Nhân ngày Thống nhất đất nước ,nhớ người xưa

Ra Tòa, thấy ba tôi và các bạn ông đều bị xích chân dính nhau thành một hàng năm sáu người. Mọi người đều nói tiếng Pháp, tôi không hiểu. Trong các tù nhân, ba tôi là người nói nhiều nhất. Giọng ông oang oang và tự tin đã theo tôi cả cuộc đời. Sau phiên Tòa, má dẩn tôi ra chợ Bến Thành , mua hai con gà trống thiến to nhất chợ để biếu ông Luật sư. Sau này má tôi nói với tôi rằng, nhờ ông Luật sư, nên ba tôi đáng lẽ chịu án sáu năm tù, được rút xuống còn ba năm. Án sáu năm phải ra Côn đảo, còn ba năm thì được về Lái Thiêu. Má tôi đem hai con gà đến biếu ông Luật sư nhưng ông không nhận. Vì vậy má tôi lại đem một con ra chợ bán, còn một con đem về cả nhà ăn mừng. Con gà quá mập đầy mỡ, cả nhà ăn mà nhớ cả đời. Ông Luật sư có giải thích với má là tiền thuê luật sư phải nhận vì phải nộp thuế theo Luật. Sau này, tôi hỏi tiền thuê Luật sư là bao nhiêu, má tôi nói :

Một ngàn ba trăm năm mươi đồng tiền Đông Dương.

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Pháp trao trả ba ra Bắc. Năm 1957, nghe tin ba còn sống, má tôi đưa chúng tôi ra Bắc để đoàn tụ gia đình. Năm 1996, ông Luật sư trăm tuổi, ba má và tôi đến dinh Thống nhất để cám ơn ông và tiển ông về cõi vĩnh hằng. Khi sinh thời, chức vị ông Luật sư quá cao nên gia đình ngại gặp. Đó là ông Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mà gia đình tôi thọ ơn.
Để có ngày thống nhất đất nước như hôm nay, biết bao người phụ nữ Việt Nam thầm lặng nuôi chồng đi kháng chiến, cứu chồng khi bị địch bắt, nuôi và dạy con hảy biết chiến đấu và hy sinh cho đất nước. Khi đất nước hòa bình, thống nhất lại buộc những người phụ nữ Việt Nam phải cởi truồng để giữ đất thì đó là điều mãi mãi không thể chấp nhận. Những kẻ soạn Luật đã vô lễ với tiền nhân.

 

Ông Trung úy Vân của Việt Nam Cộng hòa
Khi ba thụ án tù của Pháp, má phải bán căn nhà lớn ở đầu đường Hồng Thập Tự nay là Nguyễn Thị Minh Khai để chuyển về đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3. Nhà ở mặt tiền đường phía Nam, phía sau lưng là vườn Bà Lớn- nay là chung cư Nguyễn Thiệt Thuật. Bên trái là nhà Trung úy Vân – người Bắc di cư. Ông có hai người con gái nhỏ hơn tôi, năm nay có lẽ khoãng 70 tuổi. Trung úy Vân có bà chị vợ ở bên phải nhà tôi- cũng từ Bắc di cư vào Nam. Bà có hai người con trai tương đương tuổi tôi, trong đó có một người tên là Hòa. Hai bạn đó rất thông minh. Tôi nhớ khi bác gái đi chợ về, thằng anh từ tầng trên thả dây xuống, thằng em giã vờ ra đón mẹ, nhưng lấy dây buộc trái chuối hay trái thơm cho thằng anh kéo lên. Dù biết ba tôi là Việt Minh đang thụ án tù, nhưng các gia đình người miền Bắc luôn luôn đối xữ rất tốt với chúng tôi. Ngày rằm hay Tết, cúng gì, cũng để phần cho mấy chị em chúng tôi. Má tôi kể, khi lên Bộ ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa làm hộ chiếu đi Kampuchia thì tình cờ gặp Trung úy Vân. Khi đó má tôi vô cùng lo lắng, nếu Trung úy Vân tố cáo, chắc chắn chuyến đi của cả nhà tôi ra Bắc sẽ thất bại. Vì trước khi đi, buộc phải bán nhà mới đủ tiền mua vé máy bay từ Pnompenh đi Hà Nội. Trong khi hộ chiếu lại khai rằng đi nghĩ hè ở Kampuchia. Khi sinh thời, má tôi luôn nhắc đến Trung úy Vân và cám ơn sự im lặng của ông để gia đình chúng tôi có cơ hội đoàn tụ. Trãi nghiệm tuổi thơ đã dạy tôi sớm biết tấm lòng của đồng bào miền Bắc khi di cư vào Nam. Một xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu biết tôn trong cách yêu nước của người khác. Ký ức tốt đẹp ở tuổi thơ và bài thơ “Hận Sông Gianh ” của Đằng Phương đã dạy tôi sự yêu thương và luôn luôn mong ước sự hòa hợp và hòa giải giữa Bắc- Trung- Nam.

 

Ngôi chùa của tuổi thơ
Vừa lên Pnompenh, cả nhà phải phân tán để tránh bị bắt trả về Sài Gòn. Nhà cưu mang chúng tôi là ông bà Tư, ở cây số 6 gần nhà máy rượu,ngoại ô Pnompenh. Ông bà Tư, gốc ở Quảng Nam, làm nghề tạc tượng Phật. Tôi sang ở chùa cùng huynh Út, ngày ngày dậy sớm gõ chuông, ban ngày đọc sách. Năm 1980, sau khi Kampuchia được giải phóng khỏi diệt chủng Khowme đõ, tôi được cử lên làm Giám đốc Kamsab ( Đại lý tàu biển Kampuchia). Nhờ vậy tôi có cơ hội về tìm lại ông bà Tư nhưng chỉ còn đống tro tàn với gốc cây vú sữa năm xưa.
Tủ sách của chùa khá nhiều. Đạo Bà La Môn dạy : Đời là bể khổ. Câu châm ngôn trên theo tôi nhiều năm và có lẽ đã làm cuộc đời tôi thanh thản đối mặt với mọi khổ ải. Song, tôi tự phản tỉnh lại chính mình, tại sao không biến cuộc đời thành một thiên đường ? Vì vậy tôi tin rằng : Hạnh phúc đâu chỉ là cầu mong  ai đó cho mình hay cho người khác được hạnh phúc mà hạnh phúc là được lao động để mưu cầu hành phúc và hạnh phúc đó sẽ tăng lên bội phần khi kết quả lao động trên được người khác sử dụng để mưu cầu hạnh phúc. Đó là con đường mà tôi đã chọn để tìm những giải pháp hữu ích cho con người trong phạm vị năng lực của chính mình.

 

Ông chủ và thằng ở
Ở chùa mãi cũng chán. Một ông Việt kiều- tôi quen gọi là cậu Hai -đến nhà ông bà Tư chơi và gọi tôi về ở với ông. Ông Hai làm nghề uốn tóc. Việc của tôi là quét nhà và trông cửa. Thấy tôi hay tò mò cầm mấy tờ báo tiếng Việt, ông đưa tôi cuốn “Anh hùng Lê Văn Thọ”. Tôi đọc ngấu nghiến chỉ một ngày là xong và rất thú vị vì khi sống tại Sài Gòn tôi đã nghe tiếng bom nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau này ra Hà Nội, tôi lại có cơ hội gặp và nói chuyện với anh hùng Lê Văn Thọ. Dáng anh nhỏ bé, khiêm tốn, nói ít nhưng để lại tôi một tấm gương của người anh hùng dám xã thân vì đất nước. Thấy tôi ham đọc sách, ông Hai đem ra cho tôi bộ Tây Du ký, rồi Thủy hữ và cuối cùng là bộ Tam Quốc. Nhớ khi hồi ở Sài Gòn, má tôi vừa mua bán vừa nuôi con nên giao cho cô Chín – là cô ruột từ Quảng Nam vào – và chị Hai lo cơm nước. Chị Hai cũng bận học, giúp má bán hàng và vừa trông chừng chúng tôi, lại sợ anh em tôi đi lạc nên luôn gọi tôi phụ việc. Khi đó còn quá nhỏ, tôi không hiểu, nên những lúc đó, tôi chỉ mong ước được ở tù như ba tôi. Trong tù có người lo cơm, chỉ ăn và đọc sách ! Nay lên Pnompenh đi ở, lại được đọc sách thì còn gì sung sướng hơn. Ra Hà Nội phải học thơ Tố Hữu có bài “Đi đi em”, tôi ngạc nhiên sao thằng Phước khổ thế ! Sau này mới hiểu là ông Tố Hữu dạy con người căm thù con người, như vậy cách mạng mới có sức mạnh để chiến đấu hoặc xứ Huế của ông quá nghèo nên con người quá khắc nghiệt với con người. Nhưng quyền viết là quyền của ông Tố Hữu, quyền nghe là quyền của chính mình.

