Nhân cách, Tài năng và Dũng khí là ba chân kiềng hình thành người trí thức
Vì đó là nền tảng tạo ra mọi thượng tầng tư duy khác. Hàng hóa và dịch vụ được hình thành theo công thức sau :
G= Lg +T + Lt + Lq
Trong đó,
G: Giá trị hàng hóa hay dịch vụ
Lg: Lao động giản đơn ;
T: Tài nguyên thiên nhiên.
Lt : Lao động trí tuệ;
Lq: Lao động quá khứ (vốn tự có hay vốn đi vay)
Với công thức trên, khi trí tuệ còn sơ khai, con người phải dùng lao động giản đơn (Lg) để “hái , lượm, săn, bắt” tài nguyên thiên nhiên (T) để tồn tại.
Khi lao động trí tuệ hình thành và phát triển (Lt) thì tất yếu xuất hiện tầng lớp trí thức.
Khi đã có thể tổ chức trao đổi hàng hóa hay dịch vụ thì sẽ xuất hiện vốn tích lủy dưới hình thức vật chất hay đồng tiền (Lq).Vốn tích lủy hay vay mượn (Lq) càng lớn thì khả năng cạnh tranh hay quy mô sản xuất càng lớn. độ tinh xảo của sản phẩm và dịch vụ càng cao.
Với thứ tự của các yếu tố tạo nên sản phẩm và dịch vụ là lao động giản đơn, tài nguyên thiên nhiên, lao động trí tuệ thì yếu tố sau đem lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn yếu tố trước.
Với lập luận trên, khi có trí thức, con người bắt đầu biết trao đổi hàng hóa, dùng tiền, quản lý xã hội, tổ chức sản xuất và làm dịch vụ.Tỷ lệ trí tuệ trong hàng hóa và dịch vụ được tăng dần theo sự phát triển của xã hội loài người.
Chính sự am hiểu quy luật thiên nhiên và xã hội, nên người trí thức coi Nhân cách là cao quý nhất trong kiếp được làm người.
Kiều rằng : “ Những đấng tài hoa ,
Thác là thể phách, còn là tinh anh…”
Ông HoàngVăn Thụ trước khi ra pháp trường đã viết lên tường xà lim Hỏa lò :
Việc nước xưa nay có bại thành,
Miển sao giữ trọn được thanh danh…
Với giới trí thức ,mất Nhân cách là mất tất cả, không có gì có thể cứu vãn.Vì vậy Nhân cách là một chân kiềng để hình thành và tồn tại người trí thức.
Đối tượng nghiên cứu của giới trí thức là quy luật của tự nhiên và xã hội .Giới trí thức vì có năng lực nhận thức uyên thâm nên có thể đưa ra các chính biện bao gồm các phát minh khoa học hay các giải pháp quản lý xã hội.Đồng thời họ cũng thừa năng lực đưa ra các phản biện trong lỉnh vực tự nhiên hay xã hội và có thể cảnh báo chính xác hậu quả về mọi hành động của con người đối với tự nhiên hay đối với con người. Vì vậy Tài năng trí tuệ là một chân kiềng để hình thành và tồn tại người trí thức.
Từ xưa, phản biện trong lỉnh vực tự nhiên hay phản biện xã hội , đặc biệt với phản biển xã hội luôn luôn là một hành vi khó khăn vì phải chấp nhận sự khác biệt với tập quán và thói quen của mọi người xung quanh. Phản biện xã hội khi vì lợi ích của nhóm có quyền lực thì luôn luôn được hoan nghênh. Nhưng phản biện xã hội khi vì số phận sống còn của những người nghèo khổ,kém may mắn, thiếu sự hiểu biết thì không phải lúc nào cũng được tiếp nhận và nhiều khi đó là tai họa cho người phản biện và gia đình họ.Vì vậy phản biện xã hội thường không chỉ đòi hỏi tấm lòng thương dân từ Nhân cách cùng với sự hiểu biết uyên thâm từ Tài năng, mà rất cần Dũng khí để dấn thân vì một xã hội dân chủ hơn, công bằng hơn và hạnh phúc hơn cho mọi người. Chính vì vậy xã hội và người đời thường tôn vinh, trân trọng người trí thức chủ yếu là nhờ phản biện xã hội. Vì vậy Dũng khí là một chân kiềng để hình thành và tồn tại của người trí thức.
Ở Việt Nam từ đầu thế kỹ 14 đã xuất hiện một con người mang đầy đủ đặc trưng của người trí thức, đó là thầy Chu Văn An (1292–1370).
Về Nhân cách, khi “còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Khi thi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan, mà trở về mở trường dạy học ở quê nhà.”
Tài năng của ông uyên thâm, dạy những điều mà người đương thời mong muốn biết.Ông lừng danh đến nổi quỹ thần cũng tìm đến học. Chuyện xưa kể ,khi đại hạn kéo dài, học trò của ông là “thần nước” đã trái lệnh thiên cơ, chấp nhận cái chết để giúp thầy đem mưa đến cho mùa màng tươi tốt.
Phản biện xã hội của ông với Dũng khí hiếm có trong lịch sử nhân loại. Sử viết : “ đời Dụ Tông, chính sự càng thối nát, bọn gian thần nổi lên khắp nơi. Chu Văn An nhiều lần can ngăn Dụ Tông không được, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu. Đó là Thất trảm sớ nổi tiếng trong lịch sử. Nhà vua không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ” rồi bỏ quan về ở ẩn tại núi Phương Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Hưng) lấy hiệu là Tiều ẩn ”.
Nhân cách, Tài năng và Dũng khí là kiềng ba chân để hình thành và tồn tại nhà trí thức Chu Văn An !
KS Doãn Mạnh Dũng