Nhận dạng “đô thị thông minh”-Nguyễn Thanh Lâm
Thế nhưng, khái niệm đô thị thông minh dường như đang được hiểu theo nghĩa hẹp là đưa công nghệ thông tin truyền thông (ICT) số hóa những gì số hóa được, những gì mà chính quyền điện tử cải thiện dịch vụ và quản trị công. Điển hình là trong năm 2017, các hội thảo về đô thị thông minh ở Bình Dương quy tụ hàng ngàn đại biểu mỗi lượt gần như chỉ bàn về trọng tâm ứng dụng ICT, Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu mở (open data) và chuyển đổi số (digital transformation).
Nhiều chuyên gia đều nhất trí là ICT và các ứng dụng công nghệ 4.0 trong tương lai là hạ tầng của hạ tầng, là nền tảng quản trị công. Nhưng như thế chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Có thể ví như cây có gốc có cành nhưng chưa có hoa lá, trái ngọt và bóng râm trong tương lai.
Thật ra, đây chỉ là nội hàm đô thị thông minh theo nghĩa hẹp.
Đô thị thông minh là để phục vụ con người, phải được hiểu bao quát hơn, nghĩa là, đô thị thông minh và sống tốt, với bản sắc, những đặc trưng và thế mạnh của chính mình, được kế thừa, xây dựng và hoàn thiện không ngừng để phát triển bền vững.
Đô thị thông minh có từ bao giờ?
Năm 64 sau Công nguyên, nếu hoàng đế Nero, sau cuộc đại hỏa hoạn ở thành La Mã suốt năm ngày đêm, không vạch ra mạng nhện giao thông và những công trình để đời thì sẽ không có một quy hoạch đô thị và kiến trúc tuyệt vời của Roma ngày nay. Câu cửa miệng “con đường nào cũng về La Mã” ẩn hiện một thành phố thông minh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng sống và mỹ quan đô thị tuyệt đẹp.
Nước Anh cũng thế. Sau trận hỏa hoạn thiêu rụi 13.200 căn nhà vào năm 1666, thành phố London được tái thiết với một vẻ đẹp không lẫn vào đâu được, biến dòng sông Thames thành xương sống của đô thị và không bị nhà cao tầng băm nát, chia cắt.
Làng quê Việt Nam cũng đã được tổ chức khá thông minh, như những ghi nhận của nhà địa lý học người Pháp Pierre Gourou, bởi ở đó có lũy tre làng, có sự bình yên, có cuộc sống thanh thản và môi trường trong lành.
Thời nhà Lý, Lý Thái Tổ nhận ra hơn trăm hồ nước và con sông Hồng chạy qua đất Thăng Long mới xứng là thủ đô nước Việt.
Vào thế kỷ 17, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã xác định khu vực Bến Thành là khởi điểm của Sài Gòn đất lành chim đậu, không bị bão lũ, thời tiết và địa lợi rất tốt để phát triển đất phương Nam. Rồi đến người Pháp xây dựng Sài Gòn cũng dựa trên phác thảo của Nguyễn Cửu Đàm (vị quan thời chúa Nguyễn) gần một trăm năm trước. Thật đáng tự hào với quy hoạch thông minh của người xưa.
Thế nhưng, quá trình đô thị hóa tự phát của nửa thế kỷ qua đã biến những vùng đô thị cũ và mới ngày càng xấu đi. Cách áp dụng máy móc kiến trúc nén của hàng chục hàng trăm nhà cao tầng chỉ làm nạn kẹt xe tăng lên đến nghẹt thở, nhất là khi hệ thống giao thông không được mở rộng.
17 mục tiêu của Liên hiệp quốc
Các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hiệp quốc đề ra cho thiên niên kỷ này bao gồm:
(1) Xóa nghèo;
(2) Xóa đói;
(3) Cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi;
(4) Giáo dục chất lượng;
(5) Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái;
(6) Tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh;
(7) Tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy;
(8) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm và công việc tốt;
(9) Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích đổi mới;
(10) Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia;
(11) Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững;
(12) Tiêu dùng và sản xuất bền vững;
(13) Ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó;
(14) Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển;
(15) Quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học;
(16) Thúc đẩy xã hội hòa bình;
(17) Đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
Mô hình thành phố thông minh và lịch lãm không thể không dựa trên những mục tiêu nêu trên và những mục tiêu đặc thù của từng địa phương (kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, khu ổ chuột, kênh rạch và môi trường cần được cải thiện…).
Nhận dạng Smart City theo nghĩa rộng
Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng nhận xét: Thành phố thông minh là công cụ để giúp chính quyền vượt qua một số thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Thách thức mỗi nơi mỗi khác. Ở TPHCM là tắc nghẽn giao thông và ngập lụt. Tại Singapore là ô nhiễm không khí do đốt rừng. Ở Indonesia và sự già đi của dân số khiến cho hệ thống y tế phải chuyển đổi để phù hợp. Do đó, đô thị thông minh ở TPHCM sẽ rất khác với Singapore (*)… Công nghệ chỉ là nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh vẫn là con người. Xây dựng đô thị thông minh là tạo ra kết nối giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân (*).
Theo nhà văn Tạ Duy Anh, một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hóa, lao động việc làm, phân phối…), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh (*).
Doanh nhân Đoàn Hiểu Minh nói: Với tư cách người dân, tôi nghĩ và mong muốn đơn giản, đô thị thông minh phải là nơi đáng sống, là thành phố nhân văn và nâng cao giá trị con người (*).
Theo kiến trúc sư Phan Bảo An và Trần Văn Tâm, khái niệm về “đô thị thông minh” có thể hiểu rộng hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ mà phải hướng đến các giải pháp toàn diện mang tính sáng tạo, tổng hợp các năng lực vốn có trong đô thị nhằm xây dựng các giải pháp quản lý và ứng xử khoa học đối với môi trường sống của chính mình, chung tay xây dựng một môi trường đô thị phát triển bền vững, phục vụ tối đa lợi ích của các cá thể sống trong đô thị (*).
Tạm kết
Nói tóm lại, đô thị thông minh và sống tốt có thể dựa trên nền tảng công nghệ nói chung của giai đoạn xây dựng ban đầu, cần có các nhóm giải pháp, các mô hình với tầm nhìn xa, dựa trên 17 mục tiêu của Liên hiệp quốc và những mục tiêu đặc thù của địa phương. Luôn hoàn thiện chất lượng sống thật tốt cho người dân trên nhiều lãnh vực với ưu điểm nổi trội của chính địa phương mình, tích hợp trong mô hình cả nước vừa hiện đại vừa nhất quán về mặt nền tảng công nghệ. Chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh là hai tiền đề chính và việc xây dựng nó ở các đô thị mới sẽ dễ hơn các đô thị lâu đời.
(*) https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/do-thi-thong-minh.html