Nên khơi luồng cửa biển Định An cuối sông Hậu như thế nào? Huỳnh Kim Trương .
Nhưng gần đây, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng từ Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP. Hồ Chí Minh có viết bài đăng báo Khoa học Phổ thông ngày 21/7/2006, phản biện dự án trên, cho rằng đã chọn sai vị trí mở luồng mới và chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra sa bồi tại luồng Định An. Nếu có ai truy cập website www.google.earth.com, có ảnh vệ tinh sẽ thấy rõ quy luật bồi lấp bờ biển Trà Vinh. Rồi đây luồng mới cũng sẽ bị bồi lấp như luồng Định An thôi. Kỹ sư Dũng đề xuất mở luồng mới tại cửa sông Trần Đề, bằng cách đắp một con đập dài 20km, từ cù lao Dung ra tới gần “đường đẳng sâu – 10 mét”, nằm cách cù lao Dung 25,5km bảo đảm cho tàu 3 vạn tấn vào ra dễ dàng.
Do là người trong cuộc tôi nhớ lại trước đây, khi Tổng cục Đường biển còn nằm ngoài Bộ Giao thông Vận tải, một Tổng cục phó đã cùng tôi nhận định nguyên nhân bồi lấp tại luồng Định An gần giống như kỹ sư Doãn Mạnh Dũng là do dòng chảy đầy ắp phù sa sông, từ sông Hậu chảy ra, gặp ngay dòng hải lưu cận duyên (courant marine côtier) từ dọc bờ biển Trà Vinh chảy xuống, đầy ắp phù sa biển, gặp nhau tại cửa biển Định An, làm giảm động lực của nhau, nên gây ra sa bồi. Nếu không nạo vét thường xuyên, cửa Định An cũng sẽ bị thoái hoá như cửa Bassac, xưa kia, bị lấp thành cù lao Dung hiện nay.
Tổng cục Đường Biển cũng có ý định đắp một con đê theo kiểu “mỏ hàn” mà ngành đường sông thường dùng, để đẩy các dòng sông chảy xiết, chạy cách xa bờ không cho xói lở bờ sông. Đang định tiến hành thì có một công ty nước ngoài xin nạo vét miễn phí luồng Định An, nếu ta cho họ được hưởng quyền khai thác loại kim loại quý là Titan và Wolfram từ khối bùn cát đã nạo vét. Việc làm “mỏ hàn” bị ngưng lại, nhưng sau đó công ty này cũng đã di chuyển ra miền Trung khai thác Titan ngoài đó.
Nay tôi thấy dự án đắp đê Trần Đề của kỹ sư Dũng, dùng cửa biển Trần Đề thay cho luồng Định An, mà chưa có kế hoạch chống thoái hoá cho cửa Định An nên xin nhắc lại phương án dễ làm hơn là lập một “mỏ hàn”, đưa dòng chảy hải lưu cận duyên, chảy tách xa dòng chảy từ cửa Định An, không cắt nhau dễ gây sa bồi mà còn hiệp lực nhau, đẩy cả hai loại phù sa ra biển khơi. Nếu Ban Quản lý Dự án đồng thuận thì có thể giao cho một công ty nào đó (như Công ty 620 tại Châu Thới TP. HCM) đi khảo sát thực địa rồi đúc sẵn từng mảng tường bê tông và các trụ đỡ phía sau, chở đến vị trí lắp đặt với một trạm hải đăng ở cuối tường là xong. Vốn đầu tư sẽ tiết kiệm gấp trăm lần so với dự án kinh Quan Chánh Bố.
Rất bất ngờ khi báo Sài Gòn giải phóng ngày 19/9/2006 đưa tin Bộ Giao thông – Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép được dùng trái phiếu Chính phủ thay cho vốn vay Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án tạo luồng mới qua kinh Quan Chánh Bố. Có thể Bộ Giao thông – Vận tải chưa đọc bài phản biện của Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng từ Hội Khoa học Kỹ thuật Biển, hoặc có đọc nhưng bỏ qua, không có lời nhận xét nào.
Tại sao thế? Khi một dự án công trình cỡ lớn như thế này lại gồm có 1 trong 3 tiêu chí mới của công trình quốc gia phải trình Quốc hội xét mới được làm: vốn đầu tư đến 200 triệu USD, ảnh hưởng đến 10.000 hộ dân tăng thêm ô nhiễm mặn cho vùng cần ngọt hoá. Là một cử tri như kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, tôi xin Quốc hội xem xét lại cho. Kính mong.
(Nguồn : www.tonghoixaydungvn.org)