 

Nhà tư bản và thằng công nhân
Đọc hết sách nhà ông Hai, tôi lại chán và đòi đi theo các bạn cùng trang lứa làm ăn. Thằng bạn người Việt, mọi người quen gọi nó là Chó, Chó rũ tôi đi bán bánh mì. Sáng sớm từ cây số 6 đi xe đò vào Trung tâm Pnompenh lấy một bao bánh mì, vác lên vai trở về cây số 6 , vừa đi vừa bán, đến nhà là hết. Vốn chỉ có mấy đồng, lời cũng được vài đồng đũ uống rượu thốt nốt và thích ăn gì đó . Khi đi bán cũng rao như người Kampuchia “Nôm Pang cơ đao sụi Nôm Pang” ( Dịch ra tiếng Việt : Bánh mì nóng giòn , bánh mì). Nghề bán bánh mì phải dậy sớm. Có lần dậy sớm,từ nhà ra đường cái hơi xa , đi chân đất, đạp phải con rắn. Cái lạnh của thân con rắn gây ấn tượng lớn với tôi. Bạn bè biết được rũ tôi đi bán bong bóng bay. Nghề này không phải dậy sớm mà có thể bán cả ngày. Thế là tôi chuyển qua đi bán bong bóng bay. Vác cây bong bóng đến các trường học thấy các bạn cùng trang lứa đi học , còn mình thì đứng ngoài cổng trường chờ bán mà tủi thân với số phận. Mọi việc đang ổn định thì má tôi cho biết đã mua vé máy bay từ Pnompenh đi Hà Nội vào 12/1957. Tôi đến chào từ biệt ông chủ hãng bong bóng. Hôm đó ông chủ mới biết tôi là con gia đình Việt Minh lên Kampuchia tìm đường ra Hà Nội. Tình cảm của ông đối với Hà Nội làm tôi ngạc nhiên khi ông vồn vã hỏi thăm tôi. Khi chia tay, ông tặng tôi hai gói lớn bong bóng. Ra Hà Nội, đúng dịp Tết. Tôi lấy bong bóng ra thổi và đứng bán ở bên bờ Hồ Gươm gần cầu Thê húc. Lúc đó miền Bắc rất hiếm bong bóng, mọi người thấy có bong bóng lại có các hình lạ nên đến mua như tôm tươi. Tôi rất biết ơn ông chủ hãng bong bóng nhưng không biết làm sao cám ơn và cũng không nhớ tên hãng bong bóng. Tình cảm của ông chủ hãng dành cho Hà Nội làm tôi thật sự ái náy. Vì khi ra Bắc tôi mới biết những người như ông chủ hãng bong bóng là kẻ thù của Hà Nội. Có lẽ từ trãi nghiệm trên, tôi đã từng bước tìm ra rằng, nhà tư bản có ba giải pháp để kiếm lợi nhuận : cơ bắp, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ. Cái sau đem lại lợi nhuận nhiều hơn cái trước nên mâu thuẩn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân không phải là mâu thuẩn đối kháng. Rồi từ đó, tôi thấy ngay bài hát của giai cấp công nhân cũng sai “Đấu tranh này là trận cuối cùng ”, mà nên sửa lại “Đấu tranh này là trận bắt đầu” vì sau khi có chính quyền mọi người đều phải vượt qua sự lười biếng chính mình để có trí tuệ và kỹ năng, phải làm việc mới có cái ăn, nhà ở và các nhu cầu khác. Vì ngộ nhận “Đấu tranh này là trận cuối cùng ” và hát  gần 200 năm qua nên  sự tham nhũng, ăn cắp trong chế độ xã hội chũ nghĩa là điều nan giải.
Gần đến ngày 30/4/2019 kỹ niệm ngày thống nhất đất nước, tôi thật sự nhớ và biết ơn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông Trung úy Vân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông bà Tư, ông Hai, ông chủ hãng bong bóng… Tôi không thể trực tiếp để trả ơn những người mà tôi chịu ơn và chỉ có thể hy vọng những nghiên cứu khoa học của tôi sẽ góp chút sức cho đất nước như tấm lòng của họ luôn luôn hướng về sự phồn vinh và hạnh phúc của cả dân tộc Việt Nam.

KS Doãn Mạnh Dũng