Người Mỹ sai hay chúng ta sai ?

Mới đây 4/2016, trong buổi họp tổng kết Quý I của các Tổng thư ký các Hội Khoa học và Kỹ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tp HCM, một vị lảnh đạo một Hội đứng lên kêu gọi khen thưởng những con người có thể gọi là “anh hùng” của Hội ông đã biến Đồng Tháp Mười thành vựa lúa. Với tỉnh Đồng Tháp, có thể đó là những người anh hùng. Nhưng trong cuộc họp quốc tế về 3 đồng bằng Mississisippi , Hà Lan và ĐBSCL năm 2013 tại Tp HCM, một vị cán bộ cấp Sở của tỉnh Trà Vinh đề xuất: Nhà nước cần bõ tiền bù cho nhân dân Đồng Tháp Mười không sản xuất vụ 3, để ruộng chứa nước nhằm tạo điều kiện bổ sung lượng nước ngầm để các tỉnh ven biển có thể bơm nước ngầm để sử dụng!
Hôm nay, lại biết thêm đánh giá của các nhà khoa học Mỹ về cách quản lý nguồn nước tại ĐBSCL.
Vậy như thế nào là đúng ?
Những chuyên gia biến Đồng Tháp Mười trở thành cánh đồng lúa là anh hùng hay đó là nguyên nhân của nạn hạn hán hôm nay ?
Gần đây được tin những nhà thủy lợi đáng kính trên lại đề nghị xây hồ chứa nước ngọt ở vịnh Thái Lan để cung cấp nước ngọt cho ĐBSCL. Không rõ hồ nhân tạo giữa biển như trên chống nhiểm mặn như thế nào ? Hơn nữa, sao khi có hồ nước, việc chi phí năng lượng để bơm ngược nước từ vịnh Thái lan trở lại tưới nước cho Đồng Tháp Mười sẽ lấy từ nguồn thu nào ? Chi phí xây và duy trì hồ nhân tạo cùng với chi phí năng lượng để bơm nước ngược về ĐBSCL có được bù đắp bằng nguồn thu nông sản không ?
Tại sao không duy trì hồ Đồng Tháp Mười theo tự nhiên như hồ chứa lũ và cũng là hồ cung ứng nước ngọt vào mùa khô ?
Tại sao không coi các các kênh và những vùng trũng của ĐBSCL là khu vực trữ nước ngọt tự nhiên và cũng là tuyến dẩn nước ra biển khi có lũ ?
Nguyên nhân nào đã đẩy chúng ta vào vòng lẩn quẩn trên ?
Kẻ thì đề nghị khen, còn người Mỹ thì chỉ rõ đó là sự yếu kém.
Như vậy tiêu chí giữa những anh hùng và những kẻ gây tác hại cho xã hội là khác nhau với cách nhìn của ông lảnh đạo Hội nọ và giới khoa học Mỹ. Vậy người Mỹ sai hay chúng ta sai ?
KS Doãn Mạnh Dũng