng sông Cửu Long

Lũ sông, bão, triều cường và nước dâng cao do bão, xâm mặn.

 

Nguồn : CCFSC

 

Tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng của các ngành kinh tế biển

                Là một nước cỡ trung bình trên thế giới, đứng hàng thứ hai về dân số trong khối ASEAN. Lãnh thổ đất liền không lớn và không giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng có vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2 chưa được khai thác bao nhiêu, là một trong 20 vùng biển giàu nguồn lợi hải sản và một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển trên thế giới, có đầy đủ điều kiện để trở thành quốc gia mạnh về biển trong tương lai không xa. Thềm lục địa có trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu qui đổi, hiện đang khai thác. Biển với trữ lượng 3,2 – 4,2 triệu tấn hải sản giá trị cao, mới khai thác 60%, đạt hơn 3 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm. Dọc miền Duyên hải trải dài từ Bắc đến Nam có hơn 100 cảng biển lớn nhỏ, năm 2008 thông qua 196,5 triệu tấn hàng hóa, trong đó có hơn 5 triệu TEUs. Đội tàu biển quốc gia hiện có 1.496 chiếc, trọng tải 5,3 triệu DWT, vận tải được 69,2 triệu tấn hàng hóa, chiếm 16% thị phần xuất nhập khẩu cả nước. Công nghiệp đóng tàu thủy có 46 nhà máy qui mô lớn, mỗi năm có thể đóng mới hơn 150 tàu biển, trọng tải từ 1.000 – 150.000 DWT        , với nhiều chủng loại tàu hiện đại khác nhau, giá trị xuất khẩu từ 1 – 1,5 tỷ USD. Du lịch biển và các ngành dịch vụ biển khác đang ở giai đoạn xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, bước đầu đã đóng góp đáng kể tăng trưởng GDP quốc gia, tiềm năng còn lớn hơn trong thời gian tới.

                Ngoài ra có khoảng 50% các đô thị mới với kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp lớn đang được phát triển, trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia cũng nằm ở vùng ven biển.

                Nghị quyết 4 của BCH TW Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa X đầu năm 2007 về chiến lược biển VN đến 2020 đã ghi : “ Phấn đấu đưa kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP và 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước”. Từ đây, cho thấy tầm quan trọng của Biển Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Như vậy, trong mọi hoàn cảnh và tình huống nào Việt Nam cũng phải biến quyết tâm thành hiện thực.

                Đối mặt với hiểm họa và thách thức mới

                Theo cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) thì thiên tai khí hậu đang có xu hướng gia tăng từ nay đến cuối thế kỷ 21, mức độ khốc liệt hơn nếu thế giới thiếu sự đồng thuận trong hành động giảm thiểu phát thải CO2 dựa theo Nghị định thư Kyoto và Lộ trình Bali. Thống kê cho thấy từ năm 2000 – 2004 trung bình có 326 thiên tai mỗi năm tác động đến 262 triệu người, tăng gấp 2 lần so với những năm cuối của thế kỷ trước. Cứ 19 người sống ở những nước đang phát triển thì có 1 người phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong khi ở những nước giàu công nghiệp  phát triển thì chỉ có 1/1.500 người. Sự chênh lệch trong rủi ro là 79 lần. Mùa lũ 2006 – 2007 Đông Á có 3 triệu người, Nam Á có 24 triệu người mất nhà cửa. Hạn hán ở Châu Phí năm 2005 làm cho 14 triệu người Ethiopi, Dimbawe và Kenia bị đói. Ở Việt Nam từ 1991 – 2000 có hơn 8.000 người chết do bão lụt, lũ quét, trượt đất  gây ra, 9.000 tàu thuyền bị đắm, 6 triệu căn nhà bị phá hủy với thiệt hại lên đến 2,8 tỷ USD.

                Số người ttrên thế giới chịu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới dự đoán như sau :

          344 triệu người chịu bão nhiệt đới

          521 triệu người chịu lụt

          130 triệu người chịu hạn hán

          2,3 triệu người chịu nạn sạt lở đất.

Hơn ai hết, Việt Nam nhận thức đầy đủ mối nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ gia tăng thêm thảm họa thiên tai cho loài người, trước tiên  là bản thân mình. Thách thức lớn nhất hiện nay đó chính là nước biển dâng cao. Dựa vào một số kịch bản cảnh báo của các nhà khoa học thế giới thì đến năm 2100, mực nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ làm ảnh hưởng đến 5% đất đai của Việt Nam, 10% dân số, tác động đến 7% sản xuất nông nghiệp, giảm 10% GDP (nguồn Dagupta.et.al 2007), riêng kinh tế biển sẽ suy giảm gần 1/3 (nguồn UNDP). Mối nguy cơ tiềm tàng đang ở phía trước. Chúng ta sẽ cùng hành động tích cực ngay hôm nay vì ngày mai tốt đẹp cho các thế hệ nối tiếp.

NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN BIỂN ĐỂ CHỦ ĐỘNG ĐỐI PHÓ VỚI THIÊN TAI

                1. Đặc điểm của cộng đồng cư dân biển Việt Nam

                Đây là vấn đề tương đối mới mẻ khó xác định, bởi vì từ trước đến nay, các cộng đồng cư dân khác, như nông dân đồng bằng, vùng trung du, miền núi, cư dân đô thị đã được đầu tư nghiên cứu khá công phu, nhưng đối với ngư dân chẳng được quan tâm, chưa có công trình nghiên cứu nào về họ. Do đó sự hiểu biết của xã hội về cộng đồng này rất nghèo nàn. Mặt khác kể từ khi đổi mới, trên bình diện quốc gia, sự thay đổi nhanh chóng và đa dạng trong kinh tế biển khiến bộ mặt vùng duyên hải biến đổi sâu sắc, nhiều ngành nghề mới được hình thành, nhiều vùng kinh tế công nghiệp phát triển rầm rộ, nên cộng đồng cư dân biển không còn tính đồng nhất đơn thuần là những ngư dân ven biển, lấy kế sinh nhai bằng nuôi trồng và đánh bắt hải sản như xưa, mà là một cộng đồng đa ngành nghề, trình độ văn hóa được nâng cao, có nghiệp vụ nhất định để đáp  ứng nhu cầu hội nhập. Tuy nhiên, vẫn có thể nói được nét chung mang đặc điểm của người vùng biển, đó là : “ Dũng cảm, mạo hiểm, biết chấp nhận rủi ro thử thách, chịu khó chịu khổ trong lao động, dễ thích nghi và nhạy bén nắm bắt cơ hội để phát triển”. Ngoài ra còn có truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc được hòa quyện và kết tinh thành nét riêng của từng vùng, từng địa phương dọc bờ biển. Bản sắc dân tộc của cư dân biển lâu đời thể hiện qua di tích lịch sử vật thể (am, miếu, chùa, đình) và phi vật thể (lễ hội, tín ngưỡng, cúng bái : Lễ hội nghinh Ông, lễ hội cúng Thần biển để ra khơi…..). Đến nay, Đình làng biển ở Mong Cái, với mái cong của thời Âu – Lạc, đó chính là biểu tượng của Làng biển Việt Nam xa xưa, gần đây được Nhạc sĩ Nguyễn Cường người cùng thời đại với chúng ta tôn vinh thêm bằng lồng ghép hồn dân tộc mang làn điệu dân ca Bắc bộ vào bài hát “Mái đình làng biển”. Vật thể, phi vật thể kết hợp để tạo nên tuyệt tác nghệ thuật gắn với biển, lưu lại cho các thế hệ mai sau.

                Do không phải là người nghiên cứu về dân tộc học, tôi chỉ có thể nhìn cộng đồng cư dân biển Việt Nam hiện nay qua lăng kính “ Khoa học – kinh tế” và “phát triển – hội nhập”, dĩ nhiên còn nhiều khiếm khuyết, nhưng ở phạm vi của bài viết giới hạn đến mức đó.

2. Phân bổ cộng đồng cư dân biển

                Phân bổ theo địa hình bờ biển :

                Suốt dọc bờ biển Việt Nam từ Mong Cái đến Hà Tiên gần như đều có người sinh sống, mật độ cư dân tùy theo địa hình và điều kiện thổ nhưỡng ven bờ. Bờ biển Việt Nam không đồng nhất, có thể chia ra ba vùng khác nhau.

                Vùng 1 : Từ Mong Cai (Quảng Ninh) đến Đà Nẵng có núi cao, bờ đá lổm chổm đan xen với những bãi phẳng ở châu thổ sông Hồng, nối liền với các tỉnh Bắc Trung bộ. Dọc bờ có nhiều đảo và Vịnh, trong đó có Vịnh Hạ Long là một kỳ quan thế giới.

                Vùng 2 : Từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phần lớn bờ biển bằng phẳng, có nhiều đồi cát ven bờ và nhiều bãi biển đẹp thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, cũng là vùng đánh  bắt và nuôi trồng hải sản sầm uất nhất nước. Ngoài khơi còn có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm án ngữ như hai lá chắn tự nhiên bảo vệ tổ quốc.

