Đề nghị Cục hàng hải Việt Nam nâng chất lượng thông tin trên trang web. PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận
Tuy nhiên, ngay lập tức đã phải thất vọng vì mức độ thiếu chuyên nghiệp và thiếu tin cậy. Ngay khi viết những dòng này, tôi đã lướt lại trang web thì thấy chỉ có lượng hàng thông qua cảng được cập nhật nghiêm túc, còn hầu hết các thông tin về tình trạng vẫn nguyên như cũ. Thử điểm qua các mục của trang tin này nhé:
Mục quy hoạch cảng biển: Chỉ có quyết định số 202/1999 QĐTTg ngày 12/10/1999 của TTg Chính Phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010.
Mục hiện trạng cảng biển: Vẫn chỉ có những bảng liệt kê các bến, không hề kèm theo bất cứ bản đồ hoặc sơ đồ nào để thể hiện vị trí, quy hoạch mặt bằng và động thái phát triển.
Mục luồng cảng biển: Tham số kỹ thuật của các đoạn luồng đã được cải tạo vẫn không được cập nhật, thông tin sai không được sửa chữa ví dụ độ sâu của luồng vào cảng Đình Vũ hiện vẫn được chính thức thông báo là -3.1 m, trong khi theo điều tra thực tế tại các khu công nghiệp thì rất phân tán trong khoảng từ -5.7 đến -7.3 m. Một trong những sai sót mà tôi quan tâm đó là độ sâu luồng vào cảng Chân Mây, theo tôi biết là -8.1 m, thế nhưng trên trang web của Cục Hàng Hải đã ba năm rồi vẫn cứ là -2.1m.
Mục Dự án đầu tư xây dựng cảng biển: Đã lạc hậu ít nhất là 6 năm, không hề có bất cứ sơ đồ, bản đồ nào kèm theo.
Trên đây, chỉ là những nhận xét sơ bộ mà nếu đi vào chi tiết những thông tin về cảng biển được trình lên lãnh đạo ra quyết định hoặc được các ban quản lý các dự án phát triển cảng, các khu kinh tế, khu công nghiệp thì lại càng bức xúc hơn. Sau đây là 2 thí dụ.
Thí dụ thứ nhất là luồng vào cảng Đình Vũ, trong thông báo của Cục Hàng Hải đó là luồng qua cửa Nam Triệu với độ sâu là -3.1m, còn độ sâu từ -5.7 – 7.3 m là của luồng qua cửa Lạch Huyện căn cứ trên thiết kế kỹ thuật và thông tin không chính thức từ điều tra thực tế. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ thị cho tư vấn (TEDI) quan trắc luồng Lạch Huyện và báo cáo hiệu quả của dự án, tuy nhiên cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có được thông báo chính thức và đã được kiểm chứng bởi Cục Hàng hải.
Ví dụ thứ hai đó là cảng Đông Hồi (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Vị trí của cảng này chỉ cách cảng Nghi Sơn khoảng 1,2 km, vì vậy là một chuyên gia tôi rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch bó cảng Nghi Sơn và Đông Hồi để tiết kiệm chi phí xây dựng đê chắn sóng, vũng quay tàu cửa cảng và duy tu. Tuy nhiên, sau 2 năm có ý kiến, đến nay vẫn chỉ nhận được thông tin “nội bộ” qua điện thoại, theo đó thì cảng Đông Hồi đã được đưa vào danh mục hệ thống cảng biển Việt Nam, nhưng không có thông tin chính thức vì chưa có quy hoạch ….
Cuối cùng, để phát triển hệ thống cảng Viết Nam, chúng ta cần nắm vững những thông tin cập nhật và đủ tin cậy về các cảng và các dự án phát triển cảng quốc tế. Đó là lý do mà tôi gửi kèm theo bài viết này này bản đồ số của cảng Le Havre. Có thể xem đấy là hình mẫu tốt về cung cấp thông tin hiện trạng và động thái phát triển của một cảng cho tàu trọng tải lớn. Tiện thể tôi cũng lưu ý rằng trong một cuộc họp về luồng Quan Chánh Bố, tôi được nghe cố vấn chủ chốt của Cục Hàng Hải là GS Lương Phương Hậu đã cung cấp những thông tin mà cá nhân tôi thấy không thỏa mản.
Thiết nghĩ, với chức năng quản lý nhà nước Cục Hàng hải cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để tổ chức tốt hơn nghiệp vụ quản lý thông tin cảng biển nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà đầu tư theo đúng quy định của Bộ luật tiếp cận thông tin.
Hà Nội ngày 08/07/2009
PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận.