Để tự tin phát triển kinh tế biển-Giáp Văn Dương-Dư Văn Toán

Trong một bài phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Tổng cục Biển và hải đảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định: đến năm 2020, dự báo ngành kinh tế biển của Việt Nam sẽ đóng góp 53% GDP của cả nước. Chiến lược biển Việt Nam cũng định rõ: đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch – đầu tư, kinh tế biển và vùng ven biển hiện đóng góp khoảng 48-49% tổng GDP.
Chỉ một con số đó thôi: 53-55% GDP của cả nước vào năm 2020 cũng đủ thấy tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển đất nước. Và cũng chỉ với con số đó thôi cũng đủ thấy biển – đảo thật sự trở thành không gian sinh tồn, mang ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam.
Mục tiêu lớn, đầu tư nhỏ bé
Nhìn lại những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc liên tục gia tăng áp lực, ngang ngược uy hiếp các tàu thăm dò địa chấn ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thể thấy những mục tiêu phát triển kinh tế biển của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Vấn đề là trong những năm qua, các nỗ lực vươn đến mục tiêu 53-55% GDP chưa được hiện thực hóa bằng những quyết sách cụ thể, sắc bén và sự đầu tư tương xứng. Theo nghị quyết số 38/2009/QH12 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, trong tổng số chi cân đối ngân sách trung ương 370.436 tỉ đồng thì chi cho Chương trình biển Đông, hải đảo, cảnh sát biển chỉ chiếm 1.708 tỉ đồng, tương ứng 0,46% ngân sách.
Trong dự toán chi ngân sách trung ương năm 2011, dự toán chi cho chương trình biển Đông, hải đảo, cảnh sát biển có tăng nhưng cũng chỉ đạt mức 2.300 tỉ đồng. Có thể còn có những đầu tư khác chưa được thống kê, nhưng những con số chính thức về phân bổ ngân sách trung ương qua hai năm gần nhất cho thấy việc đầu tư chưa đầy 1% ngân sách vào khu vực đóng góp khoảng 50% tổng GDP của cả nước là một sự mất cân đối không thể chấp nhận được.
Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên biển Việt Nam
Biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2, hơn 4.000 hòn đảo, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó trên 2.000 loài cá, đặc biệt có các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Các nguồn tài nguyên dầu khí, khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng đã được phát hiện rất nhiều ở dải ven biển. Tại các vùng nước biển sâu, xa bờ còn có nhiều tiềm năng chứa hydrat metan (băng cháy).
Trong các vùng biển Việt Nam đã biết khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khác nhau từ nhỏ đến lớn thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Biển và biển ven bờ Việt Nam chứa nhiều sa khoáng và vật liệu xây dựng (cát, cuội, sỏi…). Đây là lợi thế so sánh để phát triển công nghiệp khai khoáng ven biển của nước ta, đặc biệt khi phải tính đến tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Hệ thống cảng biển lớn nhỏ và vận tải hàng hải cũng đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Cùng với 18 khu kinh tế ven biển, các đô thị lớn ven biển, các bãi biển, các khu bảo vệ – bảo tồn biển đang là động lực phát triển kinh tế hướng biển của nước ta.
Tuy nhiên, nhiều dạng tài nguyên biển quan trọng khác lại chưa được khai thác. Ví dụ, các dạng năng lượng biển có thể phát điện chưa được đưa vào sử dụng, cũng chưa có chính sách ưu đãi với các dạng năng lượng sạch này. Vị thế quan trọng trong địa chiến lược quốc gia và quốc tế của biển đảo Việt Nam cũng chưa được đánh giá đúng mức và đưa vào khai thác một cách tương ứng. Quy hoạch, quản lý quy hoạch không gian biển, vùng bờ, hải đảo còn chưa được thực hiện và phân cấp đồng bộ, còn chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Hiện tại, việc khai thác dầu khí, hải sản (thuần biển) đang mang lại nguồn thu cho ngân sách lên đến 22% GDP cho Việt Nam. Ngoài ra, khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng, cát titan ven biển, dịch vụ hàng hải, đóng tàu, du lịch biển, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản mang lại gần 30% GDP nữa.
Tiềm năng kinh tế biển vẫn còn rất lớn từ khai thác năng lượng biển, khai thác giá trị về vị thế biển và các dịch vụ liên quan đến biển khác. Việc đánh giá và tổ chức lại khai thác tất cả các dạng tài nguyên biển là một điều cần thiết và cần pháp lý hóa sớm nhất có thể, nhằm giúp thực thi chế độ pháp chế hữu hiệu trên vùng biển Việt Nam và các vùng biển lân cận.
Cần Luật biển hơn bao giờ hết
Trong nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trước sự gia tăng áp lực tranh chấp của Trung Quốc, một trong những đòi hỏi quan trọng là cần có ngay một luật biển đồng bộ và thống nhất làm cơ sở bảo vệ các hoạt động kinh tế của Nhà nước và nhân dân, cũng như các lợi ích hợp pháp khác trong vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta.
Khi có luật biển, trước những kẻ phá hoại và gây hấn, chúng ta có thể dõng dạc tuyên bố: Các anh đã vi phạm luật pháp và chủ quyền quy định bởi luật pháp của chúng tôi! Mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 song nội dung của công ước này chưa được cụ thể hóa để người dân của ta hiểu và sử dụng khi cần đến.
Vì thế, một luật biển Việt Nam nhằm tạo nền tảng pháp lý cụ thể, đồng bộ và hoàn chỉnh để bảo vệ người dân, bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo các hoạt động kinh tế biển được an toàn và công tác quản lý biển đảo hiệu quả là điều rất bức thiết.
Giáp Văn Dương-Dư Văn Toán/TTCT