                Vùng 3 : Từ Vũng Tàu đến Hà Tiên (Kiên Giang) bờ biển thấp, tương đối bằng phẳng có nhiều bãi phù sa với 191.800 ha rừng ngập mặn được sông Mê Công bồi đắp nối liền với châu thổ sông Cửu Long, tạo thành một vùng đất cực kỳ phì nhiêu là vườn cây ăn quả của cả nước và vựa lúa số một của quốc gia.

                Ngoài ra vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122 km2 rạn san hô với khoảng 310 loài san hô đá, phân bổ rộng khắp từ Bắc vào Nam và một thảm cỏ biển ven các đảo, tập trung ở ven biển đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa và một số cửa sông Miền Trung. Các Vũng và Vịnh ven bờ chiếm 60% đường bờ biển, trong đó có 12 Vũng, Vịnh lớn và cứ 20km có một cửa sông. Tỉnh Thừa Thiên – Huế có phá Tam Giang rộng tới 21.000ha, địa bàn sinh sống cho hơn 10 vạn dân thủy cư.

                Phân bổ theo nghề nghiệp lao động

                Cả vùng duyên hải có khoảng 20 triệu người, chiếm 16,5% dân số cả nước. Cộng đồng này trước đây sống theo vùng, nhưng từ khi kinh tế biển phát triển được chuyển dần theo nghề nghiệp lao động :

Thuần nông – thủy sản  : Bao gồm những người đánh bắt thủy hải sản, những người nuôi trồng thủy hải sản, những người làm dịch vụ nghề cá và một số ít diêm dân. Họ có mặt hầu như ở cả 3 vùng 1,2,3, đông nhất là vùng 2, ước khoảng 4,5 triệu người. Là những ngư dân nghèo, ít được học hành, chưa qua đào tạo có hệ thống và trường lớp chính quy, hành nghề theo truyền thống cha truyền con nối nên họ chỉ có khả năng đánh bắt ven bờ. Nay đi vào công nghiệp và hiện đại hóa, Ngành thủy sản và xã hội có trách nhiệm nâng cao trình độ dân trí của họ lên, tổ chức đào tạo lại kỷ năng và nghề nghiệp để giúp cộng đồng bắt kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặt khác phải tính đến việc xây dựng họ trở thành lực lượng nòng cốt để bảo đảm sự hiện diện dân sự của chúng ta trên biển Đông, nhằm thực hiện thế trận an ninh – quốc phòng trên biển khi có sự cố, vì mỗi ngày có đến 10.000 tàu thuyền đánh cá và hàng vạn ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển….. Có lẽ không thể có loại radar hay phương tiện quan sát kỹ thuật nào thời nay có thể thay thế được lòng dũng cảm, yêu nước, bám biển của họ được.

Hoạt động công nghiệp  : Vừa ra đời trong thời kỳ đổi mới, đó là những tập thể công nhân khai thác, chế biến dầu khí, đóng sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ của ngành đóng tàu, luyện cán thép, điện lực, xây dựng…… Họ là lực lượng lao động rất trẻ cũng có mặt ở cả 3 vùng, nhưng tập trung ở vùng 1 và vùng 2 , cùng với nhiều đặc khu kinh tế mõ của quốc gia.

Hoạt đông dịch vụ : Đó là hoạt động của các cảng biển lớn nhỏ trên cả nước, hoạt động của đội tàu biển quốc gia, hoạt động dịch vụ hàng hải cùng với sự phát triển bùng nổ của Ngành du lịch, mỗi năm đóng góp trên 4% cho GDP cả nước và một lượng ngoại tệ đáng kể, đặc biệt là những khu chế xuất, khu công nghiệp trong tam giác phát triển thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng tàu ở vùng 3, một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội Việt Nam tiến nhanh.

3. Tổ chức phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cư dân biển  :

                Chúng ta phát triển kinh tế – xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức mang tính thời đại. Đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần thứ hai đang diễn ra với chiều sâu và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, mọi quốc gia trên thế giới. Nếu lấy Huê Kỳ là cường quốc kinh tế số một để xem xét mức độ nghiêm trọng, chúng ta sẽ thấy : Tính cả năm 2008 nước Mỹ mất 1,9 triệu việc làm, trong đó 70% thuộc ngành dịch vụ là ngành tạo ra 80% GDP và cũng là ngành ít chịu tác động trong lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần thứ nhất (năm 1930 – 1933). Kết thúc tài khóa 30/9/2008 Chính phủ Mỹ nợ là 10.200 tỷ USD, chẳng thế mà ông Alain Greenspan nguyên Giám đốc Cục dự trữ  Liên Bang Mỹ (FED) thừa nhận : “Triết học kinh tế thị trường vạn năng là sai lầm, đã đưa đến suy thoái nghiêm trọng này”.

                Cũng như những quốc gia khác, Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách vĩ mô kịp thời và hiệu quả như : Kìm chế lạm phát, giảm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế….. Chúng ta kỳ vọng, suy thoái kinh tế toàn cầu lần này sẽ không ảnh hưởng lớn đến nước ta, để Việt Nam ổn định, giữ mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%/năm.

                Tuy nhiên, khủng hoảng chỉ là khó khăn tạm thời, theo quy luật suy thoái rồi sẽ hồi phục. Điều mà chúng ta đang lo lắng chính là thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ diễn ra lâu dài, mang tính tất yếu mà Việt Nam khó tránh khỏi.

                Liên hiệp quốc (UN) tổ chức lớn nhất của các dân tộc trên hành tinh đã không mệt mỏi, kiên trì đấu tranh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì sự sống còn của nhân loại và vì hạnh phúc của con người, đề ra hai mục tiêu cơ bản mang tính nhân văn cao.

                Một là : Cần khẩn trương tăng cường các biện pháp giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính, thông qua việc thực hiện hiệp định thư  Kyoto.

                Hai là : Thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.  Các nước nghèo, các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất cần được hỗ trợ để tăng cường năng lực thích ứng.

                Ở Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối quốc gia về các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu. Bộ này đang phối hợp cùng các ngành khác xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cũng như thích ứng với các tình huống bất thường từ thiên tai, đồng thời soạn thảo khung chính sách quảnlý rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.

                Đến nay có thể thấy cuộc chiến đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Liên hiệp quốc (UN) đang thúc giục các quốc gia trên thế giới triển khai khẩn trương và đồng bộ mới chỉ được các cơ quan chức năng khởi động và thực hiện từng phần. Hình như vẫn đang thiếu phần “thích ứng”, bởi vì chưa thấy sự tham gia rộng rãi và tích cực của quần chúng nhân dân, đặc biệt là cư dân vùng duyên hải.

                Để kiểm chứng nhận xét có tính chủ quan của mình tôi đã tiếp xúc với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), một tổ chức phi chính phủ thuộc Hội KHKT biển Việt Nam đang hoạt động rất có hiệu quả tại các vùng có hệ sinh thái rạn san hô ở khu vực miền Trung và tại vùng hệ sinh thái đất ngập nước ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng. Điều làm tôi ngạc nhiên và trân trọng đó là sự kết nối các nguồn lực bên ngoài với địa phương sở tại trong đó không ai khác hơn là cộng đồng cư dân đã được Trung tâm này giáo dục, huấn luyện tốt về kiến thức và nghề nghiệp.

                Liệu đây có phải là mô hình giúp chúng ta thực hiện phần “thích ứng” để đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu ?!.

                Như chúng ta biết, ở Việt Nam hiện nay có 500 tổ chức phi chính phủ của quốc tế và hơn 500 tổ chức phi chính phủ trong nước, phần lớn thuộc các Hội KHKT và Hiệp Hội chuyên ngành đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu tập trung vào  xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục , nâng cao năng lực của cộng đồng và bảo vệ môi trường. Nếu những tổ chức này cùng chúng ta vào cuộc thì sức mạnh tổng hợp được tăng cường đáng kể và quan trọng hơn là vai trò các cộng đồng cư dân biển Việt Nam sẽ phát huy tối đa.


LỜI KẾT :

                Trong báo cáo “Biến đổi khí hậu và phát triển con người ở Việt Nam” của hai tác giả Peter Chaudhry và Greet Ruysschaert do chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) công bố năm 2007, có đoạn nhận xét : “Khái niệm biến đổi khí hậu và những tác động tiềm tàng của nó, cũng như nhu cầu thích ứng vẫn chưa được hiểu đúng mức ở Việt Nam (trừ cộng đồng nhỏ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và một số cơ quan Nhà nước liên quan ở Trung ương và địa phương)”.

                Qua sự đánh giá của họ, chúng tôi có hai hướng suy nghĩ:

                Đơn giản là do ta thiếu thông tin hoặc khâu tuyên truyền chưa đạt mức độ cần thiết.

                Phức tạp có thể là do các cơ quan chức năng đang cân nhắc trong việc công khai hóa những dữ liệu quan trọng để tránh gây sốc cho xã hội.

                Nhưng dù gì đi nữa, chúng ta không nên chậm trễ hơn, vì đây là trách nhiệm của người đi trước đối với các thế hệ mai sau.

 

                                                                                                                                                Tháng 3/2009